Hơn 300 triệu người dùng smartphone tại ĐNÁ: “Chìa khóa” cho thanh toán số
Hằng năm có khoảng 1.000 tỉ đô la Mỹ chi tiêu cho mục đích cá nhân trên khắp Đông Nam Á vẫn được thực hiện bằng tiền mặt hoặc séc.
Theo ước tính của Visa, hằng năm có khoảng 1.000 tỉ đô la Mỹ chi tiêu cho mục đích cá nhân trên khắp Đông Nam Á vẫn được thực hiện bằng tiền mặt hoặc séc. Tuy nhiên, đây là khu vực hiện có lượng dân số trẻ cùng thu nhập ngày càng tăng, mức độ sử dụng Internet tương đối cao với hơn 300 triệu người dùng điện thoại thông minh, và điều này mang đến cơ hội chuyển đổi nhanh chóng các nền kinh tế trong khu vực sang ứng dụng thanh toán số.
Các công ty fintech đang thúc đẩy việc ứng dụng thanh toán số và mở ra cơ hội lớn để thay thế thanh toán bằng tiền mặt tại khu vực Đông Nam Á.
Tại Vietnam Fintech Forum 2019, bà Adeline Kim – Giám đốc Sản phẩm & Giải pháp, Visa Đông Nam Á cho biết: “Ở khắp mọi nơi, có thể thấy rằng công nghệ đang dần thay đổi từng yếu tố nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, giúp chúng ta di chuyển hiệu quả hơn, hàng hoá được giao đến tận nhà, cũng như có thể kết nối và trò chuyện với những người thân ở phía nửa còn lại của thế giới. Với sự phát triển của ngành fintech, chúng tôi nhận thấy rằng nhiều doanh nghiệp mới nổi đang nghiên cứu những sáng kiến để xây dựng một thế giới thương mại dễ tiếp cận hơn với mọi người ở mọi nơi”.
Vào tháng 7 năm nay, trong khuôn khổ của vòng gọi vốn Series F cuối cùng, Visa đã đầu tư vào GoJek, nền tảng thanh toán và cung cấp dịch vụ theo yêu cầu trên di động hàng tại Đông Nam Á. Khoản tài trợ từ Visa sẽ hỗ trợ các dịch vụ thanh toán của GoJek tăng trưởng ở khu vực Đông Nam Á. GoJek và Visa sẽ hợp tác phát triển các giải pháp thanh toán cho những người dùng chuộng phương thức kỹ thuật số, cũng như người dùng Đông Nam Á chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.
Năm ngoái, Visa đã khởi động “Visa Everywhere Initiative” (tạm dịch: Sáng kiến khắp nơi của Visa) tại Việt Nam – một cuộc thi sáng tạo toàn cầu nhằm thử thách các doanh nghiệp triển vọng giải quyết các vấn đề của lĩnh vực thanh toán và thương mại. Visa đã trao thưởng tổng cộng 700 triệu đồng cho các công ty start-up được chọn trong chương trình để giúp họ đạt được mục tiêu của mình trong ngành fintech.
Bà Đặng Tuyết Dung – Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết: “Hỗ trợ người dân Việt Nam chuyển sang sử dụng phương thức thanh toán số chính là mục tiêu chung của chúng tôi, chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh mối quan hệ lâu dài với các tổ chức tài chính, chúng tôi cam kết hợp tác với cộng đồng fintech qua những hoạt động như cuộc thi Visa Everywhere Initiative nhằm hiện thực hóa cả hai mục tiêu của chúng tôi về tài chính toàn diện và chuyển đổi số, cũng như các mục tiêu kinh tế trong kế hoạch triển khai thanh toán không tiền mặt của chính phủ Việt Nam”.
Theo Danviet.vn
Video đang HOT
Gió đổi chiều: Uber muốn trở thành "Gojek của phương Tây"
Năm 2015, Gojek ra mắt ứng dụng xe ôm công nghệ đầu tiên với hy vọng trở thành Uber của Indonesia. Ngày nay, cuộc chơi đã đảo chiều: Uber muốn trở thành Gojek của phương Tây.
Uber từ lâu không còn xem mình chỉ là ứng dụng gọi xe. Bốn năm trước, tập đoàn này giới thiệu dịch vụ đặt món ăn Uber Eats trên khắp đất Mỹ. Năm 2018, hãng mua lại startup cho thuê xe đạp Jump và cung cấp dịch vụ tại châu Âu.
Dù vậy, Uber vừa báo lỗ 5,2 tỷ USD trong quý III/2019 trong mảng kinh doanh chủ đạo đang bị đe dọa từ những quy định pháp lý nặng nề. CEO Dara Khosrowshahi tuyên bố hồi tháng 9 rằng muốn "Uber trở thành nền tảng cho cuộc sống hàng ngày".
Tháng 10, Uber thâu tóm startup giao nhận hàng hóa quốc tế Cornershop, dấn thân vào lĩnh vực giao nhận hàng tạp hóa. Tại Mexico, công ty cung cấp thẻ ngân hàng. Tại San Diego, thử nghiệm giao thức ăn bằng drone. Tại Chicago, Uber kết nối người lao động với việc làm theo ca và thời vụ. Tại New York, Uber triển khai "trực thăng công nghệ" đến sân bay JFK với giá 200 USD. Dịch vụ vuốt ve vật nuôi cũng xuất hiện ở hàng chục thành phố thông qua Uber Kittens, cho phép người dùng đặt lịch "chơi 15 phút với những chú mèo con đáng yêu chỉ bằng một nút bấm".
Tiền đang chảy ra khỏi Uber (lỗ thuần, đơn vị tính: tỷ USD). Nguồn: Bloomberg
Ý tưởng chung là Uber sẽ cung cấp mọi dịch vụ, từ đi lại, giao nhận, ăn uống, ngân hàng... trong một ứng dụng duy nhất. Nói cách khác, Uber muốn trở thành một "siêu ứng dụng" theo mô hình của Gojek, nơi các tính năng liên quan đến giao nhận thực phẩm và thanh toán đã vượt xa về doanh thu so với lĩnh vực vận tải. Jason Davis, giáo sư khởi nghiệp tại trường kinh doanh Insead (Singapore), gọi tham vọng của Uber là "chiến lược đa dạng hóa sản phẩm tốc hành".
"Nền tảng cho cuộc sống hàng ngày"
Các đối thủ của Uber tại Châu Á đã vẽ sẵn một lộ trình để Uber đi theo. Gojek - được Visa, Google và Tencent hỗ trợ - hiện cung cấp 20 dịch vụ cho 25 triệu người dùng, bao gồm cả truyền phát video và thanh toán kỹ thuật số. Grab, với hỗ trợ từ SoftBank, cũng mở rộng sang lĩnh vực cho vay kinh doanh và bảo hiểm.
Các dịch vụ Gojek đang cung cấp. Nguồn: Gojek
Connie Chan - đối tác của tập đoàn đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz - cho rằng các ứng dụng gọi xe phổ biến đang có vị thế tốt để trở thành siêu ứng dụng bởi họ đã có đủ hai thành phần chính: lượng người dùng thường xuyên lớn và cơ chế thanh toán. Thách thức đối với Uber - công ty sở hữu 100 triệu người dùng tại 60 quốc gia - là làm sao để học hỏi từ các công ty châu Á có xu hướng đi trước 3-5 năm về sáng tạo, đổi mới trên nền tảng di động.
Thế nào là một siêu ứng dụng?
Trước đây, dịch vụ giao hàng thực phẩm, xe máy và xe đạp của Uber vẫn được cung cấp trên các nền tảng khác nhau nhưng mới được nhúng vào cùng một ứng dụng. "Chiến lược một ứng dụng" này là tín hiệu thay đổi lớn, theo chân các ứng dụng như WeChat và Alipay.
Ngân hàng cũng là lĩnh vực có khả năng sinh lời cao đối với Uber. Dù gặp khó khăn trong việc chứng minh rằng dịch vụ gọi xe có thể mang lại lợi nhuận, dữ liệu mà doanh nghiệp tạo ra mang lại lợi thế lớn cho việc kiếm tiền thông qua các dịch vụ cho vay.
Nếu như các ngân hàng dựa vào điểm tín dụng hàng tháng, Uber lại nắm thông tin tài chính gần như theo thời gian thực về các tài xế của mình, bao gồm số tiền họ kiếm được, tần suất làm việc và tốc độ lái xe. Về sau, Uber cũng có thể có thêm các thông tin về thói quen chi tiêu như chi phí xăng dầu, tiền thuê nhà hoặc thanh toán thế chấp.
Các dịch vụ Uber đang cung cấp. Nguồn: Uber
Trong bài phát biểu gần đây, ông Peter Hazlehurst, người đứng đầu các dịch vụ thanh toán của Uber, "bóng gió" về tham vọng trong tương lai của công ty: "Nếu xem nhu cầu ổn định tài chính, sức khỏe và sự độc lập của người dân là tài sản cốt lõi mà chúng ta muốn hỗ trợ họ, những gì chúng tôi làm được với các dịch vụ thanh toán chính là mở khóa một số ý tưởng tiềm năng đó."
Uber đã hợp tác với BBVA ở Mexico để cho phép các tài xế và thành viên gia đình của họ được sử dụng thẻ ghi nợ và một nền tảng tài chính, với các sản phẩm như cho vay, giảm giá đối với một số mặt hàng và hoàn trả tiền mua xăng dầu. Ý tưởng của Uber là tiết kiệm thời gian và giảm căng thẳng cho các tài xế Uber, làm cho hoạt động kinh doanh và ngân hàng hàng ngày của họ trở nên dễ dàng hơn bằng cách tổng hợp toàn bộ các hoạt động tài chính trong một ứng dụng.
Theo nhiều nguồn tin, Uber đang đàm phán với BBVA để mở rộng các dịch vụ này sang Colombia và Argentina. Những thị trường mới nổi này có thể là cơ hội lớn nhất. Chẳng hạn, ở Mexico, 42 triệu người, tức là hơn một nửa dân số trưởng thành, không có tài khoản ngân hàng.
Tuy nhiên, thị trường các nước phát triển cũng là một cơ hội. Tại Mỹ, chương trình tài xế trung thành và thưởng tài xế Uber Pro đã tồn tại ở hơn 20 thành phố. Chương trình này sử dụng các ưu đãi như hoàn trả học phí và giảm giá khi bảo dưỡng xe cho các tài xế Uber để khuyến khích tài xế tích luỹ quãng đường chạy và duy trì hạng sao đánh giá của khách hàng.
Về phía người tiêu dùng, sự chuyển dịch của Uber sang giao nhận thực phẩm và hàng tạp hóa cho thấy công ty đang tự định vị mình tương tự như các ứng dụng như Gojek của Indonesia và Meituan của Trung Quốc. Uber cũng khuyến khích người dùng lưu trữ tiền mặt trên Uber Cash, biến ứng dụng này thành một ví điện tử, có thể được sử dụng cho các khoản thanh toán với bên thứ ba.
Cuộc đua siêu ứng dụng
Một rủi ro lớn cho Uber là Facebook đang có những động thái tương tự. Năm nay, Mark Zuckerberg đã đưa ra một tầm nhìn để phát triển "các ngành nghề kinh doanh, thanh toán, thương mại và cuối cùng là một nền tảng cho nhiều loại dịch vụ tư nhân khác" trong Facebook Messenger, WhatsApp và Instagram.
Với 2,6 tỷ người dùng trên cả ba nền tảng, Facebook có tiềm năng trở thành siêu ứng dụng đầu tiên của phương Tây. Song, Facebook hiện thiếu thành phần chính của thanh toán nhúng, trong khi đó Uber có thông tin về thẻ tín dụng và xử lý nhiều giao dịch hơn hẳn so với gã khổng lồ mạng xã hội. Doanh thu trung bình trên đầu mỗi người dùng trong quý III/2019 của Uber là 31,6 USD, so với chỉ 6,4 USD tại Facebook. Khoảng 90% doanh thu của Facebook là từ quảng cáo.
Charles Golvin, chuyên gia công ty phân tích thị trường Gartner chỉ ra khi Uber tìm cách đa dạng hóa dịch vụ và tăng doanh thu, những người dùng chỉ có nhu cầu đi xe sẽ thấy ứng dụng này quá lộn xộn. Một số bê bối về bảo mật dữ liệu trước đây có thể khiến khách hàng e ngại khi cho Uber sử dụng thông tin thanh toán của họ để giao dịch với bên thứ ba.
Theo GenK
Ứng dụng này có gì mà đe dọa cả Grab ở nơi tắc đường tệ nhất thế giới Hiện Angkas đã có 3 triệu lượt tải và 27.000 tài xế đăng ký. Ứng dụng gọi xe ôm của 1 cựu lãnh đạo ngân hàng người Singapore đang nổi lên là đối thủ cạnh tranh sừng sỏ đối với Grab tại Manila, nơi có những đường phố kẹt xe nặng nhất thế giới. Angeline Tham, nhà sáng lập của Angkas (trong tiếng...