Hơn 400 cột điện đổ la liệt sau bão số 5: Tạm dừng sử dụng cột dự ứng lực
Ngày 21/9, theo nguồn tin của PV Tiền Phong, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa chỉ đạo đơn vị trực thuộc tạm dừng sử dụng cột điện ly tâm dự ứng lực tại những vùng có bão như TT-Huế để nghiên cứu, đánh giá lại; sau khi có hơn 400 cột điện tại tỉnh này đồng loạt gãy đổ do bão số 5 – cơn bão có sức gió dưới cấp 10.
Cột điện bê tông ly tâm dự ứng lực “bảo đảm tiêu chuẩn” bị đứt lìa do bão số 5 (bão cấp 8) tại TT-Huế.
Theo thống kê bước đầu của Công ty Điện lực TT-Huế, bão số 5 đi qua địa bàn đã làm 408 cột điện các loại bị gãy đổ, ảnh hưởng hơn 280.000 khách hàng và 2.050 trạm biến áp… Sau nhiều ngày tập trung toàn lực khắc phục, đến trưa 21/9, toàn tỉnh TT-Huế đã cấp điện trở lại cho hơn 85% khách hàng; riêng TP Huế, tỷ lệ cấp điện trở lại đạt gần 100%.
Cột điện bị đứt gãy 3 đoạn do bão số 5 (bão cấp 8) mà không bị tác động bởi cây xanh tại TT-Huế.
Trong cơn bão số 5, điều khiến dư luận, người dân quan tâm, là rất nhiều cột điện bị gãy, đổ theo dạng bị đứt lìa, một kiểu hư hỏng do thiên tai hiếm thấy xưa nay. Cột khi bị đứt lộ ra thép nhỏ, bị cắt đứt ngọt; chứ không bị oằn, uốn cong lộ lõi thép cỡ phi 16 – 18 như cột điện truyền thống trước đây. Số cột điện bị hư hỏng cũng được cho là nhiều chưa từng thấy sau một trận thiên tai tại TT-Huế, trong vòng 10 năm lại đây.
Người dân nghi ngờ cột điện gãy do không bảo đảm chất lượng?
Theo Công ty Điện lực TT-Huế, trong thiết kế, cột điện đưa vào sử dụng chịu được sức gió của một cơn bão cấp 12. Loại cột ly tâm dự ứng lực được đơn vị này sử dụng là sản phẩm chịu lực tốt, đã qua kiểm nghiệm, được đóng dấu đạt Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN). Trước khi xuất xưởng, sản phẩm đã qua thí nghiệm về lực ứng xuất, thí nghiệm chịu đựng, thí nghiệm phá hủy. Loại cột này được thiết kế có khả năng chịu đựng gấp đôi lực dự kiến tác động thực tế.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, trên thực tế, cơn bão số 5 tràn qua địa bàn TT-Huế sáng 18/9 chỉ có sức gió từ cấp 6 đến cấp 8, giật tối đa cấp 11. Với sức gió như vậy, nhưng toàn tỉnh TT-Huế lại có đến 408 cột điện bị gãy đổ, có rất nhiều cột bị đứt lìa thân.
Video đang HOT
Đây là điều khiến dư luận, người dân băn khoăn về sức chống chịu của cột đúc ly tâm dự ứng lực. Không ít ý kiến đề xuất, với vùng thiên tai như Huế, cần sử dụng loại cột điện “đặc biệt” có khả năng chịu tác động của bão lớn, chứ không thể đánh đồng một loại theo TCVN giữa các tỉnh, thành.
Công ty Điện lực TT-Huế giải thích, đây là cột đúc bê tông ly tâm dự ứng lực bảo đảm tiêu chuẩn TCVN 5487:2016, được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thẩm định và Bộ KHCN công bố.
Lý giải về cột điện ly tâm dự ứng lực bị hư hỏng rất nhiều, ông Hà Thanh Long, Giám đốc Cty Điện lực TT-Huế, cho biết: Sở dĩ có tình trạng như vậy là do không lường trước khả năng chống chịu cây xanh đổ ngã vào hệ thống cột điện. Cây xanh đổ ngã vào đường điện hàng loạt là nguyên nhân khiến hệ thống cột bị hư hỏng rất nhiều.
Mặc dù vậy, qua tìm hiểu của PV, có những nơi giữa đồng không mông quạnh, không chịu tác động của cây xanh, cột ly tâm dự ứng lực “đạt tiêu chuẩn” cũng bị gió bão “chém” đứt lìa. Ông Hà Thanh Long tiếp tục giải thích: Cột ly tâm dự ứng lực giữa đồng bị gãy là do hiệu ứng domino, một khi trong dãy đường điện có những cột bị nghiêng, cột chịu lực lớn nhất sẽ bị gãy, đổ.
Tham khảo ý kiến của chuyên gia, cột điện ly tâm dự ứng lực được cho là chịu đựng lực tốt, nhưng có đặc tính giòn; trong khi, cột đúc truyền thống có đặc tính dẻo. Khi bị tác động ngoại lực mạnh, cột ly tâm dự ứng lực sẽ đứt gãy lìa, còn cột điện truyền thống là “cột dẻo” nên cong oằn, nếu bị gãy thì khó đứt lìa, “ruột” được thiết kế bằng sắt thép có cỡ phi lớn hơn so với cột dự ứng lực.
Người dân ngạc nhiên trước cột điện bị gió bão “chém” đứt lìa, bên trong không có lõi thép lớn.
Hiện nay, các tỉnh, thành tại Việt Nam sử dụng đồng loạt cột điện ly tâm dự ứng lực, do đây là sản phẩm bảo đảm Tiêu chuẩn Việt Nam được cơ quan chức năng thẩm định và công bố, với giá thành rẻ hơn từ 5-10% so với cột truyền thống; khi đưa vào sử dụng sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí cho ngân sách đầu tư.
Lãnh đạo EVN đã có yêu cầu tạm dừng sử dụng cột ly tâm dự ứng lực để đánh giá lại.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trước diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp như hiện nay, đặc tính vùng miền liên quan yếu tố khí hậu, thời tiết, gió bão cũng hết sức khác nhau, đặc biệt là khu vực miền Trung; cho nên, đây là điều nên được cân nhắc, xem xét lại trong sử dụng loại cột điện phù hợp.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa yêu cầu các đơn vị trực thuộc đánh giá lại việc sử dụng cột điện ly tâm dự ứng lực; trước mắt dừng sử dụng các loại cột này và tính toán lắp đặt các loại cột đảm bảo khả năng chống chịu bão.
Lãnh đạo EVN cũng đã đề nghị các ban thuộc tập đoàn nghiên cứu về việc sử dụng cột điện phù hợp ở khu vực thường xuyên có bão, từ đó, đề xuất tiêu chuẩn để các đơn vị triển khai thực hiện.
BĐBP các tỉnh ra quân giúp dân khắc phục hậu quả bão số 5
Những ngày qua, công tác khắc phục hậu quả sau bão số 5 tiếp tục được các đơn vị BĐBP đẩy mạnh nhằm giúp người dân trên địa bàn sớm quay trở lại cuộc sống bình thường.
Đoàn viên, thanh niên BĐBP Thừa Thiên Huế tham gia thu dọn cây cối bị đổ gãy sau bão số 5. Ảnh: Ngọc Bình
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, cây xanh đổ ngổn ngang khắp các tuyến đường, nhiều nhất là tại các công viên. Khu vực đầu cầu Vĩ Dạ, có những cây cổ thụ bị bão quật ngã.
Công tác khắc phục khó khăn nhất tại địa phương này là hệ thống cột điện đổ ngổn ngang.
Sau bão, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chủ động tổ chức huy động lực lượng, phương tiện, phối hợp cùng các đơn khôi phục lưới điện tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tới 9 giờ ngày 19-9, khoảng 65% số khách hàng tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã được khôi phục cấp điện. Tại hiện trường, theo quan sát của phóng viên, tuyến đường điện dẫn xuống khu vực vùng biển bị thiệt hại nặng nhất, có nhiều đoạn đường dây điện sà sát đầu, nhiều trụ điện bị đổ gãy.
Trong ngày 20-9, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tổ chức, triển khai thực hiện đề án ngày "Chủ nhật xanh", Đoàn Thanh niên BĐBP Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân thực hiện, góp phần khắc phục hậu quả thiệt hại do bão số 5 gây ra.
Đoàn Thanh niên, Cơ quan Bộ Chỉ huy, Đoàn Thanh niên Tiểu đoàn Huấn luyện BĐBP Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Công ty công viên cây xanh dọn dẹp vệ sinh, thu gọn cây gãy đổ từ khu vực Bảo tàng Hồ Chí Minh đến chân cầu Phú Xuân (đường Lê Lợi, thành phố Huế), tập kết rác thải về một điểm để vận chuyển về khu bãi rác.
Đoàn viên, thanh niên Đồn Biên phòng Non Nước thu gom rác trên bãi biển sau bão số 5. Ảnh: Võ Minh Phúc
Tại Đà Nẵng, ngày 19-9, gần 100 đoàn viên, thanh niên BĐBP Đà Nẵng tham gia hoạt động hưởng ứng Chiến dịch "Hãy làm sạch biển" tại khu vực các bãi biển thuộc quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.
Đoàn thanh niên các Đồn Biên phòng Hải Vân và Đồn Biên phòng Non Nước tổ chức ra quân dọn dẹp, làm sạch bãi biển Liên Chiểu, Non Nước. Mặc dù bão số 5 không gây thiệt hại nhiều về tài sản nhưng tình trạng rác thải sinh hoạt theo nước mưa trôi ra, xâm lấn cảnh quan môi trường, đặc biệt là khu vực bãi biển. Các đoàn viên, thanh niên đã tiến hành thu gom rác thải và di chuyển đến nơi quy định.
Tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, các đồn Biên phòng tiếp tục giúp bà con ngư dân khắc phục hậu quả thiệt hại sau bão. Trước đó, lúc 2 giờ sáng 18-9, tàu cá QNg 90457 TS đã bị chìm tại bến.
Đại ủy Đỗ Bảo Châu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Dung Quất cho biết, hiện, đơn vị tiếp tục cử cán bộ thăm hỏi, động viên, sau khi đã hỗ trợ việc bơm nước, trục nổi tàu, di chuyển các ngư lưới cụ sang phương tiện lân cận để hỗ trợ chủ tàu đưa tàu lên ụ sửa chữa, không để nước mặn ngấm vào máy móc, thiết bị...
Quảng Nam khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5 Ngay sau khi bão số 5 đi qua, toàn bộ hệ thống chính trị cùng các cấp chính quyền và các sở, ban ngành, hội đoàn thể cùng nhân dân tại các địa phương tỉnh Quảng Nam đã khẩn trương khắc phục các thiệt hại do bão gây ra, sớm ổn định lại đời sống và sản xuất. Bãi tắm Cửa Đại ở...