Hot girl nổi tiếng trải lòng chuyện bị bắt nạt từ cấp 2 tới tận… bây giờ
Khi học cấp 2, Phan Hằng bị bắt nạt vì màu da và giọng nói. Những năm cấp 3, Hằng cố gắng trở nên xinh đẹp, học giỏi nhưng vẫn bị bắt nạt. Và hiện tại, Hằng lại chịu sự bắt nạt trên mạng.
Dư luận xã hội đang cho thấy sự quan tâm đối với câu chuyện một cô gái ở Hà Nội tố cáo bị bạn học bắt nạt, “tra tấn” tâm lý nhiều năm gây hậu quả nặng nề.
Từ câu chuyện của cô gái từng là nạn nhân của bắt nạt học đường, nhiều bạn trẻ dũng cảm lên tiếng, kể câu chuyện bị bắt nạt của bản thân, nhằm đòi lại công lý, hoặc cổ vũ những người bị bắt nạt tự tin, đối mặt, lên tiếng và vạch trần vấn nạn này.
Nữ sinh ĐH Kinh tế quốc dân Phan Thị Minh Hằng (sinh năm 2001, thường được gọi là Phan Hằng) cũng thẳng thắn chia sẻ với phóng viên Dân trí về chuyện bản thân cô bị bắt nạt từ khi còn là học sinh cấp 2 cho tới tận bây giờ.
Hot girl 500.000 người theo dõi lần đầu nói về chuyện bị bắt nạt suốt nhiều năm ròng
Phan Hằng đang là nữ sinh nổi tiếng nhất của ĐH Kinh tế quốc dân. Cô sở hữu hàng trăm ngàn fans.
Phan Hằng là thần tượng của nhiều bạn trẻ, vừa là người mẫu ảnh và KOLs (người có sức ảnh hưởng – PV ). Hiện tại, Hằng có hơn 500.000 lượt người theo dõi trên Instagram, đa phần là học sinh, sinh viên.
Hằng không do dự nhiều khi kể ra câu chuyện của mình bởi cô đã học được cách đối mặt với vấn đề của nạn nhân bị bắt nạt thông qua điều trị tâm lý và trưởng thành trong trải nghiệm cuộc sống.
Hằng kể: “Hồi học cấp 2, em có thân hình gầy guộc, thấp bé, giọng nói lai giữa miền Bắc và miền Trung nên các bạn lấy đó làm cái cớ để trêu chọc em. Em khi đó lại nhút nhát, không có nhiều kỹ năng nên không biết làm cách nào để bảo vệ mình. Bắt đầu từ năm lớp 6, em luôn bị gọi bằng các biệt danh là: người tối cổ, người chưa tiến hóa… bởi vì màu da và giọng nói khác lạ”.
Nữ sinh sinh năm 2001 cho hay, cô không chỉ khóc rất nhiều mà còn sinh ra chán học, sợ tới trường vì bị trêu chọc, bị cô lập trong môi trường học tập. Tình trạng suy sút của Hằng ở trường kéo dài khiến gia đình phải chuyển học cho cô khi vừa hết lớp 7 với hi vọng cô có môi trường học tập tốt hơn.
Tuy vậy, bước vào học ở ngôi trường mới, “ác mộng” với cô bé 13-14 tuổi năm đó vẫn chưa chấm dứt.
Hình bên trái là Phan Hằng khi còn nhỏ. Hình bên phải là cô khi ở cuối cấp 3.
Bằng một cách nào đó, những lời đồn thổi ác ý về Phan Hằng đã lan sang ngôi trường mới, khiến cho cô tiếp tục là đích ngắm của những kẻ thích bắt nạt, trêu chọc bạn học.
Mỗi khi Hằng tới lớp, cô phải để ý đồ dùng cá nhân, sách vở vì thường xuyên bị đem đi giấu, vứt nơi nào không biết. Chưa hết, cô còn bị bạn bè dựng chuyện nói xấu, bị vu ăn cắp, vu là không chịu nộp tiền quỹ lớp… Mỗi khi trong lớp có vấn đề xảy ra, người đầu tiên bị đổ lỗi, nghi ngờ chính là Phan Hằng.
“Nhiều lần em cố gắng bào chữa cho mình nhưng chưa bao giờ được lắng nghe. Kéo theo đó là tin đồn thất thiệt về em ngày càng lan xa khiến em luôn sống trong lo lắng, bất an”, hot girl đình đám trên Instagram hiện tại cho biết.
Đỉnh điểm của việc bị bắt nạt, Phan Hằng từng bị bạn học đổ rác lên bàn kèm theo lời nói: “Mày sống kiểu gì rác đổ đúng chỗ mày!”.
Cách Phan Hằng đối mặt với sự bắt nạt ở trường học
Video đang HOT
Phan Hằng hiện tại rất xinh đẹp và nổi bật trong giới trẻ.
Trước áp lực đè nén từ việc bị bắt nạt, Phan Hằng may mắn có gia đình luôn ở bên cạnh động viên. Nhờ vậy, cô đặt quyết tâm phải học thật tốt và cải thiện ngoại hình để không còn bị chèn ép.
Lên cấp 3, thành tích học tập của Hằng ngày càng khá hơn. Cô được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của trường. Đồng thời, Hằng cũng dậy thì nhanh chóng, tăng trưởng chiều cao và ngày càng trở nên xinh xắn nhờ vào học hỏi các bí quyết làm đẹp, trang điểm.
Tuy vậy, tình trạng bắt nạt với Phan Hằng vẫn không chấm dứt. Do thời gian dài bị cô lập ở trường, Hằng hầu như không có bạn bè. Cô gặp khó khăn trong giao tiếp và mắc thêm chứng bệnh đau dạ dày.
“Em nhớ có lần em bị đau dạ dày phải xin nghỉ học giữa buổi. Em đã xin phép nhưng bạn học viết lên bảng là Phan Hằng trốn học, khiến cho em gặp rắc rối với giáo viên.
Khi em được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi, lại có người đặt điều nói em mua điểm nên được chọn. Khi mọi người làm bài tập nhóm, em không có bạn làm cùng… Rất nhiều chuyện xảy ra khiến nhiều lúc em mệt mỏi không muốn tới trường”, Hằng chia sẻ.
Khó khăn nhiều như vậy nhưng Phan Hằng vẫn có thành tích học tập nổi bật trong lớp. Cô cũng được biết tới trên mạng nhờ màn “lột xác” nhan sắc ngoạn mục từ khi còn là học sinh THPT. Đó cũng là những nền móng đầu tiên giúp cho Phan Hằng trở thành một hot girl nổi tiếng.
Hằng học hết những năm phổ thông ở quê nhà Quảng Bình, sau đó ra Hà Nội học tại ĐH Kinh tế quốc dân.
Hiện tại, cô vừa là sinh viên, vừa là KOLs giới trẻ, người mẫu ảnh thời trang, MV… Tính cách Hằng trở nên cởi mở, vui vẻ hơn khi quen được những người bạn mới ở môi trường đại học và trong công việc. Cô cũng có rất đông fans thường xuyên động viên.
Những kẻ bắt nạt chưa bao giờ dừng lại
Mặc dù vậy, Hằng vẫn phải tiếp tục đối mặt với sự bắt nạt qua mạng và những tin đồn vô căn cứ.
“Có một dạo khi em đang học đại học năm thứ nhất, vì quá mệt mỏi với việc vừa học, vừa làm nên em về quê Quảng Bình nghỉ ngơi bên gia đình. Thế nhưng thời gian em về lại nghe có người đồn rằng em vì làm sugar baby với người ta nên có thai, phải về quê phá thai.
Nghe được tin đồn này em rất sốc nhưng cũng không biết ai là người đồn. Em rơi vào trầm cảm và phải trị liệu tâm lý”, Hằng tâm sự.
Hình ảnh Phan Hằng bị kẻ xấu lợi dụng tung tin đồn và dùng vào những mục đích đen tối.
Mới đây nhất, hình ảnh của Phan Hằng bị kẻ xấu lợi dụng đưa vào một hội nhóm “gạ tình”, khiến ảnh hưởng tới cuộc sống và công việc KOLs của cô.
May mắn là, Phan Hằng đã trưởng thành hơn xưa để có thể đối mặt với sự bắt nạt. Cô dám thẳng thắn chỉ ra kẻ xấu mà tố cáo việc làm sai trái và sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ bản thân.
Dẫu vậy, Hằng nói rằng không có sự đặt điều, công kích tâm lí nào mà không gây tổn thương, chỉ là nạn nhân buộc phải mạnh mẽ để bảo vệ chính mình mà thôi.
Câu chuyện của Phan Hằng cùng với chuyện cô gái tố cáo kẻ bắt nạt đang nóng hổi trên mạng xã hội cho thấy hiện trạng xấu xí của thói bắt nạt tồn tại trong môi trường học đường và mạng xã hội.
Cách thức những kẻ bắt nạt sử dụng đối với các nạn nhân là khác nhau tuy nhiên đều mang đến hệ quả nặng nề và dai dẳng. Chính vì vậy, cần có những biện pháp chung tay đến từ các cơ quan quản lý, nhà trường, gia đình và xã hội để nhằm giảm thiểu và tiến tới chấm dứt tình trạng bắt nạt.
Con gái kể chuyện bị nhóm bạn trong lớp cô lập, cách xử lý ngon ơ của bà mẹ ở Hà Nội khiến ai nấy đều đồng tình
"Sự việc bé xíu, nhưng mình thì ghi nhận sự độc lập trong giải quyết vấn đề của con gái. Mình tin rằng, sau này con sẽ luôn có cách để xử lý những việc phức tạp hơn nữa", chị Bích chia sẻ.
Chuyện những đứa trẻ đi học bị bắt nạt, bị cô lập thì quen thuộc lắm, thế hệ nào cũng có. Nhiều đứa trẻ là nạn nhân phải chịu sang chấn, tổn thương tâm lý nặng nề. Tuy nhiên, nên làm gì khi con mình bị bắt nạt luôn là một câu hỏi nhức nhối mà nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa tìm được đáp án.
Là mẹ của một một bé năm nay học lớp 3 và một bé học lớp 1, chị Phạm Ngọc Bích (chuyên viên nhân sự) cho rằng, nếu con đã nhượng bộ bạn lần đầu thì sẽ có lần sau, lần sau nữa, và lần thứ n... Vì vậy, con không được bắt nạt ai và tuyệt đối không được phép để ai có thể bắt nạt mình.
Cùng tham khảo cách xử lý của bà mẹ ở Hà Nội này, biết đâu bố mẹ sẽ có thêm một phương án giải quyết nữa nếu "chẳng may" người bị cô lập là con cái của mình.
Chị Ngọc Bích và hai con.
Nếu một ngày con bị bắt nạt...
Từ ngày con còn nhỏ, mình vẫn bảo với 2 con rằng: Nếu một ngày con bị bạn bắt nạt, con sẽ cần trách mình đầu tiên. Tại sao? Vì bạn không thể tự dưng bắt nạt con, mà là do con đã tạo cơ hội cho bạn bắt nạt mình. Con đã nhượng bộ bạn lần đầu, thì sẽ có lần sau, lần sau nữa, và lần thứ n... Con không bắt nạt ai, nhưng tuyệt đối không được phép để ai có thể bắt nạt mình.
Bắt nạt học đường, không phải chỉ có những vụ đánh nhau, không phải chỉ có những vụ trấn tiền, nó muôn hình vạn trạng. Từ việc cùng nhau cô lập một người, cho đến việc dùng những ngôn từ kinh sợ để xúc phạm nạn nhân... nhằm hạ thấp giá trị bản thân con người, làm người bị bắt nạt sợ hãi trong mớ ý thức mơ hồ rằng mình là kẻ thất bại như chính những gì người khác nói. Vậy nên mới không thiếu những đứa trẻ tự tử.
Tháng trước, có 1 chuyện nho nhỏ xảy ra với con gái mình. Bạn về, kể cho mẹ nghe về việc có một nhóm 3 bạn trong lớp không cho các bạn khác chơi với con. Mình bận, đơn giản chỉ bảo: Mẹ thấy thế này, việc chơi hay không chơi với ai là quyền cá nhân của mỗi người, do người đó tự quyết định, không ai có quyền cấm hay can thiệp. Tất nhiên, trong một số trường hợp, con vẫn là con mẹ, mẹ sẽ có thể cân nhắc việc không đồng ý cho con chơi với bạn nào đó (nếu bạn đó xấu), còn bạn bè đồng trang lứa với con, không có quyền cấm các bạn khác chơi với con.
Sau đó vài hôm, bạn lại mang về một lá thư nhỏ, nội dung viết không cho bạn khác chơi với con gái mình. Mình hỏi thư ở đâu, con nói một trong ba bạn kia đưa con vào giờ ra chơi. Mình hơi bực, định bụng sẽ nói chuyện với cô giáo về việc này. Nhưng nghĩ một lát, mình hỏi con:
- Thế theo con việc chia bè phái này đúng hay sai?
- Con thấy sai!
- Thế con có tự nghĩ xem tại sao các bạn lại đối xử với con như vậy không??
- Con hỏi rồi, các bạn bảo thích thế thôi!
- Ý con là con chẳng gây ra lỗi gì, nhưng các bạn thích thì cấm bạn khác chơi với con phải không? Con chắc chắn chứ? Có bao giờ con làm gì đó để các bạn không muốn chơi với con không?
- Không mà. Các bạn ý thỉnh thoảng cũng cấm các bạn khác chơi với mọi người nữa. Ai muốn vào nhóm các bạn ý thì phải làm theo các bạn ý!
- Nhóm gì?
- Con không biết, hình như nhóm 3 bạn đó thôi ý mẹ.
- Thế con có thấy buồn không?
- Con không, con đầy bạn, con cần gì chơi với các bạn ý.
- Thế giờ thế nào? Con sẽ tự xử lý hay con muốn mẹ làm gì?
Nghĩ một lúc, con gái mình bảo: Con sẽ tự xử lý.
- Ok, mẹ đồng ý. Vì đây là việc cá nhân của con nên mẹ cũng không muốn can thiệp. Nhưng nếu con cảm thấy chưa thoả đáng, con vẫn không tự giải quyết được, con có thể nói với mẹ và đề xuất phương án muốn mẹ làm, mẹ sẽ cân nhắc.
Rồi, rất chuyên nghiệp, con mình mang toàn bộ mấy lá thư nộp cho cô, trình bày luận điểm abc, con thấy thế nọ con không đồng ý thế kia, các bạn làm như thế là sai, con muốn các bạn phải xin lỗi con....
Cuối cùng, mọi việc giải quyết êm thấm và đơn giản. Mình chẳng mảy may can thiệp. Chiều về thấy bạn ý nói cô yêu cầu 3 bạn lên để cô nói chuyện và các bạn đã xin lỗi con. Bạn ý nói thêm: Con bảo các bạn ý là thôi không sao, nhưng lần sau các bạn ý cũng không được bắt các bạn khác không chơi với người khác, không chỉ riêng mình con.
Sự việc bé xíu, nhưng mình thì ghi nhận sự độc lập trong giải quyết vấn đề của con gái. Mình tin rằng, sau này con sẽ luôn có cách để xử lý những việc phức tạp hơn nữa. Và mình, sẽ luôn là chỗ dựa cuối cùng của con, bảo vệ và che chở theo cách riêng của mình!
Chị Ngọc Bích chia sẻ thêm, nhiều mẹ nói mách cô con sẽ bị đánh hội đồng. Cá nhân chị nghĩ thế này: Với 1 đứa trẻ lớp 3 như con mình, tính chất trẻ con chưa có gì quá phức tạp, bản thân mình biết 3 bé kia khá ngoan, nhưng tụi nhỏ manh nha việc chia bè phái thì mình chưa nghĩ ra cách gì hiệu quả hơn là nói chuyện với cô.
Cá nhân mình là người khá sòng phẳng trong cuộc sống, thậm chí, mình cũng đã từng dạy con, nếu cô vẫn chưa thể giải quyết thỏa đáng, hoặc cô đã xử lý mà bạn vẫn bắt nạt, thì con cần phải dùng biện pháp mạnh hơn, như đánh lại kẻ bắt nạt mình.
Những đứa trẻ là nạn nhân phải chịu sang chấn, tổn thương tâm lý nặng nề nếu bố mẹ không có cách giải quyết, can thiệp hợp lý. (Ảnh minh họa)
Có vô vàn cách để đối phó với bạo lực học đường, nhưng việc lựa chọn đối tượng nào để áp dụng cách nào lại là một nghệ thuật. Bạn không thể đi mách cô 1 nhóm đầu gấu chuyên nghiệp chuyên đi đánh hội đồng. Thậm chí, đôi khi bạn phải chuyển lớp, chuyển trường cho con để chấm dứt tình trạng đó.
Tuy nhiên ở đây, mình ghi nhận cái "dám nói, độc lập" của con. Cuộc sống sẽ dạy con nhiều thứ hơn thế nữa, việc như chuyện hôm nay chỉ là một phần cực kỳ nhỏ trong cuộc sống, nhưng nó lại hữu ích và cần thiết để còn rèn bản lĩnh cũng như sự linh hoạt trong xử lý tình huống.
Chị Bích cho rằng, trong cuộc sống đời thường chị cũng không có quan điểm gì trong dạy con cả mà nuôi con bằng bản năng, chỉ hướng con thành người tử tế và tự hài lòng với những thứ mình có, đơn giản, hạnh phúc là được.
Nữ blogger tự tử ở tuổi 28 vì bị bắt nạt trên mạng Cuộc chiến tàn khốc của nghề làm ngôi sao mạng xã hội cùng những trò bắt nạt trực tuyến khiến Lee Macmillan (Australia) chọn kết thúc cuộc đời. Lee Macmillan là blogger nổi tiếng với 74.000 lượt theo dõi trên Instagram. Ở tuổi 28, Lee được biết tới với những chuyến phiêu lưu bên chiếc xe hơi cùng bạn trai. Cả hai đã...