Hương quê ong non xào khế chua
Cuộc sống và công việc khiến tôi nay đây mai đó và được thưởng thức nhiều của ngon vật lạ trên đời. Ấy thế mà tôi không sao nguôi nhớ món ong non xào khế chua, món ăn được biết đến như một hương vị lạ nhưng rất đặc trưng của người Hà Nam quê tôi. Ong non ngọt, thơm, có vị ngậy rất riêng, kèm theo vị chua dịu của khế xào chung nên thật ngon miệng.
Nhớ lắm bữa cơm cùng gia đình có món ong non xào khế chua do mẹ làm. Món ong non xào khế chua là một món ăn mà hầu hết người dân quê tôi đều thích và việc chế biến cũng rất đơn giản. Ong bắt đầu xây tổ khoảng tháng tư, tháng năm và đến độ đầu tháng tám là tổ ong đã sinh sản ra nhiều ong non nhất.
Trước tiên, người ta chọn những con ong non vẫn chưa ra tổ, nhìn béo tròn, mập mạp đem rửa qua bằng nước lạnh để ráo nước. Sau đó cho mỡ vào chảo, phi thơm hành mỡ rồi cho ong vào đảo đều. Để món ong non xào ngon cái cốt yếu là cho đầy đủ gia vị như nước mắm, bột nêm và một thứ không thể thiếu đó là tương, bởi tương làm nên mùi vị đặc trưng của món ong non xào.
Video đang HOT
Lấy ong non ra khỏi tổ. Ảnh: Internet.
Lựa những quả khế đừng già và cũng đừng non quá, rửa sạch, xắt miếng mỏng, ngâm nước muối cho bớt chua. Đợi khi nào ong non đã ngả sang màu vàng thì cho khế chua vào xào. Khế chua rất nhanh chín nên khi nấu cần cho nhỏ lửa. Chế biến ong non xào khế chua không cần phải cho thêm bất cứ loại rau thơm nào, chỉ cần thêm một chút cay của ớt cho món ăn có thêm hương vị đậm đà. Ong non xào khế chua ăn rất ngon, mềm mại cùng với vị cay của ớt, vị thơm lừng của mắm nêm làm cho người khó tính cũng phải tấm tắc khen ngon. Món ăn này thường ăn kèm với dưa muối hoặc củ kiệu muối, thêm ly rượu ngô càng làm say đắm lòng người.
Nếu đã một lần được nếm thử ong non xào khế chua, bạn sẽ có ấn tượng khó quên bởi vị thơm ngậy của ong và mỡ hòa quyện cùng vị chua dịu của khế chua lẫn trong vị mặn của gia vị. Thật khó để có thể tả hết được mùi vị hấp dẫn của món ăn này. Ăn ong non thích nhất là khi vừa cho vào miệng, chỉ cắn nhẹ thôi, ta đã có cảm giác thích thú với vị béo ngậy, bùi bùi do ong non vỡ ra thật tuyệt. Mỗi năm chỉ có một mùa ong làm tổ, sinh sản, nên may mắn lắm một năm cũng chỉ được dịp ăn món này vài lần.
Tuổi thơ tôi trôi qua cùng những ngày phụ mẹ ra rừng đốt ong, những buổi trông mong bóng mẹ làm món ong non xào khế chua. Giờ xa quê hương lập nghiệp, tôi đi nhiều nơi, đã được ăn nhiều món ăn ngon thế mà không đâu có được hương vị như món ong non xào khế chua quê nhà…
Theo Lao Động
Bánh cống - đặc sản Cần Thơ
Đến với vùng đất Cần Thơ "gạo trắng nước trong", điều khiến du khách nhớ mãi không chỉ là những dòng kênh nhỏ núp bóng dừa xanh mà còn là hương vị của những chiếc bánh cống vàng ươm - đặc sản dân dã của vùng sông nước nơi đây.
Giữa bao nhiêu thứ đặc sản của vùng đất miền Tây, ai đã nếm bánh cống một lần đều khó có thể quên được cái tan giòn của vỏ bánh vàng ươm, vị ngọt đậm đà và béo ngậy được cân bằng lại rất khéo bởi cái tài tình của bát nước chấm với đủ loại rau ăn kèm này.
Bánh cống thường ăn kèm rau dấp cá.
Cái tên bánh cống hay còn gọi là bánh cõng nghe có vẻ thật lạ. Sở dĩ nó có tên như vậy vì khuôn làm bánh có hình giống như cái cống hình ống có lòng sâu, hình dáng tựa như phin cà phê. Trước đây khuôn bánh thường đẽo từ thân tre, nay thường dùng khuôn được đúc bằng nhôm vừa bền lại dễ dùng.
Nguyên liệu chính để làm bánh là bột gạo, đậu xanh, thịt băm và tôm. Một chủ quán người miền Tây mách rằng để bánh được ngon thì cách pha bột, cách trộn nhân khá quan trọng, sao cho vỏ bánh giòn vàng, nhân bánh đậm đà.
Bột làm bánh gồm ba phần gạo, một phần nếp, ngâm với nước muối loãng qua một đêm cho hạt gạo mềm rồi xay bột. Bột xay rồi lại vắt cho ráo nước, sau đó lại trộn bột với một phần ba bột mỳ, thêm nước và hành lá cắt nhỏ.
Nhân bánh gồm đậu xanh đã đãi vỏ được nấu chín còn nguyên hạt, thịt lợn băm nhuyễn xào chín trộn chung với đậu xanh. Bánh cống đậm đà hơn không thể thiếu tôm. Tôm được chọn làm nhân bánh là loại tôm tươi, rửa sạch, bỏ râu.
Bánh cống vàng ươm hấp dẫn.
Chuẩn bị mọi nguyên liệu xong xuôi, khâu chiên bánh cũng khá hấp dẫn. Điều thú vị là thực khách có thể vừa thưởng thức bánh cống cũng vừa có thể xem các chủ quán chiên bánh. Bánh cống ăn tới đâu chiên tới đó. Một chảo dầu sôi sâu lòng, lấy muỗng cho bột vào khuôn cống sau đó cho nhân là đậu xanh và thịt bằm, đổ trên nhân bánh một chút bột nữa, sau cùng là để lên đó một vài con tôm. Nhúng cống ngập trong dầu sôi liu riu, lửa càng nhỏ bánh mới giòn đều từ ngoài vỏ bánh đến trong nhân.
Bánh cống có hình ống hơi phồng bên ngoài và trong mềm xốp, có màu vàng nhạt của trứng, vàng đậm của tôm chiên, màu xanh của hành lá, vị ngậy rất hấp dẫn.
Bánh cống được ăn kèm với nước chấm và rau sống. Nước chấm bánh pha mặn ngọt chua cay, có màu đỏ của ớt, xanh của tép chanh và vàng của đu đủ, ăn cùng rau húng quế, xà lách hay dấp cá. Bánh cống cũng có thể ăn kèm với bún và có thể xem như bữa ăn chính thay cơm. Món ăn bình dị và dân dã này đã hớp hồn biết bao nhiêu du khách khi tới miền đất Cần Thơ.
Theo Lao Động
Dân dã hoa chuối nộm đậu Hoa chuối nộm đậu lâu nay vẫn được coi là thức ăn thay thế và ăn ghém khi nhỡ bữa, nhưng đến nay nó đã trở thành món đặc sản trong nhiều nhà hàng, quán xá không chỉ ở miền quê mà còn cả thủ đô Hà Nội. Những khi nhỡ bữa bà thường bảo tôi ra vườn hái chiếc hoa chuối và...