HTC One M7 hàng dựng giá 3,5 triệu tràn về Việt Nam
Những chiếc HTC One M7 được “xào nấu” lại, đóng hộp kèm phụ kiện lô và rao bán như hàng nguyên hộp xuất hiện ở các cửa hàng tại Hà Nội và TP HCM.
Sau iPhone 5C lock từ Nhật Bản, đến lượt HTC One M7 siêu rẻ cũng xuất hiện trên thị trường xách tay. Tại các cửa hàng ở TP HCM và Hà Nội, model này hiện được bán với giá từ 3,5 đến 3,7 triệu đồng, bằng 1/5 so với giá máy lúc mới lên kệ.
Trên nhiều trang mua bán online, số lượng các máy One M7 rao nhiều. Theo các chủ hàng, phần lớn trong đó là hàng dựng.
Trao đổi với Zing.vn, anh Nguyễn Hải Phong, một người có kinh nghiệm trong kinh doanh di động xách tay tại TP HCM cho biết, máy thường được người bán rao “fullbox” (nguyên hộp) như hàng mới. Trên thực tế, đây là những chiếc hộp được nhái lại, in thêm số IMEI, màu mực kém sắc nét, dễ trầy tróc ngay cả khi cạo nhẹ bằng tay.
Theo các chủ cửa hàng, HTC One M7 được rao “hàng mới, nhập từ châu Âu” trên thị trường hầu hết là hàng dựng được nhập từ Trung Quốc.
“Không chỉ hộp đựng được nhái lại, toàn bộ phụ kiện đi kèm là hàng lô, tai nghe cho âm thanh kém chất lượng. Tuy nhiên, máy có ngoại hình được làm rất mới”, anh Phong cho biết.
Tuy máy được tân trang lại như mới, nhưng theo anh Phong, người mua vẫn có thể phát hiện nếu để ý kỹ giắc cắm tai nghe và sạc. One M7 hàng dựng thường bị bám bẩn ở hai chi tiết này, thậm chí vành nhựa ở khe cắm tai nghe thường có phần dư, méo mó.
Ngoài việc “soi” ngoại hình, người dùng cũng có thể phát hiện chiếc HTC One M7 đã qua “xào nấu” bằng cách nghiêng màn hình 30 độ, phía dưới bốn mép sẽ lộ ra các vệt như keo có độ dày vài mm.
Video đang HOT
Theo anh Ngọc Tân, một chủ cửa hàng trên đường 3/2, quận 10, TP HCM, HTC One M7 được rao mới trên thị trường hầu hết là hàng dựng. Tuy nhiên, mỗi máy lại được “xào nấu” theo nhiều cách khác nhau. “Có máy bị hư main, model khác bị chết màn hình nên họ dựng lại máy theo kiểu ‘râu ông này cắm cằm bà kia’ để ra hàng mới”.
Do đó, nếu người dùng may mắn mua được máy có mainboard còn nguyên vẹn và chỉ thay vỏ bên ngoài thì có thể dùng lâu dài và ít gặp sự cố.
Chung nhận định với anh Tân, anh Nguyễn Nhân Minh, kỹ thuật viên của một cửa hàng điện thoại trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1 TP HCM cũng cho rằng, chất lượng của những chiếc HTC One M7 3,5 triệu trên thị trường khá “hên xui”. Theo anh Minh, kể cả One M7 từ nhà mạng cũng có thể được dựng lại và thậm chí có giá rẻ hơn do thương gia thu gom theo dạng thanh lý số lượng lớn, nhất là những máy dùng mạng CDMA từ Verizon.
Sự có mặt của One M7 hàng dựng xôn xao các diễn đàn công nghệ. “Giắc cắm các máy dựng thường cũ, bẩn, camera bị lệch tâm. Máy cũng cho cảm giác cầm nặng và dày hơn so với hàng mới”, nicknamekhoa2811 chia sẻ trên một diễn đàn. Cũng theo tài khoản này, do có phần thân nguyên khối, nên những chiếc One M7 khi được dựng lại bắt buộc phải qua hơ nóng để tan lớp keo. Quá trình này khiến các mép trên đỉnh máy sau khi tân trang trông không được khít.
“Tiền nào của đó, người dùng chỉ nên mua lại máy cũ chính hãng với giá cao hơn nhưng chất lượng được đảm bảo. Nếu đã mua nhầm hàng dựng, nên sao lưu dữ liệu thường xuyên vì máy có thể hỏng bất cứ khi nào”, anh Minh cho biết.
Duy Tín
Theo Zing
Việt Nam thị trường tiêu thụ iPhone 'rác'
Việt Nam là một trong số không nhiều những điểm tiêu thụ đầy đủ các loại iPhone từ hàng qua sử dụng, khóa mạng, trưng bày, trôi bảo hành, dựng, thậm chí máy ăn cắp.
Trong cửa hàng rộng khoảng 30 m vuông, anh T. (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa bán chiếc iPhone 5C thứ 40 trong ngày: "Cố gắng kiếm thêm cho em vài chục cây 5C càng sớm càng tốt. Bác không cần kiểm tra nhiều, phần cứng còn tốt là được", tiếng anh khá to khi gọi cho số điện thoại quen đầu 86 (mã điện thoại quốc tế của Trung Quốc).
Hơn 2 tuần nay, anh T. ăn, ngủ tại cửa hàng vì iPhone 5C bán chạy. Người này phải liên tục làm việc với các mối nhập để có máy bán cho khách.
iPhone 5C khóa mạng tại Việt Nam là sản phẩm xả hàng từ nhà mạng Nhật Bản. Ảnh: Muare.
Cơn sốt iPhone 5C chưa hạ nhiệt, nhiều cửa hàng đã rục rịch thu gom những chiếc iPhone 5, 5S lock giá 4-6 triệu bán nhân lúc máy khóa mạng đang sốt.
Trước đó, iPhone qua sử dụng hàng tân trang (còn gọi hàng dựng), máy trưng bày, máy khóa iCloud - đa phần là hàng ăn cắp - đều được bày bán la liệt tại các đô thị lớn. Nhiều model cũ, giá rẻ len lỏi về các vùng nông thôn.
"Việt Nam là một trong những thị trường hàng đầu tiêu thụ iPhone rác", anh Hoàng Nguyên (Ba Đình, Hà Nội) - người từng có 5 năm kinh doanh sản phẩm iPhone chia sẻ.
iPhone rác được đầu nậu Hong Kong, Trung Quốc thu gom từ các nước phát triển, sau đó tuồn sang Thẩm Quyến. Tại đây, máy được phân loại, tân trang, sau đó phân phối đến các thị trường Đông Nam Á, Nam Mỹ, một số nước châu Phi.
Trung Quốc là công xưởng lớn nhất của những chiếc iPhone rác nhưng bản thân thị trường họ ít tiêu thụ iPhone loại này. "Smartphone nội từ Lenovo, Xiaomi, Meizu có giá siêu rẻ, chất lượng tốt nên iPhone rác khó xâm nhập, khác với Việt Nam", anh Nguyên chia sẻ.
Ngoài các sản phẩm qua sử dụng, máy trưng bày, máy khóa mạng, thị trường Việt Nam còn phổ biến các mẫu máy khóa iCloud. Ảnh: ABCNews.
Anh Bảo Minh - một chủ hàng tại quận 10, TP HCM cho biết, không chỉ hàng dựng, mất iCloud, bản thân dòng iPhone 5C lock cũng được xem là rác. Chúng đều là hàng tồn kho, nhà mạng Nhật bóc hộp, bán "cắt lỗ"cho đầu nậu với số lượng lớn để xả hàng.
Anh Cao Cường, cựu du học sinh Nhật Bản cho biết, iPhone 5C bản khóa mạng tại Nhật hiện có giá tương đương 5 triệu đồng. Mức giá này cao hơn so với máy đang bán tại Việt Nam (3,5 triệu cho bản cũ, gần 4 triệu với máy mới).
"Thuộc diện xả hàng nên iPhone 5C khóa mạng có chất lượng tốt. Tuy nhiên, các bản iPhone 5S, đặc biệt iPhone 5 khóa mạng mới về nước tương đối đáng ngại - giống các mẫu iPhone được quảng cáo mới 99% hiện nay".
Không chỉ iPhone cũ, Việt Nam còn là điểm đến của những chiếc iPhone ăn cắp, theo PCmag. Trang này khẳng định, người dùng có thể sửa bất cứ chi tiết nào trên iPhone với mức giá dưới 5 USD (khoảng 100.000 đồng) tại Việt Nam.
Trên nhiều trang mua bán online, những chiếc iPhone khóa iCloud được rao bán công khai. Nhiều nơi cung cấp dịch vụ mở khóa iCloud từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu, tùy dòng máy, xuất xứ. Đây được xem là hình thức tiếp tay cho việc tiêu thụ iPhone khóa iCloud không rõ nguồn gốc.
"Những sản phẩm nước phát triển xả hàng, không dùng đến, thậm chí hàng ăn cắp đều nhắm đến thị trường các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, khi máy chính hãng chưa đáp ứng được yêu cầu về giá, mác "táo khuyết" vẫn là biểu tượng của đẳng cấp tại Việt Nam thì tình trạng này chưa sớm kết thúc", anh T. thẳng thắn thừa nhận.
Theo các nhà bán lẻ, Việt Nam là thị trường khá nhạy cảm về giá. Nhiều điện thoại ế ẩm, khi hạ giá đưa về Việt Nam đều có thể tiêu thụ tốt. Không chỉ iPhone, trào lưu BlackBerry cách đây 5 năm hay việc hạ mạnh một số model chính hãng gần đây đều cho thấy điều này.
Thành Duy
Theo Zing
iPhone 5C lock, BlackBerry Z10 - di động gây sốt tháng 4 iPhone 5C khoá mạng đang tạo nên cơn sốt trên thị trường di dộng xách tay. Một năm trước, BlackBerry Z10 cũng gây sốc với nhiều người nhờ màn giảm giá ngoạn mục còn 4,5 triệu đồng. Đầu tháng 4, iPhone 5C khoá mạng từ Nhật ồ ạt về Việt Nam, tạo nên cơn sốt lớn trên thị trường di động xách tay....