Hơn 70% người dân đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng
70% là tai nạn giao thông liên quan đến mô tô, xe máy và có đến 30% chấn thương sọ não dẫn tới tử vong. 72% người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng.
Đó là những thông tin Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện – Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT đường bộ và đường sắt – Bộ Công an) chia sẻ trong buổi giao lưu trực tuyến “Vì sao phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn” do Báo điện tử Chất lượng Việt Nam (Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường – Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức.
Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện.
Theo Thượng tá Luyện, mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng hơn 30.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm khoảng 11.000 người chết và hơn 38.000 người bị thương. Trong đó, 70% là tai nạn giao thông liên quan đến mô tô, xe máy và có đến 30% chấn thương sọ não dẫn tới tử vong. Vì thế, việc đội mũ bảo hiểm là thực sự cần thiết đối với người đi trên mô tô, xe gắn máy.
Thượng tá Luyện cho hay, Luật Giao thông đường bộ và Nghị định của Chính phủ đã quy định người điều khiển, người ngồi trên xe máy, xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách. Tuy nhiên, thực trạng là nhiều người tham gia giao thông có đội mũ bảo hiểm nhưng vẫn mang tính đối phó. Có tới hơn 70% người tham giao thông đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng.
Cũng theo Thượng tá Luyện, hiện chưa có chế tài xử phạt các trường hợp khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, do vậy không có lực lượng chức năng nào được xử phạt các trường hợp này.
“Nếu nhân dân phát hiện những tiêu cực trong quá trình bị CSGT xử phạt mũ bảo hiểm thì phản ánh theo đường dây nóng của Cục CSGT đường bộ đường sắt (theo số máy điện thoại 06942608) hoặc gọi về đường dây nóng của Công an các tỉnh, thành phố nơi phát hiện vi phạm”, Thượng tá Luyện nói.
Video đang HOT
Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết, mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng phải có cấu tạo đủ ba bộ phận vỏ mũ, đệm hấp thu xung động bên trong vỏ mũ và quai đeo. Mũ bảo hiểm phải được chứng nhận hợp quy, phù hợp QCVN 2:2008/BKHCN, được gắn dấu hợp quy CR và có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Ông Tuấn cho biết, ngày 13/3/2013, đoàn kiểm tra liên ngành do Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Nội đã kiểm tra chất lượng sản phẩm mũ bảo hiểm tại Hợp tác xã Song Long, có trụ sở tại phường Bồ Đề, quận Gia Lâm (Hà Nội).
Sau khi phát hiện vi phạm, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đã thực hiện xử lý vi phạm theo quy định, tạm đình chỉ sản xuất và lưu thông đối với 4 mẫu mũ bảo hiểm không đạt và tạm đình chỉ lưu thông đối với các mẫu mũ bảo hiểm đạt chất lượng nhưng chưa chứng nhận và công bố hợp quy, sử dụng giấy chứng nhận hợp quy hết hiệu lực.
Đồng thời, lực lượng chức năng yêu cầu đơn vị này thu hồi sản phẩm mũ bảo hiểm không đạt chất lượng đã đưa ra thị trường… UBND quận Long Biên cũng đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với Hợp tác xã Song Long với số tiền là 42 triệu đồng
Theo Dantri
Phụ huynh tìm "chiêu" né CSGT vì không đội mũ bảo hiểm cho con
Ngày 10/4, lực lượng CSGT TPHCM đã thực hiện giai đoạn 2 việc xử phạt vi phạm không đội mũ bảo hiểm cho trẻ. Đa số các bậc cha mẹ đã ý thức hơn trong việc đội mũ bảo hiểm cho con, bên cạnh đó nhiều người tìm đủ "chiêu" né luật.
Một trường hợp vi phạm không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên 6 tuổi bị CSGT xử phạt chiều 10/4
Khoảng 16h chiều 10/4, tại giao lộ Nguyễn Ảnh Thủ - quốc lộ 22 (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), CSGT đội An Sương thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC 67) Công an TPHCM đã lập chốt kiểm tra mũ bảo hiểm đối với trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe gắn máy.
Đứng cách vị trí của tổ công tác khoảng 100m, chúng tôi quan sát thấy chiếc xe máy do một người đàn ông trung niên chở phía trước một bé trai (khoảng 7 tuổi) không đội mũ bảo hiểm và phía sau là bé gái (khoảng 13 tuổi). Vừa thấy bóng dáng của lực lượng CSGT, người đàn ông này vội vã tấp xe vào lề đường cho hai đưa bé xuống đi bộ. Bé gái dắt cậu em băng qua chỗ CSGT đang kiểm tra một đoạn rồi được người đàn ông đón lên xe đi tiếp.
Cách vị trí tổ CSGT chốt chặn vài mét, một bé gái đầu trần ngồi sau xe gắn máy
Rất nhiều trường hợp khi phát hiện CSGT, người lớn đã "bỏ rơi" các em xuống đường đi bộ qua khu vực có lực lượng chức năng để tránh bị phạt. Có người còn dùng điện thoại "truyền tin" cho những người đi sau biết để tìm đường khác hoặc nghĩ cách đối phó với CSGT đang làm nhiệm vụ.
Một số bậc cha mẹ khi chở con không mặc đồng phục học sinh, đã tìm cách nói dối tuổi con.
Đại úy Lâm Quang Quốc - Phó đội trưởng đội CSGT An Sương - cho biết, trong chiều 10/4, CSGT đội này chỉ lập biên bản xử phạt dưới 10 trường hợp, đa số trẻ em trên 6 tuổi đã được cha mẹ trang bị mũ bảo hiểm khi chở ra ngoài đường hoặc chở đến trường. Điều này chứng tỏ công tác tuyên truyền đã đạt được hiệu quả khá tốt.
"Trong quá trình xử lí lỗi vi phạm không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên 6 tuổi, lực lượng CSGT tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đến người vi phạm hiểu rõ vấn đề, tác dụng của việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn gặp phải một số khó khăn xuất phát từ việc không chịu hợp tác, tìm mọi lý do chống đối của người lớn" - Đại úy Quốc chia sẻ.
Nhiều người lớn chưa chú ý đến sự an toàn của các em nhỏ
Một vấn đề được dư luận khá quan tâm là vấn đề xác định độ tuổi của trẻ em khi ngồi trên xe máy. Theo một lãnh đạo Phòng PC67, thực tế việc xác định chính xác độ tuổi của các cháu nhỏ là rất khó, hiện CSGT chỉ làm đúng các quy định đã đặt ra chứ không được phép kiểm tra, đòi hỏi các loại giấy tờ khác như giấy khai sinh, hộ khẩu... Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ sẽ có những nghiệp vụ riêng để phân biệt độ tuổi của các em nhỏ. Nhưng mục tiêu chính vẫn là tuyên truyền cho người dân hiểu về trách nhiệm của người lớn và lợi ích của việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông.
Được biết, trong kế hoạch triển khai đợt 2, CSGT sẽ tiến hành ra quân đồng loạt kiểm tra, xử phạt ở khu vực có nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở. Trọng điểm trong chiến dịch lần này tại TPHCM là địa bàn quận 9, quận Gò Vấp và huyện Hóc Môn, đa số phụ huynh chở con em trên 6 tuổi đều trang bị mũ bảo hiểm đầy đủ, phần lớn chấp hành tốt.
Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em là trách nhiệm của người lớn
Trước đó, từ ngày 1/9/2012 đến 20/12/2012 , Công an TPHCM đã triển khai đợt 1 về việc xử phạt trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy tại địa bàn năm quận gồm quận 1, 9,12, Bình Thạnh và Bình Tân, kết quả xử lý 5.600 trường hợp vi phạm.
Theo Nghị định 34/2010/NĐ - CP đã quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ đủ 6 tuổi trở lên khi được người khác chở bằng xe gắn máy. Cụ thể, tại điều 9, khoản 3, mục k của nghị định này quy định, phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng với hành vi "chở người ngồi trên xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Dantri
Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em: Trách nhiệm của cha mẹ! Dù lực lượng cảnh sát giao thông đã bắt đầu xử phạt phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho trẻ từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe máy, song ghi nhận thực tế cho thấy việc chấp hành quy định này vẫn rất "hời hợt". Học sinh tiểu học được phụ huynh đội mũ bảo hiểm khi chở đến trường...