Huawei giúp Trung Quốc vượt Mỹ trong cuộc đua 5G
Huawei đang giúp chính phủ Trung Quốc xây dựng mạng 5G lớn nhất thế giới trong khi công ty vẫn đang “chật vật” ở các nước phương Tây.
Trong một căn hộ tại thành phố Bắc Kinh, Jun Yu (34 tuổi) cất giữ hơn 20 chiếc smartphone, máy tính bảng và nhiều thiết bị điện tử khác. Yu cũng trang bị cho căn hộ hai bộ loa thông minh Google Home và Amazon Echo. “Tôi luôn mang theo ba chiếc điện thoại mỗi ngày. Một chiếc để chạy các ứng dụng Trung Quốc, iPhone để dùng G-mail và các ứng dụng phương Tây, cùng một chiếc Google Pixel dành riêng cho công việc”, Yu nói.
Jun Yu, doanh nhân công nghệ 34 tuổi người Trung Quốc, luôn mang theo 3 chiếc smartphone.
Năm 2009, Yu đã mua chiếc điện thoại Android đầu tiên. Một năm sau, ông tốt nghiệp và thành lập công ty phát triển ứng dụng dành cho người dùng Trung Quốc. Tới 2016, ông nhượng lại công ty cho Alibaba với mức giá không được tiết lộ.
Yu đang rất hào hứng với công nghệ viễn thông tiếp theo. 5G được kỳ vọng sẽ đem đến tốc độ kết nối Internet siêu cao cho smartphone, đủ nhanh để tải xuống bộ phim độ phân giải cao trong vài giây. Tháng 10 vừa qua, doanh nhân công nghệ này đã đặt mua một chiếc smartphone 5G do Xiaomi sản xuất.
“4G là nền tảng để nhiều ứng dụng trở nên phổ biến trên thiết bị di động, như video và các trò chơi nhập vai trực tuyến. Tôi biết rằng 5G cũng vậy, nhưng không rõ chính xác thế nào”, Yu nói thêm.
Tuy nhiên, quá trình phát triển 5G thương mại tại Mỹ và châu Âu đang bị trì hoãn bởi lệnh cấm với nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới – Huawei.
Video đang HOT
Từ tháng 4, Mỹ đã ban hành lệnh cấm nhà mạng trong nước sử dụng thiết bị từ Huawei và ZTE dựa trên lo ngại về bảo mật, đồng thời khuyến cáo đồng minh khắp thế giới đưa ra quyết định tương tự. Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng thiết lập quy định nghiêm ngặt để hạn chế các công ty Mỹ thực hiện giao dịch công nghệ với các công ty Trung Quốc.
Theo Edison Lee, chuyên gia phân tích của Jefferies, đây là nỗ lực của Mỹ để ngăn Trung Quốc thống trị công nghệ 5G trong tương lai.
“Mỹ cho rằng các công ty Trung Quốc đạt được thành tựu trong lĩnh vực công nghệ là nhờ nguồn trợ cấp từ chính phủ và trộm cắp bản quyền sở hữu trí tuệ. Họ tin rằng thiết bị viễn thông Trung Quốc không an toàn và là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ và các đồng minh”, Lee nói. “Huawei và ZTE càng chiếm lĩnh nhiều thị phần thiết bị viễn thông toàn cầu, Mỹ càng cho rằng rủi ro gián điệp với các quốc gia phương Tây càng lớn”, ông phân tích.
Huawei đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc của Mỹ cho rằng thiết bị viễn thông do công ty sản xuất tiềm ẩn lỗ hổng bảo mật.
Khi các quốc gia phương Tây còn đang loay hoay chưa chọn ra nhà cung cấp thiết bị 5G chủ lực, Trung Quốc đã triển khai thành công dịch vụ 5G thương mại.
Ngày 31/10, ba nhà mạng Trung Quốc là China Mobile, China Unicorn và China Telecom đã ra mắt dịch vụ 5G thương mại tại hơn 50 thành phố lớn và hình thành mạng 5G lớn nhất thế giới. Trong đó, Huawei sản xuất 50% thiết bị đang được sử dụng trong cơ sở hạ tầng 5G của các nhà mạng này.
Theo thống kê của Bộ Thông tin Trung Quốc, số lượng thuê bao 5G của nước này đã cán mốc 80.000 chỉ trong 20 ngày. Các chuyên gia phân tích dự đoán, Trung Quốc sẽ đạt 110 triệu thuê bao 5G vào năm 2020.
Hiện tại, các công ty công nghệ Trung Quốc bận rộn phát triển ứng dụng mới cho công nghệ 5G.
Trên khu đất rộng lớn phía bắc Hong Kong, các nhà nghiên cứu đang phát triển xe không người lái dựa trên nền tảng công nghệ 5G. Viện nghiên cứu khoa học ứng dụng và công nghệ Hong Kong đã tác với nhà mạng lớn nhất Trung Quốc, China Mobile. Các chuyên gia của Viện cho rằng mạng 5G thực sự hữu ích để thúc đẩy sự phát triển của phương tiện tự hành. Tốc độ truyền tải cao và độ trễ thấp sẽ giúp xe tự lái biết chính xác môi trường xung quanh thông qua việc tiếp nhận tín hiệu trên đường và giao tiếp với những phương tiện khác.
“Đối với người dùng, 5G sẽ thay đổi cách chúng ta giao tiếp với nhau. Đối với chính phủ, 5G là nền tảng để phát triển thêm ứng dụng tiến tiến hỗ trợ tài xế, đồng thời thúc đẩy quá trình nâng cấp hệ thống hạ tầng đường bộ để tăng khả năng thích ứng với xe tự lái”, chuyên gia nghiên cứu Alex Muo cho biết.
Tuy không phải là quốc gia đầu tiên, Trung Quốc đã mở rộng quy mô mạng 5G một cách thần tốc. Mảng kinh doanh trong nước của Huawei và ZTE vẫn đem về nguồn thu ổn định, nhưng cả hai công ty này đều mong muốn vươn ra thị trường quốc tế.
Phát biểu tại hội nghi 5G ở Bắc Kinh trong tháng này, Maio Wei, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT), tuyên bố: “Không quốc gia nào nên cấm một công ty triển khai mạng 5G dựa trên cáo buộc chưa được chứng thực về rủi ro an ninh mạng”.
Trong khi đó, giới phân tích không tin tưởng vào khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm giải quyết mẫu thuẫn. Ben Wood, trưởng nhóm phân tích của CSS Insight, gọi căng thẳng giữa hai nước là “Chiến tranh lạnh công nghệ”.
“Việc chính phủ Trung Quốc kiên quyết đạt được mục tiêu trở thành quốc gia đi đầu trong công nghệ 5G mở ra cơ hội vô cùng lớn cho Huawei tại thị trường quê nhà”, Wood nói. “Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới có thể bị bỏ lại phía sau. Việc không được quyền tiếp cận Huawei khiến các nhà mạng phụ thuộc vào công ty cung cấp thiết bị 5G thay thế với giá thành đắt và công nghệ kém hiện đại”.
Theo vnexpress
Ấn Độ chậm chạp trong cuộc đua 5G
Trong khi nhiều nước lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã tung hoặc rục rịch phổ biến 5G nửa cuối năm nay, Ấn Độ vẫn cần ít nhất một năm nữa để cho ra mắt thế hệ internet di động tốc độ cao kế tiếp.
Theo CNBC, đây là nhận định của Phó chủ tịch Akhil Gupta của Bharti Enterprises, công ty mẹ của nhà khai thác viễn thông lớn của Ấn Độ Bharti Airtel. Dù một số nước đã triển khai mạng 5G, công nghệ này vẫn ở giai đoạn non trẻ và ứng dụng của nó vẫn cần được khám phá.
Ấn Độ còn cách mục tiêu tung 5G từ 12 đến 18 tháng, nếu không muốn nói là lâu hơn, ông Gupta nhận định. "Chính phủ Ấn Độ ra quyết định chia phổ dựa trên cơ sở thử nghiệm. Với tư cách nhà khai thác, chúng tôi tự chuẩn bị để triển khai nhanh nhất có thể một khi có ứng dụng cho Ấn Độ", Gupta nói.
Logo hãng Airtel - Ảnh: Getty Images
Quốc gia Nam Á dự kiến thử nghiệm cài đặt mạng 5G trong thời gian tới. Dù vậy, chính phủ Ấn Độ đề xuất mức giá cơ bản 4,92 tỉ rupee, tương đương 71 triệu USD, cho đấu giá phổ 5G trong năm nay. Đây là con số khá cao, theo Reuters. Nhiều hãng viễn thông Ấn Độ như Bharti Airtel, Reliance Industries và Vodafone Idea dự kiến tham gia đấu giá. Toàn bộ quá trình có thể khiến họ mất hơn 1 tỉ USD.
Ông Gupta cho rằng về lâu dài, giá cả vẫn sẽ được quyết định bởi cung cầu và khả năng đầu tư của ngành. Ông nói thêm chính phủ cần đảm bảo rằng tiền đầu tư được phân bổ cho việc triển khai mạng nhiều hơn là cho phổ. Lý do cuối cùng giải thích vì sao quốc gia Nam Á chậm tung 5G là vì việc rót vốn cho 4G hiện nay quan trọng hơn. Nền tảng 4G sẽ giúp Ấn Độ chuẩn bị tốt hơn cho 5G.
Khi được hỏi về vấn đề Huawei Technologies, Gupta cho biết chính phủ lẫn Bộ Viễn thông đang xem xét tất cả các khía cạnh của vấn đề, trong đó có lo ngại an ninh tiềm ẩn. Huawei là một trong những tên tuổi hàng đầu trong cuộc đua 5G, song lại vấp phải lo ngại rằng hãng tạo điều kiện cho gián điệp Trung Quốc. Một số nước như New Zealand, Úc, Nhật Bản và Mỹ hạn chế Huawei tham gia vào 5G quốc gia.
Hiện Ấn Độ chưa tỏ rõ lập trường với Huawei. Hồi tháng 7, tờ Nikkei đưa tin giới chức Ấn Độ vẫn miễn cưỡng để Huawei tham gia phát triển 5G dù công ty Trung Quốc sẵn lòng ký cam kết rằng thiết bị của họ không có bất cứ phương tiện độc hại nào. Bắc Kinh mới đây cũng cảnh cáo New Delhi, cho biết việc chặn Huawei sẽ để lại hậu quả với các doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động tại Trung Quốc.
Theo Thanh Niên
Chip 5G tầm trung của Qualcomm có giá cao hơn các đối thủ Cuộc đua 5G đang hướng đến phân khúc tầm trung, vì smartphone tầm trung rất hút khách. Hiện tại, Samsung đang dẫn đầu ngành này sau khi ra mắt chip tầm trung Exynos 980 5G vào đầu tháng trước và sẽ được trang bị cho điện thoại ngay trong năm nay. Về phía Qualcomm cho biết hãng sẽ công bố dòng chip Snapdragon...