Hỗ trợ xây nhà mới cho người cứu cháu bé rơi xuống từ tầng 2
Ngày 17/9, đại diện các nhà hảo tâm, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, đã hoàn thành xây dựng nhà mới và bàn giao cho gia đình anh Lương Thanh Hà (49 tuổi ở phường Văn Miếu, thành phố Nam Định) – người đã kịp thời đỡ cháu bé 4 tuổi (trú tại phường Trần Quang Khải, thành phố Nam Định) rơi từ tầng 2 xuống vào ngày 29/6 vừa qua.
Đại diện các nhà hảo tâm trao quà và bàn giao nhà mới cho gia đình anh Lương Thanh Hà.
Thời điểm trên, anh Hà khi đi qua số nhà 50, đường Trần Quang Khải, phường Trần Quang Khải, thành phố Nam Định, phát hiện cháu Trương Ngọc Minh Ch., 4 tuổi, đang lơ lửng bám víu vào lan can tầng 2, có dấu hiệu chuẩn bị rơi xuống đất. Ngay lập tức, anh Hà dừng xe đạp bên đường, nhanh chóng đi sang chỗ cháu bé chuẩn bị rơi, giơ hai tay đón sẵn. Sau đó khoảng 1 phút, khi cháu bé rơi xuống, anh Hà đã kịp thời đỡ được cháu. Hành động của anh Hà đã thu hút sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng xã hội.
Khi đại diện chính quyền, cơ quan chức năng địa phương, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định đến nhà thăm hỏi, biểu dương, khen thưởng anh Lương Thanh Hà về hành động đẹp và kịp thời này thì được biết, cả hai vợ chồng anh Hà công việc không ổn định, mức thu nhập hàng tháng thấp, điều kiện kinh tế gia đình thuộc diện khó khăn. Ngôi nhà mái ngói diện tích 25 m2 xây dựng gần 50 năm đã xuống cấp nghiêm trọng.
Trước thực tế đó, Hội Chữ thập đỏ thành phố Nam Định đã hỗ trợ gia đình anh Hà 40 triệu đồng, cùng với số tiền quyên góp, ủng hộ của các nhà hảo tâm, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh Nam Định, căn nhà mới diện tích 25 m2 và khu bếp 12 m2 đã được đại diện nhà hảo tâm, trực tiếp là nhóm Thiện Tâm thành phố Nam Định đứng ra xây dựng.
Sau 2 tháng thi công, căn nhà mới với kinh phí xây dựng hơn 180 triệu đồng đã hoàn thành, được bàn giao cho gia đình anh Hà sử dụng. Đây là món quà ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn, động viên kịp thời của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp địa phương đối với gia đình anh Hà.
Anh Lương Thanh Hà xúc động cho biết: “Tôi sức khỏe yếu, công việc của vợ không ổn định, con còn nhỏ, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn nên không có điều kiện sửa chữa, xây mới dù căn nhà đã cũ nát, xuống cấp, chật hẹp. Được chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp quan tâm, động viên, chia sẻ, ủng hộ xây dựng cho gia đình căn nhà mới, thực sự đây là món quà ý nghĩa, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần…”.
Video đang HOT
Nói về việc cứu giúp cháu bé gặp nạn, anh Hà cho hay: “Đó là việc làm hết sức bình thường mà bất kỳ ai gặp trong bối cảnh, thời điểm đó đều sẽ làm như tôi. Nếu có thể làm được việc gì có ích cho cộng đồng, tôi luôn sẵn sàng”.
Sớm gỡ 'nút thắt', đẩy nhanh thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn trước mùa mưa
Tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công trước mùa mưa bão.
Tuy nhiên, hiện nay công trình trọng điểm này đang gặp khó khăn về nguồn đất đắp và chưa giải quyết dứt điểm về vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng để bàn giao cho các nhà thầu tiến hành thi công.
Tại một số gói thầu trên tuyến, các đơn vị thi công tăng ca thêm buổi tối để kịp đảm bảo tiến độ. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN
Tháo gỡ "nút thắt" gần 1 triệu m3 đất đắp
Gói thầu số XL 06 dài 8,3 km trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua huyện Phong Điền đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn đất đắp nền đường với khối lượng trên 600.000 m3. Trên công trường, máy móc của các nhà thầu phải hoạt động cầm chừng chờ nguồn đất bổ sung từ các mỏ đất đang hoàn thiện thủ tục cấp phép.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Chỉ huy trưởng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thành Phát cho biết, đơn vị hiện mới thực hiện đắp được khoảng 100.000 m3 đất. Các mỏ đất trên địa bàn tỉnh hiện nay gần như hết trữ lượng đất đủ tiêu chuẩn phục vụ cung cấp cho tuyến cao tốc. Chẳng hạn, tại gần vị trí thi công của gói XL 06 có mỏ đất 1-5, tuy nhiên chất lượng đất ở đây không cao nên nhà thầu chỉ thu mua với số lượng hạn chế. Mới đây, đại diện chủ đầu tư dự án là Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh phải bố trí điều phối đất lẫn đá trong quá trình bạt núi mở đường từ gói thầu số XL08 về nhằm bổ sung một phần. Tuy nhiên, với lớp đất đá này, nhà thầu phải tốn thêm công đoạn lu lèn qua nhiều bước nhằm đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có chiều dài 66,4 km, kéo dài từ gói thầu số XL04 đến gói thầu số XL11. Ông Tạ Gia Mạnh Hưng, Trưởng phòng Điều hành dự án 2, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, gói thầu số XL05 và số XL06 trên địa bàn huyện Phong Điền đang bị thiếu khoảng gần 1 triệu m3 đất đắp nền đường, ảnh hưởng đến tiến độ thi công tại hai gói thầu này. Cụ thể, gói thầu số XL05 hiện mới đạt 43% giá trị hợp đồng, gói thầu số XL06 đạt 45% giá trị hợp đồng.
Theo ông Hưng, chất lượng về nguồn đất đắp nền đường cao tốc đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Tuy nhiên, các mỏ đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ khai thác được lớp đất ở tầng phủ dày từ 1 - 2m, còn lớp đất tầng dưới không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cho dự án, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung. Đơn cử như mỏ đất Hiền Sỹ ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền có quy mô rộng 6,5 ha, với trữ lượng khai thác khoảng 700.000 m3, tuy nhiên khối lượng đất đủ tiêu chuẩn cung cấp cho dự án cao tốc chỉ khoảng 150.000m3.
Ông Phan Quang Lâm, đại diện đơn vị tư vấn giám sát cho rằng, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang có hai mỏ đất đưa vào quy hoạch nhưng chưa được cấp phép tại xã Phong Thu, xã Phong An (huyện Phong Điền). Do vậy, tỉnh có thể xem xét bàn giao hai mỏ đất này cho đơn vị thi công khai thác lớp đất tầng phủ và nhà thầu sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, phí cho địa phương theo quy định.
Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản báo cáo và kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy nhanh giải quyết các thủ tục nhằm sớm tháo gỡ khó khăn về nguồn cung khoảng gần 1 triệu m3 đất đắp tại hai gói thầu trên; trong đó, kiến nghị với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xin cấp phép khai thác đất tầng phủ tại mỏ đá vôi Phong Xuân, mỏ đất sét Huỳnh Trúc; cho phép đấu giá đất dôi dư trong quá trình nạo vét hồ Khe Tăm để tăng cường nguồn cung vật liệu cho dự án cao tốc...
"Chạy nước rút" trước mùa mưa
Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện nay như một đại công trường, mặc dù bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng các nhà thầu vẫn đang cố gắng khắc phục trong việc huy động máy móc, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ công việc trước khi bước vào mùa mưa.
Cầu sông Bồ trên tuyến cao tốc đi qua địa bàn xã Phong Sơn, huyện Phong Điền hiện nay đang thi công được khoảng 80% khối lượng công việc. Những công nhân ở đây đang tăng tốc đẩy nhanh hoàn thành xây dựng trụ cầu cuối cùng và mố cầu số 2.
Ông Lê Hồng Trung, chỉ huy công trường cho biết, vào mùa mưa lũ, nước trên sông Bồ dâng lên rất nhanh, do vậy đòi hỏi việc thi công hiện nay phải hết sức khẩn trương để tập kết máy móc, vật liệu đến vị trí an toàn trong khoảng 2 tháng tới. Cầu sông Bồ có 10 nhịp, đến nay đơn vị thi công đã gác dầm xong 3 nhịp cầu. Công ty đã đổ xong 35/50 dầm, thời gian tới sẽ ưu tiên việc lắp dầm đối với 4 dịp cầu giữa sông và phấn đấu hoàn tất công tác lắp toàn bộ dầm cầu trước ngày 15/10 để sau đó tập trung thi công mặt cầu.
Theo Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh tiến độ chung của dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện đạt được khoảng 57% khối lượng công việc, phấn đấu hoàn thành thi công phần nền đường trước mùa mưa vào tháng 10. Những gói thầu đạt tỷ lệ khối lượng công việc cao là XL10 đạt 72%, XL08 đạt 63%; trong đó ở gói thầu XL10 đã thí điểm cho thảm nhựa.
Ông Nguyễn Thành Vinh, đại diện Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan hiện nay đang cản trở đến việc đẩy nhanh tiến độ của dự án. Chẳng hạn tại gói thầu XL08 và XL09, vị trí nền đất ở đây yếu, sau khi thi công xong cọc cát đầm và giếng cát, hiện nay nhà thầu phải đổ đất đắp lên trên nhằm tạo sự ổn định nền đường, quá trình này phải mất khoảng 6 tháng mới có thể bốc dỡ lớp đất đắp này để tiếp tục thi công.
Ngoài ra, việc giải phóng mặt bằng hiện nay vẫn còn một số vị trí chưa được giải quyết dứt điểm để bàn giao cho đơn vị thi công như ở xã Hương Thọ, thành phố Huế có Cửa hàng Xăng dầu Hưng Phát và một vài hộ dân. Theo ông Nguyễn Thành Vinh, việc điều chỉnh địa giới hành chính, mở rộng thành phố Huế từ ngày 1/7/2021 cũng ảnh hưởng đến việc giải phóng mặt bằng này, do trước đây những vị trí này thuộc thị xã Hương Trà quản lý.
Thời gian qua, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đã "nhắc nhở" một số nhà thầu chậm tiến độ và hiện tại các đơn vị này đã khắc phục, bố trí công nhân làm việc 3 ca ngày đêm để thực hiện đúng cam kết hoàn thành khối lượng công việc với chủ đầu tư.
Tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn được khởi công từ tháng 9/2019, có tổng chiều dài xây dựng là 98,35 km, đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; trong đó, đoạn tuyến đi qua tỉnh Thừa Thiên - Huế là 66,4 km, trải dài qua huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc. Lãnh đạo Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đang phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ thông nền đường, cơ bản thi công xong phần móng và một phần mặt đường.
Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn có tổng mức đầu tư khoảng 7.669 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Giai đoạn đầu, dự án được đầu tư với quy mô hai làn xe, bề rộng nền đường là 12m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m.
Mùa mưa bão - chủ động dự báo và ứng phó Từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm được gọi là thời điểm mùa mưa bão. Mùa mưa bão năm 2021 được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định có từ 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó, khoảng 5 - 7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến...