Hoàn thiện các thủ tục để sớm đi vào thực thi Hiệp định EVFTA
Bộ Công Thương đã gửi nội dung báo cáo về “Một số nội dung chủ yếu đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA,” do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trình bày.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, ông Trần Quốc Khánh. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Bộ Công Thương cho biết phục vụ cho phiên họp thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội diễn ra ngày 16/4, Bộ Công Thương đã gửi nội dung báo cáo về “Một số nội dung chủ yếu đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA.”
Báo cáo này do Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, ông Trần Quốc Khánh trình bày.
Theo Bộ Công Thương, ngày 30/3 vừa qua, Hội đồng châu Âu cũng đã phê duyệt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của EU. Vì thế, Hiệp định EVFTA chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định của Hiệp định là sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.
Liên quan đến bộ hồ sơ trình Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA, ngày 6/1 vừa qua, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ hồ sơ về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan.
Ngoài ra, đến ngày 21/2 vừa qua, Bộ Công Thương đã trình hồ sơ lên Chính phủ với các nội dung cập nhật về kết quả rà soát pháp luật, tình hình phê chuẩn của EU và việc Anh rời EU.
Tiếp theo ngày 24/2 vừa qua, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Tờ trình của Chính phủ gửi Chủ tịch nước về việc phê chuẩn EVFTA sau khi đã tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ.
Ngày 6/4 vừa qua, Chính phủ đã trình hồ sơ này lên Chủ tịch nước để Chủ tịch nước xem xét, trình Quốc hội. Ngày 8/4, Bộ Công Thương đã gửi Văn phòng Chủ tịch nước một số thông tin, tài liệu bổ sung cho bộ hồ sơ trình phê chuẩn.
Để phục vụ cho việc Ủy ban Đối ngoại Quốc hội thẩm tra phê chuẩn Hiệp định EVFTA, ngày 9/4 vừa qua, Bộ Công Thương đã gửi Ủy ban Đối ngoại Quốc hội bộ hồ sơ trình phê chuẩn với đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Luật Điều ước quốc tế 2016 cũng như cung cấp các thông tin giới thiệu, giải thích về Hiệp định EVFTA.
Chuẩn bị cho phiên họp lần thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 20/4 tới, Bộ Công Thương đang chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Chủ tịch nước hoàn thiện Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội cũng như chuẩn bị các nội dung có liên quan để đưa vào bộ hồ sơ chính thức trình Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA.
Đáng lưu ý, nhằm bảo đảm có cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực thi Hiệp định EVFTA ngay khi Hiệp định có hiệu lực, Bộ Công Thương đã liệt kê các văn bản quy phạm pháp luật cần phải được ban hành ngay thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Video đang HOT
Vì vậy, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng giao các Bộ, ngành triển khai ngay việc xây dựng và/hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật này với mục tiêu là ban hành cùng với thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVFTA.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc rà soát để triển khai việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản bản pháp luật để thực thi EVFTA, Bộ Công Thương đã gửi công văn cho tất cả các bộ, ngành cập nhật về tình hình phê chuẩn của Việt Nam và EU dự kiến thời gian Hiệp định chính thức có hiệu lực, cung cấp kết quả rà soát của Bộ Công Thương về danh mục các văn bản pháp luật cần ban hành ngay và nhóm cam kết áp dụng trực tiếp khi Hiệp định có hiệu lực.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cung cấp các thông tin cần lưu ý để các bộ, ngành tham khảo trong quá trình rà soát và xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách.
Riêng với các văn bản pháp luật do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng, cụ thể là Thông tư quy định về xuất xứ hàng hóa để thực thi EVFTA, Bộ cũng đã chủ động xây dựng dự thảo từ tháng 12/2019 và hiện đang trong quá trình tổng hợp lấy ý kiến và sẽ bảo đảm ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVFTA.
Liên quan đến việc chuẩn bị thực thi của phía EU, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với EU trong quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ chế cấp hạn ngạch thuế quan cho các loại gạo của Việt Nam có trong danh mục được hưởng hạn ngạch với thuế suất trong hạn ngạch là 0% khi xuất khẩu sang EU.
Bộ Công Thương cho biết thêm Bộ đã xây dựng kế hoạch trình Chính phủ để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA với mục tiêu và kế hoạch cụ thể.
Các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính là tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Dự thảo Kế hoạch này đã được đưa vào bộ hồ sơ trình các cấp về việc phê chuẩn Hiệp định. Sau khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, dự thảo Kế hoạch này sẽ tiếp tục được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành.
Dây chuyền chế biến thịt ếch xuất khẩu sang EU tại Công ty TNHH Tân Thành Lợi, tỉnh Long An. (Ảnh: TTXVN)
Về kế hoạch hành động của Bộ Công Thương, Bộ đã ban hành Quyết định triển khai một số hoạt động chuẩn bị cho việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA giai đoạn từ tháng Ba vừa qua đến khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Theo đó, bên cạnh việc triển khai các công việc phục vụ cho Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định, Bộ cũng sẽ triển khai một loạt các hoạt động để chuẩn bị cho thực thi Hiệp định EVFTA sau này. Chẳng hạn như tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định dưới nhiều hình thức; rà soát và xây dựng sớm các văn bản pháp luật để bảo đảm có đầy đủ và kịp thời cơ sở pháp lý khi Hiệp định chính thức có hiệu lực.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng các kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu sang EU…
Hiện Bộ Công Thương cũng đã hoàn thiện về cơ bản Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Bộ cho giai đoạn 2020 và 2021-2025 trên cơ sở cụ thể hóa các hoạt động thuộc phạm vi phụ trách trong dự thảo Kế hoạch thực thi của Chính phủ.
Dự kiến ngay sau khi Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện của Chính phủ (khi Hiệp định EVFTA được Quốc hội phê chuẩn và chính thức có hiệu lực) Bộ cũng sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện của Bộ.
Đối với Kế hoạch thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, ngày 8/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA để kịp thời ban hành ngay tại thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Do đó, để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất giữa các cơ quan trung ương và địa phương nhằm bảo đảm việc thực thi Hiệp định được hiệu quả và đầy đủ, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng mẫu Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA để gửi các bộ, ngành, địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện.
Đặc biệt, nhằm phổ biến Hiệp định EVFTA tới đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là đối tượng doanh nghiệp và cán bộ quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương, Bộ Công Thương đã thiết lập trang điện tử chuyên sâu về Hiệp định EVFTA tại địa chỉ evfta.moit.gov.vn, để cung cấp thông tin, giải thích cam kết cũng như kết nối với người dân và doanh nghiệp về EVFTA.
Ngoài ra, Bộ cũng đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về Hiệp định thông qua việc tổ chức các hội thảo, khóa tập huấn chuyên sâu trải dài hầu khắp các tỉnh thành, tập trung tại các địa phương có các đơn vị được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O và nơi tập trung các khu công nghiệp lớn, có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt, Bộ Công Thương đang xây dựng các khóa đào tạo, tập huấn dưới hình thức trực tuyến cho các đối tượng là cán bộ các sở, ngành và doanh nghiệp địa phương để nâng cao nhận thức và kiến thức về các cam kết cụ thể trong từng lĩnh vực của Hiệp định./.
Uyên Hương
Thị trường ô tô giảm sút mạnh
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến ngành ô tô Việt Nam lao đao, nhiều hãng xe phải tạm dừng sản xuất, đóng cửa đại lý phân phối.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây chỉ là khó khăn ngắn hạn, thời gian tới ngành ô tô sẽ bứt phá sau khi Chính phủ sửa đổi thuế suất và Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Doanh số lao dốc, nhiều hãng đóng cửa
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 3/2020 doanh số bán đạt 19.154 xe giảm 41% so với cùng kỳ. Quý 1/2020, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 28%, xe nhập khẩu giảm 39% so với cùng kỳ 2019.
Cửa hàng mua bán trao đổi ô tô trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Phạm Hùng
Nguyên nhân khiến sức tiêu thụ ô tô giảm sút trong quý I/2020, đại diện VAMA nhận định: "Doanh số của thị trường ô tô Việt Nam trong cả năm nay có thể sụt giảm hơn 15% so với năm 2019".
Doanh số lao dốc do dịch Covid-19 khiến nhiều hãng ô tô phải dừng hoạt động, đóng cửa sản xuất. Cụ thể, ngày 6/4, VinFast tạm dừng hoạt động nhà máy sản xuất ô tô để phòng, chống dịch Covid-19. Thời điểm hoạt động trở lại sẽ được công bố khi dịch được kiểm soát. Không riêng VinFast nhiều DN sản xuất ô tô cũng trong tình trạng tương tự.
Từ 26/3 Ford Việt Nam tạm thời ngưng hoạt động sản xuất, lắp ráp tại nhà máy ở Hải Dương. Honda Việt Nam cũng tạm dừng hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy đến hết ngày 15/4. Ngoài việc tạm dừng sản xuất từ ngày 30/3 đến 15/4, Toyota Việt Nam đóng cửa toàn bộ đại lý, chi nhánh Toyota tại Hà Nội. Hãng xe sang Mercedes-Benz... cũng tạm ngừng hoạt động lắp ráp xe tại Việt Nam.
Chủ tịch VAMA Toru Kinoshita dự báo, nếu dịch Covid-19 kéo dài, sản lượng, doanh số ô tô tại Việt Nam có thể giảm về mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Ngành ô tô vẫn có nhiều cơ hội hồi sinh
Tuy thị trường ô tô quý I/ 2020 ảm đạm, song nhìn nhận về lâu dài, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn có những đánh giá tích cực. Thư ký VAMA Ninh Hữu Chấn cho rằng, thị trường và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có những bước chuyển mình ấn tượng. Vì vậy, khi dịch Covid-19 được khống chế, ngành ô tô sẽ tiếp tục tăng trưởng cả cung lẫn cầu và nguồn linh kiện lắp ráp không thiếu...
"Hiện nguồn linh phụ kiện nhập kho từ cuối năm 2019 đủ đáp ứng cả năm 2020. Các DN chủ yếu đang theo dõi tình hình dịch bệnh và phản ứng của thị trường để lên kế hoạch hoạt động trong thời gian tới " - ông Chấn chia sẻ.
Còn dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Đỗ Nam Bình cho rằng: Những khó khăn trước mắt chỉ là tạm thời, chắc chắn thời gian tới ngành công nghiệp ô tô sẽ bứt phá vì tiềm năng và thế mạnh còn nhiều. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA với lộ trình giảm dần thuế nhập khẩu ô tô về 0% tạo cơ hội cho xe ngoại vào thị trường Việt Nam thuận lợi hơn.
"Ngay cả khi hiệp định chưa có hiệu lực thì tâm lý kỳ vọng vào chính sách giảm giá xe nhập khẩu sẽ tác động đến nhu cầu mua xe của người tiêu dùng, từ đó các đại lý có thể tăng doanh số" - ông Bình nói.
Nhằm hỗ trợ DN ngành ô tô vượt qua dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã có Công văn số 202/BCT-KH trình Thủ tướng đề xuất hỗ trợ DN sản xuất, lắp ráp ô tô gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập DN, thuế GTGT đến hết quý I/2021; giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thông qua nghị định sửa đổi thuế suất nhập khẩu linh kiện theo hướng giảm dần, tiến tới xóa bỏ. Nếu được thông qua, xe lắp ráp trong nước sẽ có cơ hội giảm giá mạnh, sẽ tăng sức cạnh tranh với xe nhập khẩu. Với sự hỗ trợ của Chính phủ và FTA mang lại ngành ô tô Việt Nam sẽ có thêm cơ hội phát triển sau khi Covid-19 được khống chế.
"Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ cân nhắc giảm thuế nhập khẩu phụ tùng linh kiện, vì nếu giảm loại thuế này thì sẽ giúp DN cắt giảm chi phí, góp phần hỗ trợ sản xuất phát triển bởi hiện chi phí sản xuất trong nước đang cao hơn so với khu vực khoảng 20%." - Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy - Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương)
Lê Nam
Việt Nam triển khai các thủ tục phê chuẩn Hiệp định EVFTA Sau khi được Quốc hội phê chuẩn và đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là "cú hích" lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Công nhân sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty cổ phần may và dịch vụ Hưng Long (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) Ủy...