Hơn 300 nữ tù nhân lợi dụng động đất để đào tẩu
Các lực lượng vũ trang đã được cử tới Iquique, Chile sau khi 300 nữ tù nhân được thông báo là đã trốn thoát khỏi một nhà tù nữ trong lúc xảy ra trận động đất mạnh 8,2 độ Richter và gây ra sóng thần dọc bờ biển phía bắc.
Người dân Iquique an ủi nhau sau trận động đất 8,2 độ Richter. (Ảnh: AP)
PDI, một trong hai nhánh của cảnh sát Chile, cho biết ít nhất 16 tù nhân đã cố gắng bỏ trốn sau khi bị bắt lại.
“Chúng tôi đã áp dụng các biện pháp an ninh công cộng khác nhau trước việc hơn 300 nữ tù nhân tại nhà tù ở Iquique đào tẩu. Các thành viên tới từ các lực lượng vũ trang đang làm việc với cảnh sát địa phương để đảm bảo an toàn và bình yên cho người dân,” tờ RT của Nga trích lời Bộ trưởng Nội vụ Chile, Rodrigo Peailillo.
Các nhà chức trách địa phương cho biết nhà tù nằm trong khu vực dễ bị lũ lụt và vì lý do này nên tình hình đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Đa số các tù nhân bị giam trong các nhà tù tại khu vực Iquique đều phạm tội buôn bán ma túy, truyền thông Chile cho hay.
Trận động đất xảy ra vào tối 1/4, cách khu vực khai khoáng của Iquique khoảng 95km về phía tây bắc. Tâm chấn nằm ở độ sâu 20km dưới đáy biển. Một vài dư chấn có cường độ từ 5-6,2 độ Richter – đã được ghi nhận trong khu vực.
Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương của Mỹ (PWTC) cho biết trận động đất đã gây ra sóng thần cao 2m tại khu vực bờ biển. Ít nhất 2 người đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương nặng.
Cảnh báo sóng thần tại Colombia, Ecuador, Costa Rica, Nicaragua, và Panama đã được gỡ bỏ nhưng vẫn duy trì tại Chile và Peru.
Sầm Hoa
Video đang HOT
Theo_VietNamNet
Chiến dịch săn lùng tên trùm ma túy khét tiếng thế giới lẩn trốn 13 năm
Đối với giới tội phạm, Joaquin "El Chapo" Guzman (biệt danh Gã Lùn) thật sự là một "vua" ma túy và "vua vượt ngục". Nhờ vào các khoản hối lộ, những hang ổ bí mật được thiết kế công phu và một đội quân trung thành trong tập đoàn buôn ma túy lớn nhất Mexico, Guzman thoát thân trong gang tấc. Cuộc săn lùng Gã lùn kéo dài suốt 13 năm đã kết thúc một cách nghẹt thở trong vòng 7 phút vào ngày 22-2 vừa qua.
Kẻ "không thể bắt giữ" mắc lưới vì chiếc điện thoại di độngTrong những tháng gần đây, kể từ khi Serafin Zambada-Ortiz, con trai của cộng sự thân cận nhất với Guzman, Ismael "El Mayo" Zambada bị giới chức Mỹ bắt vào tháng 11-2013, các nhà điều tra tập trung vào 5 đường dây nghe lén điện thoại, kết quả thu thập được nhiều thông tin tình báo quan trọng. Tuy nhiên, dường như đánh hơi được việc bị cảnh sát theo dõi, Guzman và đồng bọn đã ngừng sử dụng điện thoại cố định. 4 đường dây nghe lén đã bị cắt đứt, chỉ còn một đường dây hoạt động.
Vòng vây siết chặt hơn vào đầu tháng 2-2014, khi cảnh sát và quân đội liên bang bắt đầu lùng sục khắp Culiacan. Họ phong tỏa các con phố, đột kích các ngôi nhà, thu giữ nhiều vũ khí tự động, ma túy, tiền mặt và bắt nhiều người. Liên tiếp các nhân vật lãnh đạo cao cấp trong Sinaloa, những lá chắn tốt nhất của Guzman, bị bắt.
Ngày 13-2, một nhân vật có biệt danh "19", tân thủ lĩnh lực lượng ám sát của Sinaloa, bị tóm cùng 2 đồng bọn trên một xa lộ dẫn tới thành phố Mazatlan. Những ngày tiếp theo, một thủ lĩnh cấp cao của Sinaloa tiếp tục bị bắt cùng 4.000 quả dưa chuột và chuối rỗng ruột, trong chứa đầy cocaine. Tiếp đó một gã có biệt danh "20" cũng sa lưới khi đang vận chuyển thêm nhiều loại hoa quả rỗng ruột chứa ma túy khác.
Ngày 16-2, cơ quan chức năng Mexico và Mỹ đã tiếp cận được Joaquin "El Chapo" Guzman nhờ một chiếc điện thoại di động được tìm thấy trong một căn nhà ở thành phố Culiacan. Cùng với những manh mối từ một cuộc nghe lén của cơ quan chức năng Mỹ, chiếc điện thoại này đã tạo bước đột phá trong việc truy đuổi Guzman.
Sáng sớm ngày 17-2, quân đội Mexico đã bắt giữ được một trong những phụ tá vận chuyển ma túy cộm cán của Guzman là Mario Hidalgo Arguello. Y đã tiết lộ với các nhà điều tra về 7 ngôi nhà an toàn của Guzman ở thành phố tấp nập Culiacan, bang Sinaloa, Mexico. Mỗi nhà có các cánh cửa thép được gia cố kỳ công và các lối thoát dẫn đến những đường hầm bí mật nối liền với hệ thống thoát nước của thành phố.
Dựa theo lời khai, cơ quan chức năng đã tìm ra địa chỉ những ngôi nhà mà Guzman và đồng bọn đang ẩn náu. Tại mỗi ngôi nhà trên, quân đội Mexico phát hiện một đặc điểm chung: những cánh cửa được gia cố bằng thép và một lối thoát hiểm được khoét bên dưới các bồn tắm. Mỗi lối thoát này lại dẫn tới một loạt những đường hầm được nối với hệ thống nước thải chằng chịt của thành phố. Theo nhận định, đây có thể chính là cửa giúp Guzman năm lần bảy lượt thoát bị tóm. Trước đó, trong khoảng từ 13 đến 17-2, cơ quan chức năng từng bủa vây và tóm trượt Guzman. Trong khi lực lượng chức năng còn đang vất vả phá cửa căn nhà chính của Guzman tại Culiacan, thì y đã nhanh chóng tẩu thoát qua hệ thống hầm ngầm.
Chỉ trong 3 ngày từ 18 đến 21-2, ít nhất 10 tên chóp bu trong băng đảng Sinaloa bị bắt, trong đó có trợ thủ số một của Guzman là Manuel Lopez Ozorio. Dựa vào những lời khai ban đầu của chúng, cộng thêm sự hỗ trợ của Cơ quan bài trừ ma túy Mỹ (DEA), Cơ quan tình báo Mexico đã nắm được thông tin quan trọng: Guzman dự định sẽ rời "tổ" của mình trên các khu vực hẻo lánh, xuống nghỉ ngơi tại các khu nghỉ dưỡng ở Culiacan và Mazatlan. Chiến dịch "cất vó" Guzman được triển khai ráo riết, bí mật.
Khoảng 6 giờ 40 phút sáng ngày 22-2, một đơn vị thủy quân lục chiến tinh nhuệ của Mexico (gồm 65 binh sĩ) được triển khai phong tỏa tuyến đường trên bờ biển chạy qua mặt trước của khu biệt thự Miramar. Đây là một tòa nhà 10 tầng, màu ngọc trai với những ban công trắng nhìn ra Thái Bình Dương và có một hồ nước nhỏ phía trước.
Sau khi phá cửa căn hộ số 401 ở tầng 4 của tòa nhà, họ đã bắt được Guzman. Khi đó, bên cạnh y chỉ có một vệ sĩ và người vợ 25 tuổi, người từng là nữ hoàng sắc đẹp của Mexico, Emma Coronel.
Ngay lập tức, trùm ma túy được áp giải đến thẳng sân bay Mazatlan để chuyển đến thành phố Mexico. Từ đây, cảnh sát dùng trực thăng chở nhân vật nguy hiểm này đến nhà tù Altiplano, nơi an ninh đã được nâng lên mức cao nhất, không để lịch sử lặp lại giúp Guzman có thể một lần nữa có cơ hội đào tẩu như 13 năm trước.
Trong quá trình đuổi theo trùm ma túy, giới hữu trách đã tịch thu được 97 khẩu súng trường, 36 súng ngắn, 2 ống phóng lựu đạn, 1 bệ phóng rốc két, 43 xe cơ giới (trong đó 19 xe bọc thép), cùng 16 ngôi nhà và 4 điền trang.
Chân dung trùm ma túy
Joaquin Guzman Loera sinh ngày 4-4-1954 (cũng có nguồn thông tin cho rằng, Guzman sinh ngày 25-12-1954) trong một gia đình có thu nhập chính từ chăn nuôi gia súc ở vùng nông thôn La Tuna thuộc Sinaloa, Mexico. Guzman bỏ dở năm học lớp 3, ở nhà đi bán cam và phụ giúp cha mẹ công việc ở trang trại. Một thời gian sau, người dân ở địa phương Badiraguato bắt đầu chuyển đổi sang trồng cây thuốc phiện, cho thu nhập cao. Gia đình Guzman cũng không ngoại lệ. Nhưng kể từ khi có chút tiền, cha của hắn đã đem nướng hết vào rượu chè và gái điếm. Không muốn tiếp tục phải chịu những trận đòn của người cha lúc nào cũng say mềm và kiếm tiền về phụ giúp mẹ, khi mới 15 tuổi, Guzman quyết định theo 4 người anh họ tự quản một khu trồng cây thuốc phiện. Năm 20 tuổi, theo lời dụ dỗ của người chú Pedro Avilés Pérez - một trong những người đầu tiên buôn bán ma túy ở Mexico, Guzman rời bỏ quê hương, gia nhập tổ chức tội phạm.
Lúc đầu, Guzman trong vai trò của một tên bán ma túy và lo công tác kho vận cho bố già Miguel Angel Felix Gallardo. Tiếp đó, y thành lập băng Sinaloa và sau khi Gallardo bị bắt vào năm 1989, đã nhanh chóng tiếp quản các địa bàn của tên này.
Đầu những năm 1990, y nổi tiếng vì khả năng tạo nên nhiều tuyến đường hầm phức tạp để chuyển lậu cocaine từ Mexico vào Mỹ. Năm 1993, một lô hàng gồm 7,3 tấn cocaine được giấu khéo léo trong những lọ đựng tiêu Chile với đích tới là Mỹ, đã bị thu giữ tại Baja California, Mexico. Những khoản thu nhập khổng lồ từ việc buôn bán ma túy một thời đã đưa Guzman xếp hạng thứ 63 (năm 2012) trong danh sách những người quyền lực nhất thế giới, người giàu thứ 1.140 trên thế giới (theo sếp hạng của Tạp chí Forbes)
Tháng 9-1993, Guzman bị bắt tại Guatemala và bị kết án 20 tù giam về tội buôn bán ma túy trái phép. Y bị giam ở nhà tù an ninh tối đa La Palma trước khi được chuyển tới nhà tù an ninh tối đa Puente Grande vào ngày 22-11-1995 ở Jalisco, Mexico trong thời gian chờ được dẫn độ sang Mỹ.
Trong thời gian trong trại, Guzman vẫn tiếp tục điều hành băng đảng của mình qua điện thoại di động. Những vali tiền mặt thường xuyên được tuồn vào trong trại, y dùng số tiền này để mua chuộc những nhân viên nhà tù, kể cả giám đốc trại giam.
Trong trại giam, Guzman được trang bị một tivi và đôi khi còn được tự chọn món ăn trên thực đơn, thay vì phải ăn chung với bạn tù. Y cũng thường xuyên gặp đàn em, vợ, người tình cùng một số gái mại dâm.
Cuộc đào tẩu lịch sử của Guzman diễn ra ngày 19-1-2001. Theo thông tin chính thức từ giới chức Mexico, trước đó Guzman kết thân với một bảo vệ trại giam có tên Camberos Rivera. Một ngày trước vụ đào tẩu, Guzman nói với các cai ngục (đã bị y mua chuộc) rằng, Camberos sẽ chuyển lậu một ít vàng ra khỏi nhà tù trên xe chở quần áo, chăn màn và không được lục soát. Trong đêm đó, Guzman đã trốn vào trong và được đẩy ra khỏi nhà tù.
Sau khi trốn trại, y được cho là đã tới khắp các quốc gia, từ Mexico tới Argentina, thậm chí sang cả khu "Tam giác vàng". Guzman thường di chuyển bằng máy bay riêng. Tháng 11-2004, trực thăng cảnh sát tình cờ chặn thu được giọng nói của Gã Lùn qua một cuộc điện đàm ở vùng trang trại Tây Sierra, 200 cảnh sát vũ trang đã đột kích vào địa điểm được vệ tinh định vị, nhưng y đã rời nơi đó trước nửa giờ. Sự nguy hiểm và khả năng thoát thân nhanh như cắt của y đã khiến Mỹ treo giải thưởng 5 triệu USD cho bất cứ ai cung cấp thông tin giúp bắt giữ Guzman, còn chính phủ Mexico treo giải thưởng 30 triệu peso (khoảng 2 triệu USD).
Kết cục sẽ là những bản án hà khắc
Joaquin Guzman Loera hiện đang phải đối mặt với nhiều tội danh buôn ma túy tại các bang của Mỹ, đặc biệt Chicago xem hắn là "kẻ thù số 1 của nhân dân".
Tại Mexico, tên này đang đối mặt với một loạt cáo buộc liên quan đến vai trò lãnh đạo băng đảng Sinaloa bán cocaine, cần sa, heroin và cả thuốc lắc tại khoảng 54 quốc gia. Dưới sự lãnh đạo của El Chapo, Sinaloa phát triển thành tập đoàn ma túy có mạng lưới bao trùm địa cầu, thu về lợi nhuận 3 tỉ USD mỗi năm. Đó cũng là lý do Joaquin Guzman Loera được gọi là "CEO của tội ác", hoặc "Osama bin Laden" mảng ma túy.
Nhiều tài liệu cho thấy, Joaquin Guzman Loera cũng là người đầu tiên chỉ huy công tác đào hầm xuyên biên giới Mỹ - Mexico để phục vụ cho việc buôn lậu, trong khi các cuộc chạm trán đầy bạo lực với kình địch là Tập đoàn Zetas đã gây nên nhiều vụ tắm máu trong thế giới ngầm.
Việc trùm ma túy khét tiếng thế giới này bị bắt đã kết thúc cuộc truy lùng kéo dài 13 năm qua. Nó đã khiến các nhà điều tra của Mỹ và Mexico tốn nhiều công sức. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, Eric Holder, coi việc bắt giữ trùm ma túy "là thành tựu mang tính bước ngoặt, là chiến thắng cho cả người dân Mỹ cũng như Mexico".
Theo ANTD
Triều Tiên 'đày gia đình người đào tẩu đến trại xa' Báo Chosun Ilbo ở Hàn Quốc ngày 23.1 đưa tin CHDCND Triều Tiên đang đày gia đình của những người đào tẩu đến các trại giam giữ gần biên giới với Trung Quốc. Binh sĩ Triều Tiên đứng gác gần biên giới với Trung Quốc - Ảnh: AFP Tờ báo dẫn một nguồn tin cho hay Bộ An ninh Nhà nước Triều Tiên...