Hứa hẹn kỷ nguyên 5G
Các công ty cung cấp hạ tầng viễn thông cùng những nhà mạng lớn trên thế giới đang chạy đua để sớm cung cấp mạng điện thoại di động 5G, hứa hẹn những tiện ích vượt trội.
Sự phát triển từ 1G lên 5GNGUỒN: TL
Ngày 2.9, trang Business Insider dẫn thông báo từ Ericsson cho hay hãng này đang sẵn sàng cung cấp các thiết bị lõi, hạ tầng mạng để các nhà mạng đưa vào sử dụng dịch vụ điện thoại di động thế hệ 5 (5G) vào năm 2017. Mục tiêu này sớm hơn 3 năm so với dự tính trước đó của các cơ quan viễn thông thế giới đưa ra. Ericsson đang có kế hoạch hợp tác với 26 nhà mạng trên thế giới để phát triển 5G. Việc tăng tốc của Ericsson là dễ hiểu bởi một số công ty đối thủ khác cũng đang có tham vọng tương tự.
Cụ thể, theo tờ The Wall Street Journal, cả Nokia lẫn Huawei và ZTE cũng đang đẩy nhanh việc cung cấp hạ tầng mạng 5G. Hồi tháng 8, Tập đoàn viễn thông BT của Anh và Nokia đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển 5G. Còn tại Mỹ, hồi tháng 7, Ủy ban Viễn thông liên bang nước này (FCC) đã thông qua việc cho phép triển khai dịch vụ mạng 5G.
Tiện ích vượt trội
Video đang HOT
Hiện nay, ngoại trừ một số ít quốc gia phát triển đã cung cấp 4G thì nhiều nước vẫn đang lấy 3G làm chủ lực và đang thử nghiệm 4G để cung cấp các tiện ích đa phương tiện không dây. So với 4G, 5G sẽ có tốc độ truyền dữ liệu được cho là nhanh hơn đến 100 lần, nhờ đó các tiện ích di động sẽ chuyển sang một bước ngoặt mới.
Theo chuyên trang công nghệ CNET, tốc độ nhanh vượt trội không chỉ cho phép điện thoại di động 5G truyền hình trực tiếp như lâu nay, mà chất lượng hình ảnh có thể đạt đến chuẩn 4K. Đặc biệt, nó có thể kết nối để theo dõi góc nhìn toàn diện nhờ vào hệ thống camera 360. Từ đó kết hợp cùng công nghệ thực tế ảo để có thể tương tác cùng hình ảnh từ hiện trường. Tương tự, khi công nghệ thực tế ảo vận hành trên 5G, người dùng có thể chơi game và “chạm” vào bạn bè cùng chơi, tạo ra một không gian như thực.
5G còn là nền tảng quan trọng cho cuộc cách mạng xe tự hành mà nhiều hãng đang phát triển. Lâu nay, do công nghệ mạng không dây còn bị giới hạn về mặt tốc độ, nên độ trễ khá lớn giữa các cảm biến của xe và trung tâm truyền dữ liệu. Vì thế, mạng 5G với tốc độ đột phá sẽ hạn chế độ trễ cực thấp và khả năng truyền tải dữ liệu cực nhanh. Nhờ đó, chiếc xe sẽ vận hành chính xác và an toàn hơn. Qua đó, một cuộc cách mạng về giao thông sẽ được mở ra khi gần đây, taxi tự hành, xe buýt và cả xe tải tự hành đều đã được chạy thử nghiệm trên đường công cộng ở nhiều nước. Khi mạng di động tiến thêm một bước cũng sẽ góp phần lớn vào kỷ nguyên giao thông tự hành.
Bên cạnh đó, 5G cũng có thể tạo ra đột phá trong y khoa khi nối kết nhanh chóng kết quả xét nghiệm và thậm chí phát triển mạnh về robot phẫu thuật. Nhờ tốc độ truyền dữ liệu nhanh, robot phẫu thuật sẽ có thể phối hợp tức thì cùng các điều lệnh của bác sĩ và các robot trong cùng hệ thống. Tương tự công nghệ xe tự lái, mạng 5G với độ trễ cực thấp sẽ giúp robot thực hiện chính xác.
Hoàng Đình
Theo Thanhnien
Một nhà mạng Phần Lan lập kỷ lục về tốc độ 4G
Hãng cung cấp dịch vụ di động Elisa (Phần Lan) vừa tuyên bố phá vỡ kỷ lục truyền tải dữ liệu 4G với 1,9 Gb/giây và đây là tốc độ nhanh nhất lịch sử trên mạng di động này.
Elisa vừa thiết lập kỷ lục mới về tốc độ mạng 4G.
"Từ các số liệu về mạng di động mà chúng tôi biết, chưa có nhà mạng nào tuyên bố tốc độ 4G mà họ cung cấp đạt 1,9 Gb/giây. Với tốc độ đó, bạn có thể tải về một bộ phim Blu-ray chỉ trong vòng 44 giây", Veli-Matti Mattila, Giám đốc điều hành Elisa, cho biết.
Theo Mattila, đây là kết quả hợp tác giữa Elissa với nhà cung cấp viễn thông Huawei của Trung Quốc. Ông kỳ vọng, tốc độ này sẽ hỗ trợ tốt cho sự phát triển của các nội dung như thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, video 4K, video 360 độ... vốn cần dữ liệu truyền cao. Đồng thời, đây cũng là bước tiến xa, cho thấy 4G có thể được cải thiện tốc độ hơn nữa trong tương lai, từ đó tạo đà phát triển mạng 5G.
Tuy nhiên, tốc độ trên lại không nhận được các phản ứng tích cực của các nhà phân tích. Theo chuyên gia Nick Wood của Total Telecom (Anh), khách hàng sẽ khó nhận ra những thay đổi dù con số 1,9 Gb/giây thực sự ấn tượng.
"Việc triển khai mạng di động có tốc độ 1,9 Gb/giây không có nghĩa là khách hàng sẽ hưởng trọn 1,9 Gb/giây băng thông, bởi lưu lượng mạng được chia sẻ đều cho toàn bộ thành viên đang truy cập. Như vậy, người dùng chỉ nhận được sự cải thiện khá khiêm tốn về tốc độ tổng thể và độ tin cậy mà thôi", Wood nhận định.
Trong khi đó, Ernest Doku, một chuyên gia về viễn thông của uSwitch (Anh), chỉ ra rằng, tốc độ này chỉ có thể cải thiện băng thông so với hiện tại, nhưng chưa thể tạo đà để phát triển mạng 5G. Theo ông, tốc độ của 5G trên lý thuyết nhanh hơn 50 lần so với tốc độ 4G mà Elisa công bố, tức 1 Tb/giây, và 4G còn lâu mới có thể tiệm cận mức đó. Tuy vậy, ông đồng ý với nhận định tốc độ 4G sẽ còn được cải thiện trong tương lai.
Theo số liệu từ OpenSignal, Phần Lan đang đứng thứ 7 thế giới về hiệu suất dữ liệu di động (bao gồm 3G và 4G). Riêng Elisa là số ít trong những nhà mạng cho phép các thuê bao có thể sử dụng băng thông tối đa 300 Mb/giây. Hiện hãng có kế hoạch cung cấp gói tốc độ cao 1 Gb/giây trong khoảng 2-3 năm cho khách hàng của mình.
Bảo Lâm
Theo VNE
Smartphone 4G nở rộ ở Việt Nam Hơn nửa số smartphone trên kệ hàng chính hãng năm nay đã hỗ trợ kết nối mạng 4G, có cả mẫu dòng phổ thông giá chỉ vài triệu đồng. Phải tới cuối năm, công nghệ mạng di động thế hệ thứ tư (4G) mới được các nhà mạng chính thức triển khai. Nhưng theo thống kê từ hệ thống Thế giới di động,...