Huawei ra mắt PC đầu tiên: AMD Ryzen 4000 series, RAM 16GB, màn hình 23.8 inch
MateStation B515 là mẫu máy tính để bàn đầu tiên của Huawei được trang bị chip AMD Ryzen.
Huawei vừa ra mắt MateStation B515 – mẫu máy tính để bàn mới nhất của hãng, đi kèm với một bộ hoàn chỉnh bao gồm cả màn hình, bàn phím và chuột không dây. Mặc dù vậy, chiếc PC này không sử dụng vi xử lý Kunpeng “cây nhà lá vườn” do công ty tự phát triển, mà được trang bị chip Ryzen 4000 series của AMD.
MateStation B515 có kích thước vật lý 293 x 93 x 315.5mm và nặng khoảng 4.2kg. Về thông số kỹ thuật, nó được trang bị bộ xử lý AMD Ryzen 5 4600G và AMD Ryzen 7 4700G 7nm, tích hợp card đồ họa AMD Radeon Graphics.
Chiếc PC này đi kèm với 8GB / 16GB RAM, có 256GB / 512GB SSD M.2 NVMe và ổ cứng HDD 1TB SATA3 7200rpm. Thiết bị hỗ trợ Wi-Fi băng tần kép và Bluetooth 5.0, có một cổng USB-C 2.0, một cổng USB-A 3.2 gen 2 và jack cắm âm thanh 3.5mm ở mặt trước.
Trong khi đó, mặt sau là nơi chứa jack âm thanh 3.5mm đầu ra và đầu vào, hai cổng HDMI, cổng VGA, cổng USB-A 3.2 gen 1, hai cổng USB-A 2.0 và hai cổng Ethernet.
Để giữ cho máy luôn mát và hoạt động ổn định, Huawei cũng trang bị cho MateStation B515 tính năng kiểm soát nhiệt độ thông minh, điều chỉnh tốc độ gió theo sự thay đổi của nhiệt độ bên trong và thiết kế cánh quạt tản nhiệt không đối xứng, nhờ đó cải thiện đáng kể hiệu quả tản nhiệt.
MateStation B515 đi kèm với màn hình IPS 23.8 inch có độ phân giải Full HD (1920 x 1080 pixel), tỷ lệ khung hình 16:9, độ tương phản 1000:1 và tỷ lệ diện tích hiển thị lên tới 90%, mặc dù viền dưới vẫn được làm khá dày. Ngoài ra, nó cũng có chứng nhận ánh sáng xanh thấp từ TUV Rheinland, bảo vệ an toàn cho mắt một cách tối đa.
Cả bàn phím và chuột đi kèm MateStation B515 đều là phụ kiện không dây. Quan trọng hơn, Huawei đã tích hợp cảm biến vân tay vào phím nguồn trên bàn phím để người dùng có thể mở khóa PC một cách nhanh chóng bằng vân tay, cũng như truyền tệp với điện thoại Huawei thông qua thao tác chạm.
Về phần mềm, MateStation B515 được cài đặt sẵn hệ điều hành Windows 10 ngay từ khi bán ra. Mặt khác, nó cũng được trang bị các tính năng thông minh – ví dụ như Huawei Share để chia sẻ tệp tin nhanh hơn, hiệu quả hơn với các mẫu điện thoại của Huawei. Không những vậy, nó thậm chí còn cho phép gọi điện thông qua smartphone ngay trên PC.
Huawei cho biết MateStation B515 đã vượt qua một số bài kiểm tra khắc nghiệt về độ bền. Hiện tại, chiếc PC này mới chỉ được cung cấp dành cho doanh nghiệp và vẫn chưa rõ Huawei có bán nó cho người dùng cá nhân trong thời gian sắp tới hay không.
APPLE hoàn thành tâm nguyện của STEVE JOBS
M1 chính là câu trả lời cho canh bạc cuối cùng của Steve Jobs: thách thức khái niệm máy tính truyền thống.
Video đang HOT
Ngày 11/11, Apple đã giới thiệu 3 sản phẩm mới gồm MacBook Air, MacBook Pro 13 inch và Mac mini với M1, chip xử lý tự phát triển của hãng trên kiến trúc ARM. Đây là những bước đầu tiên trong kế hoạch dài hơi của Apple nhằm loại bỏ CPU Intel khỏi máy tính Mac, giúp hãng chủ động kiểm soát mọi thành phần trong máy.
Ngoài việc tập trung vào hiệu năng, chip xử lý giờ đây cần đảm bảo độ linh hoạt, liên tục khi sử dụng và tiết kiệm năng lượng. Intel, AMD, Samsung, Qualcomm và thậm chí là Huawei đã đón đầu xu thế này. Tuy nhiên, bước đi của Apple với chip xử lý M1 được xem là quan trọng và táo bạo hơn cả.
Nói cách khác, M1 chính là câu trả lời cho canh bạc cuối cùng của Steve Jobs: thách thức khái niệm máy tính truyền thống.
Craig Federighi, Phó chủ tịch Kỹ thuật Phần mềm của Apple.
Tâm nguyện của Steve Jobs
Cuộc phỏng vấn với Om Malik có sự tham gia của Greg Joswiak, Giám đốc Marketing, Johny Srouji, Phó chủ tịch Công nghệ Phần cứng và Craig Federighi, Phó chủ tịch Kỹ thuật Phần mềm. Cả 3 đã chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị liên quan đến chip xử lý M1.
Trong quá khứ, đế chế WinTel (Microsoft và Intel) gần như không thể bị phá vỡ. Máy tính Mac với CPU PowerPC thời ấy có doanh số không tốt. Hết giải pháp, Apple buộc phải chuyển sang CPU Intel. Đó là quyết định hợp lý khi doanh số máy Mac tăng dần.
Joswiak nói rằng Steve Jobs, cố CEO Apple luôn muốn duy trì tính cạnh tranh. Để làm được điều đó, Apple phải xây dựng và kiểm soát những yếu tố quan trọng từ phần mềm, phần cứng, trải nghiệm người dùng đến chip xử lý trong sản phẩm.
iPhone là cơ hội sớm nhất cho Apple với chip xử lý A-series xuất hiện lần đầu trên iPhone 4 và iPad thế hệ đầu tiên. Con chip này mạnh mẽ hơn qua từng năm, thông minh và có thể xử lý nhiều công việc phức tạp hơn.
Sức mạnh tăng nghĩa là mức điện tiêu thụ trên chip cũng cao hơn. Tuy nhiên, Apple luôn tìm ra giải pháp tối ưu việc tiêu thụ năng lượng. Sự cân bằng giữa hiệu suất và năng lượng tiêu thụ khiến A-series trở thành chip xử lý di động hàng đầu hiện nay.
"Jobs nói rằng Apple đã tự chủ mọi thứ quan trọng trên iPhone, iPad và đồng hồ. Đây là yếu tố cuối cùng để chúng tôi tạo ra chiếc máy Mac hoàn toàn tự chủ", Joswiak chia sẻ.
Chip xử lý Apple M1 được sản xuất trên tiến trình 5 nm, trong khi Intel vẫn đang chật vật với 10 nm và 7 nm.
Kẻ thách thức Intel, AMD
Apple M1 sử dụng cấu trúc SoC (System on Chip) gồm CPU, GPU, RAM và bộ xử lý thần kinh. Khi ra mắt M1, hãng cho biết chip xử lý này cho hiệu năng CPU cao hơn 3,5 lần, GPU cao hơn đến 6 lần nhưng thời lượng pin dài hơn gấp đôi so với máy Mac cũ.
Chip xử lý M1 được Apple đề cao tính tiết kiệm năng lượng. Đội ngũ phần cứng và phần mềm của Apple đã phối hợp để tối ưu khả năng hoạt động của chip trên máy Mac, đặc biệt là hệ điều hành macOS Big Sur được tối ưu cho M1.
Về cơ bản, cấu trúc của M1 tương tự chip xử lý A trên iPhone, iPad nhưng có hiệu năng cao hơn. Nó sử dụng cấu trúc bộ nhớ đồng nhất (Unified Memory Architecture), cho phép mọi thành phần gồm CPU, GPU, bộ xử lý ảnh hay bộ xử lý thần kinh sử dụng chung một bộ nhớ. Điều đó giúp dữ liệu được truy cập với băng thông cao hơn so với cấu trúc độc lập, đòi hỏi dữ liệu cần được di chuyển giữa bộ nhớ các thành phần. Thiết kế này cũng giúp mức tiêu thụ năng lượng của chip thấp hơn.
Chip xử lý riêng giúp Apple ra mắt những chiếc máy tính tự chủ giống iPhone, iPad.
Một số chuyên gia rất lạc quan về triển vọng của Apple M1. Richard Kramer, nhà phân tích từ Arete Research nói rằng tiến trình 5 nm đã giúp M1 đi trước một bước so với đối thủ Intel sử dụng kiến trúc x86.
"Apple đang sản xuất (những con chip) với cấu hình hàng đầu thế giới so với x86, nhưng giá thấp hơn một nửa so với chi phí 150-200 USD mà các nhà sản xuất OEM thường trả", Kramer dự đoán Apple sẽ phát hành 2 con chip mới trong năm sau, một cho iMac và một cho phân khúc cao cấp.
Trong khi Intel đang chật vật với tiến trình 10 nm, chip xử lý M1 chẳng khác gì đòn đánh mạnh đến từ Apple. Một đối thủ của Intel là AMD cũng sẽ phải chú ý đến Apple M1.
Không những thách thức Intel hay AMD, Apple M1 còn là động lực giúp Qualcomm hay các hãng chip di động tập trung vào phân khúc chip ARM cho laptop. Dù đã xuất hiện từ lâu, dự án chip xử lý Qualcomm cho laptop Windows vẫn chưa có bước đột phá nào.
Những máy Mac đầu tiên với chip M1 không thuộc dòng cao cấp. Tuy nhiên, ngân hàng đầu tư Morgan Stanley cho rằng 3 mẫu máy trên sẽ chiếm 91% tổng doanh số Mac trong 12 tháng tới.
Theo Federighi, những chiếc MacBook Air, MacBook Pro 13 inch và Mac mini với chip M1 đều vượt trội hơn bản tiền nhiệm, hứa hẹn các phiên bản cao cấp hơn sẽ có mặt sớm.
"Dường như một số người chưa mua sản phẩm này đang nôn nóng về một con chip cho phân khúc mà họ quan tâm nhất. Và ngày đó sẽ đến", phó chủ tịch kỹ thuật phần mềm của Apple chia sẻ.
Johny Srouji, Phó chủ tịch Công nghệ Phần cứng nói rằng Steve Jobs luôn muốn Apple chủ động về mọi thành phần trong thiết bị.
"Thông số cấu hình không phải thứ quan trọng nhất"
Apple cho biết quá trình chuyển sang chip xử lý riêng có thể mất 2 năm. Những gì đã xuất hiện có thể chỉ là bước đi đầu trong việc xây dựng hệ sinh thái chip xử lý M-series cho máy Mac, với nhiều phiên bản dành cho các phân khúc khác nhau.
Tất nhiên, việc chuyển đổi cũng gây ra nhiều khó khăn. Trước hết, người dùng Mac sẽ phải chuyển từ CPU Intel sang chip xử lý với kiến trúc khác. Những phần mềm cũng cần được tối ưu cho chip mới nhưng vẫn phải tương thích ngược với CPU Intel.
Theo Joswiak, quá trình này có thể mất vài năm chứ không thể hoàn tất một sớm một chiều. "Chúng tôi đã rất thành công với việc chuyển đổi này trong quá khứ", Joswiak nhấn mạnh.
Năm 2005, vệc chuyển từ CPU PowerPC sang Intel trên máy Mac khiến người dùng lẫn lập trình viên bối rối. Lúc ấy Steve Jobs - "tài sản" quý giá nhất của Apple - đã rất khôn khéo để khiến mọi người tập trung vào lợi ích của việc chuyển đổi sẽ tạo ra nền tảng mạnh mẽ, cạnh tranh với đế chế WinTel. Và ông đã đúng.
Tại sự kiện ra mắt chip M1 ngày 11/11, CEO Tim Cook nói rằng cứ 2 máy Mac được bán ra, có một máy đến từ người dùng mới. Trên thực tế, nhiều người mua Mac không quan tâm chip xử lý bên trong là gì.
Intel và các hãng máy tính Windows từ lâu đã tạo ra suy nghĩ rằng máy tính có xung nhịp CPU càng nhanh, RAM càng cao thì càng mạnh. Đó là thách thức lớn mà Apple phải đối mặt.
Những đánh giá ban đầu cho thấy hiệu năng chip xử lý M1 rất đáng hứa hẹn.
"Chúng tôi là công ty làm sản phẩm, xây dựng những thiết bị tốt, tích hợp chặt chẽ giữa phần cứng và phần mềm. Mọi thứ không nằm ở các con số, mà là giá trị người dùng nhận được từ sản phẩm", Srouji chia sẻ. Ông là một trong những người có nhiều kinh nghiệm, từng làm việc cho IBM, Intel và giờ là lãnh đạo mảng chip của Apple.
Không nhiều người quan tâm đến xung nhịp CPU hay dung lượng RAM trên iPhone, và Srouji muốn người dùng Mac cũng như vậy. Thay vì nhìn vào những con số, Apple muốn thể hiện chúng một cách trực quan như thời lượng pin dài bao lâu, thực hiện được bao nhiêu tác vụ.
"Tôi tin rằng mô hình của Apple là duy nhất và tốt nhất. Chúng tôi đang phát triển loại chip xử lý phù hợp với sản phẩm và cách phần mềm hoạt động với nó", Srouji nói.
Theo Federighi, thông số kỹ thuật đã không còn đại diện chính xác cho khả năng xử lý thực tế của chip: "Bạn không cần lo lắng về thông số CPU, thay vào đó là khối lượng công việc mà nó thực hiện được. Ví dụ, 'Tôi có thể sửa cùng lúc bao nhiêu video 4K hay 8K' là câu hỏi mà các nhà biên tập video đưa ra khi mua máy mà không có thông số nào trả lời được".
Trong năm 2021, Apple có thể ra mắt 2 chip xử lý dành cho iMac và máy tính cao cấp.
Srouji cho rằng việc tích hợp GPU vào chip M1 giúp Apple đạt được nhiều thứ. Trong khi GPU tích hợp của Intel vẫn phải dùng giao thức PCIe để tương tác với máy, GPU của Apple thậm chí sử dụng chung bộ nhớ giúp thực hiện nhiều việc hơn so với cả những GPU rời có bộ nhớ riêng.
Theo Federighi, việc chuyển qua lại dữ liệu giữa bộ nhớ CPU và GPU rời khiến máy bị nóng. Cấu trúc bộ nhớ đồng nhất trên chip Apple M1 sẽ giúp loại bỏ những khó khăn trên.
Mọi thứ sẽ còn thay đổi trong tương lai. Nhu cầu người dùng sẽ không chỉ dừng lại ở chơi game, biên tập phim hay gõ văn bản. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là xu hướng, và trong khi Apple đã có nhiều năm phát triển thuật toán phần mềm với AI, chip xử lý M1 cần liên tục cải tiến để đáp ứng xu hướng.
Được cung cấp cảm biến cho Huawei nhưng Sony chẳng hề vui mừng Dù Sony được bán cảm biến hình ảnh cho Huawei, nhưng nếu mảng smartphone của công ty Trung Quốc không thể hồi sinh trở lại, điều này cũng chẳng mấy ý nghĩa. Theo các nguồn tin của Nikkei Asian Review, Sony và Omnivision, hai nhà sản xuất cảm biến hình ảnh camera hàng đầu thế giới hiện nay, đều đã nhận được giấy...