Hội chứng ‘chế Đôrêmon’ của giới trẻ có nguy hiểm?
Nhiều bạn trẻ bỏ không ít thời gian cho việc chế truyện tranh Đôrêmon với nội dung hết sức… nhảm nhí, phản cảm và Facebook là nơi để họ thể hiện “tài năng”.
Lập hội chế Đôrêmon
Cũng hình ảnh các nhân vật thân thuộc là Đôrêmon, Nôbita, Xuka, Chaien, Xêkô và bối cảnh của truyện tranh này, nhưng thay vì những nội dung lôi cuốn, hấp dẫn và đậm tính giáo dục thì ở Đôrêmon chế, nhiều “tác giả trẻ” đã lồng vào đó câu từ hoàn toàn khác hẳn. Có khi là những câu nói cho vui như: “Có thể cưỡng lại được mọi thứ trừ sự cám dỗ”, “Muốn không bị cám dỗ thì phải tự… sa ngã”, “Đã lì mà còn ra vẻ có lý”, “Một khi đã ra đi thì không trở lại, mà khi đã trở lại là phải có… âm mưu”, “Nếu bạn khóc hãy gọi cho tôi, tôi không hứa sẽ làm cho bạn cười nhưng tôi hứa sẽ… cười vào mặt bạn”, “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện đang ngồi hát vu vơ, khuôn mặt rất ngây thơ và giả vờ không nghe máy”, “Đừng thấy ta cười mà tưởng ta là bạn, ta cười vì sắp có án mạng xảy ra”…
Họ trích câu nói của những nhân vật nổi tiếng có “cải biên” như: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi… mệt lắm rồi” (có hơn 160 lượt người thích). Rồi chế cả những khẩu hiệu như: “Vì tương lai con em chúng ta, mặc kệ con em chúng nó”. Không bỏ qua cả ca dao, tục ngữ: “Có chí thì nên… gội đầu”, “Lời hứa chẳng mất tiền mua, thôi thì cứ hứa cho vừa lòng nhau”, “Khôn ba năm dại một giờ, thôi thì dại trước khỏi chờ ba năm”. Thậm chí nhiều bạn trẻ còn tự “đúc” ra châm ngôn: “ Học hành thì ấm vào thân. Đi ngủ thì ấm từ chân đến đầu”, “ Sức khỏe là vô giá, vàng bạc mới có giá”…
Các “nhà chế” đã vô tư lồng khẩu hiệu vào “phát ngôn” của những nhân vật trong truyện, cực kỳ phản cảm: “Hãy yêu có ý thức, đừng để mẹ bạn phải làm bà nội sớm!” (được 120 bạn “thích” và có trên 150 lời bình luận). Và với “chế” thì tình yêu cũng là đề tài muôn thuở: “Người ta mất 3 giây để nói tiếng yêu, 3 giờ để giải thích, 3 ngày để được chấp nhận và cả đời để… ân hận”, “Ngàn lời anh nói không bằng làn khói xe tay ga, ngàn lời thầy khuyên không bằng lời động viên của bạn gái”, “Đừng gây thương nhớ rồi bỏ bê mà hãy gây mê rồi bỏ trốn”, “Ngừng ăn chơi dành tiền cưới vợ, để về già có đứa gánh nợ chung”.
Đặc biệt, những vấn đề thời sự, xã hội nóng sốt luôn là tâm điểm chú ý: “Giang hồ hiểm ác anh không sợ. Chỉ sợ xăng tăng giá bất ngờ”, “The Voice có thể chia thành 5 phần: Giấu mặt, đối mặt, vạch mặt, vỡ mặt, xấu mặt” (không hiểu vì lý do gì nhận được đến 1.600 lượt thích và trên 700 lượt chia sẻ), “Các nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân của vụ cháy xe hàng loạt là do… lửa” (200 lượt thích).
Chưa kể việc chế cả bài hát rồi biến các nhân vật trong truyện thành “ca sĩ” thể hiện với những câu từ như thế này: “Xa bia mới ban chiều thế mà lòng sao buồn hiu, nhớ bia nhiều. Muốn được ở bên thùng bia để uống cho nhiều, là sao ta? Nói chung là bia đó, mà đó có phải là bia không, mà sao vắng bia lại thèm. Không được ở bên bia lòng buồn vu vơ, mong sao cho hai ta nhậu hoài không say”… (ca khúc Vọng cổ teen).
Video đang HOT
Một số bạn trẻ ấn tượng với Đôrêmon chế nhưng chỉ để vui và quên ngay sau đó. Song cũng có người cảm thấy “khó chấp nhận”. Chu Minh Phú (sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) đánh giá: “Xem cái này cũng giống như đọc truyện cười, tuy nhiên có rất nhiều nội dung nhảm và phản cảm, cần phải chọn lọc. Sinh viên ngoài thời gian học cần có nhiều hình thức giải trí phù hợp, đừng nên đốt nhiều thời gian đọc, xem hoặc tự chế những thứ như thế”. Anh Phạm Thanh Tân (Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) lý giải, hầu hết các nhân vật trong truyện Đôrêmon đều quen thuộc với giới trẻ ngay từ thuở nhỏ cho nên những cái gì là lạ liên quan đến chúng đều gây thu hút. Nhiều bạn chọn Đôrêmon chế để cập nhật tình hình mới thông qua góc nhìn vui nhộn, dí dỏm. Cũng không phủ nhận số khác thích chế để “câu” sự thu hút của cộng đồng, muốn thể hiện bản thân. Nhưng thực tế, việc chế truyện tranh nước ngoài đã là vi phạm bản quyền, chưa nói một số nội dung trong đó còn phản cảm, làm biến chất, mất đi hình ảnh đẹp của nhân vật, điều này cần phải tránh.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín (Trưởng bộ môn Việt Nam học,Trường ĐH Tôn Đức Thắng) cũng nhìn nhận, hiện tượng chế truyện Đôrêmon trong giới trẻ hiện nay ở một khía cạnh nào đó phản ánh tính sáng tạo và linh hoạt hóa của các bạn trẻ Việt. Sáng tạo ở chỗ người trẻ biết tận dụng những giá trị sẵn có của nhân loại (sự phổ biến của truyện Đôrêmon – “tài sản chung” của thế giới) để “cách tân” và chế biến theo lối nghĩ của họ. Và linh hoạt ở chỗ họ biến tấu rất nhanh các câu chuyện theo khuynh hướng hóm hỉnh, “ngôn ngữ @” dí dỏm. Tuy nhiên, sự linh hoạt quá mức thường dẫn đến tùy tiện và làm mất đi vẻ đẹp vốn có.
Theo ThS. Tín, nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu về sự phát sinh những ngôn ngữ hay cách diễn đạt mới thời hiện đại. Đây cũng là quy luật tất yếu của sự vận động ngôn ngữ, theo khuynh hướng đề cao cá nhân, tự thể hiện mình của văn hóa phương Tây mà đang ngày càng ảnh hưởng khá mạnh tới giới trẻ. Song, có lẽ đó cũng là mặt trái của Facebook hiện nay, giới trẻ tìm mọi cách để thu hút bằng kiểu gây sốc, tò mò, hiếu kỳ.
Việc này nhỏ nhưng tác động lớn, về lâu dài sẽ ảnh hưởng không ít đến tư duy của chính giới trẻ. Họ sẽ có khuynh hướng, thói quen nhìn xã hội ở khía cạnh hài hước, thiếu sự nghiêm túc. Họ rất tự tin khi nói những lời vui tươi hóm hỉnh (mà thiếu trí tuệ) nhưng không thể hiện được mình khi gặp phải vấn đề cần nghiêm túc. Lâu dần các bạn trẻ có thể bị quên mất “bản gốc”, chỉ nhớ “bản chế” và dĩ nhiên sẽ dẫn đến thay đổi giá trị nhận thức. Giá như tâm huyết và thời gian ấy, các bạn trẻ dành cho các công trình hoặc chọn lọc những câu từ thanh thoát của cha ông mang lại giá trị nhân văn, lợi ích cho cộng đồng xã hội thì hay biết mấy” – ThS. Tín bày tỏ. Anh Phạm Thanh Tân cũng cho rằng, các bạn trẻ nên sử dụng óc sáng tạo của mình vào những việc có lợi thay vì dành nó để chế ra những cái gây mất thiện cảm, vô ích.
Theo Tiin
Thủy điện Bình Điền: "Lợi bất cập hại"
Ngày 25/10, Nhóm tư vấn đánh giá tác động môi trường và xã hội thuộc Liên hiệp Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh TT-Huế tổ chức hội thảo "Đánh giá môi trường thủy điện Bình Điền sau hơn 3 năm hoạt động"
Công trình Thuỷ điện Bình Điền được khởi công xây dựng ngày 29/01/2005 tại xã Bình Điền, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế và đưa vào tích nước ngày 01/08/2008, hòa lưới điện quốc gia ngày 20/05/2009. Đây là công trình thủy điện cấp II với công suất lắp máy là 48 MW, điện lượng trung bình hàng năm là 179,884 triệu kWh/năm, tạo dung tích hữu ích hồ chứa 344,4 triệu m3 nước để tạo nguồn phát điện.
Được xem là công trình thủy điện trọng điểm nhất tại tỉnh TT-Huế, sau 3 năm hoạt động, ngoài 2 tác động tích cực do thủy điện này là: bổ sung một lượng điện đáng kể cho lưới điện Quốc gia 553 triệu kW, trung bình mỗi năm TĐ BĐ sản xuất 181 triệu kW điện Cắt lũ tiểu mãn, giảm lũ chính vụ cho vùng hạ du (thủy điện này có dung tích phòng lũ 70 triệu m3, số lượng lụt tiểu mãn từ năm 2009 đến nay không còn nữa cũng như các cơn lụt giảm so với những năm từ 2009 trở về trước đó).
Hội thảo đã nêu ra nhiều điểm hay về mặt tích cực, tiêu cực tại thủy điện trọng điểm của tỉnh TT-Huế.
Nhiều tác động tiêu cực khác được nêu ra bên cạnh 2 tác động tích cực là: ảnh hưởng đến giá nước sinh hoạt (thủy điện đã làm độ đục tại sông Hương tăng nhanh, dẫn đến các đường ống dẫn nước bị hư hại nên Công ty Cấp thoát nước TT-Huế phải đầu tư để súc rữa đường ống và tốn rất nhiều kinh phí trong việc xử lý nước cấp cho tiêu thụ với hơn 5,1 tỷ đồng đầu tư năm 2009)
Nguồn cung cấp cát sỏi xây dựng cũng giảm rất nhiều. Theo kết quả khảo sát 30 hộ gia đình khai thác cát sạn trên sông Hương ở xã Hương Hồ và Hương Thọ cùng với kết quả thảo luận nhóm những người khai thác cát sạn trên sông Hương cho thấy, hiện nay lượng cát sạn đã giảm đến 50 % so với thời điểm trước năm 2009. Những người này cho hay, trước đây việc khai thác cát sạn trên sông Hương có thể thực hiện bất cứ đâu cũng có, nhưng kể từ khi có đập thủy điện, lượng cát giảm hẳn. Do đó, theo thời gian, việc khai thác cát sạn của họ phải di chuyển dần lên phía thượng nguồn.
Thủy sinh vật và nghề cá cũng bị ảnh hưởng lớn. Lượng rong trên sông Hương đã giảm hơn 90 % so với thời điểm những năm trước năm 2009. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do lượng dinh dưỡng cung cấp cho rong giảm và nhiệt độ nước sông Hương bị lạnh vào mùa hè. Do rong có vai trò chính đối với sự sinh trưởng và phát triển của các loài tôm cá là bãi đẻ, nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn của các loài tôm cá. Nên khi rong giảm đã. Vì vậy, khi trữ lượng rong bị giảm đã tác động tiêu cực đến tôm cá trên sông Hương.
Đồng thời, thủy điện đã ngăn chặn đường di chuyển của một số loài như cá chình. Địa mạo lòng sông bị thu hẹp. Một số loài gần như biến mất như cá mõm, cá bọp, cá láu vảy và một số loài cá có giá trị kinh tế cao như cá Xanh, cá Lấu, cá Chình đã giảm đi hơn 90 % so với trước đây.
Nhiều yếu tố ảnh hưởng không tốt đến môi trường tự nhiên và xã hội do thủy điện này gây ra đặt một câu hỏi cho các cơ quan chức năng cần phải xem xét sau này
Các hộ nuôi trồng thủy sản trên sông Hương bị thiệt hại nặng nề. Hiện tượng cá chết hàng loạt, các lồng nuôi cá được làm củi đốt vì nuôi cá đã không còn hiệu quả. Tại thôn Thọ Khương và Ngọc Hồ thuộc phường Hương Hồ, tổng cộng có 80 lồng nuôi cá, ếch nhưng sau 2009 chỉ còn 4 lồng với 3 hộ nuôi, 7 lồng đang bỏ trống, còn những lồng khác người dân đã làm củi đun hoặc để trôi trên sông Hương. Các lồng còn nuôi cá cũng bị giảm sản lượng đáng kể với từ hơn 500 con/lồng trước đây còn chỉ 60-70 con/lồng. Theo người dân, từ khi có đập thủy điện, việc nuôi cá trở nên khó khăn hơn, cá chết nhiều hơn. Nguyên nhân là do nguồn nước sông bị ô nhiễm do vệ sinh lòng hồ thủy điện không tốt. Trong năm đầu tiên thủy điện Bình Điền vận hành (2009 - 2010), hầu hết các thủy sản được nuôi trên sông Hương đều bị chết hoàn toàn. Còn những năm tiếp theo thì cá thường chết vào mùa hè.
Bên cạnh đó, yếu tố xã hội xung quanh hồ thủy điện cũng bị biến đổi nghiêm trọng. Phần lớn các cộng đồng tái định cư ở khu vực nghiên cứu luôn bị rơi vào tình trạng thiếu việc làm, đất sản xuất vừa thiếu vừa kém chất lượng, thiếu nước cho cả sinh hoạt và canh tác, nghĩa là điều kiện sinh kế không bảo đảm.
Các giá trị văn hóa dân tộc bị mai một dần, nghĩa là đời sống tinh thần ngàn đời của họ gần như bị "tước đoạt" bởi sự tất trách, vô cảm của các chủ đầu tư và cuối cùng là nguy cơ bị lề hóa khỏi quá trình phát triển... Những bất cập này không chỉ là hiện tượng đơn lẻ ở một vài khu tái định cư thủy điện - thủy lợi ở thị xã Hương Trà mà là tình trạng phổ biến chung của hầu hết các dự án di dân tái định cư thủy điện trong Tỉnh.
Mặc dù cũng có nhiều cư dân tái định cư nhận được số tiền đền bù giải tỏa không hề nhỏ (có hộ đã nhận được tiền đền bù đến 500 triệu đồng) nhưng do không biết cách tính toán làm ăn, không có sự hướng dẫn cách sử dụng đồng tiền sao cho có hiệu quả nên "tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống", nghèo khổ vẫn hoàn nghèo khổ.
Theo Dantri
PGS Văn Như Cương răn học trò 'không lên mạng câu giờ' Trong thư gửi học sinh ngày khai trường, PGS Văn Như Cương nhắc nhở các em: "Hãy biết tiết kiệm thời gian, đừng gọi điện thoại quá nhiều, nhắn tin vô bổ, không đàn đúm bê tha, không bàn luận những điều nhảm nhí...". Trao đổi với VnExpress.net, thầy giáo Văn Như Cương cho biết, hiện nay, có một số học sinh không...