Hỗn loạn đêm giao thừa – thách thức an ninh mới của Đức
Làm sao để đồng hóa hơn một triệu người di cư mới tiếp nhận, đồng thời nâng cao khả năng phản ứng của lực lượng an ninh trước hoàn cảnh mới là những câu hỏi đang khiến giới lãnh đạo Đức phải đau đầu.
Người Đức cầm biểu ngữ biểu thị thái độ không đón chào người tị nạn sau một loạt vụ tấn công tình dục xảy ra trong đêm giao thừa ở Cologne. Ảnh: AFP
Vào những ngày cuối cùng của năm cũ, cảnh sát thành phố Cologne, Đức, ráo riết chuẩn bị công tác an ninh cho lễ đón năm mới. Dựa trên kinh nghiệm, họ xác định bọn móc túi và những người bắn pháo hoa giữa đám đông là các nguồn nguy cơ an ninh lớn nhất.
Vì thế, quân số cảnh sát thường trực trong dịp lễ được tăng cường, từ 88 lên 142 người, tập trung dọc bờ sông Rhine, địa điểm mà người dân và du khách thường lui đến để thưởng thức màn bắn pháo hoa khổng lồ vào đêm giao thừa.
Tuy nhiên, trong ngày cuối cùng của năm 2015, khoảng 1.500 người, chủ yếu là dân tị nạn và nhập cư, lại tập trung quanh khu vực nhà ga trung tâm Cologne. Họ lợi dụng số đông để tấn công tình dục và cướp bóc hàng trăm người. Vụ việc khiến dân chúng Đức không khỏi bị sốc, đồng thời làm dấy lên mối lo ngại quanh những hệ lụy của việc tiếp nhận người tị nạn trên khắp châu Âu.
“Chúng dồn ép, tấn công tôi từ mọi phía”, Johanna, một nạn nhân 18 tuổi, kể. “Tôi bị sờ soạng liên tục. Thực sự chưa bao giờ tôi phải trải qua thứ gì kinh tởm đến thế”.
Phần lớn mọi người vẫn chưa hiểu rõ điều gì xảy ra đêm đó. Theo các báo cáo điều tra, thông tin từ quan chức chính quyền và lời khai của các nạn nhân, cảnh sát Đức không thể lường được tình hình sau khi nước Đức vừa tiếp nhận hơn một triệu người tị nạn. Đa phần đến từ các quốc gia Hồi giáo đang bị chiến tranh tàn phá, họ không quen với văn hóa cũng như chuẩn mực của Đức. Đây là một thực tế mới mà cảnh sát Cologne dường như chưa kịp thích ứng, theo New York Times.
Cảnh sát bất lực
Cảnh sát đứng gác bên ngoài nhà ga Koln Hauptbahnhof. Ảnh: AFP
Nhà chức trách thừa nhận, với những tiên lượng, suy đoán theo cách cũ, cảnh sát Đức đã không kịp phản ứng trước diễn biến thực tế. Điều này khiến mọi việc xấu đi. Đồng thời, cả cảnh sát lẫn các nạn nhân đều khẳng định họ chưa từng phải đối mặt với những sự việc tương tự trước đây.
Đó thực sự là một thách thức đặt ra với nước Đức cũng như Thủ tướng Angela Merkel, trước vấn đề làm thế nào để đồng hóa số dân khổng lồ mới nhập cư, trong bối cảnh sự khoan dung dành cho những người này đang giảm sút.
Video đang HOT
Theo Lale Akgun, 62 tuổi, nhà phân tích sinh ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, sống tại Cologne và có kinh nghiệm nghiên cứu về các vấn đề hội nhập, vụ việc xảy ra vào đêm giao thừa vừa qua cho thấy sự căng thẳng ngày càng tăng giữa hai phe. Một bên cho rằng dòng người nhập cư sẽ là nguồn bổ sung giúp xã hội phong phú hơn, trong khi bên còn lại thì nói người nhập cư là một gánh nặng, hay thậm chí là mối nguy hiểm.
“Chúng ta cần một hiểu biết chung”, nhất là về những điều mang tính thực tiễn như các chính sách, Akgun đánh giá. Sau vụ hỗn loạn đêm giao thừa ở Cologne, điều này trở nên đặc biệt đúng.
Theo lời kể của du khách tham dự buổi đọc kinh thánh tại Nhà thờ Cologne, nằm ngay gần ga trung tâm, vào khoảng 19h hôm đó, những tiếng nổ do bắn pháo hoa to đến nỗi họ không thể nghe thấy các vị mục sư nói gì, mặc dù mục sư dùng loa để thuyết giảng.
Đến khoảng 21h, gần 500 người trẻ tuổi, một số đã say xỉn, trở nên liều lĩnh hơn. Họ ném pháo hoa vào người đi đường và các tòa nhà khiến ai nấy đều sợ hãi. Dù vậy, viên cảnh sát chỉ huy tại hiện trường không chấp nhận một đề nghị cử 80 sĩ quan bổ sung. Những người này có thể tới Cologne chỉ trong vòng một tiếng, Bernd Heinen, một quan chức cảnh sát cấp cao, cho biết. Ông chỉ trích vị chỉ huy vì không triển khai bất cứ hành động nào suốt đêm hôm đó và đứng nhìn tình trạng mỗi lúc một tệ hơn.
Khoảng 22h20, thêm 10 sĩ quan cảnh sát được điều tới quảng trường. Một tiếng sau, khi nhóm người di cư đạt gần 1.500 người và được đánh giá là một đám đông “vô cùng hung hăng”, cảnh sát chỉ huy mới quyết định giải tán quảng trường và phong tỏa lối vào ga tàu. Song, ông vẫn không yêu cầu được bổ sung quân số.
Nhưng rút cục việc chặn các lối vào nhà ga lại khiến tình hình tồi tệ hơn. Sau nửa đêm, khi pháo hoa thắp sáng bầu trời trên sông Rhine, hàng nghìn người bắt đầu đi ngược về phía ga tàu để về nhà. Mọi lối đều bị chặn đứng.
Theo tường trình của một số nạn nhân, một nhóm khoảng 20 người đàn ông khi đó bao vây các cô gái trẻ, tóm lấy quần áo, đụng chạm cơ thể rồi lấy cắp tài sản của họ.
Johanna và bạn bè của cô là những người đầu tiên bị mắc kẹt bên ngoài nhà ga. Họ chỉ có thể vào bên trong khi đêm đã muộn. Và lúc bấy giờ cô bắt đầu bị những người đàn ông đứng xung quanh quấy rối. Cô cùng hai người bạn phải cất ví tiền và điện thoại vào túi trong. Sau một hồi vật lộn, cuối cùng, họ cũng lên được một chuyến tàu. Nhưng tàu không thể lăn bánh trong suốt 90 phút sau đó do ” tình trạng hỗn loạn hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát”.
“Đó thực sự là đêm tồi tệ nhất cuộc đời tôi”, Johanna chia sẻ. “Tôi không muốn trải qua tình cảnh ấy thêm một lần nào nữa”.
Sara, 25 tuổi, đến từ thành phố Aschaffenburg, bang Bavaria, là một phụ nữ khác có mặt trong “đêm giao thừa nhục nhã” ấy. Cô cho hay cảnh hỗn loạn tiếp diễn đến tận 4h sáng.
“Những người đàn ông nước ngoài… đứng thành vòng tròn vây quanh chúng tôi”, cô miêu tả. “Tôi nắm chặt tay người bạn của mình và nói với cô ấy rằng: ‘Đừng nhìn vào mắt họ. Hãy giữ thật chắc túi xách của mình’”.
Sara vô cùng sợ hãi. Cô liên tục hét lên “Hãy để tôi yên”. Sara và bạn sau đó quyết định tìm đến các sĩ quan cảnh sát với hy vọng sẽ được an toàn hơn. Nhưng ngay cả cảnh sát cũng tỏ ra bất lực.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một cảnh sát sẽ nói ‘Tôi muốn giúp cô, nhưng tôi không thể’. Điều đó thật kinh khủng. Tôi nên nhờ cậy ai ? Tôi nên làm gì bây giờ?”, Sara nói.
Theo báo cáo, một trụ sở cảnh sát gần gà tàu nhận được 30 – 50 lá đơn khiếu nại của người dân với các cáo buộc tấn công tình dục và trộm cắp chỉ trong vài giờ đầu tiên của năm mới. Những phụ nữ đến đồn cảnh sát với tâm trạng sợ hãi. Nhiều người bật khóc. Một số người chán nản bỏ đi vì nữ sĩ quan duy nhất có mặt tại đồn không thể xử lý hết đơn khiếu nại của họ.
Rainer Wendt, lãnh đạo lực lượng cảnh sát quốc gia Đức, thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng cảnh sát tại thành phố Cologne đã hành động sai lầm, trong đó phải kể đến việc họ đưa ra quyết định tăng cường nhân lực quá muộn.
Tuy nhiên, ông cho biết không có cách nào để đoán trước sự hỗn loạn mà những nhóm người sẽ gây ra ở khu vực quảng trường, nơi không thường xuyên diễn ra các sự kiện.
Ralf Jager, trưởng cơ quan nội vụ Rhine Westphalia, bang đông dân nhất của Đức, cho rằng rượu bia và chất kích thích đã làm trầm trọng thêm tình hình.
Cơ quan chức năng hiện chủ yếu dựa vào các manh mối thu được từ những đoạn video giám sát để truy tìm thủ phạm. Cảnh sát đã cử 135 sĩ quan để thực hiện công việc rà soát 350 giờ quay video lấy từ các nguồn như máy quay tại nhà ga, các khách sạn, cơ quan gần đó hay từ điện thoại di động của người dân.
Trong số 19 nghi phạm cảnh sát Cologne đã xác định danh tính, 10 người là dân tị nạn, 9 người còn lại được cho là sinh sống bất hợp pháp tại Đức. 4 trong 19 nghi phạm đang bị giam giữ với cáo buộc thực hiện các vụ cướp vào đêm giao thừa. Cảnh sát liên bang cũng tìm thêm được 32 nghi phạm khác, 22 người trong số này đang xin tị nạn.
Cảnh hỗn loạn trước nhà ga Cologne trong đêm giao thừa. Ảnh: DW
Chuyên gia nhận định để làm sáng tỏ vụ việc ở Cologne sẽ phải mất vài tuần. Cảnh sát cũng đang xem xét những sự việc tương tự được báo cáo từ các thành phố như Hamburg, Stuttgart, Frankfurt hay Nuremberg. Cơ quan chức năng cho rằng các vụ việc xảy ra ở những thành phố kể trên liên quan đến nhau và được tiến hành một cách có tổ chức.
“Điều chúng ta thấy ở đây là các thủ phạm có liên lạc và dàn xếp với nhau”, ông Holger Munch, lãnh đạo cơ quan cảnh sát hình sự liên bang, nhấn mạnh. “Chúng ta cần tìm hiểu kỹ hơn chúng làm việc này ở đâu và như thế nào”.
Theo ông Wendt, nhà chức trách Cologne và một số thành phố khác đã nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch tổ chức lễ hội của mình.
Cảnh sát và chính quyền thành phố Mainz, một trung tâm lễ hội của Đức, đã lập kế hoạch an ninh bổ sung, thiết lập các đường nhánh nhằm cho phép phụ nữ nhanh chóng rời khỏi đám đông. Họ cũng gắn thêm máy quay nhỏ trên người các sĩ quan cảnh sát thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, đồng thời giải thích mục đích của lễ hội cho người mới đến.
“Thật không may, ở Đức, các quyết định chính trị chỉ được đưa ra khi mọi sự đã rồi”, Wendt bình luận.
Trọng Nghĩa
Theo VNE
Đức bắt nghi phạm đầu tiên tấn công tình dục đêm giao thừa
Một người tị nạn Algeria trở thành nghi phạm đầu tiên bị cảnh sát Đức bắt giữ vì dính líu tới các vụ tấn công tình dục ở thành phố Cologne đêm giao thừa.
Nghi phạm 26 tuổi bị bắt tại một trung tâm tị nạn ở thị trấn Kerpen, cách Cologne khoảng 30 km về phía tây nam. Ảnh: AP
Nghi phạm 26 tuổi, không rõ danh tính, bị bắt tại một trung tâm tị nạn ở thị trấn Kerpen cuối tuần qua cùng một người Algeria 22 tuổi khác, BBC dẫn lời các công tố viên hôm nay cho biết.
Anh này bị tình nghi sàm sỡ một phụ nữ và trộm điện thoại. Người còn lại cũng bị cáo buộc trộm điện thoại.
Cảnh sát Cologne đang điều tra 21 người liên quan tới các vụ tấn công vào đêm 31/12 trong thành phố. 8 người đang bị tạm giam chờ xét xử, hầu hết bị cáo buộc trộm cắp.
Cảnh sát cho biết 833 người đã đệ đơn khiếu nại hình sự, trong đó có gần 500 phụ nữ tố cáo bị tấn công tình dục.
Giới chức Cologne và chính phủ liên bang đang đứng dưới áp lực thông qua một chính sách tiếp cận cứng rắn hơn trong vấn đề nhập cư, sau khi nhiều người Bắc Phi được cho là tấn công có tổ chức các phụ nữ vào đêm giao thừa ở nhiều thành phố khắp nước Đức.
Anh Ngọc
Theo VNE
Đức treo thưởng gần 11.000 USD bắt nghi phạm tấn công tình dục đêm giao thừa Các công tố viên Đức sẽ thưởng số tiền mặt lớn cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ các nghi phạm trong vụ tấn công tình dục hàng loạt phụ nữ vào đêm giao thừa ở thành phố Cologne. Cảnh sát bắt giữ một thành viên của phong trào chống nhập cư trong cuộc biểu tình ở Cologne hôm...