Hội nghị An ninh Munich: TTK LHQ nhấn mạnh giải pháp ngoại giao cho khủng hoảng
Phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 58 ngày 18/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres đã kêu gọi các bên liên quan cuộc xung đột ở Ukraine có biện pháp giảm leo thang, trong đó nhấn mạnh giải pháp ngoại giao cho căng thẳng hiện nay.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: THX/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn lời ông Guterres nêu rõ: “Tôi kêu gọi tất cả các bên cực kỳ thận trọng với những tuyên bố của mình. Việc thể hiện quan điểm công khai nên hướng tới mục đích giảm căng thẳng chứ không phải đổ thêm dầu vào lửa”. Nhà lãnh đạo LHQ cảnh báo nguy cơ leo thang khôn lường, trong đó mối đe doạ đối với an ninh toàn cầu hiện nay phức tạp và quy mô lớn hơn nhiều so với giai đoạn Chiến tranh Lạnh trước đây. Theo ông, thời điểm Chiến tranh Lạnh có các cơ chế đánh giá rủi ro và các biện pháp phòng ngừa không chính thức, song ngày nay, hầu hết các hệ thống này không còn tồn tại.
Tổng Thư ký Guterres một mặt cho rằng sẽ khó nổ ra xung đột quân sự ở Ukraine, song cũng nêu rõ chiến tranh nếu xảy ra sẽ là “một thảm họa”. Ông đánh giá, thế giới ngày càng phức tạp và nguy hiểm trong những năm gần đây. Trước hết, đó là sự chia rẽ địa chính trị ngày càng mở rộng và sâu sắc hơn, căng thẳng giữa các cường quốc lan sang những nước khác và mối đe dọa khủng bố trên toàn thế giới. Tiếp đó là sự bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng COVID-19. Cuối cùng là thời đại kỹ thuật số ngày càng dễ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng.
Video đang HOT
Trong khi đó, Ngoại trưởng nước chủ nhà Annalena Baerbock đề cập tới cuộc khủng hoảng Ukraine, cảnh báo nguy cơ về một cuộc chiến tranh mới ở châu Âu. Bà cũng một lần nữa lưu ý tới những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị và chiến lược nếu chiến tranh nổ ra ở Ukraine.
Trước đó, Chủ tịch MSC Wolfgang Ischinger đã phát biểu khai mạc hội nghị, đánh giá MSC lần thứ 58 có lẽ là sự kiện “quan trọng nhất” kể từ khi ông dẫn dắt MSC 14 năm qua. Ông đánh giá chưa bao giờ thế giới có nhiều cuộc khủng hoảng cấp bách và nguy hiểm như hiện nay, từ cuộc khủng hoảng Ukraine, tới đại dịch COVID-19, vấn đề Afghanistan, người di cư và tị nạn cũng như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
MSC năm nay diễn ra trong 3 ngày với chương trình nghị sự đặt trọng tâm vào chiến lược của phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine. Tương lai của Liên minh châu Âu (EU) cũng như những đóng góp của “Lục địa Già” nhằm xử lý các cuộc khủng hoảng sẽ được thảo luận trong ngày cuối của hội nghị. Ngoài ra, các vấn đề như chiến lược chống đại dịch COVID-19, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và một số vấn đề ít cấp bách hơn như sự phát triển của đồng tiền điện tử cũng sẽ được thảo luận tại hội nghị.
Do đại dịch COVID-19, hội nghị năm nay được cắt giảm quy mô so với những năm trước, đồng thời đại biểu tham dự phải đảm bảo chặt chẽ các quy định về phòng dịch.
Hội nghị An ninh Munich: Tìm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu
Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 58 ngày 18/2 bắt đầu diễn ra tại khách sạn Bayerischer Hof ở thành phố Munich, thủ phủ bang Bayern, miền Nam nước Đức.
Không giống như năm ngoái phải diễn ra theo hình thức trực tuyến, hội nghị năm nay được tổ chức trực tiếp với sự tham dự của khoảng 600 đại biểu là các các nhà chính trị và chuyên gia hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới.
Toàn cảnh một phiên họp của Hội nghị An ninh Munich ở Đức ngày 16/2/2019. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Hội nghị An ninh Munich - diễn đàn hàng đầu thế giới dành cho các tranh luận về chính sách an ninh quốc tế - năm nay chào đón trên 30 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, khoảng 100 bộ trưởng và quan chức cấp cao cùng rất nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại, an ninh, quốc phòng và kinh tế. Các quan chức cấp cao nhất của các tổ chức quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) cũng tham dự hội nghị.
Theo ban tổ chức, chủ đề chính của MSC năm nay sẽ là cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, bảo vệ khí hậu, nền dân chủ, quy tắc về công nghệ, hồi sinh liên minh xuyên Đại Tây Dương,... đặc biệt là căng thẳng gia tăng ở Đông Âu và tình hình tại một số khu vực xung đột nóng trên thế giới. Tương lai của EU cũng như những đóng góp của "lục địa già" nhằm xử lý các cuộc khủng hoảng sẽ được thảo luận trong ngày cuối của hội nghị. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, vấn đề Ukraine, Nga và NATO sẽ là trọng tâm chính của hội nghị.
Ngoài sự tham gia đã được thông báo trước của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, tại hội nghị năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng sẽ tới tham dự nhằm phối hợp với các đồng minh và đối tác để tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như tìm kiếm cách thức phản ứng thống nhất đối với Nga trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự ở Ukraine. Bên lề hội nghị, Ngoại trưởng Blinken cũng sẽ có các cuộc gặp song phương nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác xuyên Đại Tây Dương.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Đức, ngày 19/2, Ngoại trưởng 7 nước thuộc Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) cũng sẽ tiến hành cuộc gặp để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng sẽ tham dự MSC, trong khi Nga thông báo không tham dự sự kiện này. Do đại dịch COVID-19, hội nghị năm nay được cắt giảm quy mô so với những năm trước, đồng thời đại biểu tham dự phải đảm bảo chặt chẽ các quy định về phòng dịch. Theo Chủ tịch MSC Wolfgang Ischinger, nhiều quan chức Nga phải hủy kế hoạch tham dự MSC do đã tiêm vaccine phòng COVID-19 khác với loại được công nhận ở Đức.
Để đảm bảo an ninh, an toàn cho hội nghị, khoảng 3.500 cảnh sát từ nhiều bang ở Đức đã được huy động và triển khai đều tại các địa điểm quanh khu vực diễn ra hội nghị. Kể từ 6 giờ sáng 18/2 cho tới 17 giờ ngày 20/2, khu vực xung quanh khách sạn Bayerischer Hof sẽ được phong tỏa, chịu sự kiểm soát an ninh nghiêm ngặt. Giao thông đi lại cũng như hệ thống phương tiện công cộng trên toàn thành phố cũng bị ảnh hưởng, bởi sẽ có rất nhiều tuyến đường bị cấm và nhiều đoàn xe hộ tống các quan chức cấp cao ra vào sân bay. Ngoài ra, lệnh cấm vật thể bay cũng được áp đặt với khu vực bán kính rộng 5,5km quanh quảng trường Sendlinger-Tor-Platz.
Lý do Ukraine là 'chiến trường thử nghiệm' cạnh tranh nước lớn Ukraine đang là điểm nóng phản ánh cạnh tranh, đối đầu gay gắt giữa Nga và phương Tây. Mỹ tiếp tục đe dọa sẽ áp trừng phạt hà khắc nhằm vào Nga nếu Moskva có ý định can thiệp quân sự ở Ukraine, điều Điện Kremlin nhiều lần phủ nhận. Binh sĩ Ukraine luyện tập tại một công viên ở thủ đô Kiev...