Hơn 2.000 tỷ đổ vào chứng khoán Việt Nam trong quý 1 thông qua Fubon ETF và Diamond ETF
Xu hướng dòng vốn vào các quỹ ETFs có phần trái chiều. Một số quỹ thu hút vốn khá tốt như DCVFM VNDiamond ETF, Fubon FTSE Vietnam ETF…nhưng cũng có những trường hợp bị rút vốn mạnh như VNM ETF, FTSE Vietnam ETF hay DCVFM VN30 ETF.
Chứng khoán Việt Nam vừa khép lại quý 1 với những biến động tương đối giằng co. Giao dịch khối ngoại cũng kém tích cực khi họ kéo dài chuỗi ngày bán ròng với giá trị lên tới 7.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh có phần ảm đạm của thị trường, dòng tiền vào các quỹ ETFs có phần tích cực hơn khi đã hút ròng hơn 240 tỷ đồng trong quý 1.
Dù vậy, xu hướng dòng vốn vào các quỹ ETFs có phần trái chiều. Một số quỹ thu hút vốn khá tốt như DCVFM VNDiamond ETF, Fubon FTSE Vietnam ETF…nhưng cũng có những trường hợp bị rút vốn mạnh như VNM ETF, FTSE Vietnam ETF hay DCVFM VN30 ETF.
Dữ liệu thống kê cho biết quỹ ngoại đến từ Đài Loan (Trung Quốc) Fubon FTSE Vietnam ETF thu hút vốn tốt nhất trong quý 1 với khoảng 58 triệu USD (tương ứng 1.323 tỷ đồng) được “bơm” vào quỹ.
Xếp ngay sau là DCVFM VNDiamond ETF với lượng vốn hút ròng trong quý 1 lên tới hơn 800 tỷ đồng. Thời gian qua, DCVFM VNDiamond ETF đã thu hút sự quan tâm lớn của các quỹ ngoại nhờ danh mục sở hữu nhiều cổ phiếu hết room như FPT, MWG, PNJ, MBB, TCB…Trong đó, các nhà đầu tư Thái Lan có sự quan tâm đặc biệt hơn cả khi mới đây Bualuang Securities đã cho ra mắt chứng chỉ lưu ký (DR) Diamond ETF niêm yết trên thị trường chứng khoán Thái Lan, giúp các nhà đầu tư nước này dễ dàng đầu tư vào chứng khoán Việt Nam thông qua Diamond ETF. Trong quý 1/2022, Diamond ETF cũng là quỹ có hiệu suất tích cực nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Quỹ ngoại mới thành lập đầu năm nay là VNAM MSCI Vietnam ETF chuyên đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam cũng hút ròng khoảng 7 triệu USD (tương đương 160 tỷ đồng). Dù vậy, quy mô VNAM MSCI Vietnam ETF hiện còn khá khiêm tốn, chỉ hơn 8 triệu USD.
Các quỹ ETF nội khác như SSIAM VNFinLead ETF, VinaCapital VN100 ETF, KIM VN30 ETF hay SSIAM VN30 ETF cũng hút vốn trong quý 1 nhưng lượng vốn vào các quỹ này là không quá nhiều.
Chiều ngược lại, DCVFM VN30 ETF đã bị rút vốn khá mạnh trong quý 1/2022 với giá trị 1.513 tỷ đồng và cũng là quỹ ETF bị rút vốn mạnh nhất thị trường. Thời gian qua, nhà đầu tư Thái Lan có xu hướng rút bớt vốn khỏi DCVFM VN30 ETF. Ngoài ra, không loại trừ trường hợp các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng rút vốn khỏi DCVFM VN30 ETF để chuyển sang quỹ VN30 ETF do các công ty quản lý quỹ Hàn Quốc quản lý.
Bộ đôi quỹ ETF ngoại lâu năm tại Việt Nam là VNM ETF và FTSE Vietnam ETF cũng bị rút ròng lần lượt 58 triệu USD (451 tỷ đồng) và 7,4 triệu USD (170 tỷ đồng) trong quý 1/2022. Những năm gần đây, bộ đôi quỹ ETF kể trên có xu hướng bị rút vốn khá mạnh, điều này có thể bắt nguồn từ hiệu suất đầu tư kém tích cực khi danh mục nắm giữ lượng lớn các Bluechips như VIC, VNM, trong khi không thể sở hữu FPT, MWG, PNJ, TCB, MBB…do vấn đề room ngoại.
Video đang HOT
Tựu chung, trong bối cảnh dòng vốn ngoại tiếp tục rút vốn khỏi chứng khoán Việt Nam trong quý 1 thì các quỹ ETF vẫn là điểm sáng. Với việc ngày càng nhiều quỹ ETF ra đời, chúng ta có thể kỳ vọng dòng vốn vào các quỹ này sẽ tích cực hơn trong những quý tới và đóng góp vào đà tăng trưởng của thị trường.
Tương lai sáng cho ngành quản lý quỹ
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến làn sóng lớn thứ hai sau 15 năm, kể từ giai đoạn 2006 - 2007.
Nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp là các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán và các tổ chức đầu tư đã sớm nhận ra xu hướng lớn này và đang có những thay đổi về chiến lược để thích nghi và tận dụng cơ hội mới.
Chứng khoán đang trở thành kênh đầu tư được nhiều người Việt quan tâm.
Làn sóng lớn thứ hai
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến làn sóng lớn thứ hai sau 15 năm, kể từ giai đoạn 2006 - 2007. Ở làn sóng thứ nhất, nhà đầu tư trong nước còn hoàn toàn lạ lẫm với thị trường và được sự dẫn dắt bởi dòng tiền đầu tư gián tiếp nước ngoài (thông qua các công ty quản lý quỹ ngoại) chảy mạnh vào đón đầu quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Lần này, chúng ta đang chứng kiến sự chủ động gia nhập của nhà đầu tư trong nước, tự tin mua lại lượng bán ròng kỷ lục của nhà đầu tư ngoại lên tới hơn 4 tỷ USD trong 2 năm qua. Gần đây, giao dịch của nhà đầu tư cá nhân liên tục tăng lên và đang chiếm tỷ trọng 90 - 95% tổng giao dịch, một kỷ lục mới.
Nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp là các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán và các tổ chức đầu tư đã sớm nhận ra xu hướng lớn này và đang có những thay đổi về chiến lược để thích nghi và tận dụng cơ hội mới, trong đó hướng sự ưu tiên phục vụ nhiều hơn tới nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital
Trong xu hướng chuyển động ấy, SGI Capital cũng vừa IPO thành công Quỹ mở Ballad Việt Nam, với 99% nhà đầu tư tham gia là các cá nhân trong nước.
Sự chuyển mình này của thị trường chứng khoán là điều các công ty quản lý mong đợi nhiều năm qua. Giờ đây, bên cạnh việc phục vụ nhà đầu tư tổ chức và nước ngoài, chúng tôi có cơ hội được đưa những sản phẩm và dịch vụ đầu tư tới nhà đầu tư cá nhân Việt Nam.
Thuận lợi nằm ở xu hướng chung ngày càng nhiều người Việt coi đầu tư chứng khoán là một kênh tài sản. Khi tích lũy và thu nhập vượt qua mức chi tiêu cơ bản, người ta sẽ tìm kiếm các kênh đầu tư sinh lời bên cạnh việc có một tài khoản gửi ngân hàng với lãi suất ngày càng thấp.
Ở các nước có nền kinh tế và thị trường tài chính phát triển đi trước Việt Nam, cùng với bất động sản thì kênh tài sản sinh lời tốt và được lựa chọn nhiều nhất luôn là chứng khoán.
Cùng với sự tham gia ngày càng đông đảo của nhà đầu tư trong nước, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đáp ứng rất nhiều điều kiện quan trọng và rất có thể được nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier) lên mới nổi (Emerging) trong vòng 2 - 3 năm tới. Khi đó, dòng vốn ngoại quy mô rất lớn sẽ chảy vào Việt Nam một lần nữa. Sau 15 năm, chúng ta có thể sẽ được chứng kiến làn sóng lớn thứ 2 của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy vậy, khuôn khổ pháp lý của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và ngành quản lý quỹ nói riêng hiện còn những khoảng cách so với các thị trường phát triển nên vẫn đang hạn chế sự phát triển của ngành.
Chẳng hạn, pháp luật hiện hành chưa cho phép thành lập quỹ phòng hộ với tính chủ động cao trong chiến lược đầu tư, hay thiếu những ưu đãi về thuế để khuyến khích nhà đầu tư phân bổ tiền nhàn rỗi vào các quỹ, thay vì tự đầu tư hoặc ủy thác đầu tư cá nhân như hiện nay; quỹ mở hiện vẫn không được tính phí thưởng theo hiệu quả đầu tư thực...
Việt Nam chỉ cần áp dụng các chính sách tương tự như các thị trường phát triển hơn đang làm với thị trường chứng khoán và ngành quản lý quỹ, triển vọng phát triển của ngành sẽ rất sáng trong 10 năm tới.
Đầu tư qua quỹ, xu hướng tất yếu
So với thế hệ đầu tham gia thị trường chứng khoán giai đoạn 2006 - 2007 như chúng tôi, nhà đầu tư mới (F0) hiện đã có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều để tiếp cận thông tin, học hỏi bài bản từ lý thuyết cũng như từ chia sẻ của những người đã thành công.
Điều này là cần thiết với những ai xác định lấy chứng khoán làm nghề, hay quyết định phân bổ một phần tài sản của mình vào kênh đầu tư này. Bản thân tôi khi mới tham gia thị trường cũng phải tự mình mày mò học hỏi từ những nhà đầu tư thành công nhất trên thế giới và trao đổi thường xuyên với những đồng nghiệp giỏi mình quen biết.
Tuy vậy, thị trường chứng khoán ở bất kỳ đâu vẫn luôn tồn tại phần mang nặng tính cờ bạc. Nhiều nhà đầu tư, cả F0 lẫn lâu năm, với mong muốn làm giàu nhanh cuốn vào cuộc chơi mỗi phiên lãi/lỗ 7%, xa rời bản chất đầu tư là đồng hành cùng sự gia tăng giá trị của doanh nghiệp theo thời gian.
Những hội nhóm này có những giai đoạn thu hút hàng ngàn, hàng chục ngàn người, nhưng sau vài năm hầu đều biến mất. Muốn làm giàu bền vững và hiệu quả từ thị trường chứng khoán, con đường đầu tư dài hạn vào những doanh nghiệp tăng trưởng mạnh vẫn là lựa chọn tốt cho số đông nhà đầu tư.
Ngành quản lý quỹ của Việt Nam còn non trẻ, với số lượng quỹ có thời gian hoạt động dài và hiệu quả vượt trội chưa nhiều để nhà đầu tư đánh giá và tin tưởng gửi gắm tài sản. Một trong những lý do của việc này, như tôi đã đề cập ở trên, là hành lang pháp lý vẫn còn những bó buộc, hạn chế các quyết định đầu tư để tạo khác biệt, cũng như cơ chế khuyến khích về phí thưởng vẫn chưa có đối với sản phẩm quỹ mở hiện nay.
Tuy vậy, tôi tin rằng, đội ngũ những người làm nghề quản lý quỹ chuyên nghiệp đã trải qua nhiều năm tích lũy và chứng minh được năng lực sẽ giúp ngành quản lý quỹ phát triển nhanh trong thời gian tới. Nhà đầu tư sẽ có thêm những lựa chọn tốt để phân bổ tài sản của mình vào kênh chứng khoán, thay vì tự đầu tư và phải đối mặt với nhiều rủi ro và cám dỗ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm trong hơn 20 năm qua, nhưng vẫn duy trì xu hướng đi lên cùng với sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, mà cụ thể là nhờ sự phát triển đi lên của mỗi doanh nghiệp. Tôi rất lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam 10 năm tới, đặc biệt là triển vọng của nhiều doanh nghiệp đang niêm yết. Qua nhiều chu kỳ khủng hoảng và khó khăn, đội ngũ doanh nghiệp này đã xuất sắc vượt qua, liên tục vươn lên mạnh mẽ, chứng minh họ xứng đáng là nơi để nhà đầu tư tiếp tục gửi gắm niềm tin.
Các công ty quản lý quỹ của Việt Nam hiện mới quản lý lượng tài sản khoảng 20 tỷ USD, cả cổ phiếu và trái phiếu, còn rất nhỏ so với tổng quy mô vốn hóa thị trường và so với tỷ lệ này ở các thị trường chứng khoán phát triển.
Tuy vậy, điều đáng khích lệ là tốc độ tăng trưởng tài sản quản lý đạt trung bình trên 60%/năm trong 5 năm qua. Điều này chứng minh xu hướng tất yếu là tăng quy mô ủy thác đầu tư qua các tổ chức chuyên nghiệp cũng đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam.
Nấc thang phát triển của thị trường chứng khoán luôn phải đi qua giai đoạn ban đầu khi ai cũng muốn tự mình đầu tư chứng khoán, với nhiều kỳ vọng rất cao, kiếm lời trong thời gian ngắn và niềm tin sẽ luôn chiến thắng được thị trường.
Tuy vậy, thống kê chung là trên 50% nhà đầu tư cá nhân mới tham gia tự đầu tư và giao dịch sẽ không có lãi sau 5 năm, 80% sẽ có hiệu quả kém hơn thị trường chung.
Sau đó là quá trình thay đổi về tư duy và phương thức đầu tư, hướng tới hiệu quả lâu dài và con đường đầu tư bền vững. Sự vận động tự nhiên này sẽ dần hướng tới điểm mà ở đó, khả năng đáp ứng của các công ty quản lý quỹ sẽ gặp được với kỳ vọng hợp lý của nhà đầu tư.
Để đẩy nhanh quá trình này, các nước phát triển đưa ra nhiều loại hình sản phẩm, từ phái sinh tới các loại hình quỹ đa dạng và các ưu đãi thuế, qua đó khuyến khích cả nhà đầu tư cá nhân đầu tư dài hạn vào các sản phẩm quản lý tài sản chuyên nghiệp. Từ đó, phát triển thị trường chứng khoán thực sự đúng bản chất là kênh dẫn vốn dài hạn cho nền kinh tế.
Ngày 3/4: Số mắc COVID-19 mới giảm mạnh còn 50.730 ca; 2 tỉnh bổ sung hơn 51.000 F0 Bản tin dịch COVID-19 ngày 3/4 của Bộ Y tế cho biết số mắc mới COVID-19 giảm mạnh, xuống còn 50.730 ca tại 61 tỉnh, thành; Trong ngày Thái Bình và Bắc Giang bổ sung 51.316 F0; Số ca khỏi là 74.600 nhiều hơn 24.000 so với số mắc mới. Thông tin các ca mắc COVID-19 mới : - Tính từ 16h ngày...