Hưng Yên: Về Văn Lâm khám phá nét xưa của làng quê Việt
Mặc dù là huyện công nghiệp trọng điểm của tỉnh nhưng mảnh đất Văn Lâm còn lưu giữ được những nét đẹp cổ kính của làng quê Việt với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình cùng làng nghề truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp của người dân quê.
Chùa Nôm nổi tiếng Văn Lâm, Hưng Yên
Về huyện Văn Lâm người ta nhớ ngay đến làng Nôm – một trong hai ngôi làng cổ nhất Việt Nam (sau làng cổ Đường Lâm ở Hà Nội). Làng Nôm có tên chữ là làng Đồng Xá, xã Đại Đồng (Văn Lâm). Hơn hai trăm năm trước, đây là ngôi làng nổi tiếng nhất vùng Kinh Bắc, nơi cung cấp nguyên vật liệu chủ yếu cho việc đúc tiền và đồ kim khí bằng đồng. Trải qua thăng trầm của thời gian, ngôi làng vẫn còn lưu giữ được những dấu tích xưa cũ: Cổng làng cổ, cây cầu đá, chùa Nôm, chợ Nôm và những con đường làng xếp gạch, những mái nhà cổ rêu phong. Khác với tất cả các ngôi làng cổ của Việt Nam, cổng làng Nôm sở hữu một kiểu kiến trúc đặc biệt. Cổng làng được xây theo kiểu bát trụ – kiểu cổng mà chỉ hoàng thân quốc thích xưa kia mới có, bao gồm bốn trụ vuông với ba chữ trên vòm cổng: Đồng Cầu Nôm. Bước qua cánh cổng làng uy nghi, một bức tranh thủy mặc, hoài cổ ngay lập tức hiện lên khiến du khách phương xa không khỏi ngỡ ngàng. Hai bên hồ là những cây cau thẳng tắp trước các ngôi nhà cổ, nhà thờ họ với nét kiến trúc cổ xưa in hình dưới mặt nước. Những con đường gạch đỏ và cổng nhà cổ hiếm hoi còn lại xen lẫn với dãy bờ tường xây dẫn vào các ngõ ngách của làng…đem đến cảm giác quá đỗi bình yên. Cách cổng làng khoảng hơn 100m là cây cầu đá làng Nôm nổi tiếng, bắc qua con sông Nguyệt Đức để nối làng với chùa Nôm và chợ Nôm. Cây cầu đá có tuổi đời hơn 200 năm nhưng vẫn rất vững chãi, dù trải qua mưa nắng cùng thời gian. Cây cầu gồm 9 nhịp, mặt cầu được ghép bằng những phiến đá xanh, hai bên thành cầu có những mỏm đá nhô ra được chạm khắc rất tinh xảo, trông xa như những đầu rồng trên thuyền của vua chúa xưa. Qua cầu Nôm, du khách đến với chợ Nôm. Chợ Nôm họp bên trong những gian nhà xây gạch không trát vữa. Màu gạch đỏ au, lở vỡ theo thời gian như một nét gì đó rất hoài cổ, xưa cũ. Qua khu chợ dân sinh với muôn sắc thái nhân gian, du khách vào vãn cảnh chùa Nôm, thỉnh tâm niệm Phật, để khi quay trở ra, bụi trần như được gột rửa, lòng người thanh tịnh, nhẹ nhàng hơn. Theo truyền thuyết xưa, chùa Nôm được xây dựng giữa rừng thông cổ thụ nên còn có tên gọi khác là Linh Thông cổ tự. Không ai có thể nhớ chính xác về sự ra đời của ngôi chùa, chỉ biết rằng trên 2 tấm bia lớn còn lưu lại thì ngôi chùa đã được xây dựng vào năm 1680 và được trùng tu nhiều lần sau đó. Ngôi chùa cổ còn lưu giữ được hơn 100 pho tượng Phật bằng đất tuyệt đẹp có tuổi hàng trăm năm được tạc ở nhiều trạng thái, tư thế và chủ đề khác nhau. Cùng với hệ thống các pho tượng Phật quý giá, chùa Nôm còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc đặc sắc như: lầu Quan Âm, tháp đá xây bằng đá ong.
Rời làng Nôm, du khách rảo bước sang làng Lộng Thượng – một làng nghề sôi động của xã Đại Đồng sẽ được mục sở thị những bàn tay tài hoa của người thợ làng nghề đúc đồng Lộng Thượng. Làng đúc đồng Lộng Thượng xưa chuyên đúc tượng, đỉnh, chuông, nay chỉ sản xuất đồ thờ cúng như: Đỉnh, hạc, chân nến, đèn, mâm bổng, bát hương… Một sản phẩm bằng đồng được làm ra là sự kết tinh tâm huyết và tài năng của nghệ nhân. Một người thợ đúc đồng giỏi phải thành thục 5 kỹ thuật tinh xảo gồm kỹ thuật tạo hình; tạo khuôn để đúc thành đồng; pha chế, nấu đồng và rót đồng; chạm khắc trên bề mặt sản phẩm; cuối cùng là đánh bóng. Không chỉ đòi hỏi kĩ thuật, nghề đúc đồng còn đòi hỏi sự tỉ mẩn, tinh xảo, kiên nhẫn và say mê với nghề thì mới cho ra được một sản phẩm hoàn mỹ. Đến đây, bạn sẽ được học hỏi kinh nghiệm và tự tay làm ra một sản phẩm từ đồng dưới sự hướng dẫn của người thợ. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời và vô cùng ý nghĩa.
Đến với huyện Văn Lâm du khách không chỉ được chiêm nghiệm vẻ đẹp cổ kính của làng quê Việt, mà còn được hòa mình vào cánh đồng hoa cúc chi vàng óng ánh, hít hà mùi thơm thoang thoảng của dược liệu làng Nghĩa Trai (xã Tân Quang). Đến cánh đồng xã Tân Quang vào dịp cuối năm, chắc hẳn du khách sẽ bị mê hoặc bởi những thửa ruộng cúc chi vàng óng ánh. Giữa cái rét tái tê của miền Bắc, những bông cúc chi như mặt trời tí hon mang đến cho du khách cảm giác ấm áp đến lạ thường.
Video đang HOT
Đến Văn Lâm nếu du khách không ghé thăm làng cơm nắm muối vừng và làng nghề nấu rượu Lạc Đạo thì có lẽ cuộc vui chưa chọn vẹn. Rượu Lạc Đạo nổi tiếng với câu ca “Đất Lạc Đạo lưu linh say ngất/ Rượu Nam bang đệ nhất là đây”. Rượu Lạc Đạo ngon bởi nguyên liệu được tuyển chọn kỹ, chưng cất cầu kỳ. Rượu Lạc Đạo chính là sự kết tinh men say của đát và tình cảm của con người. Những ngày đầu Xuân, nâng chén rượu Lạc Đạo ngâm với trà hoa cúc chi và trò chuyện với bằng hữu thì mọi phiền muội trong cuộc sống dường như tan biến.
Xuân này đến với Văn Lâm để hòa mình trong không gian yên ả thanh bình của làng quê Việt, tham quan bệ đá hoa sen lớn nhất Việt Nam tại chùa Hương Lãng để rồi tận hưởng mùi hương thơm thoang thoảng của loài hoa cúc chi và dược liệu quý làng Tân Quang; thưởng thức đặc sản nức tiếng của người dân quê cùng nhâm nhi chén rượu nồng ấm men tình của người dân Lạc Đạo hay mua về làm quà những sản phẩm tinh xảo của làng nghề đúc đồng Lộng Thượng sẽ là những trải nghiệm thú vị, khó phai trong lòng mỗi du khách.
Du lịch nông nghiệp sinh thái trên đất Chín Rồng
Nông dân ở ĐBSCL bắt tay làm du lịch nông nghiệp sinh thái dựa vào lợi thế tự nhiên, giữ hồn văn hóa, nếp sống làng quê để đón du khách phương xa.
Vùng đất trời cho
ĐBSCL là một trong ba vùng đồng bằng châu thổ lớn nhất thế giới (chỉ sau đồng bằng Amazon (Nam Mỹ) và đồng bằng sông Hằng (Ấn Độ). Vùng đất có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng. Lịch sử quá trình kiến tạo đồng bằng đã hình thành nên nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc trưng, độc đáo của dân cư vùng sông nước. Có thể bắt đầu từ nếp nhà và cuộc sống nơi làng quê yên ả đã tạo nên các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với hệ sinh thái miệt vườn phong phú tạo nguồn cảm ứng thu hút khách du lịch.
Đội tàu du lịch bến Ninh Kiều Cần Thơ đón khách tham quan sông nước miệt vườn. Ảnh: HĐ.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, vùng ĐBSCL có lợi thế lớn về SX nông nghiệp của cả nước, dựa vào điều kiện địa lý tự nhiên hoàn toàn có tiềm năng lớn về làm du lịch sinh thái với những vườn cây ăn trái, đồng lúa... Từ đó tạo nên những điểm đến thân thiện, gần gũi khiến cho du khách, đặc biệt là khách nước ngoài yêu thích. Thông qua kết nối phát triển du lịch giúp người nông dân có thêm thu nhập, bên cạnh thu nhập chính từ trồng trọt, chăn nuôi.
Du lịch sinh thái cộng đồng ở ĐBSCL đang có bước tiến nhanh, trở thành hướng đi mới của nhiều vùng nông thôn. Bước đầu các nhà vườn, nông dân tham gia làm du lịch đạt hiệu quả kinh tế tích cực, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Nhiều vùng nông thôn thay áo mới, rút ngắn khoảng cách với thành thị.
Tại TP Cần Thơ, sau những công trình đầu tư hạ tầng hoàn thiện giao thông đường bộ, đường thủy, cầu Cần Thơ, sân bay Quốc tế...số lượt khách du lịch đổ về ngày càng đông. Trong đó du lịch sinh thái miệt vườn trở thành điểm nhấn. Thành phố đã phê duyệt đề án "Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù thành phố Cần Thơ giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2030".
Theo đó, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng thành phố, khai thác dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có, kết hợp với vườn cây ăn trái phục vụ du lịch cải thiện đời sống người dân. Đến nay trên địa bàn thành phố có 33 khu, điểm vườn du lịch đang khai thác du lịch.
Lợi thế du lịch nông nghiệp
Trong những năm qua ĐBSCL đang nổi lên với nhiều điểm đến hấp dẫn du khách với những tour du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn. Về miền sông nước, đồng ruộng mênh mông làm cuộc trải nghiệm, cùng hòa mình vào đời sống sinh hoạt với những nông dân hiền hậu, thật thà, mến khách.
Theo thống kê của cơ quan chuyên ngành du lịch TP.HCM, sau mỗi năm du khách có nhu cầu đặt tour tham quan miệt vườn, du lịch nông nghiệp sinh thái về ĐBSCL tăng từ 20 - 30%. Các công ty kinh doanh du lịch lữ hành mở thêm nhiều tuyến du lịch mới, vận hành nối kết các điểm đến có sự khác biệt với nhiều loại hình để du khách cùng trải nghiệm, tham gia vào hoạt động đời sống sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt đời sống thường ngày của cộng đồng dân cư vùng nông thôn.
Sản phẩm xứ dừa Bến Tre đón khách du lịch. Ảnh: HĐ.
Tuy nhiên phải thừa nhận rằng, cùng tiến trình xây dựng NTM, người dân nông thôn làm làng quê tươi mới từ trong nhà ra ngoài ngõ đến con đường hoa sạch đẹp, không khí thôn xóm trong lành. Nhiều địa phương tổ chức kết nối du lịch cộng đồng, cùng làm du lịch, bắt nhịp để đáp ứng theo nhu cầu du khách. Nhất là khách du lịch nước ngoài chuộng loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Nhà vườn nở rộ, lan rộng về cả qui mô và bài bản chuyên nghiệp ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, TP Cần Thơ...
Du lịch về miền sông nước ĐBSCL trải rộng khắp 13 tỉnh, thành phố trong vùng. Mỗi địa phương tận dụng lợi thế địa lý tự nhiên tạo ra sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng hấp riêng biệt để tránh trùng lắp, hấp dẫn du khách đến tham quan, khám phá. ĐBSCL đang nỗ lực phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
TP Cần Thơ quy hoạch du lịch, xác định thế mạnh sản phẩm du lịch đặc thù là sông nước đô thị. Chủ trương mời gọi đầu tư du lịch ở cồn ven sông Hậu, xác định cụm không gian du lịch trung tâm, các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và huyện Phong Điền đóng vai trò là đầu mối, điều hành các hoạt động du lịch toàn thành phố.
Sau nếp rêu phong làng cổ Thích cảm giác bình yên ở làng quê, nên những khi cuối tuần tôi lại tìm đến chốn ngoại thành để thả hồn rong chơi cho thỏa. Chợt nhận ra, ẩn phía sau những nếp rêu phong là bóng dáng của đá ong. Thứ "đặc sản" xù xì nhưng lại gắn bó mật thiết với con người. Một cổng làng đượm chất thơ....