Hội đồng quản trị của TPBank gồm những ai?
TPBank được thành lập bởi 5 cổ đông lớn là Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji, Tập đoàn FPT, MobiFone, Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare) và Tập đoàn tài chính SBI Ven Holding Pte.Ltd Singapore.
Trong số đó, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji và các cổ đông liên quan nắm giữ 20% cổ phần của TPBank. Doji là công ty do ông Đỗ Minh Phú thành lập và là Chủ tịch HĐQT giai đoạn 1994 – 2018. Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2019, Chủ tịch HĐQT của ngân hàng không được phép làm Chủ tịch HĐQT ở một tổ chức kinh tế khác.
Do đó, ông Đỗ Minh Phú đã lựa chọn làm Chủ tịch HĐQT tại TPBank, vị trí ông đảm nhiệm từ năm 2012 đến nay, đồng thời rút lui khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT của Doji kể từ năm 2019. Tuy nhiên, sau khi rời ghế Chủ tịch HĐQT Doji theo cách “kỹ thuật”, ông Phú đảm nhiệm vai trò Chủ tịch “Hội đồng sáng lập” tại tập đoàn này.
Theo giới thiệu của TPBank, Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú là cử nhân Đại học Bách Khoa Hà Nội, khoa Vô tuyến Điện tử. Ông Phú hiện đảm nhiệm vai trò Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam; Phó chủ tịch Hội doanh nhân Tư nhân Việt Nam; Phó chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Mỹ.
Ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch HĐQT TPBank. Ảnh: TPBank.
Ngoài Chủ tịch Đỗ Minh Phú, Hội đồng quản trị TPBank gồm có các thành viên sau:
Ông Đỗ Anh Tú – Phó chủ tịch HĐQT
Ông Đỗ Anh Tú là em trai của Chủ tịch Đỗ Minh Phú. Trước khi gia nhập TPBank, ông Tú được biết đến là người khởi nghiệp và thành công với thương hiệu băng vệ sinh Diana.
Hiện ông Tú đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty CP Diana sau khi công ty này được mua lại bởi Tập đoàn Unicharm, Nhật Bản.
Ông Tú được biết đến là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản trị thương hiệu và marketing. Ông từng được nhận Bằng khen của Thống đốc NHNN năm 2013 cho những thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015″.
Ông Tú đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ tại Đại học Kỹ thuật Praha, Cộng hòa Séc.
Ông Đỗ Anh Tú theo giới thiệu của TPBank.
Ông Lê Quang Tiến – Phó Chủ tịch HĐQT
Ông Lê Quang Tiến là một trong những sáng lập viên và là Chủ tịch HĐQT đầu tiên của TPBank. Hiện ông Tiến đồng thời là thành viên Hội đồng sáng lập FPT.
Video đang HOT
Năm 2013, ông Tiến cũng được nhận bằng khen của Thống đốc NHNN cho những thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015″.
Ông Tiến tốt nghiệp khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp Kishinev State University và khoa Quản trị kinh doanh cao cấp tại Đại học Amos Tuck (Hoa Kỳ).
Gần đây ông Tiến không còn xuất hiện thường xuyên trên mạng xã hội Facebook. Trước đó, ông được cộng đồng mạng yêu mến với những câu chuyện kể dí dỏm dưới những cái tên như: “M.T”, “M.C”, “N.V.B”.
Ông Lê Quang Tiến theo giới thiệu của TPBank.
Ông Shuzo Shikata - Phó chủ tịch HĐQT
Ông Shuzo Shikata hiện giữ chức vụ Trưởng phòng Phát triển kinh doanh dịch vụ tài chính nước ngoài của Tập đoàn SBI Holding, Inc và đồng thời đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT của công ty cổ phần quản lý quỹ FPT.
Ông Shuzo Shikata tốt nghiệp cử nhân Kinh Tế, Trường Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản.
Ông Shuzo Shikata theo giới thiệu của TPBank.
Bà Nguyễn Thu Hà – Thành viên Hội đồng Quản trị
Trước khi về TPBank, bà Nguyễn Thu Hà từng đảm nhận các vị trí quan trọng như: Phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Chủ tịch Công ty chứng khoán Vietcombank, Chủ tịch Hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam thuộc Hiệp hội ngân hàng Việt Nam.
Bà Nguyễn Thu Hà là Thạc sỹ Quản trị kinh doanh – Đại học Georgetown, Washington DC, Hoa Kỳ.
Bà Nguyễn Thu Hà theo giới thiệu của TPBank.
Bà Đỗ Thị Nhung – Thành viên HĐQT
Trước khi gia nhập TPBank, bà Đỗ Thị Nhung từng đảm nhiệm chức vụ Phó vụ trưởng- Vụ Chính sách tiền tệ – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bà Đỗ Thị Nhung là cử nhân kinh tế Học viện Ngân hàng.
Bà Đỗ Thị Nhung theo giới thiệu của TPBank.
Ông Phạm Công Tứ – Thành viên HĐQT
Ông Phạm Công Tứ được giới thiệu là một chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm. Hiện nay, ông Phạm Công Tứ đang là Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam – Vinare.
Ông Tứ là thạc sỹ Quản trị kinh doanh, Học viện Kinh doanh, Vương quốc Bỉ và cử nhân Tài chính – kế toán, Đại học Tài chính Kế toán, Hà Nội.
Ông Phạm Công Tứ theo giới thiệu của TPBank.
Ông Eichiro So – Thành viên HĐQT
Ông Eichiro So hiện đang là Giám đốc đại diện của Công ty TNHH Chứng khoán Trực tuyến SBI Thai.
Ông Eichiro So tốt nghiệp thạc sỹ kinh doanh của Trường Đại học Hitotsubashi.
Ông Eichiro So theo giới thiệu của TPBank.
Hội đồng quản trị TPBank. Nguồn: Báo cáo quản trị năm 2018.
TPBank là một trong số ít ngân hàng có Tổng giám đốc không phải là thành viên HĐQT. Ông Nguyễn Hưng được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc TPBank từ tháng 07/2012. Ông Nguyễn Hưng tốt nghiệp Học viện Ngân hàng và là thạc sĩ Quản trị kinh doanh chuyên ngành Thương mại điện tử, North Central University, Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Hưng từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quản lý chủ chốt như: Tổng giám đốc VPBank từ 04/2009 đến 06/2012, giữ nhiều chức vụ quản lý tại Techcombank trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2009.
Ngân Giang
Theo Infonet.vn
Ngân hàng nào đang miễn phí rút tiền mặt ATM?
Nhiều ngân hàng đang bước vào cuộc đua giảm giá hoặc miễn phí rút tiền tại ATM. Mới nhất, TPBank miễn phí rút tiền ATM ngoài hệ thống và Vietcombank giảm 500 đồng/giao dịch.
Liên tiếp các ngân hàng lớn nhỏ gia nhập cuộc đua giảm phí giao dịch cho khách hàng với các chiến lược khác nhau. Với nhiều động thái mới từ các nhà băng, mặt bằng phí chuyển khoản, rút tiền mặt ATM trên thị trường đã thay đổi.
Đua nhau miễn, giảm phí
Mới đây nhất, Vietcombank đã cập nhật thay đổi biểu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa (thẻ ATM) với thay đổi lớn nhất là việc giảm phí rút tiền mặt tại các điểm ATM ngoài hệ thống của ngân hàng.
Theo đó, mức phí nhà băng này áp dụng trước đó với giao dịch rút tiền tại ATM trong hệ thống là 1.100 đồng (đã bao gồm VAT) và 3.300 đồng khi rút tiền tại ATM của ngân hàng khác.
Tuy nhiên, từ ngày 15/11 đến hết năm 2020, mức phí rút tiền mặt ATM ngoài hệ thống của nhà băng này sẽ giảm còn là 2.750 đồng (đã bao gồm VAT), tương đương mức giảm 500 đồng. Đây là lần hiếm hoi nhà băng này giảm phí giao dịch thẻ cho các khách hàng của mình. Với việc chiếm 19% thị phần thẻ ghi nợ nội địa sẽ có hàng triệu khách hàng của ngân hàng này được giảm phí.
Hàng triệu khách hàng của Vietcombank sẽ được giảm phí rút tiền mặt ATM ngoài hệ thống. Ảnh: Nguyễn Đăng.
Không chỉ Vietcombank, Hong Leong Bank Việt Nam mới đây cũng đã tuyên bố miễn phí chuyển khoản ngoài hệ thống tại máy ATM cho các khách hàng không ưu tiên (trước đó thu phí 5.000 đồng/giao dịch).
Thậm chí, TPBank vừa qua cũng áp dụng miễn toàn bộ phí cho khách hàng chuyển tiền qua ứng dụng Internet banking. Ngoài ra, ngân hàng này cũng miễn phí rút tiền mặt tại ATM của hầu hết ngân hàng tại Việt Nam (trừ HSBC, Standard Chartered, Ngân hàng liên doanh Việt - Nga).
NamABank cũng cho miễn phí rút tiền, chuyển tiền và một số loại phí dịch vụ khác cho khách hàng mở tài khoản thanh toán và giao dịch tại ngân hàng hiện tại.
Những ngân hàng miễn phí rút tiền mặt ATM
Với việc TPBank miễn toàn bộ phí rút tiền mặt ATM ngoài hệ thống và Vietcombank giảm 500 đồng/giao dịch, mặt bằng phí rút tiền mặt ATM đã thay đổi.
Theo thống kê tại hơn 30 ngân hàng thương mại hiện nay, không nhiều ngân hàng miễn toàn bộ phí rút tiền mặt ATM trong và ngoài hệ thống.
Với giao dịch rút tiền mặt ATM trong hệ thống ngân hàng, hầu hết nhà băng đều miễn phí cho khách hàng nhưng vẫn có một số thu phí, phổ biến khoảng 1.100 đồng/giao dịch như Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Eximbank...
Trong đó, BaoVietBank, CBBank, DongABank, GPBank, Kienlongbank, PGBank, Saigonbank và TPBank là những ngân hàng miễn phí gần như toàn bộ hai giao dịch này (trừ rút tiền tại các ATM các ngân hàng nằm ngoài liên minh NAPAS).
Ngược lại, với các giao dịch rút tiền mặt tại ATM của ngân hàng khác hệ thống, đa số các ngân hàng đều đang niêm yết ở mức phí cao nhất là 3.300 đồng/giao dịch đã bao gồm VAT.
Quang Thắng
Theo Zing.vn
Nhiều 'ông lớn' ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động: Phía sau là gì? "Ông lớn" Vietcombank giảm lãi suất huy động tới 0,2 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1, 3 và 6 tháng, xuống từ 4,3%/năm đến 5,3%/năm. Vietinbank cũng ghi nhận mức giảm tương tự Vietcombank, riêng kỳ hạn 12 tháng giảm từ 7% xuống 6,8%/năm, kỳ hạn 36 tháng giảm từ 6,9% xuống 6,8%/năm. Bắc Á là nhà băng giảm mạnh nhất tới...