Hoàn tất công tác chuẩn bị xét xử cha con Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh
Tại khuôn viên trụ sở Tòa án nhân dân TP Hà Nội, ngày 18-3, xuất hiện ngôi “nhà bạt khủng” với hàng nghìn chỗ ngồi cùng hệ thống màn hình “cực đại”.
Đây là một phần công tác chuẩn bị xét xử vụ án cha con Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Theo kế hoạch, ngày 19-3, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (viết tắt là Công ty Tân Hoàng Minh). Điều đáng chú ý là trước thềm phiên xử diễn ra, TAND TP Hà Nội đã rất công phu chuẩn bị để bảo đảm phiên tòa diễn ra theo đúng kế hoạch và an toàn tuyệt đối.
Cụ thể, ngay lối ra vào cổng số 2 (cổng chính), TAND TP Hà Nội cho dựng ngôi “nhà bạt khủng” với sức chứa hàng nghìn chỗ ngồi cùng hệ thống màn hình “cực đại”, màn hình cỡ lớn trong không gian này. Đây chính là nơi dành cho phần lớn bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ tham gia tố tụng.
“Nhà bạt khủng” được bố trí ngay cổng ra vào của Tòa án Hà Nội.
Hệ thống màn hình tại “nhà bạt khủng” được kết nối trực tiếp với hội trường xét xử chính nhằm bảo đảm diễn biến phiên tòa luôn được khớp nối, thông suốt ở tất cả các vị trí, không gian liên quan. Đến trưa 18-3, công tác âm thanh, ánh sáng, đường truyền trực tuyến và các thiết bị phòng, chống cháy, nổ, bảo đảm an toàn, an ninh đã cơ bản được Tòa án Hà Nội lắp đặt, triển khai xong.
Cùng với “nhà bạt khủng”, các bị hại, người liên quan còn được bố trí ngồi ngay tại hội trường trung tâm (nơi Hội đồng xét xử làm việc) có sức chứa khoảng trên dưới 400 người và một hội trường sát phòng Hội đồng xét xử làm việc với hơn 500 chỗ ngồi. Tại đây cũng được lắp đặt các màn hình cỡ lớn cùng đường truyền trực tuyến, kết nối với hội trường trung tâm.
Cùng ngày, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cũng đã trực tiếp đi kiểm tra từng vị trí, bộ phận liên quan đến phiên tòa xét xử cha con Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Được biết, công tác bảo đảm an ninh, trật tự ngay từ khu vực ngoài cổng tòa cũng đã được Tòa án Hà Nội cùng đơn vị Cảnh sát Hỗ trợ tư pháp (Công an TP Hà Nội) và công an phường sở tại lên phương án để triển khai trong suốt những ngày diễn ra phiên xử.
Video đang HOT
“Nhà bạt khủng” phục vụ phiên xét xử cha con ông chủ tập đoàn Tân Hoàng Minh có sức chứa cả nghìn chỗ ngồi.
Đối với các cơ quan thông tấn, báo chí cử phóng viên theo dõi, đưa tin phiên tòa, Tòa án Hà Nội bố trí một hội trường riêng. Mọi diễn biến về phiên xử sẽ được truyền tải tới các phóng viên thông qua đường truyền trực tuyến và màn hình tivi.
Trong vụ án này, 15 bị cáo cùng bị đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong đó, hai bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và Đỗ Hoàng Việt (con trai bị cáo Dũng) bị xác định giữ vai trò chính, lớn nhất trong vụ án. 8 bị cáo thuộc Công ty Tân Hoàng Minh và 5 bị cáo khác bị xác định giữ vai trò đồng phạm giúp sức.
Phiên xử do Thẩm phán Nguyễn Xuân Văn (Chánh Tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội) làm chủ tọa. Hiện có hơn 20 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Trong đó, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh) bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Dũng, luật sư Nguyễn Văn Tú (Công ty Luật FANCI) bào chữa cho bị cáo Đỗ Hoàng Việt. Liên quan đến vụ án, 6.630 nhà đầu tư được xác định là người bị hại cũng được triệu tập đến phiên xử.
Bị cáo Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Theo cáo trạng truy tố, do khó khăn về tài chính và để có tiền chi phí duy trì bộ máy làm việc, hoạt động kinh doanh, đầu tư, thanh toán các khoản nợ phải trả của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, từ tháng 6-2021 đến tháng 3-2022, bị cáo Đỗ Anh Dũng đã thống nhất chủ trương và thông qua con trai Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo, ủy quyền cho các bị cáo đồng phạm dưới quyền sử dụng pháp nhân 3 doanh nghiệp phát hành 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành 10.030 tỷ đồng nhằm huy động tiền.
Để phát hành được trái phiếu, các bị cáo đã thông đồng thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối, hợp thức điều kiện, hồ sơ phát hành, thủ tục chào bán, giao dịch trái phiếu: ngụy tạo hoạt động kinh doanh bằng hình thức ký hợp thức các hợp đồng hợp tác đầu tư, đặt cọc, mua bán cổ phần… không có thật giữa nội bộ các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Các bị cáo đã thông đồng với đơn vị kiểm toán, hợp thức số liệu báo cáo tài chính của 3 công ty phát hành, đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần để đủ điều kiện phát hành trái phiếu.
Vụ án quá đông bị hại nên Tòa án Hà Nội phải bố trí rất nhiều màn hình lớn.
Ngoài ra, các bị cáo còn ký các hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống”, thể hiện việc Công ty Tân Hoàng Minh thanh toán tiền mua trái phiếu và dòng tiền từ 3 công ty phát hành theo các hợp đồng hợp tác đầu tư, tạo lập giá trị “ảo” các gói trái phiếu.
Viện Kiểm sát xác định, các bị cáo đã sử dụng tài sản của chính những hợp đồng hợp tác đầu tư “khống” làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu. Từ đó tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu Công ty Tân Hoàng Minh để huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư tổng số hơn 8.643 tỷ đồng. Số tiền này, các bị cáo sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng mục đích phát hành trái phiếu.
Con trai Chủ tịch Tân Hoàng Minh bị cáo buộc đề xuất phát hành trái phiếu
Cáo buộc cho rằng, con trai Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - bị can Đỗ Hoàng Việt chính là người đề xuất chủ trương phát hành trái phiếu để huy động tiền cho tập đoàn này.
Như VietNamNet đã đưa, VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 15 bị can vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Theo cáo buộc, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, đại diện pháp luật Công ty Tân Hoàng Minh là người điều hành, chỉ đạo, quyết định nhất đối với các hoạt động kinh tế tại Tân Hoàng Minh và hệ thống công ty thuộc Tập đoàn này.
Ông Dũng đã chỉ đạo con trai là bị can Đỗ Hoàng Việt, Phó TGĐ phụ trách tài chính tìm nguồn vốn để huy động hoạt động kinh doanh, đầu tư của Tập đoàn thông qua việc phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn; đồng ý, phê duyệt cho triển khai thực hiện những nội dung như: Lựa chọn công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành, giá trị dự kiến phát hành, tài sản đảm bảo, lãi suất, sử dụng Công ty Tân Hoàng Minh mua trái phiếu sơ cấp để lấy uy tín, thương hiệu Tân Hoàng Minh bán trái phiếu ra cho nhà đầu tư...
Bố con Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt.
Ông Đỗ Anh Dũng cũng thành lập Trung tâm kinh doanh trái phiếu thuộc Tân Hoàng Minh và giao cho Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo, điều hành việc bán trái phiếu; ủy quyền cho ông Lê Văn Thịnh, Phó TGĐ và 21 cá nhân tại Tân Hoàng Minh ký hợp đồng, thủ tục bán trái phiếu, huy động tiền của người mua trái phiếu.
Hàng ngày số liệu thu- chi từ việc phát hành trái phiếu đều được báo cáo cho ông Đỗ Anh Dũng qua Trung tâm Tài chính kế toán và Văn phòng chủ tịch, Tổng giám đốc để biết, chỉ đạo điều hành; chỉ đạo các bị can, cá nhân liên quan tại Công ty Tân Hoàng Minh sử dụng số tiền thu được từ bán trái phiếu vào nhiều mục đích khác nhau, không đúng với phương án phát hành trái phiếu; chiếm đoạt của 6.630 người bị hại số tiền hơn 8.643 tỷ đồng.
Cáo trạng cho rằng, bị can Đỗ Hoàng Việt là người đề xuất chủ trương phát hành trái phiếu để huy động tiền cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Việt thực hiện sự chỉ đạo của bố, trực tiếp điều hành, chỉ đạo Trung tâm Tài chính- kế toán lập "khống" hồ sơ phát hành trái phiếu, thống nhất với Công ty Kiểm toán Việt Nam và Công ty CPA Hà Nội hợp thức báo cáo tài chính của 3 công ty phát hành để đủ điều kiện phát hành trái phiếu.
Phó TGĐ Đỗ Hoàng Việt cũng chỉ đạo việc ký hợp đồng "giả cách" chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền "khống" cho Công ty Tân Hoàng Minh trở thành trái chủ sơ cấp để bán trái phiếu và bàn bạc, thống nhất với ông Đỗ Anh Dũng về việc sử dụng toàn bộ số tiền huy động được trái mục đích, phương án phát hành, giúp sức cho Chủ tịch Tân Hoàng Minh chiếm đoạt hơn 8.643 tỷ đồng.
Cáo buộc cho rằng, thông qua việc phát hành, mua bán 9 gói trái phiếu trái pháp luật, Công ty Tân Hoàng Minh đã huy động được hơn 13.972 tỷ đồng.
Kết quả điều tra xác định, 9 gói trái phiếu phát hành có kỳ hạn từ 2-5 năm, nhưng các bị can thuộc Tân Hoàng Minh đã chia nhỏ kỳ hạn đến tuần, tháng để bán trái phiếu và sử dụng khoản tiền từ chính nguồn thu trái phiếu để chi trả (5.165 tỷ đồng là tiền của người/hợp đồng mua trái phiếu sau để trả cho những người/hợp đồng mua trái phiếu đến hạn trước).
Thực chất đây là thủ đoạn của các bị can để huy động mọi người mua các gói trái phiếu phát hành tiếp theo. Vì vậy, tại thời điểm khởi tố vụ án, tội phạm bị phát hiện, ngăn chặn, xác định toàn bộ số dư nợ gốc còn lại là hơn 8.642 tỷ đồng của 6.630 nhà đầu tư.
VKSND Tối cao cho rằng, quá trình điều tra, các bị can đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thừa nhận hành vi sai phạm. Ông Đỗ Anh Dũng cùng các bị can khác đã tích cực hợp tác với CQĐT. Bản thân ông Dũng có nhiều thành tích, cống hiến cho xã hội, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Quá trình điều tra, bố con ông Đỗ Anh Dũng đã tác động gia đình, tổ chức liên quan nộp hơn 5.651 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
Từ đế chế hoàng kim đến khi bị bắt của Chủ tịch Tân Hoàng Minh Từ 'ông trùm' bất động sản, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh trở thành bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền trên 8.600 tỷ đồng của nhà đầu tư.