Hương vị quê hương: Cá măng thời đắng miệng
Có những món ăn mà chỉ vừa thấy thôi đã dắt mình về miền tuổi thơ xa thẳm. Cá măng là một trong những món như vậy. Cá măng có bộ vảy màu trắng bạc khá đẹp.
Đặc biệt, khi nấu chín rồi, vảy cá vẫn cứ dán chặt vào thân. Phải dùng đũa nạo thì vảy mới chịu bung ra. Loài cá măng “giang hồ” lắm, đâu cũng là quê hương. Nói cách khác, đây là loài cá mà “sổ tạm trú” ghi khá nhiều nơi ở. Nước mặn, nước lợ, nước ngọt, nước gì cá măng sống cũng tốt. Khi thì ở đầm, hồ, sông, suối; lúc thì ở ao, kênh, mương, rạch. Hứng lên thì kéo nhau ra biển vẫy vùng.
Cá măng bơi rất khỏe, săn toàn mồi tươi ngon (là những con cá nhỏ hơn) nên thịt khá săn chắc. Đặc biệt, thịt cá không có vị tanh, lành tính, ngọt thơm, đậm đà nên luôn là phương thuốc chuyên trị “đắng miệng” mỗi khi ốm đau, trái gió trở trời.
Cá măng kho ngọt TRẦN CAO DUYÊN
Video đang HOT
Làng Sa Huỳnh của mình (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) những năm 1970 – 1980 đời sống rất khó khăn. Nhiều gia đình mướt mồ hôi chạy ăn từng bữa. Mẹ hay nói ăn bữa trưa lo bữa tối. Khổ miết rồi cũng quen nên mình cho đó là bình thường. Chỉ không bình thường là những ngày trong nhà có người đau ốm. Ốm đau thì đắng miệng, ăn không được cơm, nhất là cơm độn củ. Mẹ nghĩ tới cá măng. Cá măng kho ngọt thì có đắng miệng cho mấy ăn cơm cũng được vài chén. Hễ ăn được cơm là mau bớt bệnh.
Nhớ hồi đó cá măng ngoài chợ rất hiếm. Mấy bà nội trợ hay nói nếu có cũng… đứng ngó thôi vì cá măng mắc lắm. Nhưng nhà mình có hẳn một “kho” cá măng. Mình có ông cậu ruột làm muối. Những đường mương nhỏ dẫn nước biển vô ruộng muối luôn có cá măng. Cậu không nuôi cá giống. Cậu nói đó là cá từ cửa biển theo con nước tràn vô, sinh con đẻ cháu đông lắm. Chưa kể cậu còn có cái ao cá măng tự nhiên phía sau nhà.
Chị mình kể có lần mình đau, mẹ sai chị lên nhà cậu “trình bày” hoàn cảnh, nói thằng Cu (là mình) bị cảm sốt, đắng miệng… Biết ý nên cậu ngắt lời liền: “Cái vợt dựng ở gốc mít đó. Con ra xúc vài ký cá về nấu ngọt cho thằng nhỏ. Mà nè, nói mẹ mày trót cho nó mấy roi. Ăn rồi cứ đi dang nắng dang non. Đau là phải”.
Nồi cá măng béo nổi sao. Vài lát ớt đo đỏ nằm phía trên mấy khúc cá trắng bạc nhìn “gợi cảm” lắm. Nước cá măng vừa thơm vừa cay, đưa cơm khá dễ dàng. Nói cho ngay, nếu chỉ chan thứ nước “thánh” này thôi thì nồi cơm cũng hết veo. Nhưng cái sung sướng còn nhân đôi nhân ba khi ăn cơm với thịt cá. Miếng cá trắng phau, săn chắc chấm với nước mắm cá cơm nguyên chất thì phải nói đạt tới đỉnh của sự ngon ngọt đậm đà. Mẹ nói ráng ăn cho mau bớt bịnh nghen con. Mình “dạ” rồi nghĩ: “Không cần ráng đâu mẹ. Cơm chan nước cá măng, ăn với thịt cá măng thì ngon… lết tới”.
Bây giờ làng mình cá măng không hiếm nhưng giá cả hơi cao, thường dao động từ 250.000 – 300.000 đồng/kg. Các món nấu từ cá măng cũng nhiều. Chẳng hạn, cá măng chiên giòn, cháo cá măng, canh chua cá măng, cá măng hấp gừng, cá măng kho ớt hiểm. Riêng món gỏi cá măng được cánh đàn ông khen nhiều. Hèn chi mấy ổng hay đọc trại từ “cá măng” thành “cá men”.
Món gì thì món, mình vẫn không quên món cá măng kho ngọt thời… đắng miệng. Vui miệng kể luôn: Hồi đó lâu lâu mình bị cảm xoàng nhưng làm nũng với mẹ là ăn không được, “đắng miệng giả” để được ăn cá măng thật. “Triết lý” của mình là: Cả nhà được bồi dưỡng chớ riêng gì mình mà ngại. Với lại, mỗi lần cậu vét mương, vét ao, mấy mẹ con nhà mình đều tới lăng xăng phụ việc nên ăn cá măng của cậu không có cảm giác “mắc nghẹn” chút nào.
Hương vị quê hương: Thanh nhẹ bánh xèo chay
Về thăm mẹ một chiều tháng bảy âm lịch, đúng lúc mẹ vừa đi chợ về. Trong chiếc giỏ nhựa, thấp thoáng vài cọng hành xanh mướt, một ít nấm, rau quả. Hôm nay đổi bữa, mẹ làm món bánh xèo chay ngày xưa.
Căn bếp nhỏ rộn ràng tiếng nói cười nhắc nhau kỷ niệm thân thương một thời.
Ngày xưa khi tôi còn ở quê, cứ đến những ngày rằm hay mùng một mỗi tháng và suốt tháng bảy âm lịch, cả gia đình tôi ai cũng háo hức chờ đợi những lần được thưởng thức các món chay chứa trọn tình yêu thương do mẹ chế biến... Mùa Vu lan, năm nào gia đình tôi cũng ăn chay, một phần rất tốt cho sức khỏe, giúp cơ thể cân bằng âm dương, thịt thà nhiều thì cũng nên chuyển sang rau củ quả. Mùa Vu lan năm nay thật đặc biệt vì tôi được nghỉ phép về quê, thỏa mong ước tận hưởng những bữa cơm chay và đặc biệt là món bánh xèo chay mẹ đúc.
Bánh xèo chay THANH LY
Để tạo ra mẻ bánh nóng thơm lừng, đủ đầy sắc màu thì khâu chuẩn bị nguyên liệu khá quan trọng. Ngay từ tối hôm trước, mẹ đã ngâm gạo cho mềm hẳn. Sáng sớm trời còn mờ sương, mẹ đem gạo đã ngâm vào cối xay bằng đá để làm bột. Mẹ thường dặn tôi muốn bánh ngon phải chú ý hỗn hợp bột không được quá lỏng hay quá đặc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bánh. Khi bột đã xong, mẹ tiếp tục đun đỏ lửa củi rồi phi thơm hành tím xắt nhỏ, cho nấm rửa sạch và tách nhỏ cùng cà rốt bào mỏng vào xào khoảng vài phút, hạ nhỏ lửa rồi nêm gia vị. Nấm, cà rốt thấm thì cho ra tô để riêng.
Hồi nhỏ tôi là đứa ghiền bánh xèo chay mẹ đúc nhất. Mẹ thường bảo tôi ngồi học bài ở chõng, cạnh chỗ bếp mẹ đúc bánh. Nhờ nhiều lần lén theo dõi mẹ đúc bánh mà tôi được thừa hưởng bí quyết làm bánh xèo của mẹ. Trước khi đúc bánh, mẹ đặt cái chảo nhỏ có cán dài lên, dùng cuống lá chuối tước sẵn để quệt dầu đều mặt chảo. Riêng bột gạo trắng, mẹ trộn với một ít bột nghệ, hành lá xanh, thêm chút muối. Chờ chảo thật nóng mới nhanh tay cầm chiếc gáo múc một vá bột đổ lên chảo, nghiêng cho bột trải đều, thêm nấm và cà rốt vào giữa bánh, rồi đậy nắp vung, chừng dăm ba phút khi mặt trên của bánh xốp và khô, viền bánh co lại, tróc ra thì bánh đã chín. Nhanh tay đưa bánh ra khỏi chảo. Cứ thế đúc cho đến khi thau bột vơi dần. Có thể thêm giá, đậu khuôn hoặc một ít chả chay để bánh thêm nhiều vị.
Mỗi lần đổi động tác khi làm bánh, mẹ lại liếc mắt canh chừng xem tôi có chú tâm học hay không. Thi thoảng, bánh chín thơm quá tôi liền lân la vừa học bài, vừa nhân nha khèo bánh. Bánh xèo chay mẹ đúc bao giờ cũng ôm trọn hương vị thanh nhẹ, mang đến cảm giác thanh tịnh, mát mẻ và bình yên. Dù hiện tại nơi phố thị tôi đang sống, chỉ cần bước chân ra khỏi cổng đã có thể mua được một chiếc bánh xèo giòn đủ các loại nhân: trứng, tôm, thịt làm sẵn; nhưng với tôi, mâm bánh chay nóng hổi mà mẹ làm trong những ngày tháng bảy Vu lan vẫn luôn là món ngon nhất trong tâm trí.
Bao năm rồi, đôi tay gầy guộc của mẹ vẫn giữ thói quen chăm chút từng chiếc bánh xèo cho các con. Tiếng cười của mẹ giòn tan mặc cho thời gian trôi đi trên nếp nhăn và mái tóc bạc. Ôi, bánh xèo chay một ngày tháng bảy - một thời thương nhớ, cho ngày về thăm quê thêm ấm áp tình thâm...
Bánh lọc xứ Lệ Bánh bột lọc ( ảnh) là thức quà miền Trung có vị mát thanh thanh của bột lọc, thơm ngọt béo bùi của tôm thịt. Đây là món ăn mà khi đến miền Trung bạn nhất định phải thưởng thức một lần. Nhớ lúc nhỏ, mỗi lần mạ (mẹ) làm bánh bột lọc mà ở quê còn hay gọi là béng sắn là...