Hồi phục sau Covid-19
F0 sau khi khỏi bệnh, để nhanh hồi phục nên vận động nhẹ hàng ngày, tiếp xúc với ánh nắng ít nhất 30 phút mỗi ngày, tăng cường dinh dưỡng và tập dưỡng sinh để tăng thể lực.
Thạc sĩ bác sĩ Ngô Thị Kim Oanh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3 cho biết: Người có di chứng sau mắc Covid-19 như mệt mỏi kéo dài, ho, khó thở, vấn đề về da, tiêu hóa… cần ăn uống và tập luyện để đẩy nhanh quá trình hồi phục.
“Nên sắp xếp thời gian ngủ nghỉ hợp lý, hạn chế ngủ nhiều vào ban ngày hoặc nằm một chỗ. Điều này sẽ khiến cơ thể trì trệ, với người lớn tuổi dễ có triệu chứng chóng mặt (do thay đổi huyết áp tư thế) sau đợt nằm lâu. Khuyến khích người bệnh vận động nhẹ gồm: đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm, tập dưỡng sinh…Vận động nhẹ giúp tiêu hao 200 calo/ giờ”, bác sĩ Kim Oanh chia sẻ.
Nên tiếp xúc với ánh nắng ít nhất 30 phút mỗi ngày , có thể vào buổi sáng sớm hoặc nắng chiều giúp nhịp sinh học của cơ thể được điều hòa. Hạn chế nhìn vào màn hình điện thoại hoăc thiết bị điện tử liên tục trong ngày. Với người đã hoàn thành thời gian tự cách ly, khuyến khích tham gia các hoạt động cùng với người thân như chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp nhà cửa, để sớm quay lại trạng thái sinh hoạt thường ngày.
Đặc biệt với người lớn tuổi, việc trò chuyện cùng người thân trong gia đình sẽ giúp giảm sự lo lắng, kích thích hoạt động não sau nhiễm bệnh. Khuyến khích người bệnh tham gia các hoạt động tinh thần như đọc sách báo, bàn luận về tin tức, cầu nguyện tùy theo tôn giáo và tín ngưỡng. Trong một số trường hợp cần thiết, có thể tìm đến các chuyên gia hỗ trợ tư vấn tâm lý nếu người bệnh có vấn đề lo lắng, đau buồn kéo dài do trải nghiệm bệnh vừa qua.
Theo bác sĩ Kim Oanh, ở giai đoạn bệnh, mức chuyển hóa cơ bản tăng 10% khi có sốt, khó thở, vì vậy cần tăng cường dinh dưỡng để bù đắp cho sự chuyển hóa đó kể cả khi đã qua giai đoạn nhiễm cấp. Số bữa ăn trong ngày có thể chia 3-5 bữa tùy theo sức ăn.
Mỗi ngày nên ăn 20-30 g chất xơ, 400-500 g rau quả. Hình thức chế biến nên hạn chế chiên xào nhiều dầu mỡ, nên kèm thêm các món súp xay, canh hầm xương, các loại đậu, hạt sen, đại táo, câu kỷ tử… để giúp việc tiêu hóa tốt hơn.
Trong các nguyên tố vi lượng, cần đặc biệt bổ sung kẽm ở nhóm bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, kém tập trung, buồn ngủ, tiêu hóa kém dễ bị tiêu lỏng. “Với dạng viên uống có thể bổ sung 30-100 mg kẽm nguyên tố/ngày kéo dài 2-3 tháng tùy tình trạng cơ thể. Ngoài ra kẽm có trong các loại thức ăn như: hàu, sò, thịt gia súc, gia cầm, tôm, cua, cá… nên bổ sung cùng với nhóm thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường hấp thu”, bác sĩ Oanh khuyến cáo.
Video đang HOT
Bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3 chia sẻ: Bên cạnh chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt, việc tập dưỡng sinh giúp hỗ trợ người bệnh trong thời gian tự cách ly mau hồi phục. Người bệnh có thể thực hành các bài tập thở 4 thời kết hợp xoa ngũ quan…
Để thực hiện bài tập thở 4 thời, người bệnh nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông cao thấp tùy sức. Tay trái để trên bụng, tay phải để ở ngực.
Thời 1: Hít vào đều, sâu, tối đa, ngực nở, bụng phình và căng. Thời gian 4-6 giây, hít ngực bụng nở.
Thời 2: Giữ hơi, mở thanh quản bằng cách liên tục hít thêm, đồng thời giơ một chân giao động qua lại, cuối thời hạ chân xuống. Thời gian 4-6 giây. Giữ hơi hít thêm.
Thời 3: Thở ra, tự nhiên, thoải mái, không kiềm thúc. Thời gian 4-6 giây.
Thời 4: Nghỉ, thư giãn, chân tay nặng ấm. Chuẩn bị trở lại thời 1. Thời gian 4-6 giây.
“Đối với người có triệu chứng khó thở, hụt hơi, nên có người thân bên cạnh khi tập luyện, tập chậm và không gắng sức khi tập. Duy trì thời gian tập 15-30 phút/ ngày. Trước khi tập, có thể kết hợp các bài tập kéo giãn cơ, khởi động khớp như: động tác xem xa xem gần, sờ đất vươn lên, đạp xe đạp tại chỗ,… Ngoài ra, tập kèm với dụng cụ như khăn hoặc gậy để kéo dãn hết tầm vận động của khớp”, bác sĩ Ngân khuyên.
Việc tạo thành một nhóm cùng tập luyện, từ những người thân trong gia đình hoặc nhóm trên mạng xã hội, sẽ giúp người bệnh có tinh thần và kỷ luật cho quá trình tập luyện. Khi độ bền và thể lực của người bệnh được luyện tập, sẽ giúp cải thiện các triệu chứng như: sợ lạnh, nặng ngực, mệt mỏi.
Đối với người bệnh có triệu chứng tiêu hóa như: đầy hơi, khó tiêu, đi phân lỏng kéo dài sau nhiễm virus, nên kết hợp bài tập xoa tam tiêu (làm ấm ngực – bụng) và sử dụng túi chườm thảo dược (hoặc túi chườm ấm) để giữ ấm vùng bụng, sẽ hỗ trợ cải thiện triệu chứng. Đối với người bệnh còn ho khạc đàm kéo dài, trong quá trình tập, người thân có thể hỗ trợ vỗ lưng khạc đàm để giúp bệnh nhân tập ho khạc hiệu quả.
Trong quá trình hồi phục, việc đồng hành rất quan trọng, đặc biệt khi người bệnh phải trải qua một thời gian dài cách ly.
“Nếu các triệu chứng kéo dài, gây cản trở đến sinh hoạt và tinh thần, người bệnh cần đến các cơ sở y tế có điều trị hậu Covid-19 để được thăm khám và điều trị sớm”, bác sĩ khuyến cáo.
Tập luyện nhẹ nhàng và tiếp xúc với ánh nắng 30 phút mỗi ngày giúp cho nhịp sinh học của cơ thể được điều hòa. Ảnh. Lê Cầm
Di chứng sau khỏi Covid
Mệt mỏi, yếu cơ, rối loạn lo âu, thiếu máu, chóng mặt, nhức đầu... là một số triệu chứng có thể gặp phải trong giai đoạn phục hồi sau điều trị Covid-19.
Bác sĩ chuyên khoa 1, Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3, cho biết: Gần hai năm Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, song song với việc điều trị các ca nhiễm là công tác điều trị các di chứng hậu Covid-19 ở những người sống sót. Số ca mắc "Covid-19 sau giai đoạn cấp tính" hay "hội chứng hậu Covid-19" đang tăng.
"Đây là bệnh đa hệ thống, bao gồm rất nhiều triệu chứng suy nhược ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, thần kinh, cơ xương, miễn dịch và hệ tạo máu (như khó thở, đau ngực, đánh trống ngực, đau cơ, mất ngủ, trầm cảm...), có thể kéo dài hàng tuần hoặc lâu hơn sau khi khỏi bệnh. Cơ chế của tình trạng này có thể liên quan đến virus hoặc sự gián đoạn qua trung gian miễn dịch của hệ thống thần kinh tự chủ", bác sĩ Hằng phân tích.
Nghiên cứu cho thấy các triệu chứng tâm thần dai dẳng ở bệnh nhân hậu Covid-19, như trầm cảm, lo lắng và suy giảm nhận thức, rối loạn lo âu có thể liên quan đến các yếu tố tâm lý và tổn thương sinh học thần kinh. Mệt mỏi hoặc yếu cơ (63%) và khó ngủ (26%) là những triệu chứng phổ biến nhất. Lo lắng hoặc trầm cảm chiếm 23% bệnh nhân.
Các triệu chứng thần kinh bao gồm chứng thiếu máu, chóng mặt, nhức đầu dai đẳng và co giật có thể tồn tại trong một thời gian dài sau cơn bệnh Covid-19 cấp tính, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Thậm chí các triệu chứng của bệnh tâm thần, thần kinh và thể chất ở những người mắc hội chứng hậu Covid-19 làm tăng ý định và hành vi tự sát ở nhóm bệnh nhân này.
Nhiều bằng chứng khác cho thấy phổi là cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi với Covid-19, người bệnh bị suy giảm chức năng hô hấp dai dẳng sau khi xuất viện với những triệu chứng đau ngực, mệt mỏi và ho kéo dài dai dẳng, cảm giác thở hụt hơi mặc dù đo nồng độ oxy máu trong giới hạn bình thường.
Với tình hình dịch bệnh căng thẳng, việc đi khám chữa bệnh hết sức khó khăn và nhiều người cũng ngại ra đường. Tình trạng bệnh lý nặng nề ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người bệnh khiến họ suy sụp, trầm cảm. Việc điều trị phục hồi cho người bệnh sẽ trở nên khó khăn và mất thời gian hơn. Việc dùng thuốc giảm đau thời gian dài có thể dẫn đến suy gan thận hoặc các thuốc chống trầm cảm sẽ dễ dẫn tới lệ thuộc thuốc kèm tác dụng phụ nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Thúy Hằng, y học cổ truyền với thế mạnh sử dụng các bài thuốc có nguồn gốc cây hoa rễ lá tự nhiên kết hợp với các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc trong giai đoạn này sẽ giúp người bệnh giảm dần các loại thuốc giảm đau an thần.
"Sự kết hợp với các biện pháp như châm cứu cấy chỉ, nhĩ châm, nhĩ hoàn, xoa bóp bấm huyệt, chườm thuốc thảo dược dựa trên lý luận y học cổ truyền đó là âm dương, ngũ hành, bổ tả sẽ hỗ trợ rất nhiều cho người bệnh", bác sĩ Hằng chia sẻ.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần chú ý về chế độ ăn và sinh hoạt, các bài tập vật lý trị liệu phù hợp, các phường pháp luyện tập dưỡng sinh để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
"Khi có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn. Việc tiếp tục chịu đựng các triệu chứng kéo dài dai dẳng cho đến khi tới gặp bác sĩ có thể vấn đề đã quá nghiêm trọng" bác sĩ khuyến cáo.
Nhân viên y tế phường 3, quận 8 đến thăm khám, tặng thuốc cho người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà, ngày 29/8. Ảnh: Quỳnh Trần
Luyện thở phục hồi di chứng sau mắc Covid-19 Bài tập luyện thở, dao động thân nhẹ nhàng trong tư thế ngồi hoa sen sẽ giúp các bệnh nhân hồi phục hô hấp, thư giãn tinh thần hậu Covid-19. Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM Cơ sở 3, cho biết, nhiều bệnh nhân Covid-19, dù...