Hoàn cảnh thương tâm của một VĐV bắn súng đĩa bay sau giải nghệ
Cứ nghĩ rằng từng là một vận động viên cấp quốc gia là sống một cuộc đời sung túc nhưng với hoàn cảnh của chị Phùng Thanh Thủy (SN 1983) ở Hoàng Mai, Hà Nội- vận động viên bắn súng đĩa bay quốc gia lại là một cái kết buồn sau khi giải nghệ.
Chị Thủy trong một lần trở lại với trường bắn. Ảnh: NVCC
Sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà
Sinh ra và lớn lên trong gia đình không mấy khá giả, từ bé chị Thủy đã phải tự lập để cùng phụ giúp bố mẹ. Cuối năm 1999, khi đang học cấp 3, chị Thủy được giới thiệu vào đội tuyển bắn súng đĩa bay.
Nhớ lại ngày đầu vào đội tuyển bắn súng chị Thủy : “Ngày đó mình không hẳn là đam mê nhưng mình cũng có một chút năng khiếu nên khi vào là được tuyển thẳng vào đội tuyển quốc gia. Ngày đó với mức lương của vận động viên mình có thể giúp được bố mẹ đỡ vất vả hơn”.
Video đang HOT
Năm 2001, chị cùng với các đồng đội tham dự Sea Games 21 được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia. Và cũng sau những cuộc thi đấu đó, chị xin được rút ra khỏi đội tuyển và quay trở lại học tiếp lớp 12 rồi theo đuổi ước mơ đại học. Tốt nghiệp đại học, lấy bằng cử nhân nếu như bạn bè cùng trang lứa được một kỳ nghỉ “xả hơi” sau bao ngày vất vả thì chị lại lao đầu vào công cuộc tìm việc với mong muốn vực dậy gia đình.
Sau bao nỗ lực cố gắng, chị Thủy liên tiếp được nhận lời vào làm việc chính thức ở các bộ phận Seo – Maketting cho các công ty nước ngoài. “Lúc đó đi làm rồi, mình có lương nên cuộc sống gia đình cũng dần được ổn định” – chị Thủy cho biết.
Nhưng “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” cuộc sống sung túc ấy chưa kéo dài được bao lâu thì năm 2011 chị bị một trận ốm nặng phải nghỉ việc. Trận ốm ấy cứ dai dẳng mãi, chị và gia đình cũng đã cố gắng đi chạy chữa khắp nơi nhưng chẳng thể nào phát hiện được bệnh gì. Sức khỏe cứ yếu đi mà chẳng rõ nguyên nhân. Đặc biệt, sau chuyến đi từ thiện cùng nhóm bạn lên Hà Nhì (Hà Giang), căn bệnh của chị trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết.
“Lúc đó mình đi vào khoảng 25 Tết năm 2016, bọn mình đi đúng đợt lạnh, sương muối rất nhiều. Sức khỏe của mình vốn đã không tốt lại gặp thời tiết xấu mình bị nhiễm lạnh khiến bệnh tái phát nghiêm trọng hơn. Mình phải nhập viện vào bệnh viện 103 và ở đó có chuẩn đoán là bệnh nan y tự miễn tên là Nhược cơ – một căn bệnh hiếm gặp và không có khả năng cứu chữa.” – Chị Thủy bùi ngùi nhớ lại.
Dù bệnh tật, khó khăn không khiến chị “mất tinh thần chiến đấu”. Ảnh: NVCC
Không giấu nổi những giọt nước mắt khi nói về người con gái của mình, bà Đỗ Thị Kim Định – mẹ chị Thủy cho biết: “Từ ngày Thủy lâm bệnh thì nó ở viện còn nhiều hơn ở nhà. Từ tháng 3.2016 đến tháng 8.2016 nó vào viện đến 7 lần với 2 lần phải cấp cứu, thở bằng máy. Lần vào viện ít thì 5-7 triệu, lần nhiều thì 50-70 triệu. Cả nhà chẳng có thu nhập gì ngoài đồng lương hưu của bố, em trai thì lấy vợ còn phải lo việc gia đình nữa nên cũng chẳng giúp được nhiều. Cô thì bị tiểu đường, ông lại bị gout, ai cũng bệnh tật cả. Để lo cho con bé chỉ còn cách vay mượn rồi tới bước đường cùng là bán nhà trả nợ”.
Mẹ bệnh vô phương cứu chữa, con bệnh nan y
Người ta vẫn thường nói rằng một người trong nhà bị bệnh thì gánh phần cho cả nhà mạnh khỏe, nhưng câu nói này chẳng hề đúng được với gia đình chị. Ngày chị lâm trọng bệnh phải nhập viện liên tục thì cũng là lúc người chị dâu của chị qua đời để lại đứa con nhỏ hơn 3 tuổi cho chị nuôi. Bé Phùng Phương An là niềm hi vọng của cả gia đình. Còn với chị Thủy bé Phương An là đứa con chị không dứt ruột sinh ra nhưng là tất cả những gì chị có, là nguồn sống của chị.
Với chị Thủy, bé Phương An là tất cả nguồn sống.
“Khi mẹ ruột con mất hơn 1 tháng thì con lại được phát hiện tiểu cầu của con vô cùng thấp luôn ở mức nguy hiểm và đồng thời thiếu cả hồng cầu. Sau bao tháng ngày chạy vạy chữa trị nhưng bệnh chẳng hề thuyên giảm cả gia đình quyết định đưa đến bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương để khám. Tại đây bé được chuẩn đoán mắc bệnh con mắc chứng tủy giảm sinh, chỉ định cấy tế bào gốc, có thể mất đến tiền tỷ” – Chị Thủy cho biết.
Hướng đôi mắt xa xăm chị Thủy nói: “Con sinh ra khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Hình như con biết thân phận mình không may mắn nên từ bé đến lớn ăn ngoan ngủ ngoan, không quấy khóc. Ngay cả khi con phải sinh thiết tủy (khoan xương lấy tủy – PV) – con đã trải qua những xét nghiệm rất đau đớn, nhưng con ngoan chỉ khóc 1 lúc làm, rồi lại chơi như chẳng có gì xảy ra. Hàng ngày đi viện mình hỏi con ở nhà với mẹ nhé, con trả lời “không đâu, phải đi chứ”, hình như con ý thức được muốn khỏe mạnh là phải đi viện chữa cho kỳ khỏi. Nhìn con mà mình không khỏi xót xa.”
Hình như con biết thân phận mình không may mắn nên từ bé đến lớn ăn ngoan ngủ ngoan, không quấy khóc.
Có lẽ điều may mắn lớn nhất đối với chị hiện nay là tình thương, sự giúp đỡ của bạn bè, chị bắt đầu bán hàng qua mạng. Đây là một công việc không cần quá nhiều sức lực và giúp chị có một khoản thu nhập nho nhỏ phụ giúp với gia đình. Nhưng có lẽ với số thu tiền đấy để trang trải cho những ca phẫu thuật ghép tế bào gốc cho con là một điều không tưởng.
“Ngày mình nằm viện có những lúc gia đình đến miếng ăn còn phải nhìn nhau nhường nhịn nhưng mình cũng cố gắng vì con vươn lên. Mà sức của mình giờ đây cũng đã tàn, mạng sống cũng chỉ như mành chỉ treo chuông không biết đến khi nào nằm xuống không lo được cho con nữa. Cong là tất cả những gì mình có, là nghị lực để mình có thể đương đầu với mọi khó khăn thử thách mà ông giời ban cho. Nhưng ông trời đang muốn tước đi mầm sống duy nhất ấy của mình. Mình chẳng cầu xin cho mình chỉ cầu mong rằng con có thể khỏe lại và sống tiếp cuộc đời, tiếp những ước mơ mà các mẹ đang dang dở. Không biết ước mơ đó có lớn lao quá không?” – Chị Thủy nghẹn lời nói.
Theo Dân Việt