Học giả thế giới: Mỹ, Nhật có thể kiện “đường lưỡi bò”
Đó là một trong những đề xuất của GS Jerome Cohen thuộc Trường Luật – Đại học New York (Mỹ), một học giả uy tín về luật pháp quốc tế, đặc biệt về những vấn đề liên quan Trung Quốc, tại hội thảo quốc tế ở Việt Nam mới đây, được GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) lược thuật trên tạp chí The Diplomat ngày 4/7.
Tàu kéo Hữu Liên 9 của Trung Quốc đâm húc tàu kiểm ngư KN 951 (phải) của Việt Nam hôm 23/6 gần giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ảnh: Việt Cường
GS Cohen chủ trương dùng luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp ở biển Đông. Ông cho rằng, vấn đề tranh chấp ở biển Đông quá phức tạp nên cần nhiều phương pháp tháo gỡ; dù đàm phán song phương hay đa phương giữa các bên liên quan, các cuộc đàm phán vẫn có những giới hạn và thường cần tới sự bổ trợ của những cách tiếp cận khác. Theo ông, phương thức sử dụng trọng tài và tòa án quốc tế nên được coi là ưu tiên cao trong giải quyết tranh chấp.
GS Cohen khuyên Việt Nam đưa vụ việc ra Tòa Công lý quốc tế bất chấp Trung Quốc có thể từ chối tham gia vụ kiện. Nó chứng tỏ cam kết của Việt Nam đối với luật pháp quốc tế nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Ông bày tỏ hy vọng Tòa Trọng tài quốc tế, nếu đồng ý thụ lý vụ việc, có thể làm sáng tỏ một số điều khoản quan trọng trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Tòa Trọng tài có thể xác định rõ cấp độ nào những yêu sách mang tính lịch sử mơ hồ của Trung Quốc tồn tại được trước UNCLOS, cũng như tiêu chuẩn hợp thức để phân biệt chính xác giữa một hòn đảo (đủ điều kiện tự nhiên cho con người sinh sống, có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) và một bãi đá là gì.
Video đang HOT
GS Cohen nói rằng, Việt Nam có thể lựa chọn cùng tham gia vụ kiện với Philippines hoặc tự đưa vụ việc ra trọng tài UNCLOS. Trường hợp Việt Nam muốn đòi lại chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, cần phải đưa vụ việc ra Tòa Công lý quốc tế. Cho dù Trung Quốc từ chối tham gia, Việt Nam vẫn có lợi nhờ chứng tỏ với thế giới mong muốn và sự chân thành của mình về việc giải quyết hòa bình, công bằng. GS Cohen cho rằng, sự chân thành của Việt Nam thậm chí càng trở nên nổi bật hơn.
Học giả Cohen còn đề nghị Nhật Bản cân nhắc đưa “đường lưỡi bò” 9 đoạn (10 đoạn trong tấm bản đồ dọc Trung Quốc mới công bố) ra trọng tài UNCLOS. Ông cũng gợi ý rằng, dù không phải một thành viên UNCLOS, Mỹ vẫn có thể khởi kiện “đường lưỡi bò” ra Tòa Công lý quốc tế, bất chấp Trung Quốc có thể từ chối tham gia vụ kiện. GS Cohen đưa ra nhiều đề xuất đề cao vai trò của luật pháp quốc tế. Ông đề nghị thành lập một nhóm làm việc bao gồm các học giả từ các quốc gia có đòi hỏi chủ quyền ở biển Đông nhằm tìm cách tháo gỡ những vấn đề phức tạp và đề xuất những giải pháp giải quyết tranh chấp lãnh thổ hiện nay.
TS Patrick Cronin ở Trung tâm An ninh Mỹ Mới nói: “Luật pháp dựa trên ba yếu tố: tính có thể dự đoán hay tính tin cậy, sự minh bạch và sự công bằng. Tuy nhiên, đó lại không phải mục tiêu của Trung Quốc”. Ông Cronin vạch rõ, Trung Quốc đang theo đuổi chính sách hăm dọa ở biển Đông.
Nhằm đối phó chính sách sử dụng hăm dọa của Trung Quốc, TS Cronin đề xuất 5 ưu tiên chính sách. Thứ nhất, Mỹ và Việt Nam nên phát triển những chiến lược gây phí tổn để ngăn Trung Quốc. Thứ hai, Mỹ và Việt Nam nên tập trận song phương thường xuyên. Thứ ba, Mỹ có thể ủng hộ cơ chế đối thoại an ninh ba bên Việt Nam, Malaysia và Philippines. Thứ tư, Mỹ nên bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam. Thứ năm, Mỹ nên gây áp lực với tất cả các thành viên khối ASEAN ủng hộ những quy tắc đặc thù nhằm duy trì trật tự, an ninh biển và tự do hàng hải ở biển Đông.
Việt Nam tiếp tục phản đối Trung Quốc tại LHQ
Ngày 3/7, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ), tiếp tục gửi thư lên Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đề nghị lưu hành hai văn bản nêu rõ lập trường của Việt Nam về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Cụ thể, đề nghị lưu hành hai văn bản này như những tài liệu chính thức của Đại hội đồng LHQ khóa 68. Các tài liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, bác bỏ các yêu sách không có cơ sở pháp lý và lịch sử của Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo này.
Việt Nam cho rằng, Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông bằng các hành động vi phạm luật pháp quốc tế, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng sự thật lịch sử và nghiêm túc đàm phán với Việt Nam về vấn đề quần đảo Hoàng Sa.
Đây là lần thứ tư Việt Nam gửi thư đề nghị Tổng Thư ký LHQ lưu hành các tài liệu của Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và liên quan việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan.
Theo Dân Trí
Tình hình biển Đông ngày 5/7
Ngày 5/7, khi tàu Kiểm ngư Việt Nam tiến vào gần giàn khoan Hải Dương-981 thì các tàu của Trung Quốc đồng loạt tăng tốc, áp sát, ngăn cản, hú còi không cho các tàu Kiểm ngư Việt Nam cơ động vào gần giàn khoan.
Theo Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 16h chiều hôm nay (05/7), phía Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 110-115 tàu các loại để bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shinyou 981); trong đó có 46-47 tàu hải cảnh, 13-14 tàu vận tải, 14-15 tàu kéo, 32-34 tàu cá và 5 tàu quân sự.
Trong ngày, tàu Kiểm ngư Việt Nam tiếp tục thực hiện các đợt cơ động tiếp cận giàn khoan, cách giàn khoan từ 10-11,5 hải lý để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu và giàn khoan hạ đặt trái phép rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Các tàu Trung Quốc vẫn hành động rất hung hăng trên biển Đông
Tuy nhiên, khi tàu Kiểm ngư Việt Nam tiến vào gần giàn khoan thì các tàu của Trung Quốc đồng loạt tăng tốc, áp sát, ngăn cản, hú còi không cho các tàu Kiểm ngư Việt Nam cơ động vào gần giàn khoan, nhưng các tàu Kiểm ngư Việt Nam vẫn chủ động tiến gần giàn khoan thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo an toàn cho lực lượng.
Cụ thể, Trung Quốc thường xuyên duy trì số tàu cá vỏ sắt có mặt tại hiện trường giàn khoan, dưới sự hỗ trợ của 2 tàu hải cảnh của Trung Quốc thường xuyên bám sát, ngăn cản, ép hướng các tàu cá của ngư dân Việt Nam, không cho các tàu cá của ta tiến vào gần khu vực giàn khoan để khai thác thủy sản.
Tuy nhiên, đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, dưới sự hỗ trợ của các tàu Kiểm ngư, các tàu cá của ngư dân Việt Nam vẫn an toàn và bám sát ngư trường đồng thời tiếp tục khai thác thủy sản trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa ở khu vực phía Tây Tây Nam, cách giàn khoan khoảng 42-46 hải lý.
Thảo Nguyên
Theo Dantri
Phóng viên Úc và 5 ngày trong khu vực giàn khoan Trung Quốc Phóng viên Samantha Hawley gần đây đã có chuyến đi khoảng một tuần tới khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở Biển Đông, trên tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Với Samantha, đây chắc chắn không phải là một chuyến du ngoạn. Phóng viên Úc Samantha Hawley trên tàu cảnh sát biển Việt Nam. Đài phát...