Huawei: Smartphone không cần RAM nhiều hơn 4 GB
Giám đốc Huawei cho rằng smartphone thật sự không cần bộ nhớ RAM có dung lượng quá lớn. Việc trang bị nhiều hơn 4 GB chỉ thêm lãng phí và đội giá thành của sản phẩm lên.
Năm ngoái, xuất hiện vài mẫu smartphone được trang bị bộ nhớ RAM 6 GB, nhiều người cho rằng sang 2017 dung lượng này sẽ là tiêu chuẩn của smartphone cao cấp. Tuy nhiên không phải nhà sản xuất nào cũng nghĩ vậy.
One Plus 3T, một trong những smartphone đầu tiên có RAM 6 GB. Ảnh: PC Advisor.
Giám đốc Lao Shi của Huawei vừa đăng tải bài viết trên mạng xã hội Weibo thể hiện quan điểm của mình về vấn đề này.
Theo ông, dung lượng 4 GB là quá đủ cho điện thoại có thể hoạt động trơn tru. Huawei sẽ tập trung vào nhiều thứ khác để smartphone hoạt động tốt hơn, thay vì nâng RAM lên mức 6 GB.
Để chứng minh cho quan điểm của mình, ông Lao Shi lấy iPhone 7 làm ví dụ. Smartphone hàng đầu của Apple chỉ có bộ nhớ RAM 2 GB nhưng lại hoạt động mượt mà hơn đối thủ Android sử dụng RAM 4 GB nhờ vào sự tối ưu của iOS.
Giám đốc Huawei cho rằng việc tăng RAM trên 4 GB không có bất kỳ tác dụng gì, ngoại trừ làm đội giá thành sản xuất lên.
Trong quá khứ, một giám đốc khác của Huawei là Richard Yu từng cho rằng màn hình 2K là không cần thiết vì mắt người khó có thể phân biệt giữa độ phân giải Full HD và 2K trên điện thoại. Tuy nhiên quan điểm đó dường như thay đổi khi hãng đã bắt tay vào sản xuất điện thoại màn hình 2K vào tháng 4/2016.
Có lẽ mấu chốt của vấn đề nằm ở chổ hiện tại chưa có tính năng nào của smartphone yêu cầu dung lượng RAM trên mức 4 GB. Điều này có thể thay đổi trong tương lai, với sự phát triển khó dự đoán trước của thị trường công nghệ.
Nguyễn Mai
Theo Zing
Video đang HOT
5 smartphone sáng tạo nhất 2016
Mặc dù không thực sự xuất sắc, các hãng di động vẫn đưa ra nhiều ý tưởng hấp dẫn với những chiếc smartphone không viền, dùng camera kép hay dạng tháo lắp.
Nhiều người gọi 2016 là năm đáng chán nhất trong lịch sử smartphone cảm ứng. Người ta không thấy được những chiếc di động thực sự đột phá, gây náo loạn thị trường. Thay vào đó, các ông lớn di động như Apple, Samsung chọn phương án an toàn là hoàn thiện những con át chủ bài trước đó.
Tuy vậy, vẫn có những tia sáng le lói trên thị trường, giúp người dùng kỳ vọng vào màn lột xác của các hãng di động vào năm sau, chẳng hạn trào lưu smartphone tháo lắp dạng module, smartphone không viền màn hình hoặc smarphone dùng camera kép.
Dưới đây là những smartphone sáng tạo nhất năm qua:
Xiaomi Mi Mix
Khá ngạc nhiên khi smartphone được xem là sáng tạo nhất trong năm nay lại đến từ Xiaomi. Cũng không nhiều thông tin được đưa ra trước khi smartphone này xuất hiện.
Có màn hình lên đến 6,4 inch nhưng kích thước tổng thể của Xiaomi Mi Mix chỉ ngang ngửa với một chiếc iPhone 7 Plus (5,5 inch). Có được điều này là nhờ nó sở hữu màn hình viền mỏng đến mức không thể mỏng hơn với tỷ lệ hiển thị mặt trước lên đến 91%.
Không ngạc nhiên khi người dùng phấn khích tột độ với sản phẩm này bởi từ rất lâu họ luôn mong chờ những chiếc smartphone như vậy. Mi Mix tạo cho người dùng cảm giác sử dụng một tấm gương phản chiếu nội dung bên trong. Càng phấn khích hơn nữa khi Mi Mix được xem là phát súng báo hiệu cho việc bùng nổ smartphone không viền trong năm sau.
Meizu đã hé lộ một smartphone tương tự, ra mắt trong nay mai. Galaxy S8, iPhone 8 đều được cho sở hữu màn hình không viền.
Tất nhiên, Mi Mix chưa hoàn hảo. Một vài bài thử nghiệm cho thấy model này rất dễ bị vỡ khi rơi do khung viền quá mỏng manh. Ngoài ra, máy cũng khá dày, chưa thực sự tạo cảm giác mượt mà khi cầm.
Cấu hình tham khảo của Xiaomi Mi Mix bao gồm màn hình độ phân giải 1.080 x 2.040 pixel, chip xử lý Qualcomm Snapdragon 821 tốc độ 2,4 GHz, RAM 4 GB dung lượng 128 GB hoặc RAM 6 GB dung lượng 256 GB, camera 16 megapixel f/2.0 và pin 4.400 mAh.
Moto Z
Smartphone dạng tháo lắp là một trong những trào lưu mới mẻ trong năm nay. Ở lần đầu tiên chạy theo trào lưu này, Moto đã làm cực tốt. Họ giới thiệu đến người dùng hàng loạt món đồ chơi đi kèm với chiếc Moto Z cao cấp bao gồm loa ngoài của JBL, phụ kiện chụp hình zoom quang 10x, phụ kiện máy chiếu hay pin dự phòng.
Tất cả đều là những công cụ cần thiết cho công việc hoặc nhu cầu giải trí của người dùng. Quan trọng hơn, nó sử dụng chấu kết nối rất thông minh, vừa giúp kết nối nhanh, nhận diện ngay lập tức, lại không cần tắt máy.
Trong tương lai, Moto hứa sẽ phát triển mạnh mẽ hệ thống phụ kiện cho Moto Z cùng các thế hệ kế tiếp. Rõ ràng, đây là một trong những xu hướng rất mới mẻ của làng công nghệ.
Bản thân Moto Z là một chiếc smartphone cao cấp với thiết kế siêu mỏng (5,2 mm), cấu hình mạnh mẽ bậc nhất hiện nay. Máy sử dụng màn hình 5,5 inch Quad HD, chip Qualcomm Snapdragon 820 tốc độ 2,2 GHz, RAM 4 GB và camera sau 13 megapixel.
Huawei P9
Là một trong những smartphone cao cấp đầu tiên trang bị camera kép, cách tiếp cận hệ thống 2 camera của Huawei khá độc đáo trên P9. Cụ thể, một camera sẽ được dùng để chụp thang độ dạng đen trắng (monochrome) trong khi camera còn lại sử dụng cảm biến RGB hoàn toàn bình thường.
Sau khi chụp, thuật toán bên trong máy sẽ xử lý để kết hợp 2 bức ảnh này để tạo ra hình ảnh với chiều sâu tốt hơn, độ tương phản cao hơn. Huawei cũng công bố camera của họ được Leica chứng thực chất lượng. Cách kết hợp 2 cụm camera của Huawei được đánh giá cao, mặc dù chất lượng ảnh tạo ra không vượt trội so với các đối thủ.
Về thiết kế, Huawei tỏ ra xuất sắc khi nhét 2 cụm camera cao cấp vào một bộ khung mỏng 7 mm, không hề có thiết kế lồi như nhiều smartphone hiện nay. Cấu hình của máy không thuộc diến bom tấn với màn hình 5,2 inch, chip Kirin 955 tự phát triển và pin 3.000 mAh. Phiên bản chính hãng tại Việt Nam dùng RAM 3 GB, dung lượng 32 GB.
Apple iPhone 7 Plus
Nếu không có cụm camera kép kéo lại, người ta sẽ gọi iPhone 7 Plus là một bản nâng cấp nhàm chán. Quả thật, từ kiểu dáng thiết kế cho đến phần mềm bên trong, iPhone 7 Plus không có nét khác biệt nào so với 2 thế hệ trước.
Tuy nhiên, cách Apple sử dụng cụm camera kép trên model này thực sự sáng tạo. Theo đó, cả 2 cảm biến trong hệ thống camera kép này đều có độ phân giải 12 megapixel nhưng ống kính khác nhau. Camera chính sử dụng ống kính góc rộng 28 mm với khẩu độ f/1.8 trong khi camera còn lại dùng ống kính tiêu cự 56 mm khẩu độ f/2.8 cho khả năng zoom quang 2x.
Ống kính thứ 2 này cho phép người dùng chụp những bức ảnh chân dung với hiệu ứng xóa phông thực sự tuyệt vời. Cách tiếp cận với camera kép của Apple cực kỳ khôn ngoan bởi chụp chân dung là điều người dùng thường xuyên sử dụng bậc nhất.
Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế nhất định với camera của iPhone 7 Plus, chẳng hạn việc xóa phông đơn thuần là hiệu ứng phần mềm nên vẫn có sai số nhất định, tạo ra những bức ảnh không mượt mà. Ngoài ra, khi chụp ở điều kiện thiếu sáng, tính năng này hoàn toàn vô dụng.
iPhone 7 Plus sử dụng màn hình 5,5 inch Full HD, chip xử lý A10 Fusion, RAM 3 GB và pin 2.900 mAh.
LG G5
Vừa sở hữu thiết kế dạng module, vừa có camera kép, LG từng được đánh giá là smartphone sáng tạo nhất trên thị trường khi ra mắt. Tuy nhiên, cách LG sử dụng các tính năng này chưa mang đến sự hoàn hảo. Chẳng hạn, camera thứ 2 trên LG G5 đơn thuần để chụp ảnh góc rộng. Trong khi đó, các module tháo lắp của máy yêu cầu phát rút phần chân máy, kèm pin ra ngoài để thay thế.
Sở hữu tính ứng dụng thực tiễn không cao nên G5 tỏ ra chìm nghỉm trên thị trường, mặc dù mang đến những ý tưởng hoàn toàn mới trong làng smartphone cao cấp. Một điểm đáng buồn nữa là đích thân LG xác nhận sẽ loại bỏ thiết kế module ở thế hệ sau, đồng nghĩa thừa nhận thất bại của mình chỉ sau một lần thử nghiệm.
LG G5 sử dụng màn hình IPS LCD kích thước 5,3 inch độ phân giải Quad HD, chip Qualcomm Snapdragon 820, RAM 4 GB, dung lượng 32 GB. 2 camera của máy một có độ phân giải 16 megapixel, một độ phân giải 8 megapixel. Model này dùng viên pin 2.800 mAh.
Thành Duy
Theo Zing
Samsung trước nanh vuốt ngọa hổ tàng long Cuộc khủng hoảng của Samsung với Note 7 khiến họ trở nên khó khăn hơn trước mối đe dọa của những cái tên mới nổi ở phương Đông. Samsung chiếm khoảng 17% GDP Hàn Quốc. Hãng còn là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, vì thế, cuộc khủng hoảng với chiếc Note 7 lần này không phải là...