Hội đồng bảo an Liên hợp quốc họp khẩn về Ukraine
Trong sáng 22/2 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tiến hành phiên họp khẩn cấp về vấn đề Ukraine, sau khi Nga chính thức công nhận nền độc lập của 2 nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở Donbass (miền Đông Ukraine) và triển khai quân đội đến hai khu vực này.
Toàn cảnh một cuộc họp HĐBA LHQ tại New York, Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, cuộc họp diễn ra trong bầu không khí khá căng thẳng. Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Rosemary DiCarlo bày tỏ lấy làm tiếc về việc Nga triển khai quân đội tại miền Đông Ukraine, đồng thời kêu gọi các bên cần ngăn ngừa xung đột bằng mọi giá. Tương tự, đại diện của Trung Quốc tại LHQ đã kêu gọi tất cả các bên cùng kiềm chế, hướng tới các nỗ lực ngoại giao và tránh các hành động làm leo thang căng thẳng.
Trong khi đó, Đại sứ Linda Thomas-Greenfield, trưởng phái đoàn thường trực của Mỹ tại LHQ, đã chỉ trích động thái trên của Nga. Trước thềm cuộc họp, bà Thomas-Greenfield cũng đã ra thông cáo nhấn mạnh rằng HĐBA LHQ cần phải yêu cầu Moskva tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, một quốc gia thành viên LHQ. Phía Mỹ cho biết sẽ đưa ra lệnh trừng phạt đối với Nga trong ngày 22/2.
Video đang HOT
Đa số giới ngoại giao tại LHQ cho rằng động thái của Nga đã “vi phạm luật pháp quốc tế” và đặt dấu chấm hết cho kế hoạch mang lại hòa bình cho cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine vốn đã rất mong manh. Cộng đồng quốc tế giờ đây chỉ có thể hy vọng với vai trò dẫn dắt của HĐBA LHQ, các bên liên quan sẽ kiềm chế tối đa, tìm kiếm giải pháp thông qua con đường ngoại giao, không để chiến tranh xảy ra và hàng triệu người dân vô tội sẽ lại rơi vào cuộc khủng hoảng không có hồi kết.
Tại cuộc họp, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cho rằng các cường quốc phương Tây cần “suy nghĩ thấu đáo” và không làm nghiêm trọng hóa tình hình. Ông khẳng định Moskva luôn “sẵn sàng tìm kiếm giải pháp ngoại giao” cho những căng thẳng hiện nay. Trong bối cảnh nhiều nước tại HĐBA LHQ đánh giá việc Nga đưa quân tới Luhansk ở Donbass là nhằm mở đường cho kế hoạch chiếm đóng Ukraine, Moskva nêu rõ hành động này là nhằm mục đích gìn giữ hòa bình, bảo vệ hàng trăm nghìn công dân được cấp hộ chiếu Nga đang sinh sống tại đây.
Về phần mình, Đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya khẳng định biên giới của quốc gia này không thay đổi, bất kể Nga có hành động gì.
Trong một tuyên bố sáng 22/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cáo buộc Moskva đã hủy hoại các nỗ lực hòa bình, đồng thời nhấn mạnh nước này sẽ không có bất cứ nhượng bộ nào về lãnh thổ. Ông Zelenskiy khẳng định Ukraine vẫn cam kết tiến hành các nỗ lực hòa bình và ngoại giao sau khi Nga chính thức công nhận 2 nước công hòa tự xưng trên. Mặc dù vậy, ông cũng nhấn mạnh Kiev đang mong đợi những bước đi “rõ ràng và hiệu quả” từ các nước đồng minh liên quan quyết định trên của Nga, đồng thời kêu gọi tiến hành một cuộc họp khẩn giữa các nhà lãnh đạo Ukraine, Nga, Đức và Pháp về vấn đề này.
Tổng thư ký LHQ phản đối Nga công nhận hai nước cộng hòa tự xưng ở Ukraine
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã chỉ trích Nga công nhận hai nước cộng hòa tự xưng ở miền đông Ukraine, coi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Ukraine.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: Xinhua
"Tổng thư ký Liên hợp quốc xem quyết định của Liên bang Nga là vi phạm thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, không phù hợp với các nguyên tắc trong Hiến chương của Liên hợp quốc", ông Antonio Guterres nêu quan điểm trong tuyên bố được đưa ra ngày 21/2.
Người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột ở miền đông Ukraine, phù hợp với Thỏa thuận Minsk, theo tinh thần Nghị quyết số 2202 (năm 2015) của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Trước đó, sau cuộc họp bất thường của Hội đồng An ninh Nga đêm 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đã ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine. Tổng thống Putin yêu cầu chấm dứt ngay lập tức hành động chiến sự ở khu vực Donbass, nhấn mạnh rằng trong trường hợp ngược lại, mọi trách nhiệm liên quan đến chiến sự đổ máu có thể diễn ra đều thuộc về Kiev.
Phương Tây ngay lập tức cũng tung ra biện pháp đáp trả. Chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các hai nhà nước tự xưng mới được Nga công nhận ở miền Đông Ukraine và cảnh báo sẽ sẵn sàng siết chặt cấm vận.
Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho hay Đức, Pháp và Mỹ đã đồng ý đáp trả động thái của Nga nhưng không tiết lộ biện pháp trừng phạt. Ông Scholz đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden sau tuyên bố của ông Putin.
Trái lại, Tổng thống Nicaragua lại ủng hộ ông Putin. Tổng thống Ortega tin rằng hậu quả của cuộc đối đầu giữa lực lượng chính phủ Ukraine và các lực lượng đòi độc lập tại Donbass sẽ diễn biến xấu hơn nếu Nga không hành động.
Theo Tổng thống Ortega, văn bản công nhận mang tính lịch sử do người đồng cấp Nga đặt bút ký ngày 21/2 sẽ giúp tránh được tình trạng giao tranh leo thang tại miền Đông Ukraine, cũng như là vì mục đích ổn định an ninh trong khu vực.
Tổng thống Nicaragua cũng nói rằng người dân của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk có thể tổ chức trưng cầu dân ý để bỏ phiếu quyết định về việc sáp nhập vùng đất nơi họ sống vào Nga. Trên sóng truyền hình quốc gia, ông Daniel Ortega tuyên bố hoàn toàn ủng hộ việc Donetsk và Lugansk sáp nhập Nga.
HĐBA LHQ sẽ phiên họp đặc biệt về tình hình tại Afghanistan Theo hãng tin Sputniks, Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt về tình hình tại Afghanistan với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. Theo kế hoạch, cuộc họp diễn ra vào lúc 10h00 ngày 16/8 (giờ New York), tức 21h00 cùng...