Mỹ – Nhật – Hàn cam kết tham vấn trước các mối đe dọa chung
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc đưa tin Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nhất trí tham vấn với nhau trong trường hợp xuất hiện các mối đe dọa chung, nâng quan hệ đối tác ba bên lên một tầm cao mới, như một phản ứng trước những thách thức về an ninh và kinh tế đặt ra.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (từ trái sang) tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên ở Trại David, bang Maryland (Mỹ) ngày 18/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Ba nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận trên trong hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Trại David, bang Maryland, Mỹ với tên gọi “Cam kết Tham vấn giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ”. Thỏa thuận này nhấn mạnh sự cấp thiết của phản ứng trước những thách thức chung, như mối đe dọa hạt nhân và gián đoạn chuỗi cung ứng, sau lịch sử nhiều năm căng thẳng giữa Seoul và Tokyo đã ngăn chặn hợp tác ba bên sâu hơn.
Cam kết Tham vấn là một trong số nhiều thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh. Thỏa thuận bao trùm, nằm trong một tuyên bố chung có tiêu đề “Tinh thần của Trại David”, kêu gọi tổ chức các cuộc họp ba bên thường niên giữa các nhà lãnh đạo, các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng và cố vấn an ninh quốc gia, cũng như cuộc gặp ba bên đầu tiên giữa các bộ trưởng tài chính.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo đã công bố kế hoạch tiến hành các cuộc tập trận phòng thủ ba bên, triển khai chia sẻ dữ liệu thời gian thực về cảnh báo tên lửa Triều Tiên trong năm nay, và thành lập một nhóm làm việc để chống lại các mối đe dọa trên mạng.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về an ninh kinh tế và cam kết hợp tác về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và ngăn chặn xuất khẩu bất hợp pháp hoặc đánh cắp các công nghệ tiên tiến.
Video đang HOT
Trong ảnh (từ trái sang): Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong cuộc họp báo chung sau Hội nghị thượng đỉnh ba bên ở Trại David, bang Maryland (Mỹ) ngày 18/8/2023. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Ngoài ra, tuyên bố chung bày tỏ mối quan ngại chung của ba nước về “những hành động không phù hợp với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, nhắc lại lập trường đã được công bố riêng của mỗi bên về an ninh ở Biển Đông cũng như khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Đồng thời, các nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.
Phép thử tương lai của một liên minh chính thức
Theo kế hoạch, ngày 18/8, Tổng thống Mỹ Biden sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Trại David gần thủ đô Washington.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/6/2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Đây sẽ là lần đầu tiên ba nhà lãnh đạo này cùng nhau tiến hành một hội nghị thượng đỉnh ba bên độc lập. Các bên dự kiến sẽ ra tuyên bố chung với những nội dung như đồng ý thiết lập các cuộc họp ba bên thường niên, phác thảo sự hợp tác ba bên trong các lĩnh vực phát triển tên lửa, an ninh mạng, an ninh kinh tế và vấn đề CHDCND Triều Tiên...
Tháng 5/2023, Tổng thống Biden đã đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên trong bối cảnh quan hệ Nhật - Hàn đang ấm lên. Washington muốn tạo ra một khuôn khổ hợp tác bền vững và ổn định trước những thay đổi về lãnh đạo tại ba nước cũng như những thay đổi trong cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy, có thể thấy mục tiêu đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh lần này là "thể chế hóa" hợp tác ba bên thành một khuôn khổ chính thức.
Bà Ellen Kim, Phó Giám đốc Ban nghiên cứu Hàn Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận định hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn lần này có tầm quan trọng chiến lược đối với cả ba nước, cho phép các nhà lãnh đạo mở rộng và thể chế hóa hợp tác ba bên trước "những bất ổn ngày càng tăng" trong môi trường an ninh khu vực và toàn cầu.
Theo bà, với việc đạt được những bước đột phá trong việc hàn gắn quan hệ, cả Seoul và Tokyo đều có nhiều không gian chính trị hơn để thảo luận và điều hướng hợp tác song phương cũng như phối hợp ba bên với Washington.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Liu Lin thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính trị quốc tế, Đại học Hữu Hà Tử ở Tân Cương (Trung Quốc), cho rằng vẫn còn một chặng đường dài phía trước để mối quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn phát triển thành một liên minh ba bên chính thức, về cơ bản đây vẫn là hình thức của một quan hệ đối tác hoặc hợp tác an ninh ba bên. Theo chuyên gia này, quan hệ giữa ba nước sẽ trở nên thân thiết hơn trong thời gian ngắn nhưng những thách thức thực tế như mâu thuẫn lịch sử, lợi ích của các bên khác nhau và sự khác biệt về nhu cầu lợi ích đối với Trung Quốc sẽ là yếu tố cản trở sự phát triển của liên minh.
Chuyên gia Shihoko Goto, quyền giám đốc Chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson, đánh giá thành công của hội nghị thượng đỉnh ba bên sẽ phụ thuộc vào tính bền vững của mối quan hệ đối tác giữa hai nền kinh tế hùng mạnh ở châu Á. Trong khi cả Washington và Tokyo đều công khai hoan nghênh các đề nghị do Tổng thống Yoon Suk Yeol khởi xướng, nhà lãnh đạo Hàn Quốc tiếp tục đối mặt với sự phản đối chính trị đáng kể đối với tầm nhìn của ông nhằm tăng cường quan hệ với Nhật Bản. Bên cạnh những căng thẳng liên tục về ký ức lịch sử, kế hoạch xả nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản đã trở thành một nguồn xung đột mới giữa hai bên. Trong khi đó, chủ quyền đối với quần đảo mà Nhật Bản gọi là Takeshima còn Hàn Quốc gọi là Dokdo vẫn là nguồn gốc căng thẳng chính trị giữa hai nước.
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Hòa bình và An ninh (RIPS) có trụ sở tại Tokyo, ông Hideshi Tokuchi, cũng thừa nhận cơ sở để thể chế hóa sự hợp tác ba bên này vẫn chưa đủ mạnh, trong đó đáng chú ý là mối quan hệ Nhật - Hàn vẫn còn tiềm ẩn các yếu tố rủi ro. Chính vì vậy, chuyên gia Hideshi cho rằng không nên kỳ vọng quá lớn vào cuộc gặp tại Trại David.
Dự kiến ba nhà lãnh đạo sẽ đạt được nhất trí đối với vấn đề hợp tác an ninh, trong đó có việc tiến hành các cuộc tập trận chung thường niên chống tàu ngầm và phòng thủ tên lửa có sự tham gia của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF), quân đội Mỹ và quân đội Hàn Quốc.
Junichi Takase, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nghiên cứu đối ngoại Nagoya, nhận định quốc tế đang chứng kiến sự gia tăng các khuôn khổ do Mỹ dẫn đầu. Đối thoại ba bên này cũng theo hình thức tương tự đối thoại an ninh bốn bên giữa Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ.
Ông Daniel Sneider, giảng viên nghiên cứu về Đông Á tại Đại học Stanford, đánh giá chính quyền của Tổng thống Biden đã thúc đẩy rất nhiều để Tokyo và Seoul khôi phục quan hệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác an ninh ba bên, bởi vì ba nước càng có thể hợp tác với nhau trong nhiều lĩnh vực, từ phòng thủ tên lửa đến an ninh hàng hải, thì Mỹ càng dễ dàng thực hiện mục tiêu an ninh rộng lớn hơn của mình.
Tuy nhiên, hợp tác trong lĩnh vực an ninh vẫn sẽ đối mặt trở ngại. Một cựu quan chức Mỹ cho rằng Washington đang dự kiến "những động thái nhằm kéo ba nước xích lại gần nhau hơn trong lĩnh vực an ninh" nhưng "Mỹ có thể đang đòi hỏi quá nhiều vì việc đạt được một khuôn khổ an ninh tập thể của ba nước là một chặng đường rất xa". Mỹ có các hiệp ước an ninh riêng rẽ với Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng không có thỏa thuận nào để liên kết cả Hàn Quốc và Nhật Bản vào các hoạt động an ninh chung. Các quan chức lưu ý rằng Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật không cho phép thực hiện các hoạt động phòng thủ tập thể ba bên.
Bên cạnh đó, việc ba nước thống nhất để có thể chia sẻ dữ liệu về các hoạt động tên lửa của Triều Tiên trong thời gian thực được cho là một diễn biến có thể châm ngòi phản ứng từ Trung Quốc. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) tuyên bố những nỗ lực của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm tích hợp hệ thống radar để theo dõi tên lửa của Triều Tiên "làm tổn hại đến lợi ích an ninh chiến lược của các quốc gia khác", đồng thời chỉ trích quan hệ hợp tác quân sự ba bên này.
Phó Giáo sư Liu Lin cho rằng mức độ hợp tác an ninh giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ giữa Tokyo với Seoul và đây chính là yếu tố tiềm ẩn rủi ro. Theo chuyên gia này, Hàn Quốc là quốc gia không muốn tham gia vào cuộc cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc vì Bắc Kinh là đối tác kinh tế quan trọng của Seoul. Hàn Quốc cũng không muốn can dự sâu vào vấn đề Đài Loan vì mối lo ngại về an ninh của nước này chủ yếu đến từ Triều Tiên. Thứ ba, mỗi quốc gia có ưu tiên chiến lược riêng và quan điểm khác nhau đối với Trung Quốc trong hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chiến lược của Mỹ và Nhật Bản đối với Trung Quốc nhấn mạnh đến sự cạnh tranh và thậm chí là đối đầu, trong khi Hàn Quốc tin rằng có cơ hội hợp tác trong quan hệ với Trung Quốc.
Có thể nói, bài kiểm tra thực sự của cuộc gặp tại Trại David sẽ là kết quả dàn xếp những khác biệt trong mục tiêu chiến lược của ba nước và mức độ thể chế hóa quan hệ ba bên để đảm bảo sự hợp tác ổn định trước những thay đổi chính trị tại mỗi nước.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã gọi Nhật Bản là "đối tác cùng chung các giá trị phổ quát". Vào một thời điểm rất thuận lợi như hiện nay để nâng quan hệ lên một tầm cao mới, Washington kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên này sẽ trở thành cơ hội lịch sử, mở ra một chương mới cho quan hệ Mỹ-Nhật-Hàn.
Một cuộc gặp lịch sử Hội nghị Thượng đỉnh ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc sẽ lần đầu tiên diễn ra tại Trại David, gần Thủ đô Washington DC vào ngày 18/8 tới. Đây sẽ là thời điểm lịch sử chứng kiến sự hợp nhất giữa hai liên minh Mỹ-Nhật và Mỹ-Hàn trở thành một khuôn khổ hợp tác vững chắc và không thể đảo...