Hướng tới vị thế quốc gia trọng điểm toàn cầu
Chuyến đi 6 ngày của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tới châu Âu đã mở ra chương mới trong quan hệ với Anh thông qua ký kết hiệp định về nâng cấp quan hệ an ninh và kinh tế, đồng thời thu hút sự ủng hộ vào phút chót của Pháp đối với nỗ lực giành quyền đăng cai Hội chợ triển lãm thế giới (World Expo) 2030 cho thành phố cảng Busan.
Nhà Vua Anh Charles III (thứ 2, trái) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (thứ 2, phải) tại lễ đón ở London ngày 21/11/2023. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Nền móng cho liên minh an ninh kinh tế Hàn – Anh trong giai đoạn mới
Chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk Yeol tới Anh đã mang lại những kết quả quan trọng với việc hai bên ký kết Hiệp ước Phố Downing và chính thức khởi động các cuộc đàm phán nhằm nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương. Đây được coi là những nền tảng quan trọng để hai nước đưa hợp tác song phương lên một tầm cao mới.
Diễn ra nhân 140 năm quan hệ ngoại giao song phương, Tổng thống Yoon Suk Yeol và đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee là những vị khách cấp nhà nước đầu tiên của Anh kể từ khi Nhà vua Charles III đăng quang vào tháng 5. Điều này cho thấy tầm quan trọng đặc biệt mà Anh đặt vào mối quan hệ với Hàn Quốc.
Phát biểu trước Quốc hội Anh, ông Yoon Suk Yeol đã trình bày tầm nhìn về hợp tác tương lai trong lĩnh vực an ninh, thương mại và công nghệ kỹ thuật số. Hai bên đã công bố hiệp định phổ quát, đặt ra 45 nhiệm vụ sẽ thực hiện nhằm nâng quan hệ an ninh và kinh tế lên mức cao nhất. Theo đó, mối quan hệ song phương được nâng lên “đối tác chiến lược toàn cầu” từ “đối tác rộng rãi và sáng tạo” được thiết lập năm 2013.
Video đang HOT
Hiệp ước Phố Downing được giới phân tích nhìn nhận là nền tảng quan trọng giúp củng cố quan hệ đối tác lâu đời dựa trên các giá trị chung giữa hai nước trong mọi lĩnh vực từ quốc phòng, an ninh đến thương mại và công nghệ. Theo đó, Hiệp ước mở rộng mối quan hệ hợp tác theo hướng toàn diện, hướng tới tương lai, bao gồm các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và nỗ lực chung giải quyết các vấn đề an ninh quốc tế, khu vực. Anh và Hàn Quốc cam kết hợp tác an ninh và quốc phòng trên diện rộng.
Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, hai bên nhất trí thiết lập quan hệ đối tác trong lĩnh vực kỹ thuật số nhằm tăng cường hợp tác đa dạng hóa chuỗi cung ứng viễn thông, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ kỹ thuật số, năng lượng hạt nhân, vũ trụ, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử và năng lượng sạch. Hai quốc gia đi đầu trong lĩnh vực chính phủ điện tử này cũng nhất trí chia sẻ kinh nghiệm sử dụng AI trong khu vực công, xây dựng tiêu chuẩn cho chính phủ điện tử nhằm đáp ứng sự phát triển của công nghệ AI.
Truyền thông Hàn Quốc đánh giá cao trọng tâm hợp tác song phương trong các lĩnh vực như AI, năng lượng hạt nhân, sinh học, không gian và chất bán dẫn, đồng thời xem đây là nội hàm mới trong quan hệ song phương hướng tới tương lai.
Cùng với đó, hơn 30 thỏa thuận hợp tác về kinh tế, công nghiệp đã được ký kết. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cam kết mức đầu tư kỷ lục lên tới hơn 21 tỷ bảng Anh vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng xanh tại Anh, dự kiến tạo ra hơn 1.500 việc làm. Sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận là việc hai bên tiến hành vòng đàm phán đầu tiên nhằm nâng cấp FTA song phương.
Hàn Quốc là quốc gia châu Á đầu tiên Anh ký kết FTA sau khi rời Liên minh châu Âu (EU). FTA giữa hai nước chính thức có hiệu lực từ năm 2021. Giới chức Hàn Quốc nhấn mạnh rằng để đối phó với những xu hướng mới của thương mại toàn cầu, các cuộc đàm phán sắp tới sẽ tập trung vào việc thiết lập một FTA thế hệ thứ ba, trong đó đặt ra các quy tắc mới, đặc biệt trong các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, kỹ thuật số. Vòng đàm phán đầu tiên về nâng cấp FTA dự kiến diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng 1/2024.
Hai quốc gia cũng nhất trí hợp tác chặt chẽ trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Anh, quốc gia đã công bố đầu tư hơn 1,25 tỷ USD cho hạ tầng nhằm đảm bảo sự phát triển của lĩnh vực then chốt trong vòng 1 thập niên tới sẽ được đảm bảo đáng kể khi hợp tác trong lĩnh vực này với Hàn Quốc, nước có các tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất chíp bán dẫn tiên tiến như Samsung Electronics và SK hynix. Đây được xem là những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước không chỉ mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hai bên mà còn giúp giảm thiểu đáng kể các cú sốc do đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tìm động lực cho tăng trưởng kinh tế tương lai của Hàn Quốc
Trong khi chuyến thăm Anh tập trung làm rõ các nội dung hợp tác rộng rãi toàn diện Hàn – Anh trong giai đoạn mới thì chuyến đi Paris lần thứ hai của Tổng thống Yoon được xem là mang mục tiêu hướng tới tương lai, tìm động lực cho tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong thời đại công nghiệp 4.0.
Năm 2023 đánh dấu 35 năm Hàn Quốc đăng cai Đại hội thể thao Olympic và Paralympic Seoul 1988, qua đó giới thiệu với thế giới về một Hàn Quốc sôi động, hiện đại và có động lực phát triển to lớn trong nhiều thập niên tiếp theo.
Hàn Quốc là quốc gia duy nhất trong lịch sử hiện đại đã vươn lên từ nước nhận tài trợ thành nước tài trợ chỉ trong vài thập niên, có sức tác động và ảnh hưởng về kinh tế, văn hóa đến nhiều quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Trong chuyến đi Paris lần này, biểu tượng làn sóng Hàn (Hallyu) đã được Tổng thống Yoon Suk Yeol tận dụng tối đa để cho thấy màu sắc phong phú và sự tăng trưởng vượt bậc về chất của đất nước Hàn Quốc cũng như tác động văn hóa toàn cầu của nước này đến rất nhiều lĩnh vực công nghiệp sáng tạo.
Ông Yoon Suk Yeol đã nỗ lực nêu bật tầm nhìn của Hàn Quốc trong việc biến World Expo thành nơi kết nối các thế hệ tương lai, đặt nền móng để chia sẻ, giải quyết các thách thức của nhân loại, bao gồm chiến tranh và xung đột, khoảng cách kỹ thuật số và biến đổi khí hậu. Hàn Quốc cam kết chia sẻ kinh nghiệm phát triển với cộng đồng quốc tế, cung cấp các gói tài trợ lớn để thúc đẩy hợp tác, giao lưu văn hóa, nguồn nhân lực giữa các thế hệ trẻ, lan tỏa sáng tạo, tạo ra sức mạnh tổng hợp của thời đại.
Hàn Quốc đã nộp đơn xin đăng cai tổ chức sự kiện vào cuối tháng 6/2022 chậm hơn so với các đối thủ. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã tập hợp được mô hình vận động công tư, liên kết giữa chính phủ và các tập đoàn lớn như Samsung, SK, Hyundai Motor, LG và Lotte để chứng minh cho thế giới thấy mong muốn và quyết tâm cao của nước này trong việc giành quyền đăng cai World Expo. Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã vào cuộc cùng các cơ quan chính phủ, huy động mọi mạng lưới sẵn có trên toàn cầu nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nước thành viên. World Expo 2030 là dự án quy mô lớn dự kiến sẽ có tác động kinh tế lên tới 61 nghìn tỷ won và tạo ra hơn 500.000 việc làm. Giống như Olympic 1988 và World Cup 2002 đóng vai trò là bước ngoặt cho bước nhảy vọt của đất nước, đây là cơ hội lớn nhằm tiếp thêm sức sống mới cho nền kinh tế xứ sở Kim Chi.
Có thể thấy, chuyến công du vừa qua của Tổng thống Yoon Suk Yeol giúp củng cố hơn nữa đường hướng chiến lược trong chính sách đối ngoại nhằm đưa Hàn Quốc thành quốc gia trọng điểm toàn cầu (GPS) dựa trên các chuẩn mực giá trị chung vì tự do, hòa bình và thịnh vượng. Cùng với việc nâng cấp quan hệ với Mỹ lên “đối tác chiến lược toàn diện toàn cầu”, việc nâng cấp quan hệ với Anh, đối tác truyền thống quan trọng tại châu Âu và củng cố quan hệ với Pháp, quốc gia có ảnh hưởng lớn tại khu vực, là bước đi tiếp theo nhằm hiện thực hóa các thiết kế của Chính phủ Hàn Quốc để đưa nước này lên tầm mức mới tương xứng với vị thế của nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới.
APEC 2023: Hàn Quốc, Nhật Bản hướng tới mục tiêu tăng cường hợp tác song phương
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 16/11 đã lên tiếng bày tỏ hy vọng về tương lai hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) tại cuộc gặp ở Vilnius (Litva), ngày 12/7/2023. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN
Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại San Francisco (Mỹ) nhân dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Phát biểu mở đầu cuộc gặp, Tổng thống Yoon Suk Yeol đánh giá trong năm 2023, "hợp tác song phương đang đi vào chiều sâu với việc tái kích hoạt những hoạt động giao lưu ở các cấp, bao gồm cả cấp thượng đỉnh, và khôi phục hoạt động của các cơ quan tham vấn giữa hai chính phủ", đề cập đến "sự hồi sinh" của hàng loạt cơ chế thảo luận song phương về chính sách an ninh, an ninh kinh tế và đối thoại cấp Thứ trưởng Ngoại giao.
Tổng thống Yoon Suk Yeol khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Thủ tướng Fumio Kishida để tạo điều kiện cho Hàn Quốc và Nhật Bản "liên kết chặt chẽ trong từng lĩnh vực".
Về phần mình, Thủ tướng Kishida lưu ý hai bên đã gặp nhau lần thứ 7 trong năm nay. Ông bày tỏ cảm thấy "an tâm" về sự hợp tác chặt chẽ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong quá trình hồi hương công dân hai nước giữa lúc nổ ra cuộc xung đột Hamas-Israel.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản chia sẻ: "Đến nay, tôi đã phối hợp với Tổng thống Yoon Suk Yeol về quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm chính trị, đảm bảo an ninh, kinh tế và văn hóa. Tôi hy vọng thúc đẩy hơn nữa những bước đi này".
Ngoài ra, Thủ tướng Kishida cũng đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc dẫn dắt thế giới hướng tới mục tiêu hợp tác, không chia rẽ và xung đột, đồng thời bày tỏ tin tưởng Nhật Bản và Hàn Quốc có thể hợp tác với nhau trong tư cách là những đối tác.
Phép thử tương lai của một liên minh chính thức Theo kế hoạch, ngày 18/8, Tổng thống Mỹ Biden sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Trại David gần thủ đô Washington. Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại cuộc...