Học giả gốc hoa: Nói Trung Quốc có “chủ quyền” với Trường Sa “từ thời cổ đại” là bịa đặt, vô tri
Ông Tập Cận Bình nói điều này, có lẽ là do nhu cầu chính trị, và cũng có thể phản ánh một thực tế rằng ông ấy không hiểu về chuyện này.
Hôm nay chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bình luận của Giáo sư Trương Bác Thụ từ Hoa Kỳ về việc tại sao Trung Quốc chống lại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) mà chính họ đã rất tích cực tham gia đóng góp, xây dựng nên?
Thực hư cái gọi là “Trung Quốc có chủ quyền với Biển Đông, Trường Sa từ thời cổ đại”, hay “Biển Đông, Trường Sa là của tổ tiên chúng tôi để lại” cũng được Giáo sư Trương Bác Thụ mổ xẻ dưới lăng kính pháp lý, khoa học.
Đây là những phân tích rất có giá trị từ một học giả người Trung Quốc phản bác chính các yêu sách phi lý mà nước này đang theo đuổi ở Biển Đông, tìm cách biến nó thành ao nhà.
Thiết nghĩ trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông hết sức phức tạp, Trung Quốc thì ra sức tuyên truyền theo lối “cả vú lấp miệng em”, những tiếng nói từ các học giả Trung Quốc chân chính như Giáo sư Lý Lệnh Hoa, Giáo sư Trương Bác Thụ cần được trân trọng, hoanh nghênh, cổ vũ và nghiên cứu thấu đáo, để đấu tranh bác bỏ những quan điểm sai trái.
Giáo sư Trương Bác Thụ, ảnh: Internet.
Tại sao Trung Quốc phản đối UNCLOS 1982?
“Nói một cách tương đối, Trung Quốc can dự vào Biển Đông tương đối muộn, mãi nửa cuối thập niên 1980 họ mới bắt đầu can dự quy mô lớn.
9 cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa đại bộ phận đều chiếm từ những năm 1980 (quan điểm phổ biến cho rằng Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép 7 cấu trúc: Gạc Ma, Chữ Thập, Xu Bi, Tư Nghĩa, Châu Viên, Ga Ven chiếm năm 1988 và Vành Khăn chiếm năm 1995).
Những cấu trúc có giá trị, nhô tương đối cao khỏi mặt biển khi thủy triều lên, tương đối nổi bật ở Trường Sa thì các bên đã chiếm trước rồi. Khi Trung Quốc tiến xuống, mấy cấu trúc ban đầu chưa bị bên nào chiếm đóng, ví dụ như đá Chữ Thập.
Những cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng đại bộ phận là các bãi lúc chìm lúc nổi theo thủy triều lên xuống. Thủy triều lên thì chúng chìm hoàn toàn dưới mặt nước biển, thủy triều xuống thì chỉ có vài mỏm đá lô nhô, có lẽ vì thế các bên không (chưa kịp) chiếm đóng.
Trong số này có khoảng 2 hoặc 3 cấu trúc là đá, tức khi thủy triều lên vẫn có một số mỏm đá nhô lên mặt nước, có những cấu trúc đã từng xảy ra chiến tranh, ví dụ năm 1988 Trung Quốc tấn công (xâm lược) Gạc Ma, sát hại mấy chục người lính Hải quân Việt Nam.
Các cấu trúc Trung Quốc chiếm đoạt từ tay nước khác còn có bãi cạn Scarborough năm 2012. Vốn dĩ bãi cạn này không phải vô chủ, mà nằm dưới sự kiểm soát của Philippines, cách bờ biển nước này rất gần.
Video đang HOT
Người Trung Quốc đến và cướp lấy, đó là ví dụ điển hình cho vở kịch bành trướng của chủ nghĩa đế quốc.
Trung Quốc gọi bãi cạn này là “đảo” Hoàng Nham, thực ra chỉ là vài mỏm đá. Khi thủy triều lên, chỉ còn khoảng 5 đến 6 mỏm đá nhô lên mặt nước.
Tuy nhiên ngày nay Trung Quốc đã tiến hành bồi lấp quy mô lớn (bất hợp pháp) thành các đảo nhân tạo trên các cấu trúc mà họ chiếm đóng, thậm chí còn xây dựng cả đường băng hàng ngàn mét.
Nói đến đây, mọi người có thể lý giải tại sao chính phủ Trung Quốc lại không muốn giải quyết tranh chấp Biển Đông trên cơ sở UNCLOS 1982, thậm chí còn tìm cách né tránh Công ước.
Bởi vì họ thừa biết, theo quy định của UNCLOS 1982, yêu sách của họ ở Biển Đông không có sức thuyết phục.
Một là những cấu trúc này cách bờ biển Trung Quốc quá xa, hai là những cấu trúc Trung Quốc đang chiếm đóng phần lớn là các bãi cạn lúc chìm lúc nổi nên căn bản không có địa vị nào về pháp lý.
Hơn nữa cho dù họ xây dựng đảo nhân tạo trên các cấu trúc này cũng không làm thay đổi quy chế pháp lý của chúng đã được UNCLOS 1982 quy định.”
Nói Trung Quốc có “chủ quyền” với Biển Đông, Trường Sa “từ thời cổ đại”, nó là “của tổ tông để lại” là bịa đặt, vô tri
“Cách nói “Biển Đông là của tổ tiên chúng tôi để lại”, cũng giống như cách nói “Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi với khu vực này từ thời cổ đại”, bao gồm quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough.
Người đẻ ra đường 9 đoạn, hay còn gọi là đường chữ U, là một học giả khi đó, tên gọi Bạch My Sơ. Lần đầu tiên ông ta vẽ ra đường lưỡi bò để quây lấy Biển Đông hòng biến nó thành ao tù của Trung Quốc là năm 1936.
Thời đó lực lượng quan trắc không đủ, mà Trường Sa thì ở quá xa Trung Quốc, nên thực ra không có chuyện Trung Hoa Dân Quốc phái người ra Trường Sa đo đạc và đặt tên cho các cấu trúc.
Chính vì thế mới dẫn đến một số nhầm lẫn, ví dụ như cái Trung Quốc gọi là “bãi Tăng Mẫu”. Tăng Mẫu là cách dịch phiên âm chữ James, tên tiếng Anh thành tiếng Hán.
Nhưng ban đầu người Trung Quốc gọi nó là “bãi Tăng Mẫu”, chữ bãi này là bãi cát phẳng nổi trên mặt biển. Nhưng sau này người ta mới biết, làm gì có bãi cát nào như vậy.
James là một “bãi cát ngầm” nằm hoàn toàn dưới mặt nước biển, cách mặt nước khoảng độ 22 mét, do đặc điểm địa mạo của nó, người ta gọi nó là “bãi cát ngầm”, nó không phải đảo, không phải đá, cũng chẳng phải bãi cạn lúc nổi lúc chìm như mô tả của UNCLOS 1982, mà là một bộ phận của đáy biển.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố tại Singapore tháng 11/2015 rằng, Trung Quốc có “chủ quyền không tranh cãi” với Biển Đông, Trường Sa từ thời cổ đại. Ảnh: AP.
Sở dĩ những năm 1930 Trung Hoa Dân Quốc vẽ ra bản đồ mới, đưa quần đảo Trường Sa vào trong bản đồ Trung Quốc cho dù chả có ai đến thực địa khảo sát, là vì Trung Quốc vừa trải qua thời kỳ dài bị thực dân phương Tây xâm lược, nên xem việc này như ý thức “tự cường dân tộc”.
Tâm lý bị thực dân phương Tây ức hiếp đã ảnh hưởng đến cả ý thức về vấn đề lãnh thổ. Chứ lúc đó người Trung Quốc còn chưa có ý thức về một “đại Trung Quốc”, đường chữ U ra đời trong hoàn cảnh đó.
Đương nhiên thời kỳ này không chỉ có Trung Hoa Dân Quốc yêu sách chủ quyền đối với Biển Đông, Cộng hòa Pháp cũng tuyên bố yêu sách này.
Lúc đó Việt Nam đang là thuộc địa của Pháp, nên Pháp cho rằng vùng biển phía Đông Việt Nam thuộc về Pháp, vì vậy Pháp phái chiến hạm ra Nam Yết.
Nhật Bản cũng từng tuyên bố Biển Đông là của họ, vì Nhật từng chiếm đóng đảo Đài Loan. Trong Chiến tranh Thế giới II, Nhật Bản từng xâm chiếm cả Đông Nam Á, do đó thời kỳ này Biển Đông gần như cái hồ của Nhật.
Chỉ có điều Chiến tranh Thế giới II kết thúc, Nhật Bản cũng chẳng nhắc gì đến Biển Đông nữa. Đến năm 1947, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc mới chính thức tuyên bố “chủ quyền” đối với Biển Đông và chiếm đảo Ba Bình ở Trường Sa.”
Người viết đánh giá rất cao thái độ khách quan, thượng tôn pháp luật của Giáo sư Trương Bác Thụ khi bàn về vấn đề UNCLOS 1982 và ứng xử của Trung Quốc với Công ước mà chính nước này từng rất tích cực tham gia xây dựng nên.
Đối với các học giả Trung Quốc, có được nhận thức và cách tiếp cận khách quan, trên cơ sở luật pháp quốc tế như Giáo sư Trương Bác Thụ quả thực không phải dễ dàng.
Bởi trước tiên, họ phải vượt qua chính não trạng dân tộc hẹp hòi, ích kỷ vốn đang phổ biến ở Hoa lục, liên quan đến cái gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông, vượt qua dư luận và tư duy đám đông đã được tuyên truyền và dạy dỗ từ bé rằng: Biển Đông là của tổ tiên người Trung Quốc để lại.
Có thể chính họ sẽ bị các đồng nghiệp trong nước “ném đá”, bị các cơ quan truyền thông Trung Quốc chỉ trích và chụp cho đủ thứ mũ như Hán gian, phản quốc, nhưng họ quyết sống đúng với lương tâm, trách nhiệm của người trí thức có hiểu biết, thượng tôn pháp luật.
Những thông tin liên quan đến chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa mà tác giả nêu ra trong bài này, xuất phát từ góc nhìn của Giáo sư Trương Bác Thụ, mà rất có thể do nhiều nguyên nhân, ông chưa có điều kiện tham cứu hết hồ sơ pháp lý của các bên, đặc biệt là của Việt Nam.
Bởi quá trình xác lập và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được Nhà nước Việt Nam thực hiện từ thời các chúa Nguyễn, một cách hòa bình, hợp pháp và liên tục.
Chính quyền Cộng hòa Pháp sau này là đại diện cho Nhà nước Việt Nam về mặt đối ngoại, tiếp tục thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo này, trước khi người Trung Quốc can thiệp và tìm cách chiếm đoạt, xâm lược, chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và một số cấu trúc ở Trường Sa.
Theo Giáo Dục
Yêu cầu TQ rút ngay giàn khoan HD-981 ngoài cửa vịnh Bắc Bộ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch khoan giếng và rút ngay giàn khoan HD-981 ra khỏi khu vực này.
Ngày 7- 4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên tiếng về hoạt động của giàn khoan HD-981 của Trung Quốc tại vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ.
Ông Lê Hải Bình thông tin, từ tối 3-4-2016, giàn khoan HD-981 đã di chuyển đến vị trí có tọa độ 173'12 Bắc - 11004'18 Đông để tác nghiệp. "Đây là khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ mà Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán phân định" - ông Lê Hải Bình nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: "Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch khoan giếng và rút ngay giàn khoan HD-981 ra khỏi khu vực này, không có thêm các hành động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình và có những đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định ở biển Đông".
Trước đó, chiều 5-4, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.
Cũng trong ngày 7-4, người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết Việt Nam phản đối việc Trung Quốc đưa vào hoạt động trạm hải đăng trên đá Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
"Hành động nêu trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, là bất hợp pháp và vô giá trị" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.
Ông Lê Hải Bình cũng một lần nữa nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
"Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), không có thêm các hành động làm phức tạp tình hình ở biển Đông" - người phát ngôn Lê Hải Bình khẳng định.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 7-4 cũng đã trao công hàm phản đối việc khởi động trạm hải đăng trái phép trên đá Xu Bi.
Theo Viết Thịnh (Pháp Luật TPHCM)