Hơn 1.500 trẻ mồ côi vì dịch COVID-19 ở TP.HCM là vấn đề ‘y tế khẩn cấp’
Theo thống kê trong vài tháng trở lại đây tại TP.HCM, dịch COVID-19 đã khiến hơn 1.500 trẻ rơi vào cảnh mồ côi.
Làm sao để giúp trẻ vượt qua cú sốc tâm lý, tránh tổn thương tinh thần cho trẻ?
Anh Thạch Ủ (quận Tân Phú, TP.HCM), làm thợ hồ bị mất việc từ nhiều tháng qua, cùng các con đi nhận hàng tiếp tế. Anh rơi vào cảnh gà trống nuôi con khi vợ mất do COVID-19 – Ảnh: DUYÊN PHAN
Các chuyên gia cho rằng đối tượng bị ảnh hưởng lớn và dễ tổn thương nhất bởi dịch bệnh COVID-19 là trẻ em. Với các trẻ mồ côi, các em có thể bị ảnh hưởng tâm lý, tinh thần trong thời gian dài.
Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ tâm lý Lê Minh Thuận – giảng viên Đại học Y dược TP.HCM – xoay quanh vấn đề này.
“Vấn đề y tế khẩn cấp”
* Thưa ông, với số lượng nhiều trẻ em bị mồ côi trong đợt dịch COVID-19 như hiện nay, nếu không được quan tâm kịp thời sẽ ảnh hưởng tới trẻ và xã hội ra sao?
- Trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau dịch COVID-19 chia thành 2 nhóm, nhóm mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ và nhóm mất cả cha lẫn mẹ. Việc mất đi cha mẹ là một sang chấn tâm lý rất lớn, không gì có thể bù đắp được và rất nghiêm trọng.
Những sang chấn tâm lý này có thể tức thời ngay trong giai đoạn COVID-19, cũng có thể kéo dài hơn, vài năm sau, thậm chí là cả đời. Tuy nhiên, nếu không được quan tâm đúng mức, trẻ có thể gây ra những hành vi tiêu cực cho chính bản thân trẻ và cả xã hội.
Có những nhóm trẻ mất cha hoặc mẹ, người còn lại không đủ sức lao động sẽ dẫn tới trẻ thiếu dinh dưỡng, học hành sa sút, chậm phát triển tâm thần. Khi không đủ ăn, trẻ bắt buộc phải lao động sớm và nhiều trường hợp sẽ bị lạm dụng về sức khỏe, tình dục, thậm chí là buôn bán chất kích thích như ma túy, tham gia các tệ nạn xã hội…
Về y tế, những trẻ không được quan tâm đúng mức sẽ chính là nguồn lây bệnh, vì không ai chăm sóc, điều trị đưa đến bệnh viện kịp thời. Nếu trẻ trầm cảm, lo âu kéo dài, trẻ không thể trở thành người công nhân bình thường… Đây là vấn đề y tế và sức khỏe tâm thần khẩn cấp.
* Vậy chúng ta nên làm gì “khẩn cấp” lúc này, thưa ông?
- Đó chính là điều tra xã hội học, ở mỗi địa phương các hội nhóm như Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ… địa phương phải thống kê, điều tra nắm bắt được danh sách hết những trẻ mồ côi cha, mồ côi mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ để có chính sách hỗ trợ kịp thời.
Đây cũng là lúc các mái ấm, nhà mở, tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm… công bố địa chỉ để tiếp nhận các em nhanh nhất có thể. Ngoài ra, đây cũng là lúc các chuyên gia tâm lý kết hợp với các tổ chức tại địa phương can thiệp, hỗ trợ đúng lúc, trấn an tâm lý cho các em, không chỉ ngày 1 ngày 2, mà là một quá trình lâu dài.
Trong đó đặc biệt quan tâm đến 5 nội dung chính, bao gồm dinh dưỡng, giáo dục, y tế, sức khỏe tinh thần, thể chất của các em, phải có chương trình hành động nhanh, cấp bách.
Tiến sĩ Lê Minh Thuận – giảng viên khoa tâm lý Đại học Y dược TP.HCM
Làm gì trước cú sốc quá lớn?
* Thưa ông, ngoài việc các tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ khẩn cấp cho các em, còn yếu tố nào có thể giúp trẻ vượt qua cú sốc tâm lý?
- Đó là gia đình. Nếu trẻ mất cả cha lẫn mẹ, họ hàng gần nên tạo điều kiện thay cha mẹ chăm sóc trẻ, lắng nghe, động viên, quan tâm và an ủi đối với trẻ.
Đối với trẻ đã có đầy đủ nhận thức về mất mát người thân của mình, nên nói rõ để trẻ đối diện với vấn đề. Tuy nhiên trước khi để trẻ biết được sự thật, người thân nên tìm đến các chuyên gia tâm lý tham khảo cách cư xử ra sao cho đúng, tránh cú sốc cho trẻ để không dẫn đến các hành vi tiêu cực.
Tôi nghĩ rằng vẫn nên để trẻ đối diện chấp nhận sự thật, nhận thức về cuộc sống, cảm xúc, tương lai như thế nào…
* Không riêng những trẻ mồ côi do dịch COVID-19, có rất nhiều trẻ em vẫn đang chịu cú sốc tâm lý khi phải ở nhà nhiều ngày, các bậc cha mẹ nên làm gì, thưa ông?
- Nhiều trẻ nhỏ không hiểu sao mình lại phải ở nhà nhiều ngày và không được chơi với bạn bè, hoặc nhận được tin người thân, người quen mất vì COVID-19 cũng làm trẻ gia tăng lo âu và căng thẳng.
Với cách học online như hiện nay, nhiều trẻ em có thể dành nhiều thời gian truy cập vào Internet, nếu cha mẹ không giám sát trẻ sẽ có hành vi tiêu cực trên mạng.
Các bậc phụ huynh cần lắng nghe, chia sẻ, quan tâm, giải thích cho con hiểu hơn, có thể cùng con ngồi học online. Ngoài ra có thể cùng con đọc sách, trồng cây, vẽ tranh… những việc làm gia tăng cảm giác hạnh phúc bên cha mẹ…
“Chỉ cần nhìn thấy cha hoặc mẹ hay khóc lóc, bi lụy quá nhiều về mất mát, chắc chắn trẻ sẽ bị tổn thương. Do vậy người lớn cần tránh từ ngữ gây tổn thương trước mặt trẻ, trẻ có thể không chịu đựng được”, TS tâm lý Lê Minh Thuận nhấn mạnh.
Cô bé 14 tuổi ở TP.HCM mất cả ông bà, cha mẹ trong đại dịch Covid-19
Chưa nguôi cú sốc khi cha ra đi đột ngột, Mai Khanh (14 tuổi, ở H.Bình Chánh, TP.HCM) lại mất mẹ và ông bà ngoại vì Covid-19.
Một mình trong căn nhà hiu quạnh, nước mắt em giàn giụa sau những giấc mơ gặp cha mẹ còn dang dở.
Bàn thờ cha mẹ Mai Khanh được các cậu lập tạm. Ngày ngày, cậu út giúp Khanh làm cơm cúng cha mẹ. Ảnh VŨ PHƯỢNG
Trong một tháng ngắn ngủi, em Nguyễn Thị Mai Khanh mất cả cha mẹ, ông bà ngoại. Khoảng sân nhà ba thế hệ ngày nào còn rộn ràng tiếng nói cười, giờ đây không khí im ắng bao trùm, người ở lại lặng nhìn các hũ cốt đặt ở bàn thờ mẹ Quan Âm.
Mẹ đi luôn không về nữa rồi
PV Thanh Niên ghé thăm gia đình Mai Khanh vào buổi chiều tối. Bình Chánh vừa dứt cơn mưa rào nhưng bầu trời vẫn còn xám xịt. Ông Nguyễn Thanh Hùng (49 tuổi, cậu tư của Khanh) cho biết cả gia đình ba thế hệ dựng nhà sát nhau cùng sinh sống mấy chục năm qua. Từ khi cha mẹ em Khanh mất đột ngột vì Covid-19, gia đình ông Hùng cùng cậu út ở sát bên ngày ngày nấu cơm mang sang, nhắc nhở động viên em thắp nhang cho cha mẹ, tự lo các sinh hoạt cá nhân. Khanh trí tuệ chậm chạp hơn bạn bè đồng trang lứa, năm lớp 2 em học lại ba lần vẫn không lên lớp được nên nghỉ học, phụ mẹ công việc nhà. Cuộc nói chuyện của PV và Khanh có sự chứng kiến của ông Hùng.
Em cho biết đầu tháng 7 cả nhà em về Long An cùng cha chăm cô ruột bệnh già yếu, không lập gia đình. Được vài hôm thì cha Khanh mệt, một sáng sớm thấy cha nằm sấp, Khanh gọi mẹ cùng tới lật cha lên thì ông đã ra đi từ lúc nào...
Trước khi Khanh và mẹ về thì cha em ở cùng ông Chín 2 ngày. Sau này thấy mẹ con Khanh về lại Sài Gòn có triệu chứng, ông Chín (dượng của ba bé Khanh) mới đi xét nghiệm và kết quả dương tính, sau đó ông cũng mất. "Công an gọi đội mai táng đến để lo hậu sự, mẹ vẫn chưa hết sốc vì cha ra đi quá đột ngột nên quay trở về TP.HCM. Được vài hôm thì mẹ mệt và khó thở, người nhà đưa mẹ đi viện xét nghiệm mới biết mẹ nhiễm Covid-19. Trước khi đi viện mẹ còn dặn em ở nhà tự lo, mai mốt hết bệnh mẹ về, mà mẹ đi luôn không về nữa", Mai Khanh nức nở.
Hình ảnh những bữa cơm gia đình, sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ cứ hiện mồn một trong tâm trí, Khanh tháo khẩu trang quệt nước mắt rồi kể lại với cậu tư và PV. Em nói dù em phổng phao hơn so với tuổi nhưng lúc nào cũng được cha mẹ nhường đồ ăn ngon, lo cơm nước, hết quần áo mặc em lại mè nheo mẹ đi giặt đồ giúp, rồi hai mẹ con cùng phơi đồ.
Nhắc tới những giấc mơ gặp cha mẹ, Mai Khanh vẫn nức nở
"Giờ thì em phải ăn cơm một mình, tự giặt đồ, phơi đồ cũng chỉ còn đồ của em thôi. Đi ra đi vào nhìn thấy ảnh gia đình, chiếc máy may của mẹ, làm gì cũng trống rỗng, cô đơn và nhớ cha mẹ hết. Những đêm ngủ em thường mơ thấy cha mẹ, cả nhà nói cười, nhưng bừng tỉnh dậy thì chỉ có một mình em. Nhớ cha mẹ em lại khóc nhưng ráng nằm ngủ tiếp, rồi lại thấy hình ảnh mẹ... Bây giờ em chỉ có thể gặp mẹ trong những giấc mơ mà thôi", Khanh nghẹn ngào.
Báo Thanh Niên kêu gọi bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19
Cậu cháu cùng mồ côi
Nghe cháu gái nhắc đến kỷ niệm và nỗi nhớ cha mẹ, ông Hùng vừa thương cháu, vừa thương cho chính đại gia đình của mình. Theo ông Hùng, ông Nguyễn Văn Sang (cha của Mai Khanh) thường bỏ rau củ, thịt cá cho các hộ dân quanh xóm. Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (em gái ông, mẹ của Mai Khanh) làm may gia công tại nhà. Ông lắc đầu nói: "Có lẽ vậy nên cha nó bị nhiễm Covid-19 hồi nào mà không hay biết. Hỏa táng cha nó xong hai mẹ con về lại Sài Gòn thì 2 ngày sau là mẹ nó nhập viện vì dương tính. Ông bà ngoại ở sát bên cũng lần lượt nhập viện vì Covid-19".
Ngày nhận tin em gái mất, cả nhà không ai dám báo tin cho Mai Khanh vì sợ cô bé 14 tuổi không vượt qua được cú sốc này. Cho đến khi quân đội gọi xuống, họ tới tận nơi gọi người nhà ra nhận tro cốt người thân... "Tôi đinh ninh là nhận tro cốt em gái, nhưng quân đội đọc tên của ba tôi. Tôi chết đứng, chới với, không dám tin đó là sự thật. Ba tôi tuy già nhưng khỏe lắm, mấy ngày trước chỉ nghĩ điện thoại ba hết pin không liên lạc được, ngờ đâu người ta lại trao tro cốt đến nhà thế này. 4 người thân mất chỉ trong vòng 1 tháng, gia đình suy sụp, quá sức chịu đựng rồi", ông Hùng cay đắng chia sẻ.
Cậu cháu cùng mồ côi, cả gia đình đã mất gần 1 tháng mới có thể bình tâm trở lại. Mới hôm nào ông còn quỳ trước bàn thờ mẹ Quan Âm, cầu mong cha mẹ già tai qua nạn khỏi thì ông sẽ cạo đầu tạ ơn. Trước mất mát quá lớn của gia đình, ông vẫn cạo đầu để cảm thấy nhẹ nhàng, cầu mong người thân được siêu thoát.
Mới đây, UBND TT.Tân Túc, H.Bình Chánh đã đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ cùng gia đình và cho biết sẽ kết nối để em Khanh được học trường nghề. Đó cũng là nguyện vọng của gia đình lúc này. Khanh bộc bạch: "Ngày trước em nói với mẹ em thích làm trang điểm, làm nail, mẹ nói lớn xíu mẹ sẽ cho em đi học nghề này. Em cũng mong sẽ được học để có nghề tự lo cho bản thân".
Covid-19 đã lần lượt lấy đi từng người thân của em Khanh, ông Hùng, khiến mọi thứ xung quanh với họ giờ đây đều vô nghĩa. Nhiều đêm trắng suy nghĩ, anh em ông Hùng lo sợ không biết qua dịch người thân mình ai còn ai mất? Còn tương lai bé Khanh thì càng chông chênh hơn với những khoảng trống bất định...
Thương quá các em thơ
Ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch UBND H.Bình Chánh, TP.HCM, cho biết tính đến sáng 16.9, trên địa bàn có 102 trẻ em mồ côi cha, mẹ vì đại dịch Covid-19. Để kịp thời động viên các em trước thềm năm học mới, lãnh đạo địa phương đã chia thành nhiều đoàn đến tận nhà thăm hỏi, động viên các em và gia đình. Đại diện UBND TT.Tân Túc cũng cho hay trên địa bàn có 6 trẻ phút chốc mồ côi cha, mẹ. Riêng trường hợp em Mai Khanh, đại diện UBND TT.Tân Túc thông tin chính quyền đã có kế hoạch chi tiết để hỗ trợ em. Theo đó, khi hết dịch, địa phương sẽ tìm một trường đào tạo nghề phù hợp với năng lực của Khanh để gửi em vào học nghề, có việc làm ổn định. "Mai Khanh không còn cha mẹ, nhưng may mắn em có cậu ruột sát bên lo cơm nước, hỗ trợ cuộc sống trong thời gian này", đại diện UBND TT.Tân Túc nói.
Dang vòng tay với trẻ mồ côi vì COVID-19 "Cơn bão" COVID-19 mấy tháng qua đã khiến hơn 1.500 trẻ ở TP.HCM bỗng chốc mồ côi. Em mất cha, em mất mẹ, em thì mồ côi cả cha lẫn mẹ. Đau thương, khó khăn chồng chất trên con đường học tập và tương lai của các em. Những ngày qua, danh sách trẻ em có cha, mẹ mất do COVID-19 liên tục...