Hồ Chủ tịch với đường lối ngoại giao rộng mở, hội nhập
Đường lối ngoại giao rộng mở của Người trong suốt cuộc đời hoạt động đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, giúp cho Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ đứng vững trong những ngày đầu “tứ bề thọ địch”.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng, học trò xuất sắc của Bác, người có nhiều dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực ngoại giao đã nói “sự ứng xử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong giao tiếp ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại”.
Hội nhập kinh tế
Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt – Mỹ, một chuyên gia đàm phán có nhiều kinh nghiệm chia sẻ: “Những người làm công tác ngoại giao, đối ngoại của Việt Nam đều thuộc lòng lời dạy của Bác “Thực lực là cái chiêng, còn ngoại giao là cái tiếng, chiêng có to thì tiếng mới lớn”. Đây chính là kim chỉ nam của đường lối ngoại giao của Hồ Chủ tịch, thực tế cho thấy định hướng này bao giờ, lúc nào và ở đâu cũng đúng. Điều này thể hiện rất rõ quan điểm của Người về mối tương quan chặt chẽ giữa công tác ngoại giao với thế và lực của đất nước, dân tộc. Người còn nhấn mạnh: “Ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn nhà báo L’Unita của Đảng Cộng sản Italia, ngày 12/5/1959. Ảnh tư liệu
Một trong những di sản tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta là bài học về phương pháp ngoại giao: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đây chính là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi Người sang Pháp dự hội nghị Phôngtennơblô (tháng 5/1946) trong điều kiện chính quyền cách mạng Việt Nam còn non trẻ và đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Video đang HOT
Đối với Hồ Chủ tịch, cái “bất biến” là lợi ích của quốc gia, dân tộc, mà độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chủ quyền, thống nhất… là cốt lõi. Cái “vạn biến” là cách ứng phó tài tình, khéo léo, linh hoạt; kết hợp hài hòa giữa mềm dẻo và kiên quyết, giữa chiến lược và sách lược, giữa cương và nhu, giữa chủ động và sáng tạo trong những tình huống cụ thể, mà dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn đến đâu cũng phải giữ vững nguyên tắc để đạt cho được cái bất biến.
Nắm vững nguyên tắc này nên những năm cuối thế kỷ XX, tình hình thế giới có sự biến động sâu sắc: Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu đổ vỡ; các thế lực thù địch trong và ngoài nước tăng cường chống phá hòng xóa bỏ CNXH ở nước ta; chiến tranh lạnh kết thúc, các quốc gia đều có sự điều chỉnh chính sách đối ngoại cho phù hợp.
Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã đề ra đường lối: Đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế. Đa phương hóa là sẵn sàng quan hệ với nhiều đối tác; đa dạng hóa là sẵn sàng quan hệ ở nhiều lĩnh vực, dưới nhiều hình thức, trên nhiều cấp độ khiến vai trò, vị trí Việt Nam trên trường quốc tế vẫn được giữ vững và phát triển.
Khi nói về ngoại giao Nhân dân, Hồ Chủ tịch căn dặn:”Ngoại giao không phải là việc riêng của các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán mà còn là của các tổ chức khác như ngoại thương, văn hóa, thanh niên, phụ nữ, công đoàn…” Đây là quan điểm ngoại giao hiện đại, đầy biện chứng, xuất phát từ tư tưởng lấy dân làm gốc của ông cha ta đã được Người nâng lên là sự nghiệp cách mạng nói chung, trong đó có lĩnh vực ngoại giao nói riêng là của Nhân dân.
Trong lời kêu gọi gửi Liên Hợp quốc (năm 1946) Hồ Chủ tịch đã nhìn xa trông rộng: “Việt Nam sẵn sàng mở các cảng biển, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, các nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.
Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp quốc”. Cách đây 74 năm với tầm nhìn chiến lược của mình, Hồ Chủ tịch đã xác định muốn phát triển đất nước chúng ta phải chủ động “mở cửa” và cũng như “sự tiếp nhận” đầu tư cả về vốn lẫn kỹ thuật của nước ngoài.
Với tư cách là người đứng đầu chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người bày tỏ thiện chí của Việt Nam với Liên hiệp quốc và các nước trên thế giới, một thông điệp ngoại giao chuẩn mực và cực kỳ phù hợp với bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ. Nó không chỉ thể hiện tư tưởng hợp tác, hội nhập cùng phát triển mà còn là tầm nhìn vượt thời đại của Người.
Không phải đơn giản mà Bác nhắc đến “cảng biển, sân bay và đường sá giao thông” đều là hạ tầng giao thông. Người đã chuẩn bị tâm thế để Việt Nam có thể tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế ngay từ năm 1946. Việc Việt Nam sau này đã ký kết các Hiệp định thương mại với các quốc gia, các tổ chức chính là cụ thể hóa điều mà Bác đã tiên lượng cách đây hơn 7 thập kỷ.
Ngoại giao Hồ Chí Minh – ngoại giao con người
Khi nói đến hoạt động ngoại giao của Hồ Chủ tịch, không thể không nói đến phong cách giao tiếp của Người. Suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác luôn thể hiện phong cách giao tiếp rất giản dị, rất gần gũi, cởi mở, tế nhị và chu đáo với tất cả mọi người. Có thể khẳng định, trên thế giới hiếm có một vị lãnh tụ nào mà có phong cách giao tiếp giàu giá trị văn hóa như Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta.
Cuộc đời hoạt động của Bác bôn ba qua nhiều quốc gia khác nhau, đi đến đâu thì Người đều học hỏi tìm tòi nét đặc trưng văn hóa của nơi mà mình đến. Vì vậy, Bác có hiểu biết sâu rộng về văn hóa, về tâm lý, về ngôn ngữ phong tục tập quán của rất nhiều dân tộc, cả ở phương Đông và phương Tây.
Người giản dị, tự nhiên, gần gũi và chân tình, giản dị mà lại sang trọng, lịch thiệp, gần gũi, hòa nhã nhưng mà vẫn đảm bảo sự nguyên tắc. Nên phong cách ngoại giao của Hồ Chủ tịch chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn văn hóa dân tộc Việt Nam với sự am hiểu tường tận phong tục tập quán của các dân tộc trên thế giới để nâng thành “nghệ thuật ngoại giao Việt Nam”.
Ngay sau ngày lập nước 2/9/1945, dù bộn bề công việc, Hồ Chủ tịch vẫn trực tiếp phụ trách công tác đối ngoại và Người đã đào tạo cho ngành ngoại giao nhiều học trò xuất sắc. Chính Người đã dày công xây dựng đường lối, chính sách, phong cách ngoại giao.
Ngoại giao Hồ Chí Minh – ngoại giao con người chính là sự kết hợp chọn lọc giữa chủ nghĩa yêu nước, văn hóa dân tộc và truyền thống ngoại giao Việt Nam, mang lại bản sắc riêng cho ngoại giao Việt Nam. Ngoại giao con người theo phong cách Hồ Chí Minh chính là bằng mọi cách để thấu hiểu, chia sẻ với đối tác để họ hiểu mình hơn.
Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối ngoại rộng mở
Ngày 27-8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, đã tới dự lễ kỷ niệm 75 ngày thành lập ngành ngoại giao (28-8-1945 - 28-8-2020) và Đại hội Thi đua yêu nước giai đoạn 2020 - 2025.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nền ngoại giao của nước Việt Nam hiện đại vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh - cũng là vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên trực tiếp xây dựng, chỉ đạo và rèn luyện. Trải qua 75 năm, ngành ngoại giao đã đạt được những thành tựu quan trọng, đáng tự hào, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo, định hướng công tác cho ngành Ngoại giao. Ảnh: TTXVN
Ngoại giao Việt Nam từ những ngày đầu kháng chiến, dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã giúp cách mạng nước ta vượt qua muôn vàn khó khăn; với trí tuệ, bản lĩnh, khôn khéo trên bàn đàm phán, ngoại giao đã chuyển những thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường thành những thắng lợi trên mặt trận chính trị, buộc các nước phải tôn trọng độc lập, tự do và các quyền chính đáng của dân tộc ta. Sau khi kết thúc chiến tranh, ngoại giao góp phần quan trọng khôi phục nền kinh tế, tiên phong phá thế bao vây cô lập, mở ra cục diện mới cho phát triển đất nước.
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác đối ngoại thể hiện vai trò tiên phong trong củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thu hút nguồn lực phục vụ phát triển và không ngừng nâng cao vị thế của đất nước. Từ một nước bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối ngoại rộng mở với 189 quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc; xây dựng được mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện.
Từ một nền kinh tế khép kín và bao cấp, ngành ngoại giao đã góp phần quan trọng trong đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập WTO, ký kết và thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do; đưa đất nước vươn lên đảm nhiệm tốt nhiều trọng trách quốc tế lớn như Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện các nước ASEAN... Trong cuộc chiến chống Covid-19, ngành ngoại giao đã triển khai tốt "ngoại giao Covid", "ngoại giao trực tuyến", phát huy "tinh thần đoàn kết quốc tế" trong phòng chống dịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tình hình thế giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, bên cạnh các cơ hội cũng nảy sinh nhiều khó khăn, thách thức; công tác đối ngoại phải tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài gắn kết hài hòa với phát huy nội lực để phát triển nhanh, bền vững, nâng cao vai trò vị thế và uy tín quốc tế của đất nước...
Nhân dịp này, thay mặt Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao tặng các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước cho các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các cá nhân, tập thể xuất sắc tiêu biểu của Bộ Ngoại giao.
Ngoại giao Việt Nam: 75 năm đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân LTS: Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam (28/8/1945-28/8/2020), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài viết với tiêu đề: "Ngoại giao Việt Nam: 75 năm đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân". Báo Hànộimới trân...