Huawei và tham vọng bá chủ thị trường smartphone
Huawei muốn “gột rửa” định kiến chỉ là hãng sản xuất di động giá rẻ trong tâm trí khách hàng. Tham vọng của nhà sản xuất này là được sánh vai với Apple và Samsung.
Chỉ trong thời gian ngắn, thị phần smartphone của Huawei đã đứng thứ 3 trên thế giới, vượt qua cả Apple tại Trung Quốc. Mới đây, hãng ra mắt mẫu điện thoại cao cấp P9 để khẳng định vị trí “chiếu trên” của mình.
Tại cuộc họp vào tháng Tư vừa qua, Eric Xu – 1 trong 3 giám đốc điều hành của Huawei cho biết: “Hiện nay tại Trung Quốc vẫn chưa có bất cứ thương hiệu cao cấp nào. Chúng tôi muốn nó là của mình”.
Để hiện thực hóa điều này, Huawei bắt buộc phải thành công tại Mỹ – quốc gia tiêu thụ tới 1/6 tổng sản phẩm công nghệ toàn thế giới, thị trường lớn thứ hai chỉ sau Trung Quốc. Thời gian đầu, thị phần của hãng gần như bằng không, khi người dùng tại quốc gia này luôn nơm nớp lo sợ việc bị nghe lén. Bốn năm trước, công ty đã âm thầm rút lui khỏi thị trường Mỹ.
Nhà sản xuất Trung Quốc muốn “gột rửa” cái mác giá rẻ được người tiêu dùng mặc định trên các sản phẩm của hãng. Ảnh: Business Insider.
Nicole Peng, giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Canalys nhận định: “Mỹ là thị trường khó tính nhất mà Huawei từng gặp. Điều họ cần là một kế hoạch cụ thể”.
Nhà sản xuất điện thoại này còn kết hợp với những siêu sao Hollywood như Henry Cavill và Scarlett Johansson để thực hiện chiến dịch quảng bá toàn cầu cho P9. Ngoài ra, tùy từng thị trường, Huawei có những chiến lược phù hợp, từ Bangladesh đến Mexico, đội ngũ marketing của Huawei lại mời các ca sĩ nhạc pop hay các đội bóng làm gương mặt đại diện.
Thậm chí, OEM này còn “chịu chơi” khi mời cả hãng sản xuất máy ảnh nổi tiếng của Đức – Leica tham gia vào quá trình phát triển camera trên P9. Dù được quảng bá rầm rộ nhưng đại diện Huawei vẫn tỏ ra dè dặt khi nhắc đến thị trường Mỹ.
Khi được hỏi về kế hoạch kinh doanh cụ thể, Joy Tan, chủ tịch của Huawei tiết lộ: “Chúng tôi chắc chắn sẽ theo đuổi thị trường Mỹ tới cùng. Công ty hy vọng chiếc điện thoại này ( Huawei P9) sẽ được người tiêu dùng Mỹ chấp nhận”.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng là 30%/năm, Huawei phải tăng thị phần của mình tại Mỹ lên gấp 5 lần. Hãng có thừa khả năng tài chính để theo đuổi tham vọng của mình.
Video đang HOT
Doanh thu năm vừa rồi của Huawei là 5,7 tỷ USD, chỉ bằng 1/4 doanh số bán hàng của Apple. Tuy nhiên, Huawei đã dành tới 9 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển trong khi ở Apple con số này chỉ dừng lại ở mức 8,1 tỷ USD.
Năm 2015, công ty này đã bán ra thị trường 108 triệu chiếc điện thoại, là OEM Trung Quốc đầu tiên có doanh số bán hàng vượt ngưỡng 100 triệu.
Tại Mỹ, Huawei chỉ bán điện thoại thông qua kênh duy nhất là trang web của hãng. Theo Tuong Huy Nguyen, chuyên gia phân tích gốc Việt của công ty nghiên cứu thị trường Gartner, bí mật của công ty này nằm ở những nhà phân phối điện thoại với những yêu cầu đặt hàng không ngớt.
Huawei muốn mình có thể sánh ngang với những người anh cả trong thị trường di động. Ảnh: Cnet.
Ngoài ra, sự am hiểu công nghệ di động chính là đòn bẩy giúp Huawei ra mắt sản phẩm nhanh chóng với chất lượng cực tốt.
Thị trường của Huawei (và ZTE) tại Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề sau khi bị nghị viện nước này coi là mối đe dọa an ninh tiềm ẩn. Đồng thời họ còn khuyến cáo người dân không nên sử dụng các thiết bị của các nhà sản xuất Trung Quốc.
Huawei bác bỏ cáo buộc này và cho đó là vô căn cứ. Về phần mình, ZTE lặng lẽ xâm nhập thị trường Mỹ một lần nữa với 4% thị phần năm 2015. Khác với Huawei, ZTE không chọn cách đối đầu trực diện với Samsung và Apple bằng những mẫu điện thoại cao cấp mà sử dụng chiêu bài giá rẻ.
Được thành lập từ năm 1987 bởi một kỹ sư quân sự, Huawei đã trở thành công ty đầu tiên lọt vào top những nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu, sánh ngang với Nokia và Ericsson.
Ưu tiên số một của Huawei trong thời điểm hiện tại là quảng bá thương hiệu – đặc biệt là ở các nước phương Tây.
Huawei cho biết, họ đại diện cho mẫu điện thoại thông minh nhưng sang trọng đối lập với sự tối giản của Apple, đẹp nhưng vô hồn. Hãng đã hợp tác với thương hiệu Swarovski để cho ra mắt những chiếc đồng hồ thông minh tuyệt mỹ dành cho phái đẹp.
Nhà sản xuất điện thoại này cũng liên kết với các thương hiệu khác để sản xuất dòng điện thoại phổ thông trong những năm 1980 trước khi Nokia bán mảng điện thoại di động của mình cho Microsoft.
Sự biến mất của Nokia cho thấy mọi việc đều có thể xảy ra nếu những người đứng đầu mắc sai lầm.
Ổn định ở vị trí thứ 3 là điều tương đối dễ dàng đối với Huawei nhưng công ty không bằng lòng với nó. Câu hỏi ở đây là làm thế nào để đạt được vị trí cao hơn, để đánh bật ngôi vương của Apple, hay vượt ra kẻ đứng thứ 2 Samsung? Và hãng đang tìm câu trả lời hoàn hảo cho tham vọng lớn lao của mình.
Trần Tiến
Theo Zing
Smartphone Trung Quốc xâm chiếm thị trường toàn cầu
Nếu đang có ý định sắm một chiếc smartphone mới, đừng bỏ qua những nhà sản xuất đến từ Trung Quốc như Huawei, Xiaomi hay ZTE.
Số liệu mới nhất từ Kantar WorldPanel (công ty hàng đầu thế giới về nghiên cứu thị trường) cho thấy Android đang là hệ điều hành phổ biến nhất, vượt qua cả iOS.
Nếu nghĩ rằng Samsung là kẻ hưởng lợi nhiều nhất từ thành công này của Android thì nhiều người đã nhầm.
Biệu đồ thị phần smartphone chia theo hãng sản xuất. Ảnh: ZDnet.
Tại phần lớn các quốc gia chuyên trang công nghệ ZDNet thực hiện khảo sát, bao gồm: Mỹ, Anh, Đức, Ý, Australia và Trung Quốc. Samsung chỉ dẫn đầu tại Mỹ và Anh. Còn ở Đức và Úc, doanh số chỉ dừng ở mức trung bình. Mọi nỗ lực của gã khổng lồ Hàn Quốc đều vô ích tại Italy và Trung Quốc.
Trong nhiều năm liền, tốc độ tăng trưởng của Huawei luôn dương. Hãng đã bỏ xa Xiaomi để trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc. Không chỉ thành công ở quê nhà, OEM này còn vươn mình ra thế giới khi vượt mặt Apple tại Italy, chiếm vị trí thứ 3 của Sony và HTC tại Đức, Úc.
Mặt khác, HTC là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự khắc nghiệt của thị trường smartphone. Dù mới cho ra điện thoại cao cấp HTC 10, nhưng việc HTC bị thâu tóm chỉ còn là vấn đề sớm hay muộn.
Doanh số của HTC giảm chỉ còn 64% so với cùng kỳ năm trước khiến hãng thua lỗ 4,8 tỷ Đài tệ. Doanh số bán hàng của công ty này tại Anh sau một năm giảm từ 5,8% xuống còn 2,2%. Ở Italy, con số này còn chưa đạt mức 1%.
Các hãng sản xuất smartphone Trung Quốc bắt đầu xuất hiện nhiều bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Ảnh: Engadget.
Theo Kantar, Mỹ là thị trường duy nhất nơi tốc độ tăng trưởng của HTC không âm. Nhưng điều đó cũng không cứu vãn nổi sự sụt giảm thị phần của hãng sản xuất này ở mảng điện thoại Android.
Trái ngược với tình cảnh của HTC, Asus gây bất ngờ lớn tại thị trường Italy là khi tăng gần 4 lần thị phần trong chưa đầy 12 tháng. Chiếm 8,2% thị phần điện thoại Andoid, hãng này nghiễm nhiên đứng ở vị trí thứ 3. Đứng thứ 4 là Wiko - công ty liên doanh Trung - Pháp với 4,5%. ZTE tuy bị "thất sủng" ngay tại quê nhà nhưng lại có những dấu hiệu khởi sắc ở thị trường Đức, Úc và Mỹ.
Khi thị trường điện thoại thông minh đã bão hòa, người tiêu dùng dần hướng tới nhóm các thiết bị ăn theo giá rẻ đến từ Trung Quốc.
Theo số liệu từ hãng phân tích Strategy Analytics, trong khi tốc độ tăng trưởng của Samsung và Apple có dấu hiệu chững lại thì Huawei và Oppo đồng loạt tăng đáng kể.
Nếu Apple và Samsung không có bước đột phá nào đáng kể, người tiêu dùng hẳn sẽ tìm đến những lựa chọn tiết kiệm hơn, những vẫn "đủ tốt" đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Đạt Trần
Theo Zing
Huawei muốn đánh bại Apple và Samsung lên số một Gã khổng lồ Trung Quốc muốn đối đầu cả Apple lẫn Samsung trên thị trường smartphone toàn cầu. 20h đêm nay (theo giờ Hà Nội), Huawei - nhà sản xuất smartphone đứng thứ 3 thế giới hiện tại - sẽ ra mắt thiết bị cao cấp tại London, Anh. Theo nhiều chuyên gia, máy ảnh với camera kép của P9 đủ sức đả...