Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Brussels
Các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận một loạt ý tưởng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công và kích thích nền kinh tế tại châu Âu.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu họp tại Brussels, Bỉ vào tối 23/5 (giờ địa phương), trong một Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức nhằm nhằm tìm giải pháp để có thể đưa châu Âu thoát khỏi cơn bão tài chính đang hoành hành tại khu vực đồng euro.
Các nhà lãnh đạo châu Âu hy vọng sẽ đạt được sự đồng thuận về giải pháp cho khủng hoảng nợ công hiện nay
Đây là cuộc họp lần thứ 13 của EU tập trung bàn về khủng hoảng kinh tế kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ công hoành hành tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), và là Hội nghị Thượng đỉnh EU đầu tiên mà trong đó Pháp và Đức đề xuất các giải pháp khác nhau.
Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của toàn Eurozone lên tới 11%, còn của Hy Lạp và Tây Ban Nha đều trên 20% và tâm lý nói chung mong muốn có những giải pháp mới để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ thay vì các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” hiện hành, cuộc họp tại Brussels lần này được coi là “một bữa tiệc” của các ý tưởng.
Các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận một loạt ý tưởng nhằm giải quyết hiệu quả hơn cuộc khủng hoảng nợ công và kích thích nền kinh tế tại châu Âu, khuyến khích tăng trưởng và tạo thêm việc làm trên toàn EU, tăng cường vai trò của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), mở rộng thị trường nội khối…
Phát biểu trước khi bắt đầu hội nghị, Thủ tướng Italy Mario Monti bày tỏ hy vọng các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ đạt được sự đồng thuận về một giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay.
“Tôi tin tưởng rằng sẽ có rất nhiều ý tưởng được đưa ra thảo luận tại hội nghị này như vấn đề đầu tư công, trái phiếu đồng euro. Mặc dù một số thành viên hiện chưa quan tâm đến những vấn đề này, nhưng tôi cho rằng bây giờ là lúc chúng ta phải đưa ra nhiều giả thuyết để có thể sớm tìm ra một giải pháp nhận được sự ủng hộ của tất cả các thành viên trong khối. Tại hội nghị này, chúng ta không đưa ra các quyết định cụ thể, nhưng nó có ý nghĩa quan trọng để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh vào cuối tháng 6 tới”, ông Monti nói./.
Theo VOV
Đức, Pháp cam kết hỗ trợ giữ Hy Lạp trong Eurozone
Ngày 21/5, Đức và Pháp - hai nền kinh tế chủ chốt trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), cam kết sẽ làm mọi việc cần thiết để giữ Hy Lạp ở lại Eurozone.
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble và người đồng cấp Pháp Pierre Moscovici tại Berlin. (Ảnh: Getty)
Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc gặp đầu tiên giữa Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble và người đồng cấp Pháp Pierre Moscovici tại Berlin.Bộ trưởng Tài chính Đức khẳng định: "Chúng tôi đã nhất trí sẽ làm tất cả để giữ Hy Lạp ở lại trong câu lạc bộ euro." Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp nhấn mạnh châu Âu phải hỗ trợ thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế ở Hy Lạp vào thời điểm nước này đang trải qua cuộc suy thoái trầm trọng.
Người đứng đầu Bộ Tài chính trong chính phủ mới ở Pháp cũng lưu ý rằng Hy Lạp có vị trí của họ trong Eurozone, và Athens phải tôn trọng những cam kết trước đó và có những cải cách cần thiết để đổi lấy những gói cứu trợ khổng lồ.
Giới quan sát cho rằng tuyên bố trên của các nhà quản lý tài chính cấp cao hai nền kinh tế đầu tàu trong Eurozone không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Hy Lạp, mà cả với khu vực sử dụng đồng euro trong bối cảnh hiện nay. Bởi việc Hy Lạp rút khỏi Eurozone có thể gây ảnh hưởng tiêu cực, tạo "hiệu ứng đôminô" trong Eurozone, giữa lúc một số nền kinh tế trong khu vực này cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự Hy Lạp.
Lãnh đạo một số nước và định chế tài chính quốc tế đặc biệt lo ngại khả năng Hy Lạp rút khỏi Eurozone sau khi mới đây, nước này phải tuyên bố tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn lần hai trong vòng chưa đầy 2 tuần, một sự kiện được đánh giá có thể mang lại chiến thắng cho Liên minh các lực lượng cực tả Syria, lực lượng vốn phản đối những cải cách mà chính quyền Athens trước đó buộc phải thực hiện để nhận được cứu trợ vỡ nợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)./.
Theo TTXVN
"Trung Quốc không có khả năng mua châu Âu" Theo AFP, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo ngày 3/2 cho biết cường quốc châu Á này không có khả năng lẫn ý định "mua châu Âu," trong bối cảnh dư luận quan ngại về việc Trung Quốc gia tăng đầu tư vào các nền kinh tế thuộc khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang gặp khó khăn do...