Hồi âm bài báo “Ông trùm oai hùng không cứu được mẹ vợ thoát tù”
Báo Đời sống và Pháp luật đã đăng bài viết: “Ông trùm oai hùng không cứu được mẹ vợ thoát tù”. Sau khi báo đăng tải, bà Lương Thị Trang đến báo phản ánh về một số nội dung của bài báo và cung cấp thêm cho độc giả những thông tin khác về bà.
Khánh “trắng” cưới chui con gái tôi
Bà Trang cho biết: “Tôi có sáu người con gái mà một cậu con trai. Khi con còn nhỏ, chồng tôi bị bệnh nặng, một tay tôi chăm lo cho 7 đứa con nên người. Tôi làm đủ nghề, từ hàng ở chợ ô Chợ Dừa cho đến khi có vốn chuyển sang kinh doanh bất động sản. Tôi làm rất nhiều nghề để kiếm tiền lo cho các con.”
“Điều đầu tiên, tôi muốn nói là mình không phải là mẹ vợ của Khánh “trắng”, tức “ông trùm” Dương Văn Khánh, nguyên Chủ tịch Nghiệp đoàn bốc xếp chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Bởi tôi là người lên tiếng phản đối gay gắt nhất cuộc tình của con gái tôi – Đinh Thị H. và hắn.
Năm 1990, Khánh “trắng” vừa đi trả án về, lúc đó hắn đã có vợ và hai đứa con. Khi hắn đi tù, vợ cả của hắn đã bỏ đi theo một gã đàn ông ở phố Hàng Da (Hà Nội). Lúc đó, Khánh đã tìm đến và muốn cưới con gái tôi. Đã rất nhiều lần tôi đứng ra ngăn cản con gái mình không giao du với những kẻ lưu manh, “dân xã hội” như Khánh.
Bà Lương Thị Trang.
Thế nhưng, vào một ngày giữa năm 1990, tôi có việc phải vào Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh) thăm người bà con thì ở nhà, Khánh “trắng” tổ chức đám cưới chui với con gái tôi. Theo lịch, ngày 23 âm tôi về thì chúng tổ chức đám cưới chui vào ngày 20 âm. Chúng phải cưới chui, vì biết rằng, nếu tôi ở nhà thì chắc chắn sẽ ngăn cản đám cưới này đến cùng. Chúng nó cưới được 3 ngày thì tôi về Hà Nội. Về đến nơi, tôi cảm thấy ngỡ ngàng, nhà của mình lại có cỗ bàn còn sót lại. Tôi còn nhớ, đám cưới còn thừa đến 20 mâm cỗ.
Video đang HOT
Vì không có tôi, bạn bè tôi không đến ăn cỗ. Tôi hỏi con gái cả thì biết rằng, đó là đám cưới của cái H. với Khánh “trắng”. Lúc ấy tôi cảm thấy sốc, đầu óc tôi choáng váng như vừa tiếng sét đánh ngang tai. Tuy nhiên, đám cưới đã xảy ra, tôi còn làm gì được nữa. Khi đó, tôi đã khóc rất nhiều. Tôi hận con gái và hắn lắm. Tôi quyết định từ mặt con gái mình”, bà Trang bộc bạch. Chúng tôi hỏi: “Chị H. và Khánh “trắng” có đăng ký kết hôn không?” Bà Trang bảo rằng: “Hình như không, chắc là không”.
Bà Trang kể tiếp: “Từ khi chúng nó làm đám cưới chui, tôi “cấm cửa” con H., Khánh “trắng” thì tôi tuyên bố không được bước chân vào nhà tôi. Tôi tuyên bố thế nào thì làm thế. Năm 1991, con H. trở dạ chờ sinh, nằm ở bệnh viện Phụ sản TW ba ngày, tôi không đến thăm vì vẫn còn hận con. Thấy con H. vật vã vì đau nhiều ngày mà chưa sinh được, các con tôi nói với tôi, mẹ hãy tha thứ cho H., đến viện thăm em nó… Tuy nhiên, vì đã từ mặt vợ chồng nó nên tôi quyết không đến.
Thế rồi, em gái ruột đến động viên rất nhiều, tôi mới đến thăm viện thăm con H. Như thế là mấy năm mẹ con tôi mới nhìn thấy mặt nhau. Lên đến nơi, tôi động viên con cố gắng đẻ thường nhưng cũng nói thẳng là tôi còn hận lắm, vì con lại lấy lưu manh, lấy “xã hội đen” làm chồng. Tôi bảo con H., lúc đau cứ gọi tên mẹ, sẽ sinh nhanh hơn. Tôi cờ bạc nhưng lại rất tin vào thuyết nhân quả của nhà Phật”.
Tôi đánh bạc bằng tiền của mình chứ không lừa đảo ai
Trải lòng về nguyên nhân dẫn đến chơi bạc của mình, bà Trang không giấu giếm, kể với PV: “Đang buôn bán, làm ăn phát đạt, tôi chơi bạc vì có nỗi buồn riêng. Nỗi buồn liên quan đến người chồng trước của tôi.
Năm 1977, khi chồng cũ của tôi còn sống, có chơi chắn ăn tiền bị công an bắt giữ. Lúc đó tôi đang chửa đứa con út, tôi rất lo vì chồng tôi bị bệnh nên ra tòa tôi nhận tội thay để ông ấy ở nhà chữa bệnh. Và may mắn là tôi chỉ bị xử 6 tháng án treo. Tôi làm mọi thứ vì chồng con nhưng với người chồng trước, mọi chuyện không được như ý, tôi buồn chán và sinh ra cờ bạc.
Ngày đó, tôi có một căn nhà 6 tầng trên phố Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội. Cùng với nỗi buồn về chồng trước, rồi thì không ngăn cản được con lấy “dân xã hội”, lưu manh làm chồng, tôi quyết định bán căn nhà đó, chia đều cho các con. Phần còn lại, tôi lao vào cờ bạc để giải sầu. Nhiều lần vào sới bạc, tôi bị chúng nó “bịp” hết tiền. Mất tiền, buồn chán, tôi lại càng lao vào trò đỏ đen để đòi lại những gì đã mất.
Thế rồi, tôi trở thành một cái tên quá quen thuộc với những kẻ lê la ở chiếu bạc. Hết ngày này, qua ngày khác, tôi ngồi trong sới bạc rồi nghiện lúc nào không hay. Các con cũng nhiều lần khuyên ngăn nhưng cứ ở nhà mấy ngày là tôi lại bị ốm. Có tiền, tôi lại tìm đến những sới quen thuộc để chơi. Tất cả chủ sới to, nhỏ ở Hà Nội đều rất quý và tôn trọng tôi. Bởi tôi chưa bao giờ “bịp”, lừa ai, dù đó chỉ là trong ý định. Rồi cũng một vài lần, tôi bị công an bắt ngay tại sới và bị kết án. Tôi biết đánh bạc là trái pháp luật, khai báo rất thành khẩn và đi trả án, phần lớn, tôi đều được án treo”.
Về chuyện vào sới bạc, bà Trang có bị “bịp” và “bịp” lại con bạc khác không? Bà Trang hồ hởi kể: “Tôi nhớ, một lần chơi xóc đĩa ở sới tại đường Bưởi (Hà Nội). Chúng nó định “bịp” tôi bằng nam châm, nhưng không được. Sau khi quan sát cách xóc của Hải “bánh”, bỗng nhiên tôi thấy tên này cứ rê bát vào sát chỗ ngồi, gần một cái bao diêm mà bên trong đặt nam châm. Cái bao diêm này có tác dụng ép quân về lẻ nhiều hơn chẵn. Biết ý, tôi thường xuyên đặt lẻ nhưng bị thằng cầm cái chửi mắng.
Lúc đó, tôi bóc mẽ Hải “bánh”, chúng nó thủ tiêu chứng cứ và sới này sẽ mất khách. Ngay lập tức, tôi hô to lên rằng: “Chạy đi chúng mày ơi, công an đấy. Con bạc trong sới chạy toán loạn, thằng chủ sới chạy ra ngoài và rối rít xin lỗi tôi. Từ ngày đó, chủ các sới bạc Hà Nội lại càng nể tôi hơn nữa.
Có lần, tôi chơi bạc ở Bắc Ninh, phát hiện ra kẻ xóc chơi bạc “bịp”, theo dạng điều khiển từ xa chứ không phải là đĩa điện, tôi bị thua nên bóc mẽ và bị nó đánh. Ngay lập tức, tôi lăn ra đất giãy đành đạch, buộc gã chủ sới ra giải quyết. Vừa nhìn thấy tôi, chủ sới đã phải chạy đến đỡ dậy xin lỗi và hứa sẽ đền đầy đủ tất cả số tiền mà tôi đã bị lừa trước đó. Chủ sới bắt tên cầm cái, xóc ấy phải xin lỗi tôi”.
Bà Trang nói, từ nay trở đi, xin mọi người và các cơ quan đoàn thể, đừng gắn bà, người nhà của bà với cái tên Khánh “trắng” nữa. Bà Trang cũng khoe với PV, cuối năm vừa rồi, bà chi vài chục triệu đồng, làm đường vào nghĩa trang của thôn quê tại Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Một số thông tin bà Trang khẳng định tác giả viết sai như “lợi dụng, bao sân, cho rằng dựa vào Khánh “trắng” để đánh bạc, cầu cứu con rể khi hết tiền chơi bạc…”. BBT đã yêu cầu tác giả Đức Thuỷ làm giải trình. Tác giả Đức Thuỷ đã nhận trách nhiệm về việc thông tin sai. Qua xem xét, BBT đã ban hành hình thức kỷ luật nghiêm khắc với tác giả Đức Thuỷ là buộc thôi việc.
Báo Đời sống và Pháp luật xin cáo lỗi với bà Lương Thị Trang và độc giả về những nội dung thông tin không chính xác trong bài báo.
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Lão bà trong sới bạc tiền tỷ
Trong số 57 con bạc bị Viện KSND Tối cao ngày 15-5 tống đạt cáo trạng truy tố về các tội danh "Tổ chức đánh bạc" và "Đánh bạc", có Lương Thị Trang, 73 tuổi, trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Bà Trang có gần 10 tiền án, tiền sự về tội danh, hành vi đánh bạc; nhưng xem ra, máu đỏ đen đã ngấm quá sâu vào cụ bà U80 này.
Các con bạc bị bắt trong sới ở Tân Dân, thời điểm tháng 3-2013
Tài liệu cơ quan tố tụng thể hiện, chiều 14-3-2013, Cục CSHS - Bộ Công an phối hợp với Công an Hà Nội bắt quả tang tại một lán tre nứa thuộc địa phận thôn Môn Tự, xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đang diễn ra sới "xóc đĩa". Gần 70 đối tượng có mặt, nhưng do địa hình phức tạp, một số đối tượng trong nhóm tổ chức đánh bạc đã kịp bỏ trốn; trong đó có Nguyễn Văn Tú, trú tại thôn Môn Tự, xã Tân Dân, và Lê Xuân Hưởng, trú ở phường Kim Liên, quận Đống Đa.
Cơ quan Công an thu giữ tang vật trên chiếu bạc được gần 700 triệu đồng cùng một số phương tiện phục vụ việc đánh bạc, 36 điện thoại di động, 1 khẩu súng ngắn cùng 6 viên đạn. Trên cơ sở tài liệu thu thập, ngay sau đó, CQĐT đã khám xét nơi ở Nguyễn Văn Tú, thu được 1,3 tỷ đồng, 7.000USD, 1 khẩu súng ngắn cùng 5 viên đạn. Khám nhà Lê Xuân Hưởng, lực lượng công an thu được một số tài liệu liên quan. Cả hai đối tượng này đang bỏ trốn, và CQĐT tách riêng hành vi của chúng để xử lý sau.
Cơ quan tố tụng xác định, sới bạc này do Nguyễn Văn Tú tổ chức, Lê Xuân Hưởng làm cái. Tú thuê Đặng Văn Hòa xóc cái và Nguyễn Bá Tuấn thu tiền vào cửa (tiền phế), kiêm bảo vệ. Ngoài ra còn một số đối tượng khác tham gia thu phế, bảo vệ sới bạc, làm hồ lỳ... Sới bạc này hoạt động từ giữa tháng 2-2013, mỗi ngày tổ chức 2 ca, trong khoảng từ 13h đến 24h, và di chuyển địa điểm liên tục giữa các vùng giáp ranh Sóc Sơn với Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Đến đánh bạc, các con bạc được chủ sới thuê "xe ôm" hoặc dùng ô tô đón từ Quốc lộ 2 vào. Trước khi vào sới bạc, các con bạc phải nộp 500.000 đồng. Mỗi ca đánh bạc, các đối tượng tổ chức cùng đồng bọn thu được khoảng 20 triệu đồng tiền phế.
Trở lại câu chuyện bà già nghiện cờ bạc Lương Thị Trang. Ngày 19-11-2012, cơ quan CSĐT Bộ Công an ập vào nhà nghỉ Tuấn Sơn (Chùa Dận, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh); bắt quả tang 104 đối tượng đang sát phạt nhau bằng hình thức "xóc đĩa". Số tiền thu giữ được hơn 5,5 tỷ đồng trên chiếu, 75 triệu đồng trong hòm "phế" và hơn 270 triệu đồng trong các túi xách vứt lại hiện trường. Cầm đầu là Dương Văn Đức (tức Đức "vẩu") và Khuất Thị Hương, đều ở phường Đình Bảng,Từ Sơn, Bắc Ninh. Và thời điểm ấy, lão bà cờ bạc Lương Thị Trang có tên trong danh sách 104 con bạc bị bắt. Sau khi bị bắt quả tang, khởi tố về tội đánh bạc nhưng được cho tại ngoại, bà Trang lại tiếp tục bị bắt giữ tại sới bạc tại xã Tân Dân, Sóc Sơn.
Theo ANTD
Hơn 30 'quý bà' đánh bạc giữa cánh đồng bị truy tố Sới bạc bố trí ôtô đưa đón người chơi. Để triệt xóa tụ điểm này, gần 200 sỹ quan của Bộ công an được huy động. Liên quan đến vụ đột kích sòng bạc ở xã Tân Dân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) hơn một năm về trước, ngày 16/5, VKSND tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 55 bị can...