Hơn ba triệu người nhiễm nCoV toàn cầu
Thế giới ghi nhận hơn ba triệu ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 210.000 người đã chết, một số nước nới hạn chế khi tình hình đã ổn định hơn.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, 3.035.177 ca nhiễm và 210.551 ca tử vong do nCoV được ghi nhận tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 69.814 và 4.286 ca so với hôm qua. 891.804 người đã hồi phục sau khi ghi nhận thêm 28.340 trường hợp trong 24 giờ qua.
Vùng dịch lớn nhất thế giới Mỹ ghi nhận 985.374 ca nhiễm, trong đó 55.952 người đã tử vong, tăng lần lượt 21.995 và 1.142 ca. Cho đến nay, Mỹ đã thực hiện gần 5,6 triệu xét nghiệm, cao nhất thế giới, song giới chuyên gia cho rằng con số này vẫn chưa đủ.
Các bang Alaska, Georgia, Oklahoma và một số bang khác bắt đầu mở cửa lại cửa hàng bán lẻ, công viên, bãi biển từ 24/4. Georgia, Tennessee mở cửa trở lại các nhà hàng từ 27/4, dù các chuyên gia y tế cho rằng cần duy trì cách biệt cộng đồng để ngăn virus lây lan.
Thống đốc Texas Greg Abbott tuyên bố tất cả các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, bảo tàng và thư viện sẽ được phép mở lại vào 1/5 với công suất 25%. Alaska, Oklahoma, Minnesota, Mississippi, Colorado và Nam Carolina cũng bắt đầu cho phép một số hoạt động nhất định.
New York, bang chịu thiệt hại nặng nề nhất, tỏ ra thận trọng khi tỷ lệ nhập viện vẫn cao. Thống đốc Andrew Cuomo đang chuẩn bị gia hạn các biện pháp hạn chế tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng. Sản xuất và xây dựng được khởi động lại ở một số khu vực chịu ít ảnh hưởng sau ngày 15/5.
New Jersey, bang bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai, California và khu vực Washington DC cam kết tiếp tục các biện pháp hạn chế.
Tây Ban Nha báo cáo số người chết do nCoV tăng lên 23.521 sau khi ghi nhận thêm 331 trường hợp. Số ca tử vong tăng trở lại chỉ một ngày sau khi giới chức nước này ghi nhận mức thấp nhất trong 5 tuần qua. Ca nhiễm tăng thêm 1.831 trường hợp lên 209.465, trong khi hơn 100.000 người đã hồi phục.
Chính phủ Tây Ban Nha nhận định Covid-19 ở nước này đã đạt đỉnh ngày 2/4. Đất nước với gần 47 triệu dân đã trải qua hơn 6 tuần phong tỏa, trong đó chỉ người lớn được rời nhà để mua thức ăn, thực phẩm hoặc đưa thú cưng đi dạo.
Từ ngày 26/4, tối đa 3 trẻ em dưới 14 tuổi trong mỗi hộ gia đình Tây Ban Nha sẽ được ra ngoài một lần mỗi ngày trong vòng một giờ trong khoảng thời gian từ 9h đến 21h. Các em được vui chơi ngoài trời dưới sự giám sát của một phụ huynh và không đi cách nhà quá một km. Nhiều trẻ em đã đổ ra đường phố thủ đô Madrid ngay sau khi có quyết định nới lỏng phong tỏa.
Tất cả người dân sẽ được phép ra ngoài tập thể dục và đi bộ từ cuối tuần tới. Chính phủ Tây Ban Nha dự kiến công bố kế hoạch nới lỏng phong tỏa lớn hơn vào ngày 28/4 và có thể áp dụng những biện pháp này từ nửa cuối tháng 5.
Nhân viên y tế đưa bệnh nhân Covid-19 lên xe cứu thương tại thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ hôm 27/4. Ảnh: Reuters.
Italy ghi nhận thêm 1.739 ca nhiễm, giảm so với 2.324 ca một ngày trước đó, và 333 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 199.414 và 26.977, xếp thứ ba thế giới về số ca nhiễm và thứ hai toàn cầu về số ca tử vong.
Nước này áp phong tỏa toàn quốc từ 9/3, buộc người dân phải ở nhà, hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa, gây áp lực lớn cho nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro. Chính quyền Italy dự kiến nới phong tỏa từ ngày 4/5 khi ca nhiễm và ca tử vong liên tục giảm.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư toàn cầu, xác nhận thêm 3.742 ca nhiễm và 437 ca tử vong, tăng so với một ngày trước, nâng tổng số lên lần lượt 165.842 và 23.393.
Thủ tướng Edouard Philippe dự kiến hôm nay công bố các biện pháp mới sau khi lệnh phong tỏa hết hạn ngày 11/5. Các trường học sẽ dần mở cửa trở lại trong một động thái gây tranh cãi nhưng các quán cà phê và nhà hàng hiện vẫn đóng cửa.
Video đang HOT
Đức báo cáo thêm 664 ca nhiễm và 85 ca tử vong do nCoV, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 158.434 và 6.061. Các biện pháp hạn chế cùng việc xét nghiệm rộng rãi khiến tỷ lệ tử vong ở Đức thấp hơn nhiều nước châu Âu. Gần 3/4 người dân đồng tình với các biện pháp của chính phủ.
Dù Đức bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa tuần trước, Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi người dân thận trọng và không nên mất kiên nhẫn với các hạn chế nhằm ngăn virus lây lan. Hôm 25/4, khoảng 1.000 người biểu tình phản đối các biện pháp phong tỏa ở Berlin, bất chấp lệnh cấm tụ tập.
Anh phát hiện thêm 4.309 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 157.149. Nước này ghi nhận 21.092 ca tử vong, tăng 360 trường hợp, giảm so với một ngày trước đó.
Anh chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện nên số liệu thực tế có thể cao hơn vì nhiều người qua đời tại nhà và viện dưỡng lão. Nền kinh tế Anh đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ lệnh phong tỏa đã kéo dài hơn một tháng.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua có bài phát biểu đầu tiên sau gần một tháng nhiễm nCoV và phải điều trị. Johnson khẳng định nước Anh sắp kết thúc “giai đoạn đầu của cuộc chiến” và “bắt đầu xoay chuyển tình thế” trong ứng phó Covid-19. Tuy nhiên, ông cảnh báo đây là thời điểm “nguy cơ tối đa” và kêu gọi người dân không mất kiên nhẫn với lệnh phong tỏa.
Nga báo cáo thêm 6.198 ca nhiễm, nâng ca nhiễm cả nước lên 87.147, vượt Trung Quốc với 82.830 ca. Giới chức y tế Nga thông báo thêm 47 người chết, nâng ca tử vong lên 794.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dimitry Peskov nói Covid-19 gây ra khủng hoảng và thách thức chưa từng có cho Nga, khiến giới chức nước này phải điều chỉnh biện pháp đối phó hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Các địa phương đang phối hợp với chính phủ để xây dựng biện pháp đối phó khủng hoảng và khắc phục hậu quả.
Iran tiếp tục là vùng dịch lớn nhất châu Á với 91.472 ca nhiễm. Nước này ghi nhận thêm 96 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ 14 liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100, nâng số người chết lên 5.806.
Chính phủ Iran đã cho phép mở lại các cửa hàng theo từng giai đoạn và dỡ bỏ hạn chế di chuyển liên tỉnh. Tuy nhiên, các trường học, nhà thờ Hồi giáo, rạp chiếu phim, sân vận động và các địa điểm công cộng khác vẫn đóng cửa trên cả nước.
Chính quyền trong những ngày gần đây nêu khả năng mở lại nhà thờ Hồi giáo ở các khu vực ít bị ảnh hưởng, song chưa có kế hoạch cụ thể.
Tại khu vực Nam Á, Ấn Độ báo cáo 1.561 ca nhiễm mới và 58 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 29.451 và 939. Lệnh phong tỏa toàn quốc được áp đặt ở Ấn Độ từ ngày 25/3 và sẽ tiếp tục kéo dài đến ngày 3/5.
Bộ Y tế Ấn Độ đang sử dụng phương pháp truy vết tiếp xúc và giám sát cộng đồng nhằm đối phó với các ca nhiễm không triệu chứng. Là quốc gia đông dân thứ hai thế giới, Ấn Độ được dự đoán sẽ bị dịch bệnh tàn phá nghiêm trọng nếu không có các biện pháp ứng phó mạnh tay.
Đông Nam Á ghi nhận 40.766 ca nhiễm nCoV, trong đó 1.445 người đã chết. Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 14.423 ca nhiễm và 12 ca tử vong. Indonesia xếp thứ hai với 9.096 ca nhiễm và 765 ca tử vong, trong khi Philippines là vùng dịch thứ ba.
Đông Timor và Lào tiếp tục là hai nước trong khu vực chịu ít ảnh hưởng nhất từ Covid-19, với lần lượt 23 và 19 ca nhiễm nCoV. Việt Nam, Campuchia, Đông Timor và Lào chưa ghi nhận ca tử vong nào.
Huyền Lê
Số ca nhiễm Covid-19 lên gần 3 triệu, thế giới thận trọng nới phong tỏa
Dịch Covid-19 tiếp tục càn quét 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho gần 3 triệu người và buộc các chính phủ phải cân nhắc thận trọng khi nới lỏng phong tỏa để vực dậy nền kinh tế đang điêu đứng vì dịch.
Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm ngày 27/4 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận ít nhất 2.988.947 ca dương tính với virus corona chủng mới và 206.728 trường hợp tử vong. Song, 876.494 bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục sau điều trị.
Thêm nhiều bang Mỹ bắt đầu dỡ phong tỏa
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì sự tấn công của virus corona chủng mới, với tổng số ca nhiễm (985.062 người) và số trường hợp tử vong (55.357 người) tính đến sáng 27/4 đều cao nhất thế giới. Chỉ trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận hơn 24.000 ca nhiễm mới Covid-19 cùng 1.101 trường hợp tử vong vì dịch. Tuy nhiên, tỉ lệ lây nhiễm mầm bệnh nguy hiểm đã giảm đáng kể ở nhiều "điểm nóng" về dịch, kể cả tâm chấn New York.
Nhà thờ King Lutheran ở bang Montana, Mỹ tái mở cửa hôm 26/4. Ảnh: AP
Hơn 90% dân số Mỹ từng phải tuân thủ các biện pháp phong tỏa bắt buộc cùng lúc để dập dịch. Song, một số bang đã bắt đầu dỡ bỏ các sắc lệnh trên từ cuối tuần trước. Theo AP, các bang Georgia, Oklahoma, Alaska và Nam Carolina đã cho phép một số doanh nghiệp tái mở cửa.
Tại bang Montana, các nhà thờ bắt đầu khôi phục hoạt động từ ngày 26/4, trong khi các nhà hàng và trường học dự kiến sẽ tái mở cửa vào ngày 7/5. Thống đốc bang Colorado thông báo, các xe bán lẻ ven đường có thể hoạt động trở lại từ đầu tuần này, nhưng các tiệm cắt tóc, quán xăm sẽ tái mở cửa muộn hơn vào ngày 1/5.
Bang Tennessee cho phép các nhà hàng mở cửa trở lại vào ngày 27/4, cùng thời điểm lệnh phong tỏa bắt buộc ở bangMississippi hết hiệu lực.
Tuy nhiên, các bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch New York và Michigan tuyên bố sẽ duy trì sắc lệnh yêu cầu người dân ở nhà để phòng chống Covid-19 tới ít nhất giữa tháng 5.
Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên nhóm đặc trách Covid-19 của Nhà Trắng cho biết, chính phủ sẽ duy trì khuyến cáo người dân tiếp tục thực thi giãn cách xã hội trong suốt mùa hè để đảm bảo công tác dập dịch thành công.
Châu Âu dè dặt nới lỏng các biện pháp hạn chế
Dịch Covd-19 có dấu hiệu chững lại ở châu Âu khi một số nước từng là "điểm nóng" chứng kiến số ca nhiễm mới Covid-19 giảm mạnh.
Italia ghi nhận 260 ca tử vong vì virus corona chủng mới trong vòng 24 giờ qua, mức tăng thấp nhất trong ngày kể từ giữa tháng 3, nâng tổng số ca tử vong trên toàn quốc tính đến sáng 27/4 lên 26.644 người trong tổng số gần 198.000 ca nhiễm Covid-19.
Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đã công bố lộ trình khôi phục nền kinh tế đất nước sau 7 tuần áp phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus. Cụ thể, các nhà máy, công trường xây dựng và các doanh nghiệp bán buôn có thể hoạt động trở lại ngay sau khi triển khai các biện pháp an toàn phòng chống Covid-19. Từ ngày 4/5, các công viên và vườn quốc gia sẽ tái mở cửa, các đám tang được phép tổ chức, các vận động viện được phép khôi phục hoạt động và người dân có thể đi thăm họ hàng sống trong cùng một vùng.
Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, các bảo tàng và cửa hàng sẽ khôi phục hoạt động từ ngày 18/5, còn các nhà hàng, quán cà phê và salon làm đẹp từ ngày 1/6.
Tuy nhiên, ông Conte cảnh báo, nếu người dân ra đường không đeo khẩu trang và tuân thủ các biện pháp giãn cách cộng đồng, dịch Covid-19 có thể tái trỗi dậy lần thứ hai và gây tổn hại khôn lường.
Trẻ em Tây Ban Nha hôm 26/4 lần đầu tiên được ra ngoài tập thể dục kể từ giữa tháng 3. Ảnh: Reuters
Tại Tây Ban Nha, "ổ dịch" lớn thứ hai thế giới sau Mỹ với 226.629 ca nhiễm và 23.190 trường hợp tử vong vì Covid-19, các quan chức y tế đã công bố các kế hoạch hành động hướng tới "trạng thái bình thường mới" khi số người thiệt mạng vì dịch của nước này trong 24 giờ qua lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 300 người sau nhiều tuần.
Chính phủ Tây Ban Nha ngày 26/4 đã cho phép trẻ dưới 14 tuổi lần đầu tiên được ra ngoài tập thể dục kể từ giữa tháng 3. Thủ tướng Pedro Sánchez cho biết, người lớn cũng sẽ được phép ra ngoài tập thể dục từ cuối tuần này.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã trở lại làm việc tại trụ sở chính phủ ở Phố Downing tối 26/4 sau khi thoát khỏi bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra và hồi phục sức khỏe. Hai tờ báo lớn ở đảo quốc sương mù đưa tin, ông Johnson có thể sớm công bố nới lỏng các biện pháp phong tỏa đất nước.
Tuy nhiên, các nhà khoa học hàng đầu Anh như giáo sư John Edmunds, thành viên nhóm chuyên gia ứng phó với dịch Covid-19 của Chính phủ cảnh báo, số các trường hợp nhiễm virus vẫn cao không cho phép nước này sớm dỡ bỏ hay nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Tính đến sáng 27/4, Anh đã có gần 153.000 người dương tính với virus corona chủng mới và 20.732 người thiệt mạng.
Ấn Độ ghi nhận kỷ lục về số ca nhiễm mới trong ngày
CNN trích dẫn thông cáo của Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, nước này có thêm 1.990 ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày 26/4, mức tăng kỷ lục trong ngày kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 26.496 người. Nước đông dân thứ hai trên thế giới hiện ghi nhận 824 trường hợp tử vong vì dịch, trong đó bang miền tây Maharashtra là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Để ứng phó với dịch bệnh hoành hành, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc tới ngày 3/5. Song, nhà chức trách hiện cũng bắt đầu nới lỏng một số biện pháp hạn chế, cho phép người dân thu hoạch mùa màng và một số cửa hàng kinh doanh không thiết yếu mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, phát biểu trên đài truyền thanh quốc gia, Thủ tướng Narendra Modi kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm lệnh phong tỏa vì họ mới "ở giữa cuộc chiến chống Covid-19" và số ca mắc virus vẫn không ngừng tăng lên.
Hội đồng nghiên cứu Y khoa Ấn Độ thống kê, tính đến ngày 26/4, nước này đã tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho tổng cộng 625.309 trường hợp.
Các tin đáng chú ý khác về dịch Covid-19:
- Trung Quốc thông báo trong 24 giờ qua chỉ ghi nhận thêm 11 ca nhiễm Covid-19 và không có thêm ca tử vong, nâng tổng số nhiễm tại đại lục lên 82.827 người và 4.632 trường hợp thiệt mạng vì dịch. Đáng nói, thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát và là tâm chấn của dịch, hiện không còn ca bệnh Covid-19 nào tại các bệnh viện sau khi cho xuất viện 12 bệnh nhân cuối cùng hôm 26/4.
- Chỉ trong vòng vài giờ sau khi tuyên bố sẽ dỡ bỏ các lệnh giới hạn toàn quốc nhằm dập dịch Covid-19 từ ngày 27/4, Chính phủ Sri Lanka đã thu hồi lại quyết định và thông báo sẽ kéo dài những biện pháp trên thêm một tuần, tới ngày 4/5. Lãnh đạo quân đội Sri Lanka cũng ra lệnh cho các quân nhân phải hủy nghỉ phép và quay trở lại làm việc ngay lập tức. Động thái bắt nguồn từ việc số ca nhiễm mới Covid-19 ở nước này tiếp tục tăng mạnh, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên ít nhất 505 người với 7 trường hợp đã tử vong.
- Các quan chức Iran thông báo, trong vòng 24 giờ qua, nước này chỉ có thêm 60 người thiệt mạng vì Covid-19, mức tử vong trong ngày thấp nhất nhiều tuần qua. Tính đến hết ngày 26/4, Iran vẫn là "ổ dịch" lớn nhất Trung Đông với gần 91.000 ca dương tính với virus corona chủng mới và 5.710 bệnh nhân đã tử vong.
- Để thử nghiệm nới lỏng các biện pháp hạn chế chống Covid-19 cũng như vực dậy nền kinh tế đang điêu đứng vì dịch, Israel đã cho phép một số doanh nghiệp tái mở cửa hôm 26/4 và đang cân nhắc cho trẻ em quay trở lại trường học. Song, cùng ngày, nhà chức trách đã áp lệnh phong tỏa đối với hai thị trấn còn các ổ dịch lớn. Chính phủ Do Thái cũng thông qua gói cứu trợ 80 tỷ shekel (23 tỷ USD) nhằm giúp nền kinh tế chống chọi với khủng hoảng khi tỷ lệ thất nghiệp đã tăng đến hơn 27%.
- Bộ trưởng Y tế Israel Yaakov Litzman tuyên bố sẽ từ chức trước những lời chỉ trích về cách ông xử lý cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra cũng như việc bản thân ông bị nhiễm mầm bệnh nguy hiểm. Theo báo Guardian, 201 bệnh nhân Covid-19 ở Israel đã tử vong trong tổng số 15.443 ca nhiễm trên toàn quốc.
- Ảrập Xêút hôm 26/4 đã bắt đầu nới lỏng lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 9h - 17h hàng ngày, nhưng vẫn duy trì việc phỏng tỏa suốt 24 giờ đối với thành phố thánh địa Mecca và các khu dân cư đã bị cách ly trước đó nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới. Quốc gia này hiện ghi nhận 17.522 ca mắc Covid-19 với 139 trường hợp đã tử vong. Riyadh mới đây ký một thỏa thuận trị giá 264 triệu USD với Trung Quốc để thực hiện 9 triệu xét nghiệm Covid-19 cho người dân nước này.
- Chile tuyên bố sẽ không từ bỏ kế hoạch phát hành "chứng nhận miễn dịch" đối với các bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục sau điều trị, bất chấp việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, hiện chưa rõ con người liệu có khả năng miễn dịch với virus cororna chủng mới sau khi nhiễm mầm bệnh này hay không.
Tuấn Anh
'Siêu thứ Ba' bầu cử Mỹ: Ai sẽ giành ghế ứng viên Đảng Dân chủ? Từ 5 người, cuộc đua giành vị trí ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ nhanh chóng trở thành cuộc đua 2 người sau ngày bầu cử Siêu thứ Ba (3/3). Trong số 14 bang tổ chức bầu cử sơ bộ, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joseph R. Biden Jr. (Joe Biden) giành chiến thắng ngày Siêu thứ Ba ở Virginia,...