Học sinh nghèo người Cor được thay nhà mới
Hơn 4 năm qua, học sinh nghèo người Cor ở trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Lãnh (huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) ở trong những “căn nhà sắt” nguyên là những thùng container cũ được nhà hảo tâm tài trợ.
Những thùng container cải hoán đã trở thành nơi ở của hàng trăm học sinh người Cor trường bán trú Trà Lãnh suốt mấy năm qua
Đây là mô hình nhà bán trú bằng container đầu tiên của cả nước. Tuy nhiên, sắp tới nơi đây sẽ được thay thế bằng khu nhà ở nội trú khang trang hơn.
Tài trợ của nhà hảo tâm
Tây Trà là một trong 5 huyện nghèo miền núi ở tỉnh Quảng Ngãi, cách TP Quảng Ngãi gần 100 km, phần đông dân số là đồng bào người Cor. Địa hình đồi núi hiểm trở, đường đến trường hàng chục km là trở ngại cho nhiều học sinh đến lớp.
Để rút ngắn quãng đường đi học, nhiều em học sinh dân tộc thiểu số ở Tây Trà phải sống trong những căn lán, chòi lá tạm bợ bằng tre nứa do bố mẹ và nhà trường dựng lên. Những em khác phải vượt hàng chục cây số đường rừng, cơm đùm gạo gói mỗi ngày để đến trường.
Nhưng vì làm bằng tre nứa trong điều kiện thời tiết miền núi, nên những chòi lá thường xuyên bị hư hỏng, phải sửa chữa rất nhiều lần.
Cách này cũng chỉ cầm cự được vào mùa nắng, chứ mùa mưa, mùa đông thì bị dột nát và lạnh lẽo. Nhất là những năm mưa gió triền miên, giữa đêm khuya gió lạnh ùa vào, chịu không nổi các em phải ôm chăn, chiếu vào phòng học để trú ngụ.
Đường sá đi lại khó khăn cách trở, thiếu cơ sở vật chất, thiếu ăn, thiếu mặc đã khiến nhiều em học sinh phải bỏ học giữa chừng để theo bố, mẹ lên nương, rẫy cuốc đất, cắt cỏ… để cải thiện kinh tế gia đình.
Trước tình cảnh ấy, đầu năm học 2016-2017, một đơn vị hảo tâm đã hỗ trợ cho trường 20 nhà bán trú bằng thùng container. Mỗi nhà bán trú container đơn có chiều dài 6m, rộng 2,5m, cao 2,5m, sức chứa 8 giường tầng cho 8 em và một khoảng trống để làm bàn học chung.
Còn nhà thùng container đôi được bố trí 10 giường đôi/20 em và 2 dãy bàn học chung.
Để chống nóng cho các em, đơn vị tài trợ và nhà trường thiết kế phần mái lợp lá dừa, bên ngoài sơn cách nhiệt và vẽ những bức tranh vui mắt, trong nhà bố trí quạt điện, cùng chăn mền, góc học tập riêng cho các em. Những thùng container được kê cao cách mặt đất chừng 30cm, nên dù trời mưa ẩm ướt, bên trong vẫn khô thoáng. Khoảng sân giữa những chiếc thùng container đặt những chiếc xích đu, cầu bập bênh… tạo một sân chơi để các em vui đùa, giải trí sau giờ học.
Nhà container sẽ được thay thế bằng nhà bán trú khang trang .
Vậy là từ đó, 20 thùng container nằm chênh vênh trên sườn núi trở thành nơi ăn ở, sinh hoạt cho gần 200 em học sinh nghèo người Cor. Mô hình nhà container đầu tiên trong cả nước này đã phần nào giúp các em yên tâm học tập, hạn chế tình trạng bỏ học.
Video đang HOT
Thầy Lê Văn Tư, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Lãnh, bộc bạch: “Trước kia khi chưa có nhà bán trú bằng thùng container của các nhà hảo tâm, nhiều em nhà ở cách trường hơn 10km đường rừng, phải mất nhiều giờ đi bộ. Các em phải dậy sớm lặn lội mưa gió để đến trường. Có nhiều hôm trời mưa lớn đường sá lầy lội, quần áo nhiều em lem lấm, sách vở ướt cả.
Thấy cảnh các em đến lớp ngồi học mà tay chân cứ run bần bật, chân tay tím tái vì trời lạnh thấy mà thương”.
Cũng theo thầy Tư, sợ nhất là những đêm gió to, những căn lều mà giáo viên nhà trường cùng phụ huynh dựng lên cho các em làm nơi trú ngụ bị xiêu vẹo, rất nguy hiểm. Sợ rằng các em nghỉ học giữa chừng nên thầy và tất cả thầy cô ở trường thường xuyên tìm đến nhà thăm hỏi, vận động các em. Nhờ vậy mà tình trạng bỏ học giữa chừng ngày một giảm.
Nhà mới cho các em
Sau hơn 4 năm đưa vào sử dụng, nhà bán trú container ở Trà Lĩnh đã hoàn thành “sứ mệnh” cao cả, và đã đến lúc phải nhường chỗ cho dự án mới sẽ được triển khai. Đó là chủ trương xây dựng nhà bán trú kiên cố ngay chính tại nơi này.
Ông Phạm Sơn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà, cho biết: Đến thời điểm này, các thủ tục quy định để xây dựng nhà ở bán trú kiên cố cho học sinh trường bán trú Trà Lãnh cơ bản đã hoàn thành. Dự kiến, tháng 4/2020 này, công trình sẽ khởi công xây dựng.
“Công trình nhà bán trú mới sắp xây cho học sinh trường bán trú Trà Lãnh có diện tích khoảng 140m2, tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn hỗ trợ từ các nhà hảo tâm là 1,2 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của huyện. Khu nhà ở bán trú này sẽ thay thế cho 20 thùng container được học sinh sử dụng trong mấy năm qua”, ông Sơn nói.
“Đây là tin rất vui với nhà trường, với các em học sinh cùng gia đình. Tất cả đều mong ngóng đến ngày được ở trong nhà bán trú xây mới khang trang”, thầy Lê Văn Tư chia sẻ.
“Với mô hình nhà bán trú bằng thùng container cải tạo, phụ huynh và các em học sinh đỡ chật vật hơn, giáo viên nhà trường cũng bớt lo bởi các em đã có nơi ở an toàn và ấm áp hơn, giúp các em bám lớp, bám trường trong những ngày thời tiết mưa lạnh và lũ. Sau khi được trả về cho đơn vị trao tặng, hy vọng những thùng container sẽ tiếp tục hành trình đến với các em học sinh ở những nơi nghèo và khó khăn hơn, để các em an tâm sinh hoạt và học tập”. Thầy Lê Văn Tư
NGUYỄN NGỌC
Theo Tiền phong
Những khoản thu chồng chéo tại trường Na Ngoi
Ngay cả một số giáo viên trong trường còn không thể lý giải nổi khái niệm của những khoản như tiền xã hội hóa, tiền bán trú, tiền quỹ hội...
Huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc Thái, H'Mông, Khơ mú...Nhìn chung, đời sống của họ còn gặp khá nhiều khó khăn.
Danh sách thu tiền học sinh của Trường dân tộc bán trú- Trung học cơ sở Na Ngoi huyện Kỳ Sơn (Ảnh phụ huynh cung cấp).
Để nâng cao dân trí, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần giúp con em đồng bào dân tộc thiểu số được đến trường đầy đủ.
Thế nhưng, theo phản ánh của phụ huynh và giáo viên nơi này, một số trường học trong đó có Trường dân tộc bán trú- Trung học cơ sở Na Ngoi đã tự đề ra nhiều khoản thu vô lý buộc phụ huynh phải đóng góp với mức phí khá cao.
Không chỉ tạo ra bất bình mà còn đổ trực tiếp gánh nặng vật chất lên vai nhiều phụ huynh mà đặc biệt là những phụ huynh nghèo.
Đơn cử mức thu của năm học 2017-2018:
Tiền xã hội hóa : 250.000đ/học sinh/năm học.
Tiền bán trú Quỹ hội : 250.000đ/học sinh/năm học.
Tiền bể nước : 80.000đ/học sinh/năm học.
Tiền lao động : 150.000đ/học sinh/năm học.
Tiền GT lần 1 : 10.000đ/học sinh.
Tổng cộng : 740.000đ/học sinh/năm học.
Đó chỉ là ví dụ việc thu tiền phụ huynh của năm học 2017-2018, được biết nhiều năm về trước, nhà trường cũng đã thu nhiều khoản tiền như thế.
Riêng năm học 2018-2019 thu tiền bể nước có giảm xuống còn 50.000đ/học sinh bán trú (thay vì trước đó thu 80.000đ).
Nhiều khoản tiền chồng chéo
Nhìn vào quy định thu tiền của Trường dân tộc bán trú- Trung học cơ sở Na Ngoi thấy rõ khá nhiều khoản tiền được thu chồng chéo.
Ngay cả một số giáo viên trong trường còn không thể lý giải nổi khái niệm của những khoản như tiền xã hội hóa, tiền bán trú, tiền quỹ hội...
Bởi đã thu tiền xã hội hóa lại thu luôn cả tiền quỹ hội. Học sinh bán trú còn phải nộp thêm tiền bán trú (không phải tiền ăn, ở mà là tiền để xây dựng cơ sở bán trú như làm hàng rào, mua bát đũa, nồi niêu...).
Đã thế, những học sinh này tiếp tục phải nộp thêm tiền xây bể nước.
Một số giáo viên cho rằng tất cả đều là tiền từ túi của phụ huynh. Câu hỏi làm nhiều người thắc mắc: "Sao phải phân ra từng khoản như vậy? Tiền xã hội hóa, quỹ hội hay tiền xây dựng cơ sở bán trú thì có gì khác nhau?".
Khi nói chuyện với chúng tôi, một số thầy cô cũng mơ hồ vì không biết nhà trường dùng những khoản tiền thu được để làm những việc gì.
Trò chuyện với ông Xồng Chia Xa, Hội trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường cho biết:
"Năm nào học sinh cũng nộp tiền cho trường. Thầy thu bao nhiêu, chi bao nhiêu không cho chúng tôi biết, cũng không có chứng từ thu chi rõ ràng.
Hôm trước thầy (ý nói thầy hiệu trưởng) làm chứng từ kêu tôi ký nhưng tôi không ký vì đó là chứng từ khống. Tôi nói để cho đoàn thanh tra làm việc...".
Lãnh đạo nói gì?
Để xác nhận thông tin phản ánh, chúng tôi tiếp tục liên hệ với thầy Phạm Mạnh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường nhưng thầy Hùng cho biết mình không làm việc trên điện thoại.
Liên hệ với lãnh đạo xã Na Ngoi được biết:
"Lãnh đạo trường có hỏi xin ý kiến của lãnh đạo xã về các khoản thu, chúng tôi nói để họp phụ huynh nhất trí thu thì chúng tôi mới ký".
Rõ ràng nhà trường tự "đẻ" ra nhiều khoản thu là không đúng. Nhưng trách nhiệm của lãnh đạo xã trong chuyện này cũng không hề nhỏ, sự buông lơi quản lý đã tạo điều kiện cho lạm thu trong nhà trường phát triển.
Giá như khi nhận được tờ trình xin thu tiền từ nhà trường, xã phải cân nhắc, thẩm tra lại các khoản thu ấy có thật sự hợp lý, có đúng quy định của pháp luật hay không?
Đặc biệt, những khoản thu ấy có phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân trong vùng hay không rồi mới nên ký.
Đằng này, lãnh đạo xã chỉ căn cứ vào việc phụ huynh đồng ý là chính quyền đồng ý nên mới dẫn đến việc trường thu chi vô tội vạ còn dân cứ phải è cổ đóng góp gây nên nhiều bức xúc.
Theo một số giáo viên nơi đây cho biết, phần đông phụ huynh dân tộc thiểu số hiểu biết còn hạn chế, nhiều người họ thường rất tin tưởng nhà trường.
Bất kể kế hoạch thu chi như thế nào họ cũng đều nghe và thực hiện đầy đủ dù gia cảnh còn rất khó khăn vất vả, ít người dám có ý kiến phản đối.
Phải chăng lợi dụng điều này, một số hiệu trưởng đã áp những khoản thu vô lý lên đầu những học sinh vô tội của mình?
Phan Tuyết
Theo giaoduc.net
Quảng Ngãi: Nhà bán trú container sẽ bị xóa sổ Sau gần 4 năm đưa vào sử dụng, mô hình nhà bán trú bằng container cho học sinh ở huyện Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi) sẽ bị xóa sổ. Nhà bán trú bằng container sẽ bị xóa sổ. Theo ông Phạm Sơn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Trà, huyện đang xúc tiến thi công khu nhà ở nội...