Học võ phòng vệ
Những chiêu thức thoát thân trong trường hợp gặp nguy hiểm đã được thanh niên lực lượng vũ trang truyền đạt cho sinh viên học sinh.
Khi bị kẻ xấu tấn công ôm chặt từ phía sau, nạn nhân chỉ việc giẫm gót lên bàn chân đối thủ, và dùng khuỷu tay đánh lui vào hạ bộ hoặc đạp lui vào ống quyển đối phương là có thể thoát.
Quách Cẩm Mai Linh – sinh viên Trường ĐH Sài Gòn kể: “Lúc đầu nghe nói đi tập huấn võ phòng vệ, mình cứ nghĩ là học mấy bài quyền vất vả như ở võ đường. Nhưng tham gia mới thấy khá đơn giản và dễ tập, nhất là con gái như tụi mình”. Còn Phạm Minh Hoàng – thanh niên tình nguyện ở Q.6, từng học võ nói: “Các động tác này không giống các môn phái mà mình đã biết, nó đơn giản và thiết thực, có thể dành cho các học sinh tự phòng vệ khi bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối”. Trong khi đó, Triệu Mỹ Huyền – học sinh Trường THPT Bình Phú đi học vì một lý do đơn giản: “Học võ ở đâu cũng vậy, nhưng học từ các anh công an là chắc chắn tự bảo vệ được mình”.
Đại úy Nguyễn Đào Minh Huy (Phòng CSĐT tội phạm về TTXH – PC45) cho biết các thế võ phòng vệ là công trình nghiên cứu của võ sư Lê Hồng Hà và các trinh sát hình sự, xây dựng thành bài tập huấn phòng vệ dành cho thanh niên từ cuối năm 2010. Các thế phòng vệ này đúc kết từ các vụ án đã xảy ra. Nạn nhân chỉ cần bình tĩnh là sẽ thoát chết một cách đơn giản.
Đại úy Huy nói: “Chúng tôi không chọn các thế võ tấn công, bởi bằng cách đó sẽ khiến nạn nhân vi phạm pháp luật. Các thế võ chúng tôi hướng dẫn chỉ là cách né tránh khéo léo một cách khoa học và thoát khỏi nguy hiểm trong gang tấc. Chẳng hạn: bất ngờ bị trùm bao bố vào đầu, nạn nhân chỉ việc giơ ngang hai cánh tay để bao bố không trùm được xuống, phần còn lại là giật chiếc bao ra khỏi đầu và thoát thân. Đặc biệt khi áp dụng nhuần nhuyễn các động tác này, đối phương còn gặp nguy hiểm do chính mình tạo ra và nạn nhân không bị rơi vào tình huống phạm pháp.
Những buổi tập huấn như vậy thường diễn ra trong buổi sáng, vào cuối tuần tại một địa điểm do các quận, huyện tự chọn. Đây là điểm nổi bật của chương trình tình nguyện do Thành đoàn TP.HCM dành cho bạn trẻ.
Được biết, hoạt động này nhận được sự ủng hộ của xã hội và các bạn trẻ rất nhiều. Sắp tới, mô hình này cần được nhân rộng hơn và đặc biệt là ở các trường phổ thông, giúp các học sinh có thêm kiến thức và tự bảo vệ mình trước nạn bạo lực học đường, phòng chống những khả năng tấn công của những đối tượng xấu.
Theo Thanh Niên
Nữ sinh được Công an dạy võ tự vệ
Biết kiềm chế cảm xúc để không có những hành động đáng tiếc, hiểu biết luật pháp và đặc biệt là biết cách phòng vệ trong hoàn cảnh nguy hiểm là những nội dung các bạn trường Lê Thị Hồng Gấm được các anh công an trang bị.
Video đang HOT
Giật tóc, ôm người, bóp cổ... là những tình huống các bạn nữ được học tự vệ
Những câu chuyện đau lòng
Chương trình "Tuyên truyền giáo dục kiến thức pháp luật, phòng chống bạo lực học đường và tội phạm trong thanh thiếu niên" do Đoàn thanh niên - phòng Cảnh sát điều tra tội phạm và trật tự xã hội phối hợp cùng Phòng cảnh sát Điều tra tội phạm Kinh tế TP HCM vừa có điểm dừng chân tại Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, Quận 3. Chương trình được tổ chức thường niên tại các trường học bắt đầu từ năm 2006 đến nay do đa số các bạn học sinh, sinh viên chưa hiểu biết hết những quy định pháp luật.
Theo Quy định của nhà nước, người từ 14 - dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, người từ 18 tuổi trở lên phải hoàn toàn chịu trách nhiệm hình sự trước hành động của mình.
Song thực tế cho thấy, bạn trẻ nào cũng nghĩ mình chưa đủ 18 tuổi nên không phải chịu trách nhiệm hình sự song nhiều hành động đau lòng xảy ra, các bạn sẽ phải trả giá bằng cả tương lai phía trước. Không những thế, hậu quả để lại cho người "vô tình" bị nạn và người thân sẽ còn mãi mãi.
Trong tháng 11 vừa rồi, Công an Quận 3 cũng như Ban giám hiệu Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm phải đau đầu khi trong mấy ngày liên tiếp đã có hai vụ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra. Nạn nhân đều là những học sinh lớp 10. Đầu tiên là vụ bạn Đ.H.T đi xe đạp trên đường học về bị đâm tử vong tại chỗ bởi nhóm học sinh (5 - 6 người) đi xe máy vào chiều ngày 18/11.
Vụ khác xảy ra vào sáng 24/11 bạn L.T.P vừa ra khỏi nhà để đến trường thì bị một người phụ nữ (?) đeo khẩu trang hắt cả ca axit vào mặt. Hiện tại bạn vẫn đang được điều trị tại Khoa Bỏng - Bệnh viện Chợ Rẫy với thương tích đầy người do axit gây ra. Đặc biệt, là đôi mắt và khuôn mặt bị cháy khá nặng.
Theo lời kể của P thì bạn không hề có mâu thuẫn với ai nhưng trước đó vào ngày 17/11, hai người bạn của P có xảy ra mâu thuẫn với một bạn nữ học chung trường. Bạn nữ này đã gọi bạn trai đến nên hai bên xảy ra tranh cãi dẫn đến xô xát. Tuy nhiên, P chỉ đứng ngoài không hề liên quan.
Chiếc xe máy bỏ lại trong vụ đâm bạn Đ.H.T ngày 18/11 (Nguồn internet)
Bạn L.T.P hiện đang nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Nguồn internet)
Học các chiêu võ... phòng thân
Buổi giao lưu tại trường THPT Lê Thị Hồng Gấm được diễn ra trong không khí "căng thẳng" khi các bạn học sinh nghe các tình tiết vụ án, rồi lại trùng xuống với những hậu quả đáng tiếc để lại... song những cái được của học sinh nơi đây là những bài học rút lại, kiến thức pháp luật được hiểu rõ hơn, biết được cách kìm chế cảm xúc nóng giận. Không chỉ dừng lại ở đó, nụ cười rạng ngời trên môi các bạn khi tự hào trả lời đúng câu hỏi mà các chú công an đưa ra và nhận được món quà... "trị giá dưới 1 triệu đồng".
Kịch Bạo lực học đường do nhóm Cascadeur Quốc Thịnh thực hiện
Theo Thượng uý Cù Huy Anh (Phòng cảnh sát điều tra tội phạm và tệ nạn xã hội), học sinh là đối tượng dễ bị kích động do phim ảnh, giao tiếp thông thường, chuyện tình cảm, hay có những suy nghĩ tiêu cực, đặc biệt là muốn thể hiện "anh hùng cá nhân". Vì vậy các em phải trang bị kiến thức cho mình để không hành động sai pháp luật.
Nội dung được mong đợi nhất chính là Học cách phòng vệ. Câu hỏi đặt ra là, nếu bạn đang ở đoạn đường vắng bị kẻ xấu tấn công thì mình sẽ làm gì? Nhiều phương án đã đưa ra như chạy nhanh, la hét thật lớn, cầu cứu ai đó, thậm chí van xin tha mạng... Thế nhưng giữa đoạn đường vắng mà làm như vậy thì chắc chắn sẽ không có tác dụng. Chỉ có một phương án duy nhất tối ưu chính là chống trả. Bằng những động tác võ thuật đơn giản các bạn "chân yếu tay mềm" cũng có cơ hội thoát thân.
Các tình huống thực tế được đưa ra như đối tượng túm tóc, bóp cổ, ôm chặt, dùng dao, mã tấu... tưởng chừng "không thể làm gì hơn được nữa" thì đều có những "món võ" giải khoá tương ứng. Các bạn nam và nữ sau khi được xem hướng dẫn đã lập tức xung phong thực hành luôn. Nhiều bạn nữ mới "vỡ oà" hoá ra cũng đơn giản chứ không khó tí nào. Thậm chí, cả hội trường cười vang vì hành động chống trả quá "sung" của một nữ sinh làm một chú Công an... lăn quay.
Cuối buổi giao lưu, đã có rất nhiều cảm xúc đan xen trong lòng các bạn nữ nơi đây, đặc biệt là lớp 10A3. Theo bạn Tôn Nữ Kim Châu cho biết "Em cũng có nhiều lần xích mích với bạn bè, mặc dù không nghiêm trọng, chưa bị đánh lần nào nhưng giờ em đã biết cách giải quyết mâu thuẫn nhẹ nhàng hơn". Còn bạn Nguyễn Vũ Phương Hồng cho hay "Khi bị bắt nạt chắc chắn em sẽ nhờ thầy cô, người thân giúp đỡ. Cách tốt nhất là sẽ giải thích và làm hoà với bạn".
"Mặc dù chưa gặp trường hợp nào nguy hiểm song những bài võ phòng vệ vừa rồi đã giúp em tự tin hơn. Về nhà em sẽ tập lại cho quen để những lúc khẩn cấp em có thể tự bảo vệ cho mình", Trương Thị Phương Thảo tươi cười chia sẻ.
Tào Nga
(Tổng hợp)
Theo Bưu Điện Việt Nam
Hiền lành nhưng... đem "hàng lạnh" đi đêm Không thuộc thành phần "bất hảo" nhưng càng ngày càng có nhiều người tự trang bị cho mình những thứ "vũ khí lạnh" với lý do phòng thân, dù biết việc đó là vi phạm pháp luật. Trong câu chuyện bên bàn nước, anh H., lái xe ôm ở khu vực Cầu Giấy - Mai Dịch tiết lộ, cánh xe ôm đêm hoạt...