Hoa hậu Quý bà Sri Lanka bị bắt
Cảnh sát Sri Lanka bắt giữ đương kim Hoa hậu Quý bà Quốc tế Caroline Jurie, sau khi cô bị cáo buộc khiến một hoa hậu đồng hương bị thương trong cuộc xô xát trên sân khấu.
Cảnh sát ở thủ đô Colombo của Sri Lanka ngày 8/4 đã bắt giữ Hoa hậu Quý bà Quốc tế Sri Lanka 2019 – Caroline Jurie – vì các cáo buộc hành hung trong một vụ tấn công trên sân khấu, trong đó cô đã kéo vương miện trên đầu của tân Hoa hậu Quý bà Sri Lanka Pushpika De Silva.
Cô Pushpika De Silva giành được danh hiệu “Mrs Sri Lanka” (Hoa hậu Quý bà Sri Lanka) trong một buổi lễ hôm 4/4, và hoa hậu chiến thắng trước đây – cô Caroline Jurie – có nghĩa vụ trao vương miện cho tân hoa hậu.
Thế nhưng, thay vì trao vương miện cho người đẹp mới đăng quang, Jurie kéo vương miện khỏi đầu De Silva và tuyên bố rằng cô không thể giữ danh hiệu này vì đã ly hôn.
Cô Caroline Jurie (thứ hai từ bên trái) đã kéo vươn miện của Hoa hậu Quý bà Sri Lanka 2021 – Pushpika de Silva – ở Colombo hôm 4/4. Ảnh: AFP.
Jurie nói với khán giả rằng cuộc thi quy định những người phụ nữ đã ly hôn không được công nhận là hoa hậu, vì vậy cô sẽ “trao chiếc vương miện cho người đứng thứ hai”.
Cô Pushpika De Silva khẳng định mình không vi phạm quy định của cuộc thi vì mới ly thân, chứ chưa ly hôn.
Theo một video ghi lại sự việc, Jurie trao vương miện cho á hậu 1, khiến De Silva rơi nước mắt rời khỏi sân khấu.
Ảnh chụp video cho thấy cô Caroline Jurie, Hoa hậu Quý bà 2019, trao vương miện cho á hậu 1 trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Ảnh: BBC .
Trong một bài đăng trên Facebook, cô De Silva cho biết cô đã đến bệnh viện để điều trị vết thương ở đầu sau vụ việc.
“Có rất nhiều bà mẹ đơn thân như tôi đang phải chịu đựng đau khổ ở Sri Lanka”, Tân hoa hậu chia sẻ trong một cuộc họp báo. “Vương miện này được dành tặng cho những người phụ nữ, những người mẹ đơn thân đang phải vất vả nuôi dạy con cái một mình”.
Cô De Silva cũng nói thêm rằng cô sẽ có hành động pháp lý vì cách đối xử “vô lý và xúc phạm” mà cô đã phải chịu đựng.
Một người mẫu Sri Lanka khác có liên quan đến vụ xô xát cũng bị bắt.
“Cảnh sát đã bắt Hoa hậu Caroline Jurie và người mẫu Chula Padmendra trong vụ việc ngày 4/4 với tội danh gây thương tích nhẹ và gây sự”, phát ngôn viên cảnh sát Ajith Rohana chia sẻ với hãng tin BBC .
Cả cô Jurie và trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Quý bà Sri Lanka, Chandimal Jayasinghe, đều bị cảnh sát thẩm vấn ngày 8/4. Hai người đã được bảo lãnh để xuất hiện tại Tòa sơ thẩm Colombo vào ngày 19/4.
De Silva hiện được trao lại vương miện và ban tổ chức cuộc thi cho biết họ mong cô Jurie công khai xin lỗi.
Ông Jayasinghe chia sẻ với BBC : “Chúng tôi rất thất vọng. Thật là hổ thẹn khi Caroline Jurie cư xử như vậy trên sân khấu và tổ chức Hoa hậu Quý bà đã bắt đầu điều tra về vấn đề này”.
Hoa hậu Quý bà Sri Lanka nằm trong chuỗi cuộc thi sắc đẹp Hoa hậu Quý bà Quốc tế dành cho phụ nữ đã lập gia đình. Những người chiến thắng danh hiệu của mỗi quốc gia sẽ tiến tới cuộc thi quốc tế.
Cuộc thi Hoa hậu Quý bà Sri Lanka là một cuộc thi lớn trong nước. Phu nhân của thủ tướng nước này cũng có mặt trong số các khách mời tại buổi lễ.
Phát hiện cá mập phát sáng khổng lồ
Các nhà nghiên cứu phát hiện ngoài khơi New Zealand có 3 loài cá mập phát sáng, bao gồm cá mập kitefin dài 180 cm - được gọi là cá mập phát sáng khổng lồ.
Các nhà khoa học nghiên cứu cá mập ở ngoài khơi New Zealand đã phát hiện ra ba loài sống dưới biển sâu phát sáng trong bóng tối - trong đó có một loài hiện là động vật có xương sống phát sáng lớn nhất được biết đến.
Phát quang sinh học - sự tạo ra ánh sáng nhìn thấy được thông qua phản ứng hóa học của các sinh vật sống - là một hiện tượng phổ biến đối với các sinh vật biển. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên nó được ghi nhận và nghiên cứu ở loài cá mập kitefin, cá mập blackbelly lanternshark và cá mập southern lanternshark.
Phát hiện về những con cá mập này được thu thập trong một cuộc khảo sát cá ở Chatham Rise ngoài khơi bờ biển phía đông của New Zealand vào tháng 1/2020.
Các nhà nghiên cứu tin rằng cá mập có thể phát sáng để ngụy trang nhằm bảo vệ khỏi sự tấn công từ bên dưới. Ảnh: Guardian .
Cá mập kitefin có thể dài tới 180 cm, hiện là động vật có xương sống phát sáng lớn nhất được biết đến. Các nhà nghiên cứu gọi chúng là "cá mập phát sáng khổng lồ".
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Catholique de Louvain ở Bỉ và Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển Quốc gia (NIWA) ở New Zealand nói rằng phát hiện này có tác động sâu sắc đến sự hiểu biết của chúng ta về sự sống dưới đáy biển sâu - một trong những hệ sinh thái ít được nghiên cứu nhất trên hành tinh.
Các loài cá mập đều sống trong khu vực được gọi là vùng trung sinh hay vùng "chạng vạng" của đại dương. Vùng này có độ sâu 200-1000 m và là nơi ánh sáng Mặt Trời không xuyên qua được. Nhìn từ bên dưới, những con cá mập xuất hiện ngược sáng so với bề mặt sáng của nước, buộc chúng phải đối mặt với những kẻ săn mồi tiềm năng mà không có nơi nào để ẩn náu.
Các nhà nghiên cứu cho rằng phần bụng dưới phát sáng của 3 loài này có thể giúp chúng ngụy trang khỏi bất kỳ mối đe dọa nào có thể tấn công từ bên dưới.
Trong trường hợp cá mập kitefin, một loài có ít hoặc thậm chí không có kẻ thù săn mồi, chúng có thể di chuyển chậm và sử dụng ánh sáng tự nhiên của mình để chiếu sáng đáy đại dương trong khi tìm kiếm thức ăn hoặc ngụy trang khi tiếp cận con mồi.
Những nghiên cứu sâu hơn cần phải được thực hiện để củng cố giả thuyết này, đồng thời hiểu được cách thức hoạt động của quá trình phát quang sinh học và những tác động có thể có đối với mối quan hệ săn mồi, các nhà nghiên cứu viết trong bài báo đăng trên tạp chí Frontieers in Marine Science.
"Xem xét sự rộng lớn của biển sâu và sự xuất hiện của các sinh vật phát sáng trong khu vực này, chúng ta ngày càng nhận thấy rõ ràng rằng việc tạo ra ánh sáng ở biển sâu đóng một vai trò quan trọng trong cấu trúc hệ sinh thái lớn nhất trên hành tinh chúng ta", theo các nhà nghiên cứu.
Cá đuối đại bàng ở New Zealand sinh con dù không giao phối Các nhà khoa học cho biết con cá con có thể là kết quả của quá trình sinh sản vô tính hoặc cá mẹ có thể đã lữu trữ tinh trùng từ lần giao phối cuối cùng với con đực. Hai con cá đuối đại bàng đã khiến những người trông nom bể thủy sinh ở New Zealand và các nhà khoa học...