Hương vị quê hương: Bữa cơm không thể nào quên
Đời người không ai muốn đắng cay. Nhưng vị đắng và cay của lòng cá, của nước cá đối, cá sòng thì ai cũng muốn.
Sau mấy tháng ở Sài Gòn trong con hẻm bị giăng dây vì Covid-19, con gái về nhà, tuân thủ “chế độ 3 riêng”: phòng riêng, ăn riêng, ngủ riêng. Kết thúc thời gian “tuy gần mà xa”, con gái vỡ òa hạnh phúc với bữa cơm đoàn tụ đầu tiên sau gần nửa năm chia cách.
Con bé nói, bữa cơm như xưa, món ăn như cũ mà có lúc cho cảm xúc như mới. Cá đối chiên, cá sòng nấu ngọt, đậu bắp luộc mà “buộc” con gái phải rưng rưng. Tôi biết những ngày ở phố, trong nỗi nhớ nhà, nhớ quê, một cái làng ven biển cực nam tỉnh Quảng Ngãi, cô bé nhớ cả mâm cơm với những món quê thân thuộc.
Nghề chính của làng là đánh cá. Đang mùa gió nên biển ít cá lắm. Ra ngoài cửa biển chừng vài hải lý bủa lưới kiếm con cá thật không đơn giản chút nào. Sóng và gió làm con thuyền rung lắc liên tục. Nhưng biển càng làm khó ngư phủ bao nhiêu thì con cá càng được giá bấy nhiêu. Đặc biệt, mùa này sông trôi về biển khá nhiều phiêu sinh vật làm mồi cho cá. Bởi vậy cá mùa này ngon, thơm, rất đậm đà.
Bữa cơm đoàn tụ TRẦN CAO DUYÊN
Video đang HOT
Làm cá đối và cá sòng chỉ cần chặt vi, đuôi và móc bỏ mang thôi. Bộ lòng để nguyên vì nó có hương vị khá đặc biệt: hơi nhân nhẩn, bùi và béo. Trong mâm, người lớn thường được con cháu mời bộ lòng cá. Vẩy cá đối khi chiên lên ăn rất giòn và thơm. Riêng với cá sòng nấu ngọt, ăn trúng vẩy là “tai họa” vì vẩy rất cứng và nhọn.
Bởi vậy nên khi dọn cá sòng lên người ta không ăn ngay mà dùng đũa cạo đi lớp vẩy. Thịt cá sòng và cá đối thuộc loại lành tính, dinh dưỡng cao. Nước chấm chỉ nên là mắm ớt tỏi nguyên chất. Đây là thứ nước chấm gọi hết cái ngon ngọt của miếng cá ra, làm cho miếng cá càng thêm mặn mà. Người ăn lạt có thể thêm vào chén mắm “rin” tí nước lọc, ít đường và vài giọt chanh. Tuy nhiên, loại nước chấm pha trộn này phải chấm hơi ngập miếng cá thì ăn mới đã.
Với cá sòng và cá đối thì cái câu “khôn ăn cái dại húp nước” không hẳn đúng. Câu đó chỉ “minh triết” đối với ốc luộc thôi. Còn với hai loại cá nói trên, nếu là nấu ngọt, gia vị bình thường, thêm chút hành đập dập và vài lát ớt thì thơm ngon phải biết. Khi đó, thịt cá là điểm nhấn. Còn nước cá là suối nguồn ngon ngọt. Nước cá cay cay dường như chưa đủ đô, phải vớt miếng ớt đã chín trong tô lên, cắn một phát để “cay cay” nâng cấp lên “rất cay” thì mới đã.
Đời người không ai muốn đắng cay. Nhưng vị đắng và cay của lòng cá, của nước cá đối, cá sòng thì ai cũng muốn. Nước cá húp suông cũng ngon, chan cơm ăn cũng trơn tru, chan với bún tươi lại càng vào.
Chợt con bé nói, nước cá ngon quá, lại còn nhiều, con đi mua bún nghen, mỗi người ăn thêm chén bún cho vui. Con cũng muốn ăn bún chan nước cá để “nhớ ơi, chào mi, ta về nhà rồi”. Chắc là “phân khúc” nước cá chan bún luôn trong vùng tiềm thức của nó.
Lâu lắm rồi nhà tôi mới có một bữa cơm “sạch mâm”, trừ xương cá. Con một thân một mình trong phòng trọ giữa dịch bệnh, mình ở nhà lo thắt ruột, ăn không thấy ngon nên bữa nào cũng còn thừa.
Cái món đậu bắp chấm xì dầu khiêm lặng vậy mà cũng không có… lý do tồn tại. Con bé cũng thích món màu xanh vườn nhà. Nó nói, cá thịt mang dinh dưỡng vào cơ thể là để kiến tạo; còn rau quả để thanh lọc, cân bằng, hài hòa. “Tốt nghiệp cấp 4 rồi mà. Ăn nói có vẻ luận lý đó chứ”, tôi khen.
Bữa cơm cá sòng, cá đối, đậu bắp trưa nay chắc sẽ là một bữa cơm quây quần không thể nào quên cho cả gia đình nhỏ của tôi. Vừa dọn mâm, con bé nói, chiều nay lại cá đối, cá sòng nữa đi. Ngon quá mà. Còn chuyện đổi món để mai tính nghen má.
Hương vị quê hương: Thèm quá đậu vườn kho cá
Mỗi lần về quê, tôi luôn được má nấu cho những món thật ngon. Đơn giản chỉ là mấy trái đậu vườn kho cá, ấy vậy mà bữa cơm rất xôm tụ.
Những đứa cháu đua nhau kể chuyện "chụp ếch" khi đi hái đậu, những cánh tay vui vẻ tranh nhau quả đậu rồi cười giòn tan, tiếng hít hà khen ngon cùng tiếng chẹc lưỡi của má: "Mỗi lần ăn món này lại nhớ ông ngoại con".
Đậu vườn hái xong đem vào kho cá THANH LY
Tôi nhớ ngày xưa hồi ông ngoại còn sống, nhà tôi hay ăn món này vào những ngày trời gió mưa, đường sá lầy lội. Hơn hai mươi năm trước, ở xóm núi trung du Quế Sơn (Quảng Nam) quê tôi làm gì có chợ hằng ngày. Muốn đi chợ, má phải đi bộ cả hai chục cây số mới đến được chợ huyện. Ngại má trời mưa đi chợ trơn trượt dễ té ngã, ông ngoại tôi xách cần câu ra nói với má: "Con đừng đi chợ, để cha ra mấy cái mương ngoài vườn bắt con cá lóc". Bữa nào bắt được cá nhỏ thì má nấu canh chua kho tiêu ăn cơm, còn hôm nào được cá lớn thì bữa đó có được nồi cá kho với đậu vườn ngon lành.
Nhờ những con cá ông ngoại bắt và đậu má trồng ngoài vườn, bữa cơm gia đình tôi những ngày đông càng thêm ấm áp. Tưởng chừng chỉ để làm món chính ăn cơm nhưng má tôi thường trổ tài mỗi lần ông ngoại có bạn hữu đến nhà. Tôi vẫn nhớ như in vẻ mặt hãnh diện của ngoại khi nghe bạn vừa hít hà vừa xuýt xoa khen "ngon, ngon thật". Mà đúng vậy, đâu riêng gì món này, với gia đình tôi món nào dưới bàn tay chế biến của má đều thấy hấp dẫn.
Từ ngày ông ngoại mất, má vẫn giữ thói quen nấu món dân dã đậu kho cá truyền thống của gia đình. Vẫn những đậu đũa, đậu la ve, đậu ván, một tay má chăm bón nhưng thay vì cá lóc má lại kho cá ngừ, cá nục của các dì, các cô miệt biển bán trên những chiếc xe cá di động. Má bảo: "Ông mất không còn ai đi bắt cá cho má nấu nhưng nồi cá biển kho đậu hương vị vẫn ngon và làm má đỡ nhớ ông".
Những hôm về quê, tôi mon men xuống bếp phụ má. Sơ chế các nguyên liệu và chuẩn bị hành, tỏi, tiêu giã nhuyễn, ớt thái nhỏ. Cá sau khi rửa sạch, để ráo thì ướp thấm thía với một ít dầu phộng khoảng 20 phút. Sau đó bắc chảo lên bếp kho nhỏ lửa. Thịt cá hơi săn thì bỏ đậu vào và cho thêm nước đun sôi, để lửa nhỏ. Khi đậu vừa chín, có thể chăm chút thêm mẻ cá bằng cách rắc thêm một ít tiêu giã dập, hoặc ớt bột, vừa để trang trí vừa làm tăng thêm hương vị, nhìn vào là phát thèm.
Bới bát cơm trắng nóng hổi, chan một lớp nước cá rồi ăn cùng miếng cá, thấm gia vị. Món ăn giản dị như vậy thôi nhưng lại hiệu quả không ngờ, cơm hết veo rất nhanh. Từ thuở bé thơ cho đến bây giờ, tôi vẫn thích đậu vườn kho cá. Hương thơm của đậu hòa quyện với vị beo béo của cá, cùng với đó là một đĩa rau luộc, ăn kèm với cơm nóng trong những ngày mưa lạnh thì ngon hết sẩy.
Tằm cọ Phú Thọ đậm đà hương vị quê hương Tằm cọ Phú Thọ hấp dẫn người thưởng thức bởi chất men say đậm đà của hương rừng, hương đất trong một sự giao hoà tinh tế. Các bạn hãy cùng Thế Giới Ẩm Thực tìm hiểu đôi nét về món tằm cọ Phú Thọ qua bài viết sau nhé! Tằm cọ Phú Thọ Tằm cọ Phú Thọ đậm đà hương vị quê...