Hơn 50 triệu tài khoản Facebook bị hack, đây là lý do 90 triệu tài khoản khác bị “đăng xuất” hôm qua
Facebook cho hay họ đang điều tra vụ việc. “Chúng tôi không biết ai đứng đằng sau vụ việc này”, đại diện Facebook nói.
Facebook FB (NASDAQ) vừa cho biết một cuộc tấn công quy mô lớn vừa nhằm vào hệ thống máy tính của công ty này. Hacker đã có được hơn 50 triệu thông tin tài khoản người dùng.
50 triệu tài khoản bị hack, 90 triệu bị buộc log out
Theo New York Times, lỗ hổng được phát hiện vào hôm 25/9, khai thác lỗi liên quan đến tính năng “view as”, giúp người dùng có thể tự xem lại trang cá nhân của mình hiển thị như thế nào trong mắt bạn bè.
Từ lỗ hổng này, hacker có thể chiếm đoạt được tài khoản người dùng bằng cách sử dụng chuỗi mã token – mã dùng để đăng nhập Facebook mỗi khi người dùng nhập tài khoản và mật khẩu mà không cần bảo mật hai lớp hay cảnh báo đăng nhập.
Trước đây, mã token thường bị hacker đánh cắp bằng cách dụ dỗ người dùng cấp quyền cho các ứng dụng bên thứ ba. Tuy nhiên trong lần tấn công này, tin tặc lấy nó trực tiếp từ Facebook.
Chiều ngày 28/9 (giờ Việt Nam), nhiều người dùng bị “đá” khỏi Facebook một cách bất chợt mà không rõ nguyên nhân. Ảnh: NYTimes.
Hơn 90 triệu người dùng Facebook bị buộc đăng xuất khỏi tài khoản của mình vào sáng thứ 6 (28/9), nhằm tránh bị tấn công.
Trong số này, có 50 triệu tài khoản bị ảnh hưởng trực tiếp. Facebook đã reset 50 triệu token bị ảnh hưởng, cộng thêm 40 triệu token “dự phòng”, gồm những người dùng đã sử dụng tính năng “view as” trong vòng nửa năm qua.
Facebook nói gì?
Facebook cho biết cuộc điều tra chỉ mới diễn ra. Công ty này chưa thể xác định được nguồn gốc, danh tính những kẻ tấn công, cũng như mức độ bị ảnh hưởng một cách đầy đủ.
“Chúng tôi chưa xác định liệu các tài khoản này có bị sử dụng cho mục đích nào hay không. Chúng tôi cũng không biết ai là người đứng đằng sau những cuộc tấn công này”, Guy Rosen, Phó chủ tịch quản lý sản phẩm của Facebook cho biết.
Đây là vụ hack nghiêm trọng nhất từ trước đến nay trong lịch sử phát triển của Facebook.
Facebook cho biết hiện công ty đã thiết lập các chính sách chia sẻ dữ liệu chặt chẽ với bên thứ ba, đồng thời hạn chế thông tin mà hãng sẽ chia sẻ với các nhà phát triển trong tương lai. Công ty đã tạm đóng quyền truy cập hơn 400 ứng dụng bên thứ ba, sau khi phát hiện có hàng nghìn ứng dụng loại này được kết nối với Facebook.
Hiện tại Facebook đã tắt tính năng “View As” để tiếp tục kiểm tra lại về bảo mật. Quá trình điều tra vẫn đang tiếp tục, và các tài khoản có liên quan sẽ còn bị reset token trong vài ngày tới.
“Tôi muốn cập nhật cho các bạn về một vấn đề bảo mật quan trọng mà chúng tôi đã xác định. Chúng tôi đã khắc phục vấn đề này vào tối qua và đang áp dụng các biện pháp phòng ngừa cho những người có thể đã bị ảnh hưởng. Chúng tôi vẫn đang điều tra, nhưng tôi muốn chia sẻ những gì chúng tôi đã phát hiện”, Mark Zuckerberg viết trên Facebook cá nhân.
“Hôm thứ 3, chúng tôi phát hiện ra một kẻ tấn công, khai thác lỗ hổng kỹ thuật để ăn cắp mã thông báo truy cập cho phép họ đăng nhập vào khoảng 50 triệu tài khoản của mọi người trên Facebook.
Video đang HOT
Chúng tôi đã thực hiện một số bước để giải quyết vấn đề này. Chúng tôi vá lỗ hổng bảo mật để ngăn kẻ này hoặc bất kỳ kẻ nào khác có thể lấy cắp mã token đăng nhập. Chúng tôi đã vô hiệu hóa mã thông báo truy cập cho 50 triệu tài khoản bị ảnh hưởng”, Zuckerberg nói thêm.
Người dùng cần làm gì?
Facebook khuyên người dùng không cần đổi password. Tuy nhiên, với những người dùng không thể đăng nhập vào Facebook, nên truy cập mục Help Center để được hướng dẫn.
Nếu muốn cẩn thận hơn và tự đăng xuất khỏi tài khoản Facebook, bạn có thể vào mục “Security và Login” trong cài đặt. Tại đây, tất cả phiên và vị trí đăng nhập sẽ được liệt kê. Người dùng có thể thoát tài khoản Facebook tại mọi thiết bị đang đăng nhập.
Niềm tin lung lay
Cuộc tấn công diễn ra trong giai đoạn được xem như khó khăn nhất trong lịch sử mạng xã hội lớn nhất thế giới. Facebook buộc phải làm rõ vai trò của mình trước cáo buộc bị Nga lợi dụng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Ngoài ra, những chỉ trích về vụ bê bối bán dữ liệu cho Cambridge Analytica vẫn chưa lắng xuống. Nhiều luồng ý kiến tại Washington cho rằng phải có những quy định cứng rắn hơn khi mạng xã hội này đang nắm trong tay quá nhiều quyền lực.
Theo New York Times, thách thức lớn nhất đặt ra với Facebook lúc này là làm sao chứng tỏ với người dùng hãng có đủ khả năng, trách nhiệm để xử lý an toàn lượng dữ liệu khổng lồ thu thập mỗi ngày. Hơn 2 tỷ người sử dụng Facebook và 2 tỷ người dùng WhatsApp mỗi tháng, ứng dụng thuộc sở hữu của Facebook.
“Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu người dùng. Nếu không làm được, chúng tôi không xứng đáng phục vụ các bạn”, CEO Mark Zuckerberg từng chia sẻ trong vụ bê bối liên quan đến Cambridge Analytica hồi đầu năm nay.
Theo searchtotal
Người Việt cuồng đồ Apple, nhưng Apple chẳng quan tâm gì đến Việt Nam
Mặc dù các sản phẩm Apple được người dùng Việt Nam ưa chuộng, tuy nhiên Apple có vẻ như chẳng quan tâm gì đến chúng ta.
Người Việt Nam thật sự cuồng đồ Apple. Đi đâu trên đất nước, dù ở thành thị hay thôn quê, hàng trà đá ven đường hay quán cafe hạng sang, người ta cũng có thể thấy bóng dáng của các sản phẩm của hãng này, đặc biệt là iPhone. Mỗi khi có một sản phẩm mới của Apple được ra mắt, cộng đồng người dùng tại Việt Nam lại được một phen sôi sục. Nhiều người sẵn sàng trả một cái giá cao cho các sản phẩm của hãng này khi chúng mới về Việt Nam.
Người Việt xếp hàng mua iPhone tại Singapore
Người Việt Nam cuồng đồ Apple là vậy, nhưng về phía Apple thì hãng này chẳng có vẻ gì là quan tâm đến chúng ta. Tại sao lại nói vậy? Cùng chúng tôi đến với một số lý do sau đây để hiểu tại sao:
Các sản phẩm Apple chính hãng luôn về Việt Nam muộn hơn các quốc gia khác
Dễ thấy lý do mà thương lái Việt hàng năm luôn phải chầu chực ở Singapore để xách iPhone về buôn chính là vì Apple luôn bán sản phẩm mới ở Việt Nam muộn hơn so với các quốc gia khác. Ví dụ trong trường hợp của iPhone XS dự kiến phải đầu tháng 11 mới bán chính hãng, chậm hơn 1.5 tháng.
Người Việt sang Singapore xếp hàng mua iPhone cũng chỉ vì Apple phân phối tại VN quá muộn
Khi mà cái sự "cuồng" của người Việt với sản phẩm Apple là quá lớn, khoảng thời gian chờ đợi 1.5 tháng đó dường như là quá lâu, đặc biệt là khi so sánh với đối thủ Samsung. Sản phẩm Apple có giá cao và dành cho những người có điều kiện về kinh tế, và đối với những người như vậy thì cái họ mong muốn nhất là được sở hữu chúng càng sớm càng tốt.
Các sản phẩm cao cấp gần đây của Samsung như Galaxy S9 hay Galaxy Note9 đều được bán ra tại Việt Nam cùng ngày với thế giới. Nếu Samsung làm được, thì tại sao Apple lại không thể làm được cơ chứ?
Giá cao, không phù hợp với mức thu nhập người Việt
Không những phải chờ đợi lâu, chính sách giá của các sản phẩm Apple cũng không thật sự hợp lý với tình hình kinh tế của nước ta. Cùng lấy ví dụ là giá của iPhone X 64GB: tại Singapore, chiếc máy này có giá 1649 SGD (tương đương 28.2 triệu đồng), còn tại Hong Kong là 8588 HKD (tương đương 25.6 triệu đồng). Trong khi đó tại Việt Nam, mặc dù có mức sống thấp hơn, nhưng giá chính hãng lại lên đến 29.9 triệu đồng.
iPhone X được bán tại VN với giá 29.9 triệu, đắt hơn cả một số nước có thu nhập cao hơn
Đương nhiên, người dùng có thể lựa chọn mua hàng xách tay với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, nếu so sánh như vậy thì thật sự không công bằng cho người Việt Nam. Tại sao người dùng ở các nước khác có thể mua được máy trực tiếp từ Apple với giá tốt, còn người dùng Việt lại phải chọn hàng xách tay với rủi ro cao hơn? Đây là câu hỏi cần được nhấn mạnh, đặc biệt khi mà các đối thủ khác của Apple hoàn toàn có thể đưa máy về Việt Nam với mức giá rất phải chăng.
Không hề có các chiến dịch quảng cáo
Tại Việt Nam, trong khi các thương hiệu như Samsung, Oppo, Huawei và rất nhiều hãng khác luôn phải tập trung quảng cáo để có thể mong sản phẩm của mình được biết đến thật nhiều và bán chạy, thì Apple lại khác: hãng không có bất cứ một chiến dịch quảng cáo nào ở Việt Nam, cho dù là internet, truyền hình, báo in, băng rôn... hay bất kỳ phương tiện nào đi nữa.
Lần cuối cùng một quảng cáo iPhone được phát trên truyền hình là cách đây đã 6 năm, dành cho chiếc iPhone 5. Tuy nhiên thực tế thì đây của quảng cáo do nhà mạng Vinaphone "đặt hàng" chứ không hẳn là của Apple.
Quảng cáo iPhone 5 trên sóng VTV - lần hiếm hoi mà người Việt Nam thấy quảng cáo Apple
Có thể các sản phẩm Apple không cần quảng cáo cũng bán chạy tại Việt Nam, tuy nhiên quảng cáo cũng là cách để cho thấy sự đầu tư và định hướng kinh doanh của một công ty vào thị trường. Qua việc không quảng cáo bất kỳ sản phẩm nào tại nước ta, Apple cho thấy hãng này không quan tâm đến thị trường Việt Nam tính chất như thế nào, người dùng Việt Nam cần gì và chiến lược sẽ ra sao.
Sản phẩm Apple khi sử dụng tại Việt Nam bị thiếu nhiều tính năng so với các quốc gia khác
Hàng năm, qua mỗi thế hệ sản phẩm và bản cập nhật phần mềm, Apple luôn mang đến cho chúng những tính năng mới. Tuy nhiên, không phải tính năng nào mà Apple công bố cũng có thể sử dụng được ở Việt Nam.
Đối với iPhone và iOS, danh sách này có thể kể đến Siri, Apple Pay, ứng dụng Tin tức, bàn phím gợi ý thông minh, các dịch vụ liên quan đến bản đồ, gợi ý Spotlight... Một số tính năng có thể không thật sự hữu ích, nhưng một vài trong số đó (ví dụ như bàn phím, bản đồ) là rất cần thiết và hoàn toàn không quá khó để cho một công ty nghìn tỷ đô có thể làm được. Hay như trong trường hợp của Apple Pay, tại sao Samsung có thể đưa Samsung Pay về Việt Nam mà Apple không làm được?
Samsung nỗ lực đưa Samsung Pay về Việt Nam, còn Apple thì ngay cả những tính năng cơ bản như bàn phím hỗ trợ tiên đoán tiếng Việt cũng không được hỗ trợ
Một ví dụ khác gần đây hơn: một trong những tính năng nổi bật nhất của iPhone XS Max chính là khả năng hỗ trợ 2 SIM vật lý. Tuy nhiên, Apple lại chỉ bán phiên bản này tại Trung Quốc, Hong Kong và Macau, và đến thời điểm này thì vẫn chưa biết rằng liệu hãng có mở rộng nó sang thị trường Việt Nam hay không - mặc dù nhu cầu sử dụng 2 SIM của người dùng Việt là rất lớn.
Bảo hành được thực hiện bởi bên thứ ba với chính sách nhập nhằng
Bên cạnh hoạt động bán hàng, tại Việt Nam, hoạt động bảo hành các sản phẩm Apple cũng được thực hiện bởi bên thứ ba được Apple ủy quyền, gọi là Apple Authorised Service Provider (AASP). Tại Việt Nam có một vài AASP được điều hành bởi nhiều đơn vị khác nhau, tuy nhiên chỉ tập trung tại các thành phố lớn chứ không có ở các tỉnh lẻ.
Mặc dù theo nguyên tắc tất cả AASP đều phải tuân thủ quy định của Apple, tuy nhiên có vẻ như mỗi một đơn vị lại có một cách xử lý riêng của mình. Đã có nhiều trường hợp người dùng đi bảo hành sản phẩm Apple bị một AASP nào đó từ chối, nhưng khi sang một AASP khác lại được nhận. Tình huống này thường xảy ra với mặt hàng iPhone xách tay, khi mà chính sách của các đơn vị thường nhập nhằng: lúc nhận, lúc không, khi nhận hay không nhận cũng không có thông báo chính thức và người dùng buộc phải thử "vận may" của mình ở từng đơn vị.
FPT Services - một trong số các AASP được ủy quyền tại Việt Nam
Thời gian bảo hành của Apple tại Việt Nam cũng tương đối lâu. Trong khi tại các quốc gia khác, nếu phát hiện máy gặp lỗi thì người dùng thường được giải quyết nhanh chóng và đổi máy ngay, thì người dùng Việt lại phải đợi để AASP chuyển máy lỗi cho Apple thẩm định (thường là tại Singapore), sau đó Apple mới tiến hành gửi trả lại máy về Việt Nam. Quá trình này thường mất từ 7-10 ngày, và đối với người dùng thì khoảng thời gian này là không hề ngắn.
Website không có tiếng Việt, cập nhật sản phẩm chậm
Mặc dù iPhone XS và XS Max đã ra mắt được một thời gian, tuy nhiên khi truy cập trang chủ của Apple tại Việt Nam thì vẫn "chình ình" hình ảnh của chiếc iPhone X và những sản phẩm cũ (iPhone 8, Apple Watch Series 3...).
Tính đến ngày 24/9, tức là gần 2 tuần kể từ thời điểm ra mắt iPhone XS, Apple vẫn chưa cập nhật website của mình tại thị trường VN (https://www.apple.com/vn/). Website này cũng không hề có giao diện tiếng Việt mà đều là tiếng Anh
Quan trọng hơn, website của Apple tại Việt Nam thậm chí không có cả tiếng Việt. Một lần nữa, có thể nói rằng việc Apple không Việt hóa website của mình chẳng ảnh hưởng mấy đến hoạt động kinh doanh của hãng. Tuy nhiên, nó là việc tối thiểu mà mọi công ty phải làm để cho thấy sự quan tâm của mình đến một quốc gia nào đó. Và rất tiếc, Apple lại không làm vậy.
Không mong có Apple Store, chỉ mong được Apple quan tâm nhiều hơn
Nhiều người mong Việt Nam sẽ có Apple Store. Nhưng hãy nhìn vào thực tế: nếu người Việt cuồng đồ Apple như thế mà Apple vẫn còn bàng quan Việt Nam đến vậy, thì chuyện chúng ta có một Apple Store sẽ là câu chuyện rất xa vời.
Sẽ thật tuyệt nếu Việt Nam có một Apple Store như thế này, tuy nhiên tôi biết rằng dựa trên tình hình hiện nay, đó vẫn chỉ là điều xa vời
Nhiều người thường chỉ trích những con buôn Việt Nam hàng năm sang Singapore xếp hàng để xách iPhone về nước. Cá nhân tôi cho rằng vấn đề không nằm ở đó: nếu như những con buôn có thời gian, và việc xếp hàng mua iPhone đem lại lợi ích cho họ, thì chúng ta hãy để họ làm những gì mình muốn. Thứ đáng nói ở đây chính là hình ảnh không đẹp của người Việt Nam tại đất nước bạn: vạ vật ăn ngủ chờ ngày bán, cãi lộn về vị trí xếp hàng, mua xong người thì hớt hải ra sân bay về nước, người thì công khai rao bán như cái chợ ngay trước cửa Apple Store.
Nếu như Việt Nam được Apple quan tâm hơn, cảnh người Việt tụm năm tụm ba bán iPhone ngay trước cửa Apple Store nước bạn thế này sẽ không còn nữa
Đừng đổ lỗi cho những người xếp hàng ấy, họ không làm gì sai cả. Có chăng cũng chí vì người Việt Nam quá cuồng đồ Apple, và có cầu thì ắt sẽ phải có cung. Thay vào đó, hãy trách Apple. Nếu Apple quan tâm đến Việt Nam hơn, nếu Apple sẵn sàng bán iPhone tại Việt Nam sớm hơn với giá hợp lý, tôi tin rằng sẽ chẳng còn mấy ai tốn công, tốn của sang Singapore để xách iPhone về nữa.
Theo searchtotal
Nhiều người phàn nàn vì Facebook, Whatsapp, Instagram tạm dừng hoạt động Bên cạnh Whatsapp, Instagram, một số người dùng đã hốt hoảng và lên Twitter phàn nàn vì không truy cập được Facebook. Rạng sáng ngày 4/9, Facebook Inc cho biết vấn đề kỹ thuật ngăn cản khoảng 38% người dùng truy cập News Feed hay đăng nhập mạng xã hội này; 42% người dùng Instagram cũng gặp tình trạng tương tự. Thậm chí,...