Hội nhập thị trường lớn, lộ ra nhiều yếu kém
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước: Quá trình hoàn thiện luật chậm, dẫn đến giải phóng tiềm năng của xã hội, đất nước chậm, không chuẩn bị kịp tư thế để tham gia cuộc chơi WTO.
Tại phiên làm việc sáng qua (18-9) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) về kết quả tám năm hội nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhiều ý kiến đã chỉ rõ những bất cập, hạn chế của Việt Nam (VN) trong quá trình hội nhập.
“Chưa chuẩn bị kịp tư thế…”
Trình bày báo cáo giám sát “Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi VN là thành viên WTO”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay mặc dù sau khi gia nhập WTO, VN rà soát, dần hoàn thiện về chính sách pháp luật nhưng vẫn còn một số tồn tại, bất cập như thiếu giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách lớn; chính sách thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân trong nước chưa đủ mạnh; một số dự án luật chậm được ban hành, phải chuyển từ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XII sang QH khóa XIII. Một số văn bản pháp luật đã ban hành song chất lượng, hiệu lực thực thi chưa cao;… “Nguyên nhân chủ yếu trong đó có công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách, pháp luật hiệu quả chưa cao… Một bộ phận cán bộ năng lực hạn chế, cán bộ pháp chế tham gia vào công tác pháp luật còn thiếu và yếu” – ông Giàu nói.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhận định sự tăng trưởng của kinh tế VN chủ yếu tăng chiều rộng, theo tiềm năng có sẵn chứ chưa thực sự tăng chiều sâu. “Chúng ta là nền kinh tế thị trường chưa đầy đủ và yếu. Nông nghiệp, công nghiệp đều chưa đủ sức cạnh tranh nên khi bước vào thị trường lớn những cái yếu kém sẽ lộ ra ngay” – ông Phước nói. Theo ông Phước, nguyên nhân của vấn đề trên có nhiều nhưng lớn nhất là lỗi ở tầm vĩ mô, trong đó có trách nhiệm của QH. “Giai đoạn 2003-2007 quá trình hoàn thiện luật chậm, dẫn đến giải phóng tiềm năng của xã hội, đất nước chậm, không chuẩn bị kịp tư thế để tham gia cuộc chơi WTO” – ông Phước nói. Cũng theo ông Phước, ngay như cơ chế điều hành, bộ máy hành chính cũng có vấn đề, gây cản trở cho hội nhập, tự làm suy yếu thế mạnh, làm lỡ đi cơ hội, tăng thêm khó khăn cho Việt Nam. “Tôi nhớ Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra câu nói 1/3 cán bộ không đạt yêu cầu. Tức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức của ta có vấn đề. Cần đánh giá một cách nghiêm túc, QH phải bàn sửa cái thuộc tầm vĩ mô này” – ông Phước nói.
Luật pháp phải đi trước một bước để tạo hành lang pháp lý cho hội nhập. Ảnh: Hữu Luận
Cùng ý kiến trên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng báo cáo giám sát đánh giá hệ thống pháp luật của ta đồng bộ, đầy đủ, minh bạch, công khai là “hơi cao”, vì thực tế điều này đã cản trở sự phát triển kinh tế của chúng ta. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra chuyện “nhiều cán bộ lơ mơ về chủ trương hội nhập” gây cản trở, ảnh hưởng lớn đến quá trình hội nhập.
Video đang HOT
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu ví dụ: “Về phát triển công nghiệp phụ trợ, tôi nhớ hồi đó ta nặn mãi nghị định không xong. Tôi bảo bỏ đi, phải làm luật để đủ mạnh đảm bảo điểm tựa cho công nghiệp phụ trợ phát triển, chứ làm nghị định mà mở ra ngoài luật thì làm sao làm được”.
Khoảng cách với các nước co lại hay xa hơn?
Nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ QH đã đặt câu hỏi sau khi tham gia WTO, VN đã thực sự vượt qua được thách thức, tận dụng được cơ hội hay chưa, hay ngày càng tụt hậu? Về việc này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đặt vấn đề: “Về kinh tế cũng như mọi lĩnh vực khác có thể nói phấn khởi hơn so với trước đây nhưng so với các nước trong khu vực và nước khác thì chúng ta phải nhìn lại”. Phó chủ tịch QH dẫn chứng một nghịch lý: “Càng hội nhập doanh nghiệp trong nước ngày lại càng bé. Số người lao động ít, đa phần dưới 50 người. Ta chưa xây dựng được những tập đoàn kinh tế tư nhân như các nước khác”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng lấy ví dụ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật: “Nước ta nhiều người có tài nhưng khoa học kỹ thuật lại yếu kém, chỉ đứng trên Lào, Campuchia. Thị trường khoa học kỹ thuật đến nay chưa có mấy. Nhiều nông dân, nhà khoa học chỉ làm những sản phẩm khoa học kỹ thuật một cách ngẫu hứng” – ông Phước nói.
Vấn đề mấu chốt đánh giá về quá trình hội nhập được Chủ tịch QH đặt ra là: Khoảng cách giữa VN với các nước phát triển co dần lại hay còn xa hơn?
Theo Chủ tịch QH, báo cáo giám sát phải trả lời được câu hỏi trên, từ đó mới đánh giá được đúng tình hình, đề nghị những giải pháp cho thời gian tới.
Báo cáo giám sát “Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi VN là thành viên WTO” cho hay: Tỉ lệ các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ tăng; hiệu suất sử dụng lao động có xu hướng giảm trong giai đoạn 2007-2014; khả năng thanh toán của doanh nghiệp chưa được cải thiện. Khả năng tự ứng phó hoặc liên kết để ứng phó với các tranh chấp không cao; sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội chưa đủ mạnh để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.
Theo_PLO
Để hội nhập không 'dập' chăn nuôi
Nông nghiệp được xem là lĩnh vực chịu nhiều áp lực nhất trước tiến trình hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là với các hiệp định như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hay Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã cận kề.
Câu chuyện đối với nhiều khu vực trong ngành nông nghiệp sẽ không chỉ xoay quanh việc lo có tăng được xuất khẩu hay không mà là làm sao trụ vững được trên chính sân nhà.
Trường hợp ngành chăn nuôi là một ví dụ. Theo báo cáo đánh giá về tác động của TPP và AEC đến ngành chăn nuôi của Việt Nam, do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) công bố mới đây, TPP có những tác động tiêu cực khá mạnh. Đáng chú ý, báo cáo nhận định sản lượng của các ngành chăn nuôi đều giảm, ngoại trừ nhóm động vật sống. Trong đó, sản lượng ngành thịt (lợn, gia cầm...) bị thiệt hại mạnh nhất.
Với TPP, các loại thịt gia súc, gia cầm, sữa... từ các đối thủ rất mạnh trong TPP như Mỹ, Úc, New Zealand, Canada sẽ "tràn ngập" thị trường với giá rẻ và chất lượng đảm bảo hơn. Trong khi các DN nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm này và người tiêu dùng được lợi thì các hộ gia đình chăn nuôi, các DN đang hoạt động trong lĩnh vực này sẽ phải đối chọi với một cuộc cạnh tranh thực sự, mang tính một mất một còn.
Lúc đó, có thể nhiều hộ sẽ phải từ bỏ nghề chăn nuôi vốn là sinh kế của họ bấy lâu, hoặc nếu có thì cũng chỉ còn mang tính chất "nuôi cho vui", chứ không thể nói đến yếu tố thương mại. Luật chơi của hội nhập, của cạnh tranh công bằng buộc chúng ta phải chấp nhận thực tế này. Nhưng khoảng 8 triệu hộ nông dân Việt Nam đang "sinh tử" nhờ chăn nuôi liệu có dễ chấp nhận?
Theo các chuyên gia, yếu thế lớn nhất trong cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay chính là vấn đề giá cả và chất lượng. Tất cả các yếu tố khác từ chính sách, quy mô (nhỏ lẻ), giá nguyên liệu đầu vào cao (giống, thức ăn, thuốc thú y...), an toàn toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) chưa được chú trọng...
Vì vậy, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi sẽ càng hạn chế hơn khi chúng ta tham gia vào cuộc chơi hội nhập.
Bàn về "cửa lách" cho chăn nuôi, TS. Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng nhóm nghiên cứu của VERP cho biết, tâm lý và thói quen tiêu dùng của đa số người Việt vẫn thích dùng đồ thịt tươi, hay các đồ đặc sản như lợn mán, gà đồi mà chỉ Việt Nam mới có.
Đây chính là một trong những rào cản phi thuế quan rất hữu ích để mà chúng ta có thể tận dụng trong quá trình cải cách, tổ chức lại sản xuất và nâng cao chất lượng của ngành chăn nuôi. Cùng với thị trường trong nước, xuất khẩu dù không phải là thế mạnh của ngành chăn nuôi nhưng chúng ta không phải không có cách để vươn ra thị trường thế giới.
TS. Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam chia sẻ câu chuyện: Trong cuộc gặp với đại diện hiệp hội thức ăn Mỹ gần đây, họ có đề nghị tại sao với các sản phẩm gia cầm đạt tiêu chuẩn ATVSTP, Việt Nam không nghiên cứu để xuất khẩu vào Mỹ. Như với thịt gà, người Mỹ chỉ ăn phần ức. Vậy tại sao Việt Nam không cắt phần ức xuất sang Mỹ, phần còn lại cung ứng tại thị trường nội địa. Đấy chính là thế mạnh mà chúng ta có thể khai thác.
Tuy nhiên theo ông Khanh, để tận dụng được những thế mạnh như vậy, vấn đề quan trọng nhất là cần tháo gỡ là chính sách. Bởi cho đến khi nào tình trạng kiểu như một quả trứng phải "cõng" tới 14 loại phí thì rõ ràng khi đó, ít nhất về mặt giá cả, hàng hóa của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các nước.
Cố nhiên, chính sách chỉ là một vấn đề. Các chuyên gia cho rằng, để cải thiện năng suất, nâng chất lượng và hạ giá thành trong ngành chăn nuôi cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, có nhiều giải pháp có thể làm ngay như tìm mọi cách giảm giá nguyên liệu đầu vào chăn nuôi (thực phẩm, thuốc thú y...), tiến hành các biện pháp để thực hiện nghiêm vấn đề ATVSTP.
Về trung và dài hạn, việc tổ chức lại sản xuất, chăn nuôi là rất cần thiết. Ở đây, không phải một chốc một lát chúng ta có thể tiến lên chăn nuôi quy mô lớn mà theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, hãy lưu ý tới các giải pháp để kết nối, liên kết các hộ chăn nuôi.
Đồng quan điểm, TS. Đoàn Xuân Trúc, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, liên kết chuỗi sản phẩm là giải pháp quan trọng để bỏ các khâu trung gian, hạ giá thành, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng và ATVSTP, có thể truy xuất nguồn gốc, hạn chế nguy cơ dịch bệnh.
Trên thực tế, khảo sát của Hội Chăn nuôi Việt Nam năm 2014 cho thấy, việc liên kết giữa người chăn nuôi và nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã góp phần hạ giá thành từ 5-8% do bỏ các đại lý cấp 1, 2, 3; liên kết khép kín từ chăn nuôi sản xuất thức ăn chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ có thể hạ giá thành từ 12-15%...
Theo Thời báo Ngân hàng
Mang gà đồi, lợn cắp nách... hội nhập TPP? TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng biện pháp để khắc phục những tồn tại của ngành chăn nuôi cần ưu tiên vào các sản phẩm mang tính đặc sản như gà thả đồi, lợn mán, lợn cắp nách... Ngành chăn nuôi Việt Nam đầu vào đã không tự chủ được và ngày càng bị lấn át bởi các doanh nghiệp từ Trung Quốc,...