Hôn nhân ‘cùi bắp’
Lông bông mãi rồi gã cũng chịu lấy vợ, khi đã 40 tuổi và bố mẹ liên tục thúc bách. Vợ gã cũng thuộc diện gái xinh nhưng cao số, nên lận đận mãi mới lấy được chồng.
Gã cưới vợ, nhưng bố mẹ phải đứng ra lo hết. Tiền riêng của gã chỉ đủ trả tiền ảnh cưới – hai cái ảnh phóng to và một cuốn album con con. Vợ gã, chẳng biết có thật lòng không, nhưng thấy cười cười bảo gã: “Sống với nhau tử tế mới quý, ảnh chỉ là kỷ niệm, phóng gì nhiều cho tốn tiền”.
Sau đám cưới, vì ví lép, gã chẳng dám ho he chuyện đi hưởng tuần trăng mật. Ngày trước kiếm được đồng nào, gã tiêu bằng hết. Đến lúc này mới thấy sự vô dụng của một tên đàn ông lớn xác mà phải sống dựa dẫm. Bố mẹ gã thương, cho vợ chồng ít tiền mừng. Gã cũng định đưa vợ đi đâu đó vài hôm, nhưng vợ gã lại muốn sắm cái tủ đựng quần áo hơn là đi chơi. Đi chơi mà phải căn ke từng đồng thì cũng chẳng thoải mái. Gã nghe vợ.
Sống chung với bố mẹ một thời gian thì mẹ và vợ gã lục đục. Mẹ gã liên tục than thở về cô con dâu hư, chê trách con trai không biết dạy vợ. Công bằng thì gã thấy vợ gã không hư, chỉ là mang danh con gái tuổi Sửu tốt tính nhưng nóng nảy, bộc trực, nghĩ sao nói vậy; mà tiêu chuẩn con dâu của mẹ gã là gọi dạ bảo vâng.
Vợ gã không quen nịnh nọt, bợ đỡ như chị dâu cả, cũng không sống kiểu gió chiều nào che chiều ấy như cô em dâu út. Mẹ gã thì ưa lời ngọt, lại hay nhìn hiện tượng suy diễn bản chất nên thành kiến với vợ gã. Vài lần gã góp ý với vợ nên mềm mỏng một chút, nhưng vợ gã không làm được. Kể cũng đúng. “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, như cái tính cả nể, tin người của gã, bao lần dại, bao lần ngã đau nhưng gã có sửa được đâu. Bởi thế, gã đâu có trách vợ.
Vợ gã bàn với gã dọn ra ở riêng để đỡ va chạm. Gã lưỡng lự, nhưng rồi cũng quyết, vì thấy ở chung nhà mà không vui vẻ thì chỉ làm khổ nhau thêm. Mẹ gã không muốn thế, gán thêm cho gã cái tội sợ vợ. Gã bực, nhưng chẳng lẽ đôi co với người sinh ra mình, nên lờ đi.
Video đang HOT
Ảnh minh họa
Ra riêng, vợ chồng gã vất vả, cực nhọc hơn vì phải trả tiền thuê nhà và đủ các khoản sinh hoạt phí. Vợ gã lại mang bầu, ốm nghén vật vã, cũng chẳng có tâm trạng mà nũng nịu, nhõng nhẽo chồng. Tiền không dư dả mà mua đồ bồi bổ, vợ gã vẫn không một lời kêu ca. Mệt mỏi là thế, mỗi sáng vợ gã vẫn dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng rồi ăn trưa mang lên cơ quan, chiều tối lại chợ búa, cơm nước. Cái nhà bé tí nhưng hôm nào vợ gã cũng lau, vì điều hòa không có, nếu đêm nóng quá thì xuống sàn ngủ cho mát.
Sang tháng thứ tám, vợ gã bụng vượt mặt, nhưng vẫn kê ghế ngồi gội đầu tại nhà. Hôm gã đi công việc xa, dặn vợ gọi xe ôm chở đi làm cho đỡ mệt. Vợ gã ừ à rồi lại bê bụng tự chạy xe, vì tiếc mấy chục bạc. Gã bực, cáu vợ, vợ gã bật lại: “Em làm gì sai mà anh cáu”.
Đấy, vợ gã không hư, nhưng lắm khi ương ngạnh. Gã thì vô tư, ham vui và cũng nhiều tật xấu. Vợ chồng cũng nhiều bữa to tiếng với nhau. Có bận, vợ chồng cãi nhau om sòm. Được cái vợ gã lúc giận thì xả cho bằng hết nhưng cũng mau nguội. Gã cũng thế, khi biết mình sai thì giở bài cười huề. Thế là vợ chồng làm lành với nhau.
Không phải tự dưng một kẻ vô tư như gã lại đem chuyện vợ chồng của mình ra để ngẫm nghĩ. Tối qua, gã vừa nghe chuyện công ty của thằng bạn thân vỡ nợ, vợ chồng phải bỏ trốn. Sáng ra, ngồi ăn sáng với vợ lại nghe vợ gã buồn buồn kể: “Cái nhà đầu ngõ mình đang rao bán. Vợ chồng họ sắp ly hôn, nghe đâu chú ấy có con riêng, vợ phát hiện nên ăn miếng trả miếng – cặp bồ với sếp, giờ không chịu đựng được nhau nữa nên đường ai nấy đi”. Vợ gã còn chép miệng: “Ai mà ngờ được. Cô chú ấy rõ đẹp đôi, đi đâu cũng quấn quýt lấy nhau”.
Gã bỗng thấy trân quý cuộc hôn nhân “cùi bắp” của mình – cuộc hôn nhân không lung linh mà lấm lem bao vất vả, gian truân và từng trải qua lắm va đập, trầy xước; nhưng đến giờ này, vợ chồng gã vẫn ở bên nhau, có một ngôi nhà nho nhỏ và hai đứa con ngoan. Cả gã và vợ đều đã ít nhiều thay đổi bản thân, học cách chấp nhận nhau để sống hòa thuận.
Rồi gã nhớ ra hôm nay là ngày được lĩnh lương. Gã nghĩ sẽ mua thứ gì đó tặng vợ, chắc hẳn vợ gã sẽ reo lên sung sướng. Hơn 10 năm chung sống, vợ gã có được mấy lần như thế.
Theo Báo Phụ Nữ
Đẻ con gái, cho ăn trấu cũng lỗ?
Không biết ai đã "phát minh" ra câu nói ám chỉ việc cha mẹ chẳng thể cậy nhờ ở con gái ấy, nhưng chắc chắn nó đã làm không ít cô con gái chạnh lòng.
Má tôi chưa từng nói thế, nhưng những gì má dạy, đều để chuẩn bị cho tương lai của tôi ở... một nơi khác. Tôi nấu ăn vụng hoặc làm vỡ chén dĩa, má than: "Kiểu này làm dâu là bị chửi tắt bếp". Tôi nơm nớp lo, nhà chồng nào đó là nơi rất khắc nghiệt, chuyên bắt lỗi và rầy la. Tôi cố gắng nấu ăn ngon, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, má lại thở dài: "Dạy khôn dạy khéo rồi cũng để thiên hạ nhờ".
Tất cả mọi lẽ má dạy tôi đều để làm "con nhà người ta". Ảnh minh họa
Tôi hoang mang không biết đã sai ở chỗ nào. Đôi khi tôi ước mình là con trai, như thằng Út, dù nghịch phá hay lơ là học hành, ông nội vẫn hãnh diện nó là "đế lư hương" của ông. Ba thì không lo, vì đã có thằng Út kế thừa gia nghiệp lẫn chăm nuôi lúc tuổi già. Trong những câu chuyện ở thì tương lai của ba má, hoàn toàn không có bóng dáng của tôi, vì "con gái là con người ta". Mỗi lần tôi bị ba trách phạt, má can: "Thôi ông, nó sống với vợ chồng mình chẳng bao lâu". Vẻ thương xót của má khiến tôi tủi thân, lủi vô phòng nằm khóc, như thể ngày mai đã bị mang đi khỏi nhà.
Tôi vào đại học, má dặn: "Ráng tằn tiện nha con, mai mốt má còn phải lo cho thằng Út". Tôi hiểu, tôi chỉ ké vào suất học của Út, nhiều nhà còn không cho con gái đi học nữa là. Đêm trước ngày tôi lấy chồng, má mang ra hộp trang sức, cho tôi sợi dây chuyền - món tôi thèm khát từ rất lâu. Tôi thích thú ướm thử chiếc vòng có dây xích treo hai trái tim bằng ngọc rất xinh. Má nói chiếc vòng là để dành cưới vợ cho thằng Út. Hơn 10 cây vàng ba má tích góp cả đời, cũng là để dành cho Út sau này làm vốn. Tôi thả lại chiếc vòng vào hộp. Từ mai, tôi đã thành "con của người ta", tâm tư đều để vào "gia đình người ta". Nửa đời còn lại của ba má, đều trông cậy vào Út. Tôi tranh với em làm chi một chiếc vòng.
Má tôi cả đời đều dành dụm vì "thằng Út". Ảnh minh họa
Từ ngày Út lấy vợ, căn nhà trôi mất kỷ niệm của tôi. Nhà được sửa sang theo ý của vợ chồng Út. Khu vườn bị phá đi để xây nhà trọ. Tôi về nhà mà ngơ ngác như lạc chỗ. Má đi chợ, hỏi em dâu muốn ăn gì, là má ý tứ, sợ con dâu so bì.
"Con gái là con người ta", nhưng ba má vẫn là ba má của tôi. Ba má nằm viện, Út nói: "Chị hiểu ý ba má hơn em. Chị ở viện chăm là hợp lý". Tiền viện phí, Út than: "Vợ chồng em mới đi du lịch, sạch tiền, chị trả đi". Ba má tuổi già, nay ốm mai đau. Lần đó, má bị té, gãy xương đùi, không tự chủ được việc đi vệ sinh. Mặc tã thì má bị hăm lở, tôi phải thay giặt liên miên. Đêm, cái chân gãy hành má đau, tôi phải thức trắng xoa bóp cho má. Má tôi xót con, bảo: "Má làm khổ con quá". Tôi nghẹn ngào: "Ba má cho con ăn học đàng hoàng, con nuôi ba má là phải rồi". Câu nói của tôi khiến má bật khóc, tôi cũng khóc theo. Con nào cũng là con, sao phải phân biệt gái trai.
Theo Báo Phụ Nữ
Đang chờ ly hôn, mẹ ốm chồng gọi vợ về thực hiện trách nhiệm con dâu "Chờ ly hôn chứ đã ly hôn đâu! Giờ này cô vẫn là con dâu nhà tôi, phải thực hiện trách nhiệm của mình. Tốt nhất là cô thu xếp về ngay tối nay đi...", anh ta gào lên trong điện thoại. Sau những mâu thuẫn không thể hòa giải, anh chị quyết định ly hôn. Chị đưa đơn, anh kí, sau đó...