Hương cà ri
Hương vị nồng cay, hương thơm ngào ngạt và màu sắc rực rỡ bắt mắt của những tô cà ri nóng hổi luôn có sức hấp dẫn mãnh liệt với chúng ta, nhưng ở mỗi quốc gia, bà nội trợ hay các đầu bếp lại có những công thức nấu cà ri riêng thể hiện nét đặc trưng của ẩm thực dân tộc mình.
Cà ri là một loại cây thân gỗ, lá và hạt dùng làm gia vị nổi tiếng trong ngành ẩm thực Ấn Độ và nhiều quốc gia trên thế giới. Hạt cà ri xay thành bột có màu vàng, mịn, mùi vị đặc trưng, dùng làm gia vị chế biến nhiều món ăn thơm ngon rất độc đáo. Nói đến cà ri là nói đến nhiều món ăn cay hoặc ngọt có thành phần chính là bột cà ri, nổi tiếng nhất trong ẩm thực Ấn Độ, Srilanka, Thái Lan, Việt Nam cùng một số quốc gia Đông Nam Á và Châu Á.
Món cà ri được thế giới biết đến vào thế kỷ 17, khi người Bồ Đào Nha đặt chân đến Ấn Độ, phát hiện ra món ăn thơm nức đặc trưng này của người bản địa. Từ thế kỷ 17, công thức món cà ri Ấn đã có trong sách ẩm thực Bồ Đào Nha, nhưng người Anh lại có công đem cà ri phổ biến ra khắp nơi trên thế giới.
Cùng với trà và cà phê, cà ri cũng gần như bao trùm và hiện diện ở mọi gian bếp của tất cả các gia đình trên toàn thế giới. Hẳn nhiên, chúng ta ai cũng biết cà ri là món quốc hồn quốc túy của Ấn Độ, nhưng người Srilanka và một vài quốc gia ở Châu Phi, Châu Á và cả khu vực Đông Nam Á cũng không thể sống thiếu cà ri trong những món ăn từ các gian bếp thôn quê bình dân đến các quán cao cấp nơi thị thành.
Ở Việt Nam, cà ri cũng hiện diện trong rất nhiều món ăn – từ những món điểm tâm nhẹ nhàng như hủ tiếu dê, bò kho… đến những món chính dùng cho bữa trưa hoặc tối như cà ri bò, cà ri hải sản… Xa hơn một chút, với các quốc gia láng giềng Việt Nam như: Campuchia, Malaysia, Thái Lan hay Singapore… cà ri cũng không thể thiếu trong một vài món ăn truyền thống ở đất nước họ.
Video đang HOT
Đã là cà ri thì không thể nấu với một loại gia vị mà phải là sự tổng hòa của nhiều loại gia vị, nhiều loại rau mùi khác nhau mới thành món ăn. Tùy vào nguyên liệu sẵn có của mỗi quốc gia và thói quen ăn uống của từng vùng miền, quốc gia mà người đầu bếp có cách chọn lựa gia vị, nguyên liệu, rau mùi và gia giảm trong cách nấu khác nhau, nhưng sản phẩm cuối cùng ra đời vẫn là những món cà ri thơm lừng, nồng nàn và quyến rũ. Trong khi các quốc gia khác thường dùng bột cà ri thì ở Srilanka, ngoài dùng bột, người dân cũng thường dùng lá cà ri tươi như một loại gia vị phổ biến trong các món cà ri cá, thịt và các món cà ri chay khác nhau.
Ở Ấn Độ, cái nôi của loại gia vị nổi tiếng này, các món cà ri hầu hết đều được nấu từ những nguyên liệu như thịt hoặc rau củ quả cùng các chế phẩm của sữa như sữa chua, sữa tươi, sữa nguyên kem… Vị chua nhẹ và béo ngậy của sữa chua đã trở thành đặc trưng nổi bật của cà ri Ấn, biến món này thành món ăn dễ gây “nghiện” cho thực khách. Những chế phẩm từ sữa cũng tạo nên độ đặc quánh đặc biệt cho cà ri Ấn Độ, rất phù hợp với văn hóa ăn bốc truyền thống của người dân đất nước này.
Là một món ăn xuất phát tận Ấn Độ, nhưng ngày nay cà ri đã dần trở thành một món ăn quen thuộc ở Việt Nam. Nhưng trái với những món cà ri Ấn Độ, cà ri Việt Nam gắn liền với những nguyên liệu quen thuộc của miền nhiệt đới cùng nền nông nghiệp lúa nước. Cà ri của người Việt cũng có độ béo, nhưng đó là cái béo từ thực vật – nước cốt dừa, mang hương vị thanh hơn độ béo của các chế phẩm từ sữa. Nước dùng cho món cà ri vì thế cũng lỏng hơn, nhạ nhàng hơn và thường dùng để ăn với bún, cơm hoặc chấm bánh mì.
Đã nói đến cà ri ở Việt Nam, nhất là những món cà ri có phần hơi “độc” như cà ri dê kiểu Ấn, theo các đầu bếp “tiền bối” ở thành phố Hồ Chí Minh thì yếu tố quyết định đến sự “thành – bại” của món ăn nằm ở việc tẩm ướp gia vị cho nguyên liệu trước khi nấu và cách gia giảm gia vị trong khi nấu. Nước dùng cùng các loại thịt và rau củ trong cà ri phải hòa quyện vào nhau thật đậm đà, “nâng đỡ” nhau và sóng sánh ngọt dịu thoảng hương cà ri thơm nức. Đặc biệt, vị ngọt từ nước cà ri phải là vị ngọt được tiết ra từ thịt từ xương tươi ngon chứ không thể là vị ngọt của thời đại… “công nghiệp hóa” mà thành! Và để có một nồi cà ri đúng chất như thế, ngoài ngững nguyên liệu tươi ngon nhất, theo các đầu bếp kinh nghiệm, thì các loại gia vị đi kèm như hoa hồi, đinh hương, hạt ngò gai, quế, đặc biệt nhất là bột cà ri… cũng phải thật thơm ngon và sạch sẽ. Tuy công thức và bí quyết của từng đầu bếp, của từng nhà hàng hay của từng món cà ri có khác nhau, nhưng nếu không có đủ những nguyên liệu tươi ngon và các gia vị thơm lừng thì món cà ri cũng khó mà cuốn hút thực khách được.
Một điểm thú vị khác biệt nữa là với người Việt con gì cũng có thể chế biến thành món cà ri nồng nàn quyến rũ. Đơn giản nhất có cà ri chay, cà ri gà…; cầu kì hơn nữa có cà ri bò, cà ri tôm cá, cà ri cá sấu…; “lai” một chút có cà ri chua cay kiểu Thái Lan, cà ri dê cay xè kiếu Ấn; rồi thì có cả cà ri cừu mới vừa du nhập vào nước ta trong thời gian gần đây mà tôi từng được thưởng thức cũng hay hay và lạ miệng. Nói đến cà ri thì trông có vẻ đa dạng và… “phức tạp” như thế, nhưng chung quy lại, cà ri hôm nay cũng đã rất quen thuộc trong món ăn hàng ngày ở các gia đình Việt Nam. Ở nước ta, món cà ri có thể dùng kèm với cơm, với bánh mì, với bún, thậm chí với mì gói hay ăn độc cà ri không cũng ngon không kém. Trong cách nấu các món cà ri của người Việt, các đầu bếp thường dùng bột cà ri ướp với nguyên liệu trước khi nấu hoặc chiên xào. Các món cà ri Việt cũng thường nấu chung với khoai tây, khoai lang, cà rốt, rau củ quả hay tùy theo sáng tạo của mỗi đầu bếp. Khá khác biệt với cà ri Ấn Độ, các món cà ri Việt Nam có vẻ giản tiện hơn nhiều về gia vị nhưng không vì thế mà cà ri Việt chịu “lép vế” so với Ấn Độ hay các quốc gia láng giềng khác trong khu vực Đông Nam Á.
Ngày nay, thế giới cà ri vẫn không ngừng mở rộng, không ngừng được các đầu bếp trên khắp thế giới biến tấu từ nguyên liệu này đến nguyên liệu khác. Nhưng dù có biến tấu cỡ nào, dù có dùng với nguyên liệu nào để nấu, dù có cả ngàn món cà ri khác nhau trên khắp thế giới nhưng có nhắm mắt thưởng thức, người ta vẫn không thể nào nhầm lẫn cà ri với bất kỳ hương vị khác, đó cũng là cái rất hay của hương cà ri nồng cay.
Dê Hương Sơn ngon khó cưỡng
Mỗi món dê như một thang thuốc bổ, ăn kèm các loại rau Hương Sơn. Tất cả phải ăn nóng (trừ món tái), vừa ăn vừa thổi vừa quệt mồ hôi mới đã
Các món ăn chế biến từ dê ở Việt Nam tỉnh - thành nào cũng có. Ở Ninh Thuận, dê được nấu thành nhiều món theo kiểu của người Chăm hoặc Ấn Độ. Nổi tiếng về dê phải kể đến tỉnh Ninh Bình. Ở đây người ta kháo nhau rằng: "Tái dê chấm với tương gừng. Ăn xong ta bỗng phừng phừng hơn dê. Đêm về vợ mới tỉ tê. Ngày mai anh cứ tái dê tương gừng".
Dê ở đâu ngon nhất?
Theo tôi, dê ngon nhất là ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Hương Sơn không bán dê đông lạnh, dê quá non hoặc quá già. Thịt dê ngon nhất là chừng trên dưới 1 tuổi. Ở đây, người ta bán thịt dê chủ yếu vào buổi sáng và để nguyên con. Khi ăn dùng dao xẻo và chế biến tùy gu, vì vậy không sợ thịt dê giả. Các nhà hàng còn làm thịt và thui dê ngay trước sân quán để khách mục sở thị.
Dê thui nguyên ngon với lớp da giòn, thịt thơm mùi lá sắn. Ảnh: NGUYỄN VŨ MỘC THIÊNG
Trước khi làm thịt, dê được cho uống thuốc Bắc để vã mồ hôi. Cắt tiết xong, vùi con dê vào đất ướt khử mùi, trụng nước sôi và làm lông, nhồi lá thơm vô bụng, khâu lại rồi thui bằng nứa khô độ 3 tiếng. Thịt dê thui hơi đỏ và ngọt, thơm mùi nắng gió Hương Sơn. Ở đây, người ta ăn thịt dê kèm các loại lá như đinh lăng, sắn, sung hay trái khế, chuối xanh, sung muối cùng bánh đúc, bánh gói, bánh mướt, bún, cơm
Buffet dê
Người Hương Sơn chế biến dê thành nhiều món ngon. Độc đáo nhất là dê quay nguyên con. Dê được làm sạch lông, sau đó nhồi lá sắn vào bụng và quay trên lửa than hồng đến chín, khi ăn da dê giòn, thơm mùi lá sắn.
Món phổ biến nhất là dê tái thui, vừa chín tới. Thịt dê tươi, dê non, nạc dày và da xắt miếng, nhúng nước sôi, nhúng bia, hấp... Hoặc thịt dê bóp cốt chanh, gừng, tỏi, ớt, tiêu, lá chanh thái sợi (dê bóp nộm) ăn kèm bún tươi, cuốn bánh tráng. Món nào cũng lạ miệng, ăn quên no.
Kế tới là xào. Dê xào lăn: Thịt dê thái mỏng chần nước sôi pha giấm, để ráo, ướp nước cốt dứa, cà ri, bột canh, bột ngọt, tỏi, gừng, sả rồi xào cùng hành tây, tía tô, rắc thêm hành phi và đậu phông rang. Rồi dê xào sa tế ướp dầu hào, dê xào sả ớt, dê xào thập cẩm... Món nào cũng được kết hợp phong phú với hàng chục loại gia vị, rau quả rất ngon.
Dĩ nhiên không thể thiếu dê nướng. Vú dê nướng ướp chao, tiêu xay, dầu hào, tương ớt, sả băm, tỏi, bột ngũ vị hương nướng trên than hồng. Dê nướng mọi chấm chao sa tế ăn kèm rau thơm hay ướp với gia vị gọi là dê nướng ngũ vị. Thay vì nướng trên than thì dê thái hình quân cờ, không tẩm ướp gì, chiên ngập dầu, giòn tan ngoài, tái hồng trong, kẹp rau, chấm chao sa tế hoặc mắm nêm. Món này gọi là dê né.
Dê đem hấp gừng, tía tô, sả ăn với các loại rau thơm rất ngọt. Thịt dê hầm với các vị thuốc bắc như đương quy, câu kỳ tử, xuyên khung, hoàng kỳ, gừng, táo đỏ rất bổ dưỡng. Hoặc dê nấu lẩu thập cẩm gồm thịt dê các loại, khoai môn, đậu hủ trắng, hành tây, ngũ vị. Nếu không thì nấu cháo. Thịt dê rửa sạch, để ráo, cắt mỏng, ướp muối, tiêu, nước mắm, hành, gừng rồi xào chín tới. Gạo vo sạch, ninh gần nhừ, cho dê xào vào ninh tiếp. Đặc biệt, cháo dê phải nấu bằng nồi đất mới ngon.
Nghe đồn dê Hương Sơn có 36 món, ăn cả tuần mới hết lượt. Ăn món nào cũng nên kèm chút rượu ngọc dương dê mới thú...
NGUYỄN VĂN MỸ
Lợn quay trứ danh ở đất nước không ăn thịt lợn Lợn quay babi guling là món ăn nổi tiếng trên đảo Bali, Indonesia dù đây là quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới. Tại quốc đảo 250 triệu dân với 90% theo Hồi giáo, Bali gần như tách biệt với văn hóa không ăn thịt lợn. Mọi du khách đến Bali đều biết tới món babi guling, có...