Hortense Daman Clews – nữ điệp viên gan dạ
Hortense Daman sinh ngày 12/8/1926. Người cha Jacques là một thợ đóng giày, còn người mẹ Stephanie thì quản lý một hiệu tạp hóa, gia đình sống ở Pleinstraat ( Leuven, Vương quốc Bỉ).
Tháng 5/1940, ở tuổi 13, cô bé Hortense đã chứng kiến những trận không kích đầu tiên của Không quân Đức dội bom xuống thành phố nơi mình ở, một số nhà cửa ở Pleinstraat bị sập tan tành. Đối mặt với mối đe dọa bị Đức chiếm đóng, gia đình Hortense cùng với hàng ngàn người khác đã thực hiện một cuộc di tản khỏi Leuven.
Sau 8 ngày cuốc bộ trong khí hậu nóng nực, bụi bặm và mệt bã người, rồi thì họ cũng đã đặt chân đến Mons, và cuốc bộ thêm nữa để đến Lille. Xui thay lúc đó bọn Đức cũng vừa ập tới. Thế là cả đám người bị đẩy trở lại Leuven. Quay lại Pleinstraat, họ sững người khi nhìn thấy những ngôi nhà chỉ còn là lớp tro hoang tàn. Bà Stephanie cùng con gái sống trong một căn hộ nhỏ ở thủ đô Brussels, trong khi người cha Jacques hối hả sửa chữa căn nhà cũ. Tháng 10/1940, cuối cùng cả gia đình đã về lại thành phố Pleinstraat.
Một bức tranh tường về nữ chiến sĩ Hortense Daman Clews được vẽ tại Hortense Damanhof ở Leuven.
Qua mặt Gestapo
Vào khoảng thời gian này, ông Francois (người anh trai cả của Hortense vốn là một Trung sĩ trong lực lượng Pháo binh Bỉ) đã tham gia vào phong trào kháng chiến Bỉ. Hortense rất muốn tham gia. Dù ban đầu người anh trai Francois can ngăn, nhưng cô em gái đã quyết chí rồi, và rất nhanh chóng cô dùng chiếc xe đạp của mình để chạy các việc vặt. Đó là năm cô bé Hortense mới 13 tuổi. Trong công tác giao liên, cô Hortense làm việc dưới vỏ bọc ngay tại tiệm tạp hóa của mẹ, để từ đó có thể tùy nghi giao tin tức và những gói thức ăn cùng với những món đồ tạp hóa khác. Những người lính Đức ở đó vốn đã quá quen với cô gái Bỉ trẻ trung, xinh xắn, có những lọn tóc vàng tươi thường đạp xe quanh Leuven và vùng nông thôn xung quanh, hết thảy đều cho rằng đó là một cô gái duyên dáng và ngây thơ. Họ gọi cô gái bằng cái tên “Kleine Hortensia” và mỉm cười khi cô giao tiếp bằng tiếng Đức với họ.
Nhờ lòng dũng cảm và sự mưu trí của mình mà Hortense đã nhanh chóng trở thành một thành viên quan trọng của quân kháng chiến. Năm tháng trôi qua, Hortense ngày càng hoạt động tích cực. Chẳng mấy chốc cô đã đóng một vai trò trọng yếu trong việc giúp những phi công của quân Đồng Minh trốn thoát khỏi Pháp và Tây Ban Nha để quay lại Anh. Một số chiến sĩ trong số đó thậm chí còn được gia đình Daman Clews nuôi giấu ngay trong ngôi nhà nhỏ của họ ở Leuven. Khi bọn Gestapo lùng sục xung quanh và thế lực chỉ điểm có ở khắp nơi, ngày càng gây nguy hiểm cho gia đình. Mùa hè năm 1942, Hortense đã liên lạc trực tiếp với trụ sở quân kháng chiến ở Thủ đô Brussels. Nhiệm vụ của cô khi đó là vận chuyển các linh kiện vô tuyến, hộ chiếu giả cùng những tài liệu quan trọng khác… ngay trước mặt người Đức.
Năm 1943, Hortense là thành viên chính thức được kết nạp vào đội quân du kích, chuyển giao thư từ và các báo cáo nhằm giúp họ tiến hành các trận đánh vào lực lượng chiếm đóng. Có một lần cô chuyển một khẩu súng máy được buộc vào sau chiếc xe đạp của mình. Lần khác là chuyển đi 40 kg thuốc nổ. Hay có lần còn bí mật chuyển lựu đạn được giấu tinh vi dưới đáy sọt trứng và đột nhiên một lính Đức xuất hiện, cô đã nhanh trí lấy 2 quả trứng và trao cho người này, nhờ vậy mà đi trót lọt. Với việc Gestapo đẩy mạnh các nỗ lực nhằm chọc thủng phòng tuyến của quân kháng chiến, việc Hortense bị bại lộ công việc là điều không thể tránh khỏi. Ngay cái đêm Ngày Tình nhân năm 1944, lúc đó Hortense tròn 17 tuổi, lính Gestapo đã đột kích ngôi nhà của gia đình cô. Cửa trước và cửa sau đều bị phá tung, bọn lính xộc thẳng vào nhà, la hét ỏm tỏi, dùng súng tấn công những người bên trong.
Bà Hortense Daman Clews nhận được đặc quyền tự do của thành phố Stoke-on-Trent (Anh).
Hortense nhìn thấy cảnh mẹ mình bị đấm và xô vào tường nhà, trong khi cụ thân sinh bị bọn lính đánh đập dã man, con chó của gia đình bị đá tới chết. Bản thân Hortense bị gãy 3 xương sườn. May thay người anh trai Francois không có mặt ở nhà khi đó. Bọn Đức lục soát cả ngôi nhà, rồi áp giải cả gia đình đến ngục thất Leuven. Ở đó, Hortense bị tra khảo đòn roi và bị thẩm vấn liên tục. Bọn Gestapo muốn cô phải khai ra tên của những người lính kháng chiến cùng nơi ẩn náu bí mật của Francois. Trước sau như một, Hortense nín thinh. Trong nhà tù, cô gặp lại mẹ mình, và kinh hãi khi nhìn thấy răng của mẹ đã bị bẻ sạch. Suốt một tháng ròng, Hortense liên tục bị đánh đập, cơ thể sưng bầm dập và kiệt sức. Song cô vẫn kiên quyết cắn răng chịu đựng.
Chiến đấu trong trại tập trung
Video đang HOT
Ngày 15/5/1944, Hortense cùng mẹ và một nhóm phụ nữ Bỉ khác bị đưa ra khỏi nhà tù Leuven và lên những chiếc xe tải. Họ được chở tới nhà lao St Gilles ở Brussels. Tại đó, Hortense bị biệt giam trong một xà lim có tấm biển đề chữ “án tử hình” được gắn trên cửa. Tháng 6/1944, Hortense bị dồn lên một chiếc xe chở gia súc tại một trong những nhà ga đường sắt ở Brussels. Chuyến tàu sẽ đi tới Đức. Suốt 4 ngày đêm, đoàn tàu chạy chầm chậm ồn ã khắp châu Âu. Những người phụ nữ bị xích vào những chiếc ghế gỗ và phải ngủ trên phân của chính họ. Không có thức ăn, nước uống ít ỏi. Vào một đêm nọ, con tàu bị bỏ lại bên ngoài Berlin khi máy bay của quân Đồng Minh dội bom xuống thành phố. Đó là một trải nghiệm khủng khiếp khó quên. Cuối cùng chuyến vận tải cũng về đích: trại tập trung Ravensbruck, một nơi nằm cách Berlin khoảng 90 km về hướng Bắc.
Ravensbruck được chế độ Đức Quốc xã (ĐQX) xây dựng vào năm 1939 dùng làm nơi giam giữ các tù nhân nữ. Mặc dù quy mô ban đầu khá nhỏ với chỉ 3.000 tù nhân, nhưng thực tế con số tù nhân bị giam giữ lên gấp 10 lần với những điều kiện hết sức khủng khiếp. Đến Ravensbruck, Hortense đối mặt với một nữ sĩ quan ĐQX luôn cầm roi mây, dắt theo con chó Alsatian (giống chó chăn cừu của Đức) hung dữ. Bà ta là một Aufseherin (giám thị) tại trại tập trung, một con người tàn ác với đủ hành vi táng đởm không thể kể xiết. Tên thật của thị là Dorothea Binz (sau này ả bị xử tử với lời tuyên án đã gây ra tội ác chiến tranh). Tại trại này, những nữ tù nhân thường xuyên bị lột quần áo, bị ép tắm rửa và rồi bị kiểm tra bên trong. Đột nhiên tay bác sĩ dừng lại và từ trên trần nhà một thứ ánh sáng chói lóa chiếu vào mặt Hortense. Lập tức nữ tù nhân cảm thấy một cơn đau ê ẩm do thiêu đốt, bên trái người như đang cháy.
Thời điểm đó Hortense không hề hay biết rằng mình là đối tượng cho một thử nghiệm khử trùng bằng tia X liều cao. Sau đó, Hortense được chuyển tới một phòng kiểm tra khác. Tại đó viên bác sĩ Rolf Rosenthal tiêm một thứ gì đó vào đùi trái của cô. Một lần nữa tù nhân như mê sảng không biết được chuyện gì đang xảy ra. Hóa ra nó là chất gây hoại tử. Bác sĩ Rosenthal sử dụng các tù nhân làm chuột lang cho những thí nghiệm y học của mình. Sau chiến tranh, người này cũng bị hành quyết vì tội ác chiến tranh. Không mấy khó hiểu, trại Ravensbruck chính là địa ngục trần gian của Hortense. Mắc bệnh bức xạ và hoại tử cộng với suy dinh dưỡng và một cơn sốt phát ban, Hortense ngày càng gầy gò, ốm yếu. Cô thường nằm lì trong bệnh viện của trại, luôn mê sảng. May sao nhờ vào lòng vị tha của những tù nhân khác mà một nữ y tá người Bỉ tên là Claire Van den Boom, cùng Violette Szabo (điệp viên mật của Anh), đã tìm cách đưa Hortense từ cửa tử trở về.
Tới tháng 8/1944 (khi Hortense chớm bước qua tuổi 18), Hortense được bạn tù nói rằng mẹ cô đã đến trại Ravensbruck. Họ gặp mặt và ôm chầm nhau. Những phút giây này là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho cả hai mẹ con. Xuyên suốt các tháng mùa đông của năm 1944-1945, tù nhân ở Ravensbruck đã cố gắng hết sức để sống sót trong mùa Đông khắc nghiệt, và khấp khởi nuôi hy vọng khi quân Đức rút khỏi cả 2 mặt trận Tây, Đông. Trong khoảng thời gian đó, hàng ngày Hortense được đưa tới một nhà máy Siemens làm việc nhiều giờ để sản xuất linh kiện điện tử cho máy bay Đức. Thậm chí ngay tại nhà máy này, Hortense đã bắt đầu hoạt động cách mạng. Cô âm thầm phá hoại một số thành phần linh kiện để chúng không hoạt động. Trước giáng sinh, cô nghe được tin Leuven đã được giải phóng hoàn toàn. Với ngày kết thúc chiến tranh đã cận kề, bọn Đức đẩy nhanh việc tiêu diệt tù nhân. Một phòng hơi ngạt mới được gấp rút xây dựng. Nhìn chung, người ta tin rằng có khoảng 3 vạn nữ tù nhân đã vùi thân ở trại Ravensbruck.
Đức Quốc xã khi tiến vào chiếm đóng Bỉ.
Hậu chiến
Ngày 29/4/1945, những tên lính canh SS còn lại của trại Ravensbruck đã bỏ chạy, đến ngày 30/4, đội quân tiên phong của Hồng quân Liên Xô cũng ập tới nơi. Ngày 1/5/1945, những đơn vị chính quy của Hồng quân đã đến và trả tự do cho các tù nhân còn sót lại. Họ tìm thấy hơn 2.000 phụ nữ và trẻ con ốm yếu trong trại, 2 người trong số họ là Hortense và người mẹ Stephanie Daman. Lúc đó các quan chức từ Hội Chữ thập đỏ Thụy Điển và Đan Mạch đã có mặt, họ nhất trí chuyển các tù nhân ra khỏi nước Đức và tiến vào lãnh thổ 2 nước Thụy Điển và Đan Mạch. Đó là một chuyến đi đầy hung hiểm khi mà cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt và đoàn xe cứu trợ y tế liên tục bị máy bay của quân Đức và phe Đồng Minh oanh tạc. Rồi cuối cùng Hortense và mẹ Stephanie cũng đến Malmo (Nam Thụy Điển). Tại đó họ được chăm sóc y tế tuyệt vời và nhanh chóng bình phục.
Ngày 29/6/1945, hai mẹ con lên chiếc oanh tạc cơ Lancaster của Không lực Hoàng gia Canada tại phi trường Malmo và trực chỉ bay tới Bỉ. Họ được chào đón bởi họ hàng thân thích và quay trở lại Pleinstraat (Leuven). Tại đó, hai mẹ con được người cha Jacques Daman chào đón trong niềm hạnh phúc vô bờ. Trước đó ông Jacques bị đưa tới trại tập trung Buchenwald (Đức) và người con trai Francois đã nhanh chóng tìm thấy bố khi trại này được giải phóng. Sau tất cả những gian nan, gia đình Daman đã có ngày được trùng phùng. Khi đó Hortense vẫn ở tuổi 18. Tại Leuven, Hortense đã gặp được chồng tương lai. Ông Sydney Clews khi đó là trung sĩ tham mưu trong quân đội Anh. Ông đóng quân ở Leuven vào lúc cuối chiến tranh và nhờ thế mà biết được gia đình Daman anh dũng. Ngày 23/2/1946, Hortense và Sydney nên duyên vợ chồng.
Gia đình trẻ dọn tới Anh và họ định cư ở Staffordshire. Mặc dù đã được thông báo là không thể có con sau khi bị cưỡng chế triệt sản ở trại tập trung Ravensbruck, nhưng đến tháng 4/1961, bà Hortense mang thai đứa con gái đầu lòng Julia. Năm 1968, con trai Christopher ra đời. Bà Hortense Daman Clews đã được trao nhiều danh hiệu cao quý do lòng dũng cảm và sự hiến dâng đời mình trong suốt Thế chiến II. Cụ thể là bà Hortense đã được trao tặng Huân chương Chiến công Croix de Guerre danh giá của Vương quốc Bỉ và Huy chương Kháng chiến, cũng như được phong tước Hiệp sĩ theo chiếu ban của Vua Leopold II. Ngoài ra, bà Hortense cũng nhận được những lời cảm ơn chân thành từ Không lực Hoàng gia Anh, Không lực Hoàng gia Canada và Phi hành đoàn không quân Đồng Minh… Nữ chiến sĩ anh hùng Hortense Daman Clews qua đời vào ngày 18/12/2006, hưởng thọ 80 tuổi.
Chiếc xe tăng được mệnh danh 'quái vật Nga' từng khiến Đức Quốc xã khiếp sợ
Trong Thế chiến 2, một chiếc xe tăng KV-1 của Liên Xô từng khiến cả sư đoàn thiết giáp của Đức phải vất vả tiêu diệt để có thể vượt qua nó.
Sau khi phát động Chiến dịch Barbarossa, người Đức đã bị sốc khi phát hiện ra Hồng quân Liên Xô có những chiếc xe tăng mà họ không thể làm gì được. Đó là xe tăng KV-1, xe tăng này gần như bất khả chiến bại, vì hầu hết các loại vũ khí của Đức Quốc xã không thể làm gì được nó.
Được đặt theo tên của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô, Nguyên soái Kliment Voroshilov, xe tăng hạng nặng KV-1 ra đời trước chiến tranh Liên Xô - Phần Lan và đã tham gia trong cuộc chiến này. Xe tăng KV-1 đã chống lại rất hiệu quả các loại vũ khí chống tăng và pháo binh của Phần Lan. Tuy nhiên khẩu 76 mm của nó lại bất lực trong việc phá huỷ các lô cốt và boongke của đối phương.
Khi chiến tranh Xô - Đức nổ ra, KV-1 bắt đầu tham chiến, ngay lập tức nó trở thành loại xe tăng hạng nặng mạnh nhất thế giới khi đó, vượt qua cả loại tăng hạng nặng Char B1 của quân đội Pháp. Quân đội Đức Quốc xã đã đặt tên cho KV-1 biệt danh là "Giant Colossus", nghĩa là đấu sĩ khổng lồ.
KV-1 tại nhà máy sản xuất.
Nỗi sợ hãi của quân Đức
Thời gian đầu của cuộc chiến tranh, hơn 400 xe tăng KV-1 đã được triển khai để đối đầu với xe tăng Đức Quốc xã. Các xe tăng chủ lực của Đức vào thời điểm đó, như Panzer III và Panzer IV không thể sánh được với KV-1 của Liên Xô..
Các vũ khí chống tăng của Đức không thể tiêu diệt được những con "quái vật Nga" hay "bóng ma" này, như cách gọi của người Đức. Cách duy nhất là phải tiến đến gần KV-1 khoảng 500 m mới có thể tiêu diệt được nó, nhưng điều này không khác gì tự sát.
Một biện pháp hiệu quả khác, nhưng khá phức tạp là tránh đụng độ trực tiếp với KV-1 và kêu gọi sự hỗ trợ của không quân, hoặc sử dụng súng phòng không 88 mm thì mới có thể chiến đấu được với con quái vật này ở khoảng cách xa.
Hầu hết lính Đức lúc đó rất sợ loại xe tăng này. Có nguồn tư liệu ghi là khi quân đội Liên Xô tịch thu vũ khí của Đức, họ thấy dòng chữ được nguệch ngoạc ghi rằng "chỉ nhằm KV mà bắn". Qua đó có thể thấy sự thành công rất lớn của xe tăng KV lúc đầu chiến tranh.
Một người lính Đức cho biết "Tin đồn về những con quái vật bọc thép này khiến chúng tôi khiếp sợ. Thông tin về kích thước và khả năng bất khả xâm phạm của KV-1 khiến chúng tôi nghĩ chiếc xe tăng này như những pháo đài không thể phá hủy".
Lính Đức đang kiểm tra một chiếc KV-1 bị hạ trên chiến trường.
Giai đoạn đầu của cuộc chiến đã ghi nhận nhiều tình tiết về những hành động dũng cảm của kíp xe tăng KV-1. Đó là vào tháng 6/1941, gần thành phố Raseiniai của Litva, một chiếc xe tăng KV-1 đã giao chiến với toàn bộ Sư đoàn xe tăng số 6 của Đức.
Khi đó, Sư đoàn tăng số 6 của Đức đã chạm chán Sư đoàn tăng số 2 của Hồng quân Liên Xô ở thành phố Raseiniai.
Trong lúc trận chiến đang diễn ra, một chiếc tăng KV-1 đột nhiên xuất hiện ở phía sau lưng quân Đức và cắt đứt tuyến đường liên lạc giữa hai nhóm quân Đức.
Chiếc xe tăng KV-1 án ngữ ngay giữa con đường và làm tê liệt việc di chuyển của quân Đức, khẩu súng máy trên chiếc KV-1 bắn cháy 12 xe tải tiếp vận. Quân Đức dùng súng chống tăng 50 mm để hạ chiếc xe tăng này nhưng bất thành, hỏa lực đáp trả từ xe KV-1 còn tiêu diệt toàn bộ các khẩu đội chống tăng cả người lẫn súng, "quái vật Nga" chỉ bị hạ sau khi trúng đạn từ khẩu súng máy phòng không 88mm của quân Đức.
Những hạn chế
Mặc dù xe tăng hạng nặng KV-1 có thể chống lại hầu hết các loại vũ khí của Đức, nhưng nó không được coi là xe tăng tốt nhất trong Thế chiến 2. Tuy được bọc thép bảo vệ hoàn hảo và trang bị vũ khí tốt, song KV-1 lại di chuyển chậm chạp. Bên cạnh đó, bộ truyền động và bộ lọc khí chất lượng kém nên thường dẫn đến tình trạng hỏng hóc, phải sửa chữa liên tục, nhiều kíp xe phải bỏ lại chúng trên dọc đường.
Mặt khác, những chiếc xe tăng KV-1 khổng lồ cũng là mối đe dọa thực sự đối với cầu đường. Sau khi "con quái vật" nặng 45 tấn vượt qua những con đường này, các thiết bị quân sự khác gần như không thể tiếp tục di chuyển trên con đường đó được nữa.
Các nhà thiết kế Liên Xô đã cố gắng khắc phục tất cả những điểm yếu này và vào mùa xuân năm 1942, phiên bản hiện đại hóa KV-1S đã ra đời. Nó nhẹ hơn (chỉ 42,5 tấn) và có lớp giáp bên mỏng hơn một chút (60 mm thay vì 75 mm), tốc độ được cải tiến lên 45 km/h. Mặc dù vậy, KV-1S vẫn bất khả xâm phạm trước hỏa lực của đối phương.
Xe tăng KV-2.
Trong suốt cuộc chiến tranh, có khoảng 4.500 chiếc KV-1 và 350 chiếc KV-2 được chế tạo trong tổng số 14.000 xe tăng hạng nặng của quân đội Liên Xô. Về sau, quân đội Liên Xô thiết kế ra được xe tăng hạng trung T-34 với trọng lượng nhẹ hơn, tốc độ nhanh hơn và chi phí sản xuất rẻ hơn, sở hữu sức mạnh vượt trội trước các xe tăng Đức trên chiến trường, nên KV được sử dụng khá hạn chế và chỉ được sử dụng để huấn luyện. Vào những năm cuối chiến tranh, dòng KV được sử dụng để làm nền tảng thiết kế ra xe tăng hạng nặng IS.
Cuba: Diễu hành trọng thể kỷ niệm 78 năm Ngày Chiến thắng phátxít Người dân Nga và Cuba ở La Habana đeo dải băng Georgi - biểu tượng tôn vinh lòng dũng cảm và tưởng nhớ các anh hùng - giơ cao ảnh của những người đã chiến đấu để giành chiến thắng trước Đức quốc xã. Các chiến sỹ Hồng quân Liên Xô vui mừng với chiến thắng tại Berlin, sào huyệt cuối cùng của...