Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố giải thể Thuỷ điện Hoàng Anh Sài Gòn
Hội đồng quản trị CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HoSE: HAG) đã thống nhất giải thể CTCP Thuỷ điện Hoàng Anh Sài Gòn.
Được biết, Thuỷ điện Hoàng Anh Sài Gòn chính là công ty con do HAGL nắm giữ 99% vốn.
HAGL góp vốn thành lập CTCP Thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn với giá trị góp vốn là 49,5 tỷ đồng vào đầu năm 2018, thời điểm sau 4 năm thoái vốn khỏi thuỷ điện.
Theo đó, Hội đồng quản trị giao cho ông Võ Trường Sơn – Tổng giám đốc của HAGL và là đại diện góp vốn tại Thuỷ điện Hoàng Anh Sài Gòn triển khai các thủ tục pháp lý theo quy định để tiến hành giải thể công ty con này.
Đầu tháng 12/2019, HAGL cũng đã có thông báo chuyển nhượng toàn bộ 248 triệu cổ phần đang sở hữu tại CTCP Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai và đã ghi nhận 68 tỷ đồng cho doanh thu tài chính.
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – Chủ tịch Hội đồng quản trị HAGL cho biết việc này nhằm đẩy mạnh tái cấu trúc tập đoàn theo hướng thoái vốn khỏi những lĩnh vực không hiệu quả và tăng cường đầu tư vào nông nghiệp.
Bầu Đức giải thể công ty thuỷ điện do HAGL nắm 99% vốn.
Video đang HOT
Động thái thoái vốn tại công ty đóng vai trò điều phối cho thấy quyết tâm rời khỏi mảng thủy điện của bầu Đức sau hơn một thập kỷ theo đuổi. Hai công ty thuộc sở hữu trực tiếp của HAGL là Công ty TNHH Điện Hoàng Anh Attapeu (Nậm Kông 2) và Công ty TNHH Điện Nậm Kông 3 cũng được thanh lý.
Thủy điện cùng khoáng sản, trồng trọt là những lĩnh vực nằm trong chiến lược huy động vốn để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai giai đoạn 2008-2010. Nhưng từ năm 2013, doanh nghiệp bầu Đức bắt đầu thoái vốn khỏi thủy điện, bất động sản, mía đường, khoáng sản để tập trung vào nông nghiệp.
Theo Báo cáo tài chính quý 4/2019, tại thời điểm cuối quý, HAGL không ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang nằm tại nhà máy thuỷ điện, trong khi đầu năm Công ty ghi nhận hơn 3.379 tỷ đồng.
Còn về tình hình kinh doanh, cả năm 2019, doanh thu của HAGL lao dốc 61% về 2.082 tỷ đồng. Cộng thêm lỗ khác tới 1.788 tỷ đồng nên lỗ trước thuế của Công ty ở con số 1.609 tỷ đồng, trong khi năm 2018 vẫn có lãi hơn 6 tỷ đồng.
Nhờ cổ đông không kiểm soát “ôm” phần lỗ 1.862 tỷ đồng nên HAGL mới báo lãi ròng 253 tỷ đồng, tăng mạnh 115% so với năm 2018.
Anh Nhi
Theo vietnamdaily.net.vn
Điểm sáng "cô đơn" của Hoàng Anh Gia Lai
Con số lỗ khủng hơn 1.600 tỷ đồng của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG, sàn HoSE) gây choáng váng các cổ đông sau một giai đoạn vốn đã khó khăn trước đó. Vậy trong bức tranh u ám về kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai hiện nay, nhà đầu tư có thể tìm thấy những điểm sáng nào?
Hoàng Anh Gia Lai đang tập trung hoạt động lĩnh vực nông nghiệp.
Doanh thu các mảng đều sụt giảm
Năm 2019, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của đại gia vang bóng một thời Hoàng Anh Gia Lai chỉ đạt 2.082 tỷ đồng, giảm tới 61,4% so với năm 2018. Về lợi nhuận, nếu năm 2018, Công ty tuy chỉ ghi nhận một mức lợi nhuận tối thiểu, đủ để có lợi nhuận với hơn 6,2 tỷ đồng sau thuế, thì năm 2019 thậm chí còn u tối hơn rất nhiều, với con số lợi nhuận sau thuế âm tới 1.609 tỷ đồng.
Riêng trong quý IV/2019, doanh thu thuần của Hoàng Anh Gia Lai chỉ đạt 602,6 tỷ đồng, giảm 43,6% so với cùng kỳ năm trước, theo đó lợi nhuận sau thuế quý IV cũng bị âm 343 tỷ đồng.
Trong hoạt động kinh doanh, hầu hết các lĩnh vực đều sụt giảm doanh thu. Cụ thể, doanh thu bán trái cây giảm 226 tỷ đồng trong quý IV/2019 so với cùng kỳ, nguyên nhân sụt giảm do Hoàng Anh Gia Lai không còn hợp nhất doanh thu từ nhóm Công ty Đông Dương và Công ty TNHH MTV Cao su Tây Nguyên. Doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa giảm 82 tỷ đồng do chủ trương của Công ty tập trung vào đầu tư cây ăn trái.
Một số mảng kinh doanh khác cũng bị suy giảm doanh thu. Trong đó, doanh thu bán bò giảm 35 tỷ đồng trong quý IV/2019 so với cùng kỳ. Lý do là Hoàng Anh Gia Lai không còn ưu tiêu nguồn vốn lưu động phục vụ cho ngành chăn nuôi bò, mà tập trung cho mảng trái cây. Doanh thu mảng cao su giảm 67 tỷ đồng so với cùng kỳ, doanh thu bán ớt giảm 60 tỷ đồng so với cùng kỳ cũng do Công ty chủ trương chuyển dịch cây trồng.
Điểm sáng lẻ loi
Trong bức tranh nhiều mảng tối phủ rộng trên hầu hết các mảng, lĩnh vực kinh doanh không phải không có một vài điểm sáng, dù chỉ ở mức khiêm nhường.
Nhìn trên góc độ chung toàn tập đoàn, Hoàng Anh Gia Lai đã giảm được gần 10.000 tỷ đồng nợ phải trả trong năm 2019, với tổng nợ tại thời điểm này chỉ còn 21.577 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu theo đó chỉ còn là 1,27 lần vào cuối năm 2019, so với tỷ lệ 1,72 lần trước đó 1 năm.
Chẳng hạn, trong bối cảnh khó khăn chung, công ty này đã tiết giảm đáng kể chi phí quản lý doanh nghiệp với mức giảm được 193 tỷ đồng trong quý IV/2019 so với cùng kỳ năm trước. Khoản chi phí này giảm một phần do trong quý IV/2018, Công ty phải thực hiện trích lập dự phòng một số khoản liên quan đến hoạt động kinh doanh, trong khi khoản này phát sinh ít hơn trong quý IV/2019. Ngoài ra, việc phân bổ lợi thế thương mại trong quý IV/2019 cũng ít hơn so với năm trước. Bên cạnh đó, hoạt động tài chính cũng có chút hiệu quả hơn nhờ doanh thu hoạt động tài chính quý IV/2019 tăng 19 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong khi chi phí tài chính lại giảm được 6 tỷ đồng.
Ngoài ra, việc sụt giảm một số mảng kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai do doanh nghiệp này có định hướng chủ động thu hẹp một số mặt hàng để tập trung cho lĩnh vực cây ăn trái. Chủ trương tập trung vào cây ăn trái được thực thi kể từ sau thương vụ Tập đoàn Ô tô Trường Hải (Thaco) đầu tư vào công ty con của Hoàng Anh Gia Lai là Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico). Theo đó, từ năm 2018, Thaco đã đầu tư góp vốn vào HAGL Agrico, Công ty THADI do Thaco thành lập cũng đã mua cổ phần 3 công ty con của HAGL Agrico.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của HAGL Agrico, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, đồng thời cũng là Chủ tịch HAGL Agrico cho biết, Hoàng Anh Gia Lai không bán đất cho Thaco. Cụ thể, Hoàng Anh Gia Lai đang thiếu và cần vốn để trả nợ, trong đó trả nợ ngân hàng, do đó Công ty kêu gọi Thaco cùng đầu tư, hợp tác vào 2 công ty, chứ không phải bán đất.
Trong năm 2019 vừa qua, HAGL Agrico cũng chịu chung cảnh thua lỗ giống công ty mẹ Hoàng Anh Gia Lai, nhưng cán cân nợ so với vốn của doanh nghiệp này đã cân bằng hơn nhiều so với trước. Tổng nợ phải trả của HAGL Agrico tại thời điểm 31/12/2019 đã giảm được gần 6.500 tỷ đồng so với trước đó 1 năm, chỉ còn ở mức hơn 13.365 tỷ đồng, cao hơn không quá nhiều so với vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm là 9.886 tỷ đồng.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Chậm công bố báo cáo tài chính, "bệnh kinh niên" Năm 2020 mới bắt đầu, nhưng Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã nhận được hàng chục công văn của các công ty niêm yết xin gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính năm nay. Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) là một trong những doanh nghiệp mới nhất gửi công văn cho HOSE xin gia hạn...