‘Hoa hồng trên ngực trái’: Mẹ đẻ Khang nhan sắc thế này bảo sao chồng bà Hồng không bỏ vợ chạy theo?
Bà Hồng ( NSND Hoàng Cúc) đã đẹp rồi nhưng mẹ Khang (NSƯT Quế Hằng) còn đẹp không kém. Nhan sắc tuyệt trần như thế này bảo sao bố Thái ( Ngọc Quỳnh) phải tương tư!
Hoa hồng trên ngực trái đang là 1 trong những bộ phim VFC nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả nhất. Khai thác đề tài hôn nhân – gia đình trong cuộc sống hiện đại, phim bắt đầu đi vào giai đoạn sau khi các nhân vật tuyến phản diện phải nhận quả báo bởi những sai lầm và tội lỗi đã gây ra.
Trích đoạn Hoa hồng trên ngực trái tập 27: Khang ghen khi tưởng San ‘thay bồ như thay áo’?
Trong phim, Thái là ông chồng hội tụ đủ mọi tật xấu: gia trưởng, keo kiệt, mê tín lại không chung thủy. Khi phát hiện con trai có nhân tình bên ngoài, bà Hồng đã nhiều lần kịch liệt phản đối, ngăn cản, thậm chí còn thay con dâu ‘dằn mặt tiểu tam’ Trà (Lương Thanh). Bà không muốn con trai đi theo vết xe đổ trước kia của chồng mình.
Thậm chí, bà Hồng còn nhắc lại chuyện những năm cuối đời, chồng bà vô cùng hối hận vì đã bỏ mẹ con Thái và đến tận khi nhắm mắt vẫn chỉ mong được Thái tha thứ.
Mới đây, trên trang cá nhân, nam diễn viên Hồng Đăng đã chia sẻ status hé lộ hình ảnh hậu trường của phim. Các fan nhanh chóng đoán ra người phụ nữ trong bức ảnh (ngoài San) chính là mẹ ruột Khang.
Đảm nhiệm vai diễn này là NSƯT Quế Hằng. So với mẹ Thái, mẹ Khang quả thực rất trẻ trung và quý phái không thua kém. Nhiều cư dân mạng cũng phải công nhận ‘Nhan sắc thế này bảo sao trước kia chồng bà Hồng không bỏ vợ, bỏ con mà chạy theo?’.
Khán giả đều rất trông đợi sự xuất hiện của NSƯT Quế Hằng trong vai người mẹ của Khang. Khang vốn đi du học về nên theo nhiều suy luận, có thể mẹ Khang vẫn đang sống ở nước ngoài. Sau khi San có bầu thì San – Khang thành một đôi và mẹ Khang về nước để chuẩn bị đám cưới cho con trai?
Đón xem các tập tiếp theo của Hoa hồng trên ngực trái lên sóng vào 21h40 các ngày thứ Tư và Năm hàng tuần trên kênh VTV3 để biết chi tiết.
Theo tiin
NSND Hoàng Cúc (Hoa Hồng Trên Ngực Trái): "Dù mai có tận thế thì hôm nay tôi vẫn phải chiến đấu và chiến thắng"
Không phải "cô Khuê" Hồng Diễm hay "San" Diệu Hương, người được yêu mến nhất trong "Hoa Hồng Trên Ngực Trái" chính là mẹ chồng quốc dân - NSND Hoàng Cúc. Cùng lắng nghe những tâm sự của nghệ sĩ về vai diễn thú vị lần này cũng như cuộc đời lắm thăng trầm của cô.
Với các khán giả trẻ ngày hôm nay, NSND Hoàng Cúc có lẽ không phải một gương mặt quá quen thuộc bởi đã 10 năm rồi, cô không xuất hiện trên màn ảnh vì căn bệnh ung thư quái ác. Thế nhưng với tín đồ trung thành của phim Việt những thập kỷ trước, của những vở kịch nức tiếng một thời thì Hoàng Cúc vẫn luôn là một cái tên gợi nhớ nhiều kỉ niệm.
Người phụ nữ đó hiện tại đã ngoài 60, đã trải qua đủ thứ giông bão cuộc đời và một lần nữa trở lại đầy mạnh mẽ trên màn ảnh nhỏ cùng Hoa Hồng Trên Ngực Trái. Trong lúc đợi những màn thể hiện tiếp theo NSND Hoàng Cúc, lắng nghe những chia sẻ chân tình của nghệ sĩ về vai diễn để đời, về những ngày tháng chống chọi với ung thư và cả một thời quá khứ vàng son tươi đẹp.
NSND Hoàng Cúc
Không có Hoa Hồng Trên Ngực Trái thì tôi cũng đã là "mẹ chồng quốc dân"
Đã lâu rồi cô mới trở lại với màn ảnh, không biết tình hình sức khỏe hiện tại của cô thế nào?
Sau 10 năm để có thể trở lại phim trường thì chắc chắn một điều là sức khỏe của tôi đã phải ổn định rồi.
Trong phim bà Hồng có không ít phân đoạn nặng cảm xúc, không biết điều ảnh có ảnh hưởng tới sức khỏe của cô, như việc tay cô bị sưng chẳng hạn?
Tay của tôi vẫn sưng nhưng cái tay này không ảnh hưởng đến sức khỏe. Vấn đề của tôi là ở mạch vành. Tất cả những trường đoạn phim vừa chiếu, tôi chỉ quay trong vài ngày và trong ngày đầu tiên thì tôi phải sử dụng một loại thuốc hỗ trợ. Sau đó khi đã quen dần thì có những hôm tôi quên không uống thuốc, nghĩa là nhịp sống và nhịp làm việc cũng giúp mình khỏe mạnh hơn.
Vậy quá lâu rồi mới trở lại màn ảnh có khiến cô có gặp khó khăn gì không, nhất là trong việc tiếp cận với trang thiết bị mới?
Tôi nghĩ điều này chỉ dành cho những người không chuyên nghiệp thôi còn với tôi, ngay từ những đêm kịch, những buổi truyền hình trực tiếp thì mọi thứ đã đồng bộ cả rồi. Đối với truyền hình thì có thể là mới mẻ vì trước đây truyền hình là lồng tiếng nhưng với sân khấu kịch thì sự đồng bộ đã có từ rất lâu.
Được biết ngoài đời cô là rất chiều con dâu, liệu đây có phải lý do khiến cô được "đo ni đóng giày" cho vai diễn lần này?
Cũng có thể một phần là như thế. Tôi nghĩ rằng trong cuộc sống này tình yêu là rất quan trọng, không riêng gì trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu mà chúng ta nên yêu thương tất cả, thậm chí là cả kẻ thù. Một cô con dâu khi về nhà mình, người ta hy sinh cho mình cả tuổi thanh xuân, nhất là khi con dâu tôi cũng là diễn viên của nhà hát kịch, thế hệ trẻ của nhà hát mình, chẳng có lý do gì mà tôi không yêu thương nó cả. Con dâu làm tất cả mọi việc, thậm chí thay cả chồng nó để chăm sóc tôi và còn cho tôi hai đứa cháu xinh xắn như thiên thần thì hà cớ gì tôi không yêu thương nó. Chỉ có là tôi yêu thương nó bằng cách như thế nào. Yêu thương nó tràn đầy hạnh phúc, yêu thương nó lan tỏa và có cả sự dạy dỗ chăm sóc, tôi nghĩ đó là điều thật sự cần thiết.
Riêng với Hoa Hồng Trên Ngực Trái, quả thật tôi rất cảm ơn giám đốc phát hành, anh Đỗ Thanh Hải, đã lựa chọn tôi cho vai bà Hồng.
Khi phim lên sóng thì bà Hồng được gọi với danh xưng mẹ chồng quốc dân, cô nghĩ sao về cái tên này?
Tôi thấy danh xưng đó là một sự ưu ái. Bản thân nhân vật đó đã là một bà mẹ chồng quốc dân nhưng thật ra ngay từ khi chưa đóng vai bà Hồng thì các nghệ sĩ của Hà Nội đã gọi tôi với cái tên "mẹ chồng quốc dân".
Theo cô ở ngoài đời có người mẹ nào sẵn sàng từ mặt con trai vì con dâu như bà Hồng không?
Có chứ, người ta vẫn nói bỏ chồng chứ không bỏ con nhưng đối với một người đàn bà có sự hiểu biết, lẽ phải, trí tuệ, phân biệt trắng đen rõ ràng và cảm nhận được rằng sự đổ vỡ đó đến từ phía con trai của mình thì người ta có thể từ bỏ. Nhưng sự từ bỏ đó sẽ ở một nghĩa rất hẹp thôi. Trên đời này chưa ai thật sự từ bỏ con mình. Còn việc từ mặt mẹ hay bước qua xác mẹ có lẽ chỉ là một cách nói khốc liệt để làm lay chuyển ý chí của người con trai, đó cũng là một biện pháp mạnh để cứu vãn tình thế.
Trong cuộc sống người ta có nói rằng phúc đức tại mẫu, mọi thứ đau khổ nhất vẫn là người mẹ gánh chịu. Chính nhờ sự yêu thương của mẹ mà nhiều đứa con lầm đường lạc lối đã quay trở về.
Trong phim có phân đoạn nào khiến cô cảm thấy hao tổn sức lực vì phải khóc quá nhiều không?
Cho đến bây giờ phim đã lên sóng được gần 20 tập và dường như không có lúc nào bà Hồng được thở cả vì bà ta luôn luôn phải chứng kiến những điều khủng khiếp. Đùng một cái con trai đá vợ ngã sõng soài rồi lao vào bóp cổ vợ, đùng một cái con dâu uống say về nhà nổi loạn, đùng một cái Trà tiểu tam dẫn xác về nhà. Có quá nhiều cao trào thì tôi không thể nào không đau đớn, không thể nào không khóc được. Thậm chí có những trường đoạn chỉ cần nói một câu đầu tiên là nước mắt đã ầng ậc muốn dâng ra rồi, dù có muốn kìm nén cũng không được.
Trong phim có rất nhiều trường đoạn nặng, ví dụ như cảnh nửa đêm khi mà hai cháu đã ngon giấc rồi thì bà Hồng mới gọi Thái và Khuê ra nói chuyện để yêu cầu Thái không được bỏ vợ nhưng cậu dứt khoát làm trái những lời khuyên của bà. Một trường đoạn nữa là khi Thái lao vào nhà cầm 2 con dao đòi đi giết kẻ thù của mình. Cảnh này chúng tôi phải quay tới 4, 5 lần, khi trẻ con không khóc được, lúc máy quay bắt không kịp,... Thêm một cảnh nữa là trong một bữa cơm khi Thái trở về nhà sau mấy ngày và thông báo rằng mình đã ly dị. Lúc đó thì gia đình đã thực sự tan nát, bà Hồng cố nuốt miếng cơm còn lại và bị mắc nó ở trong cổ họng, cảm giác nó không thể nào trôi xuống được. Cảnh đó đến mãi sau này khi nghĩ lại tôi vẫn cảm thấy đau đớn
Vậy có phân đoạn này mà cô diễn như không diễn vì nhìn thấy bản thân mình ở trong nhân vật?
Thỉnh thoảng tôi cũng thấy phảng phất cuộc đời mình trong những thước phim. Ví dụ như ngày ly hôn, tôi phải tự nuôi đứa con của mình, khi mà nó đã trưởng thành tôi cũng phải tự lo hết. Ngày sinh con tôi phải nghỉ làm mà chỉ nghỉ trước 2 tuần thôi, thậm chí lúc đó tôi còn phải bó bụng để vào vai một cô gái nổi loạn. Sau khi sinh được một tháng rưỡi là tôi đã bế con vào bệnh viện phụ sản để làm phim. Khi con trưởng thành, ngày nó đi học tôi vẫn phải tự mình chăm lo cho nó mà không có chồng giúp đỡ và đến tận bây giờ, ông ấy vẫn không hỏi thăm đến một câu. Đáng mừng là mọi nỗi đau cũng qua nhanh bởi tự tôi cảm thấy mình là một người phụ nữ có ý chí, có niềm tin ở bản thân và những gì đã qua cũng chỉ đơn giản là một phần hỷ nộ ái ố của cuộc đời.
Khuê và Thái đã ly dị rồi vậy nửa sau của bộ phim có phải bà Hồng sẽ ít xuất hiện hơn?
Bà Hồng vẫn xuất hiện chứ. Trong phần sau của bộ phim hai mẹ con và cháu Bống sẽ phải ra bờ sông ở, thậm chí còn có cảnh bà Hồng phải giặt đồ cho Trà hay bà cũng chính bà là người chứng kiến Thái cho Trà một trận đòn nhừ tử. Chuyện Thái chống chọi với kẻ thù ra sao, bà Hồng phải chứng kiến cả. Cho đến khi tán gia bại sản, bà ta vẫn muốn Thái hàn gắn với Khuê, thậm chí bà ta còn say những cốc sinh tố rồi bảo Thái đem sang cho vợ cũ với hy vọng những chăm sóc nhỏ sẽ giúp Khuê đổi ý. Bởi sau tất cả với bà Hồng thì chẳng ai tốt bằng Khuê.
Từ chuyện của Thái và bà Hồng, cô thấy rằng các bậc cha mẹ có nên can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con?
Có một câu thế này: "Khôn không đến trẻ mà khỏe không đến già", các con thì có lớn nhưng chưa có khôn. Mình là người đã có nhiều trải nghiệm thì với các con có những điều mình nên khuyên nhủ, nên giảng dạy nhưng cũng có những điều mình chỉ nên góp ý thôi. Cũng không nên can thiệp quá sâu vào quyết định của các con nếu quyết định đó là đúng đắn. Thậm chí sự dạy dỗ của mình cũng chỉ nên ở một chừng mực nào đó để các con tự học thêm ở trường đời. Dĩ nhiên nền tảng vững chắc nhất cho mỗi người vẫn là đại gia đình của họ.
Các diễn viên trẻ ngày nay rất giỏi nhập vai, thuộc lời thoại rất nhanh và cảm xúc luôn dâng trào
Trong suốt 40 năm hoạt động nghệ thuật, có vai diễn nào khiến cô cảm thấy ấn tượng nhất?
40 năm mọi người cứ thử tưởng tượng, nó là một quãng thời gian quá dài của một đời người, có rất nhiều những vai diễn ấn tượng. Đôi khi trong những vở kịch hoặc phim ảnh không quá đình đám lại có những vai diễn đối với tôi nó là nổi tiếng. Nhiều người vẫn nghĩ đến đối với cái tên Tám Bính, Tứ Về Hưu hay trên sân khấu thì có Tôi Và Chúng Ta. Mặc dù Tứ Về Hưu giúp tôi nhận giải thưởng nữ diễn viên xuất sắc nhất nhưng có những vở kịch với tôi lại trở thành ấn tượng suốt cả cuộc đời. Đó là vở đầu tiên khi tôi về đầu quân cho Nhà Hát Kịch Hà Nội, vở Người Đàn Bà Sau Tấm Cửa Sổ Xanh. Vở diễn này được các đồng nghiệp và báo giới đánh giá rất cao mặc dù nó được công diễn rất ít. Hoặc là trong Em Đẹp Dần Lên Trong Mắt Anh, ở vở kịch này tôi phải đóng tới 4 vai diễn, nó lấy đi của tôi không ít sức lực và cũng ám ảnh tôi đến tận bây giờ.
Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, NSND Hoàng Cúc được ví như mỹ nhân màn ảnh, nhan sắc tuyệt thế có bổ trợ nhiều cho cô để làm nên những thành công như lúc bấy giờ?
Có một câu nói bất hủ là "cái đẹp cứu rỗi thế giới". Tất nhiên nó không thuộc về tôi. Cũng có những tiêu chuẩn nhất định cho nghệ sĩ. Ví dụ như nghệ sĩ hài cũng cần đẹp, đào thương thì lại càng cần đẹp hơn, kể cả không phải đào thương thì cái đẹp đó nó cũng cần thiết. Nhưng cái đẹp tỏa sáng của tâm hồn lại đáng quý hơn vì vẻ ngoài thì có thể hóa trang, thậm chí bây giờ người ta còn thẩm mỹ. Tôi nghĩ cái đẹp chỉ là một phần, sự sáng tạo, tâm hồn tỏa sáng mới là điều cần thiết nhất.
Trước đây cô và NSND Hoàng Dũng được ví như một cặp đôi vàng của sân khấu kịch. Cô có thể chia sẻ thêm về người bạn đặc biệt này?
Trước đây tôi thường đóng cặp với anh Trần Vân, Hồng Sơn nhưng sau này thì dường như tất cả những vở kịch, thậm chí là đóng phim nữa đều có Hoàng Dũng. Tôi cho đó là một điều hạnh phúc, một sự may mắn, là cái cơ duyên khiến chúng tôi được làm việc cùng nhau bởi trong cuộc đời của các nghệ sĩ biểu diễn để tìm được một người ăn ý với mình thì rất khó . Thậm chí có những vở kịch chúng tôi chẳng cần bàn luận, tính toán trước mà chỉ cần khi lên sân khấu, đứng cạnh nhau là đã rất ăn ý rồi.
Vậy liệu sắp tới cô và NSND Hoàng Dũng có một dự án chung nào không?
Thực ra thì Hoàng Dũng là giám đốc Nhà Hát Kịch Hà Nội, tôi là phó giám đốc, chúng tôi chuyên đi tìm kịch bản hay cho nhà hát. Đôi khi tìm được những vở rất hay nhưng chúng tôi nhường vai và không đóng. Có những vở lại không thể thiếu Hoàng Dũng nhưng để tìm một vở cho nhau thì rất khó bởi vì cả hai đều đã nghỉ hưu rồi. Đành đợi chờ cơ duyên thôi, biết đâu có một phim nào đó chúng tôi lại được đóng chung.
So với thế hệ của cô và chú Hoàng Dũng thì cô có nhận xét gì về thế hệ diễn viên hiện nay? Đặc biệt là cặp đôi chính trong Hoa Hồng Trên Ngực Trái.
Tôi rất trân quý các em. Khi diễn xuất các em nhập vai, thuộc lời thoại rất nhanh, cảm xúc cũng rất dâng trào. Hồng Diễm là một người có cảm xúc dạt dào, rõ ràng, lối diễn tự nhiên. Với tôi, Diễm là một diễn viên có khả năng diễn xuất rất tốt. Còn với Ngọc Quỳnh, trong tập đầu tiên người ta có cảm giác Quỳnh chưa thực sự nhập vai nhưng bản thân tôi lại thấy rằng Thái là một vai rất nặng bởi nó có quá nhiều điều giằng xé. Bỏ vợ, bỏ gia đình, bất chấp lời khuyên và sức khỏe của mẹ, bất chấp cả những đứa con thì đó là một sự giằng xé không đơn giản chút nào. Với tôi Hoa Hồng Trên Ngực Trái đã có một dàn diễn viên lý tưởng.
Vậy những diễn viên trẻ như Hồng Diễm, Ngọc Quỳnh,... có gì ưu, nhược điểm gì so với thế hệ của cô không?
Ở thời của tôi có ít phim lắm nên mỗi lần nhận phim là các diễn viên đều có trách nhiệm một cách khủng khiếp, thậm chí họ còn cầu toàn hơi quá. Có những diễn viên cũng vì thế mà không thể thoát vai dù đã diễn xong rồi. Ngày nay các bạn lại có rất nhiều sự lựa chọn. May mắn là phim truyền hình Việt có nhiều tập. Có thể ở những tập đầu các bạn làm chưa tốt nhưng sang tập sau là đã rất hay rồi.
Các bộ phim truyền hình hiện nay thu hút khán giả bởi phản ánh những đề tài gai góc như bạo lực gia đình, tiểu tam,... điều đó có khác biệt so với các bộ phim thời trước?
Thật ra người châu Á rất nặng về phong tục, tập quán và thường thiên về nội tâm. Những cảm xúc này được đưa lên phim ảnh thập kỷ 70 - 90 với một cái gì đó nền nã, gia phong, cổ điển và nặng về phong kiến. Sự bứt phá vùng lên và tự khẳng định mình nó đi sát vào đời sống của ngày hôm nay cho nên phim ảnh cũng không thể tránh khỏi con đường đó. Bởi vì phim ảnh là một hơi thở của cuộc sống, thậm chí là dự báo, dự cảm chính xác những điều có thể xảy ra. Cuộc sống ngày nay có những điều khiến người ta cảm thấy nhức nhối, trăn trở như hạnh phúc gia đình bị lung lay, điều này cũng được phản ánh đầy đủ trên phim ảnh. Dĩ nhiên thuần phong mỹ tục, đạo đức của gia đình vẫn là một giường cột vững chắc.
Tôi thích viết về cuộc đời mình bằng kịch và tôi tin rằng đó sẽ không phải một vở kịch đơn giản"
Trong phim, 2 nữ chính là Khuê và San có tính cách hoàn toàn trái ngược, một người mạnh mẽ, tự chủ, một người dịu dàng, cam chịu. Bản thân cô thấy mình giống Khuê hay San hơn?
Thực ra tôi có cả hai trạng thái đấy. Thời tự nuôi con tôi phải độc lập để làm kinh tế. Thậm chí tôi còn từng mở tiệm quần áo cưới, tiệm giải khát và giúp anh trai làm long nhãn. Thời đó mọi chuyện không hề đơn giản, cát xê cho một đêm diễn chỉ đủ tiền để ăn một bát phở cho nên không thể nào không làm kinh tế. Chính cuộc sống như vậy buộc tôi phải chọn cho mình cả hai trạng thái của Khuê và San.
Đó là những chuyện trong quá khứ vậy hiện tại cô cảm thấy cuộc sống của mình thế nào?
Tôi cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình.
Nhắc lại về thời điểm bị ung thư, không biết thời gian mới phát hiện ra mình bị bệnh có khi nào cô cảm thấy muốn buông xuôi không?
Chưa bao giờ. Tôi cần có nghị lực để chiến thắng. Đạo Phật có nói rằng phải tu đến 10 đời 9 kiếp mới có thể trở thành người. Cho nên được sống trên cõi đời này đã là một đặc ân rồi nên dù mai có là tận thế thì hôm nay tôi vẫn phải chiến đấu và chiến thắng.
Vậy cô có lời khuyên đặc biệt nào dành cho những người có hoàn cảnh giống mình không?
Tôi có rất nhiều lời khuyên vì tôi là một thành viên trong một hiệp hội chuyên về ung thư. Ngoài ra tôi cũng là đại sứ thiện chí của cho một bệnh viện không chỉ riêng cho những người bị ung thư mà còn cho những người nghèo khổ, tật nguyền, những đứa trẻ bị bỏ rơi, những người già không nơi nương tựa. Tôi gặp, tiếp xúc, động viện và giúp đỡ họ. Trên Facebook chúng tôi cũng có một nhóm chuyên chia sẻ về ung thư, từ chuyện uống thuốc đến thực đơn ăn uống rồi có người còn chia sẻ rằng ngày mai họ chết thì hôm nay họ phải sống như thế nào.
Và hiện tại cô đang sống theo một chế độ sống đặc biệt?
Đúng vậy. Trong một vài cuốn sách có viết rằng "Ung thư ơi, bạn đừng gục ngã" hay "Ung thư chưa phải là chết", "Ta phải biết cảm ơn ung thư vì ung thư giúp ta chọn một lẽ sống đẹp", những điều này có lẽ sẽ là vô nghĩa với người khỏe mạnh nhưng mà ngày nay ung thư rất "hot" đối với người Việt. Ung thư thì chẳng từ một ai cả. Có những cậu bé rất nhỏ đã mắc bệnh cũng có khi bệnh nhân là những cụ già gần đất xa trời, họ không còn đủ sức để hóa trị nữa, bệnh viện đành phải trả về còn con cái thì chẳng dám nói cho họ nghe về bệnh tình.
Với những người như vậy cô có cảm thấy mình thực sự may mắn?
Tôi có rất nhiều những người bạn dù có đi chữa ở nước ngoài thì cũng không qua khỏi, chỉ còn một vài người thôi. Sự may mắn đôi khi còn tùy vào định mệnh của mỗi con người thế nhưng trên hết khi bị bệnh thì chúng ta nên chọn một chế độ phù hợp nhất để sống. Có người từng nói rằng bạn là ai không quan trọng nhưng bạn phải cho tôi biết bạn ăn thế nào để bạn tồn tại. Đôi khi họa lại từ miệng mà vào thế nên chúng ta phải có một chế độ ăn uống phù hợp thậm chí phải kiêng khem để giữ sức khỏe cho mình.
10 năm không được làm nghề, cô có cảm thấy nhớ nghề không và đã làm thế nào để vượt qua nỗi nhớ đó?
Tôi nghĩ không nên đeo đẳng mãi một nỗi nhớ mà nên tìm cho mình một thú vui để giải tỏa, thay thế. Thời gian rảnh tôi có thể xem kịch, nghe nhạc, làm thơ, viết truyện và làm kinh tế. Chưa kể tôi còn có hai đứa cháu đáng yêu, một cậu con trai và một cô con dâu ngoan ngoãn nữa.
Nói về thơ ca, cô có nghĩ đến chuyện xuất bản những tác phẩm của mình không?
Có một số bạn như Vi Thùy Linh hay Bùi Mai Hạnh đều muốn giúp tôi chuyện biên tập và xuất bản nhưng tôi nghĩ mọi thứ đều là tùy duyên thôi. Tôi không chỉ muốn mọi người biết đến tôi với tư cách một nghệ sĩ mà còn một người phụ nữ có tâm hồn dạt dào.
Vậy cô cảm xúc ở đâu để viết ra những tác phẩm thơ ca của mình?
Có những truyện lấy cảm hứng từ đời thật, ví dụ như truyện về nỗi buồn bồ câu. Nhà tôi ở Linh Lang, nơi có rất nhiều phòng trà Nhật. Ngày đó tôi có nuôi một đôi bồ câu mà bị hàng xóm làm thịt, thế là tôi nảy ra ý định viết câu chuyện về các cô gái trẻ làm việc ở quán đêm. Hay trong truyện Tiện Lương, tôi viết về sự ích kỷ, ngạo mạn của một cô gái trẻ khi trưởng thành không lấy gia đình làm gốc mà lại sống theo cách sống của riêng mình, bất chấp cả nỗi buồn của cha mẹ. Kết quả cô gái ấy đã phải trả giá, phải một mình nuôi con, rồi bị hôn mê và chỉ có thể tỉnh táo ở trong giấc mơ. Ngày cô ấy thực sự tỉnh lại cũng là lúc cô ấy nhận ra chân giá trị thực sự chính là gia đình.
Có một tác phẩm thơ ca nào lấy cảm hứng từ cuộc đời thật của cô không?
Tôi thích viết về cuộc đời mình bằng kịch và tôi tin rằng đó sẽ không phải một vở kịch đơn giản bởi vì trong 40 năm làm nghề có rất nhiều cung bậc mà tôi đã phải chứng kiến và trải qua. Đáng tiếc là tôi cũng chưa có thời gian để viết một vở kịch như thế. Thực ra để làm được điều này có lẽ cũng không tốn nhiều thời gian lắm bởi nó là chuyện có sẵn của mình thế nhưng cái khó là phải nâng nó lên tầm nghệ thuật.
Một câu hỏi cuối cùng, không biết sắp tới cô có một dự án phim ảnh nào khác ngoài Hoa Hồng Trên Ngực Trái không?
Cũng còn tùy cơ duyên thôi. Nếu sắp tới có một đạo diễn mời tôi một vai hay như thế này thì tôi sẽ khó mà từ chối.
Cảm ơn NSND Hoàng Cúc, hi vọng thời gian sắp tới sẽ được thấy cô nhiều hơn trên màn ảnh.
Theo helino
Hậu trường vui như hội của Hoa Hồng Trên Ngực Trái: Bạn thân "hí hửng" nhìn Khuê ẵm nửa tỷ, Thái buồn như mất sổ gạo! Những tấm ảnh hậu trường vô cùng hài hước của Hoa Hồng Trên Ngực Trái đã giúp khán giả giải tỏa căng thẳng sau khi xem phim. Hoa Hồng Trên Ngực Trái có lẽ là bộ phim gần đây gây rất nhiều "ức chế" cho khán giả bởi những tình tiết lúc nào cũng "căng như dây đàn". Nhưng đấy chỉ là trên...