Hơn một triệu liều vaccine Covid-19 sắp về Việt Nam
Ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, sáng 15/6 cho biết cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, Việt Nam có thể nhận thêm hơn một triệu liều vaccine từ Covax Facility.
“Chính phủ đã có chủ trương mở rộng thêm nhóm người tiêm vaccine như công nhân các khu công nghiệp ở các tỉnh”, ông Đức Anh nói.
Dự kiến trong quý 3, khoảng 2 triệu liều vaccine Bộ Y tế mua từ AstraZeneca thông qua Công ty VNVC có thể về nước, ngoài ra còn có 3 triệu liều của Pfizer. Tuy nhiên, thời gian vaccine chuyển về Việt Nam có thể thay đổi.
Đến nay, Việt Nam nhận được gần 3 triệu liều vaccine để tiến hành tiêm chủng. Trong số này, cơ chế Covax cung cấp hơn 2,5 triệu liều chia thành hai đợt, đều là vaccineAstraZeneca. Ngoài ra, hơn 400.000 liều khác nằm trong số Việt Nam đã đặt mua 30 triệu liều từ AstraZeneca.
Tính đến ngày 15/6, tổng số liều vaccine đã tiêm là 1.552.651. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 59.608.
Ông Đức Anh khẳng định tiêm vaccine là một trong những biện pháp hiệu quả, chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong. Hiện nay không có một loại vaccine nào có hiệu lực bảo vệ 100%, tức sau tiêm vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp đã được tiêm có thể vẫn bị mắc bệnh.
Video đang HOT
“Do đó, có thể có trường hợp bị nhiễm nCoV ngay trước hoặc sau khi tiêm vaccine rồi sau đó mắc bệnh do vaccine chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch, hoặc một số ít đã được tiêm đủ nhưng vẫn mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu mắc bệnh, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề”, ông Đức Anh nói.
Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng 70-85% thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh.
Các loại vaccine phòng Covid-19 hiện nay đều có hiệu lực bảo vệ từ trên 60 đến 95%. Vì vậy Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo vaccine là vũ khí để chấm dứt đại dịch Covid-19. Đối với vaccine AstraZeneca, kết quả của một số nghiên cứu cho thấy sau khi tiêm một liều từ 22-90 ngày vẫn có một số trường hợp nhiễm nCoV, tuy nhiên số tử vong giảm đến 80% so với nhóm không tiêm chủng. Sau khi tiêm hai liều, số trường hợp tử vong giảm gần 100%.
“Điều này cho thấy tiêm chủng vaccine là biện pháp hiệu quả trong phòng bệnh, phòng các biến chứng và tử vong do bệnh gây ra”, ông Đức Anh nói.
Bộ Y tế hôm qua thúc giục Bộ Quốc phòng, Công an, UBND các tỉnh, 4 viện vệ sinh dịch tễ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19. Công tác tiêm chủng phải hoàn thành trước ngày 18/6 để đảm bảo an toàn, không đợi tiêm mũi hai cho nhóm đã tiêm mũi một, tăng độ bao phủ tiêm chủng.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã đàm phán thành công và sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm 2021, từ các hãng AstraZeneca, Pfizer- BioNTech, Moderna, từ Nga và Cơ chế Covax.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói về việc mua vắc xin của Trung Quốc
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam đã phê duyệt một loại vắc xin của Trung Quốc và đang tích cực đàm phán với nhiều nguồn để đa dạng hóa nguồn vắc xin.
Tại cuộc họp báo chiều 10/6, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch bệnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhận nhiều câu hỏi về vấn đề vắc xin phòng Covid-19 tại cuộc họp báo chiều 10/6/2021.
Việt Nam xác định mục tiêu sớm tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân, nhằm đạt được sự miễn dịch cộng đồng, coi đây là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định có tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch Covid-19.
Để thực hiện mục tiêu này, mới đây Quốc hội quyết định sử dụng khoảng 12.000 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vắc xin phòng dịch Covid-19.
Đồng thời, Đảng và Nhà nước cũng xác định, sự đồng lòng, chia sẻ, trách nhiệm, cảm thông của nhân dân, khả năng huy động nguồn lực xã hội là nhân tố quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Trên tinh thần đó, ngày 26/5/2021, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 53/NQ-CP và Thủ tướng có Quyết định số 779/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ vắc xin phòng Covid-19 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vắc xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 cho nhân dân.
Cho đến nay, theo bà Hằng, Quỹ vắc xin phòng Covid-19 đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, đóng góp tích cực, tự nguyện của các doanh nghiệp Việt Nam, đông đảo nhân dân và một số doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
"Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp không kể ít hay nhiều và sẽ đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân và ổn định sản xuất của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài" - bà Hằng nhấn mạnh.
Giải đáp thông tin Nhật sẽ tặng 2 Việt Nam 2 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài đã tích cực đàm phán, trao đổi để có thể mua, tiếp cận, nhập khẩu, nhận viện trợ vắc xin phòng Covid-19 đưa về Việt Nam.
Bà Hằng nêu con số, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 2,6 triệu liều vắc xin từ cơ chế Covax Facility và cũng nhận cam kết từ một số nhà sản xuất, quốc gia và một số đối tác. Thông tin về cuộc thỏa thuận, mua, nhập, nhận viện trợ, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin sẽ được các cơ quan cập nhật liên tục tới người dân và các cơ quan báo chí.
Trao đổi về thông tin Việt Nam đã phê duyệt thêm vắc xin phòng Covid-19, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng thông tin, với Quyết định số 267 ban hành ngày 3/6 vừa qua, Bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch với vắc xin có tên Covid-19 Vaccine (Vero Cell), Inactivated (tên khác là SARS-CoV-2 Vaccine, Inactivate) - một loại vắc xin do Trung Quốc sản xuất. Đây là vắc xin thứ 3 được phê duyệt tại Việt Nam.
Về vấn đề xúc tiến đàm phán với phía Trung Quốc để mua vắc xin của nước này, bà Hằng cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài tích cực trao đổi và thúc đẩy đàm phán với nhiều quốc gia chứ không chỉ với Trung Quốc cũng như với các đối tác, các nhà sản xuất vắc xin khác nhau để có thể mua, nhập khẩu, nhận hỗ trợ vắc xin đưa về Việt Nam.
Tới đây, Việt Nam tiếp tục nỗ lực đa dạng hóa các nguồn vắc xin để đáp ứng được nhu cầu tiêm phòng Covid-19 cho rộng rãi các nhóm đối tượng, để đạt được mục tiêu tiêm bao phủ 75% dân số nhằm tạo được miễn dịch cộng đồng.
Ba kịch bản tăng trưởng của TP HCM Theo TS Trần Hoàng Ngân, kinh tế TP HCM năm nay tăng trưởng 4,9%, 5,53% hoặc 6,37% sẽ tuỳ thuộc vào kết quả khống chế Covid-19. Nhận định trên được ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS) nói tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ngày 10/6. Buổi làm...