Hình thành thị trường mua bán nợ, cần thêm những đối tác bán – mua
Lâu nay, việc mua bán nợ chủ yếu diễn ra giữa các tổ chức tín dụng với VAMC, DATC, mà thiếu vắng giao dịch giữa các tổ chức tín dụng với nhau, đặc biệt là chưa có sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài, dẫn đến chưa thể hình thành thị trường mua bán nợ chính thức.
Năng lực tài chính của một số chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ vẫn còn yếu.
Xử lý nợ xấu: Tích cực, nhưng còn nhiều vướng mắc
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ 15/8/2017 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 236.800 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD – VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt).
Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 137.700 tỷ đồng; xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 47.970 tỷ đồng; xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 51.120 tỷ đồng.
Về phía ngân hàng, ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, thời điểm ra đời Nghị quyết 42, Agribank có số dư nợ xấu được phép xử lý theo nghị quyết này là hơn 140.000 tỷ đồng của gần 500.000 khách hàng.
Trong đó, nợ xấu nội bảng 18.700 tỷ đồng, nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN năm 2012, Thông tư 09/2015/TT-NHNN, Nghị định 55/2015/NĐ-CP là 36.000 tỷ đồng, nợ bán cho VAMC là 40.000 tỷ đồng, nợ đã xử lý rủi ro là 46.700 tỷ đồng.
Từ 15/8/2017 đến 15/8/2019, Agribank đã thu hồi và xử lý được gần 110.000 tỷ đồng, trong đó nợ thu hồi là 60.000 tỷ đồng, tự xử lý rủi ro (bao gồm cả mua lại gần như toàn bộ nợ đã bán cho VAMC) là gần 50.000 tỷ đồng.
Video đang HOT
“Nghị quyết 42 ra đời đã giúp công tác thu hồi, xử lý nợ của Agribank triệt để và hiệu quả hơn, với nhiều tác động nổi bật: Áp dụng quyền thu giữ tài sản bảo đảm đối với gần 700 tài sản của gần 400 khách hàng với giá trị khoảng 3.500 tỷ đồng.
Phối hợp với VAMC chuyển các khoản nợ đã bán thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt sang bán theo giá trị thị trường và phối hợp đấu giá khoản nợ đối với gần 70 khoản nợ với dư nợ trên 3.200 tỷ đồng, trong đó đã bán thành công 36 khoản nợ, tổng giá trị hợp đồng đã ký hơn 2.100 tỷ đồng. Riêng bán nợ thị trường cho VAMC là 14 khoản, giá trị hợp đồng hơn 1.400 tỷ đồng”, ông Vượng thông tin thêm.
Thực tế, Nghị quyết 42 đã tạo nền tảng pháp lý để các ngân hàng xử lý tốt hơn các khoản nợ xấu thời gian qua. Dẫu vậy, trong khi nợ xấu vẫn đang phát sinh hàng ngày thì tiến trình xử lý nợ xấu còn gặp khá nhiều vướng mắc.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho rằng, đó là sự thiếu đồng bộ của hành lang pháp lý, sự phối hợp chưa chặt chẽ của các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương.
Cụ thể hơn, ông Vũ cho biết, đó là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao và xử lý tài sản đảm bảo, thực hiện nghĩa vụ thuế…
Cần một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa
Theo nhiều lãnh đạo ngân hàng, nợ xấu khó có thể được xử lý triệt để nếu không có một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa.
Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, mặc dù nguồn cung về nợ xấu khá lớn, nhưng số lượng công ty chuyên về mua bán nợ xấu lại không nhiều, mới chỉ có VAMC, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC), các công ty mua bán nợ của các TCTD và một số tổ chức, cá nhân khác.
Số liệu của NHNN cho thấy, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 968.890 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 629.200 tỷ đồng (chiếm 64,94% tổng nợ xấu xử lý), còn lại là bán nợ (bao gồm bán nợ cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 35,06%.
Bên cạnh đó, năng lực tài chính của một số chủ thể tham gia thị trường vẫn còn yếu. Trong số chủ thể tham gia mua bán nợ xấu, ngoài VAMC và DATC có quy mô vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng trở lên, các công ty mua bán nợ của các TCTD và một số chủ thể khác đều rất hạn chế về vốn, quy mô vốn nhỏ hơn nhiều so với số nợ xấu cần xử lý, gây ảnh hưởng đến kết quả xử lý nợ.
“Việc mua bán nợ giữa các TCTD với VAMC, DATC vẫn diễn ra từ trước đến nay, nhưng chưa có hoạt động mua bán nợ giữa các TCTD với nhau và nhất là chưa có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài”, phó tổng giám đốc phụ trách xử lý nợ của một ngân hàng thương mại cổ phần nói.
Về khuôn khổ pháp lý, đã có Nghị định 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua – bán nợ, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, hướng dẫn triển khai nghị định này rất sơ sài và chưa có đầu mối tạo lập, phát triển thị trường giao dịch mua bán nợ, thiếu một hành lang pháp lý để thị trường mua bán nợ hoạt động.
“Nếu chỉ có bên mua, bên bán thì chưa đủ, mà cần có hạ tầng kỹ thuật, nhất là cơ chế pháp lý thông thoáng. Có như vậy thì thị trường mua bán nợ mới sôi động được”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.
Tại Quyết định 1058 phê duyệt Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua bán nợ của các doanh nghiệp, về hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua bán nợ, nhưng đến nay vẫn chưa có thêm thông tin chính thức.
TS. Cấn văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, cần sớm hình thành thị trường mua bán nợ chính thức, sau đó là thị trường mua bán nợ thứ cấp để gia tăng tính thanh khoản, luân chuyển các khoản nợ, thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu theo giá thị trường.
Hiện Bộ Tài chính được giao chủ trì dự thảo Nghị định của Chính phủ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, song tốc độ triển khai còn chậm, khiến bài toán hình thành thị trường mua bán nợ chính thức đến nay vẫn chưa thể có lời giải.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Tỷ nợ xấu vay đóng tàu theo Nghị định 67 là 33%
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, các đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về chủ trương cho vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, khi nhiều tàu vỏ thép đang nằm bờ, nợ xấu cao, ngư dân bỏ cuộc.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã tạo động lực cho ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, nhiều tàu vỏ thép dừng hoạt động, nhiều tàu không bảo dưỡng, không đăng kiểm trở lại khi đến hạn, nợ xấu, nợ quá hạn gia tăng. Đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân của tình trạng, đề nghị Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng nêu rõ giải pháp nào để các ngân hàng thu được nợ, tránh trục lợi chính sách.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho hay hiện nay tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67 khoảng 10.500 tỷ đồng và nợ xấu hiện nay là 33%.
Từ cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động báo cáo Thủ tướng có chỉ đạo các bộ, ngành, cùng với các địa phương liên quan để triển khai các biện pháp.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong thẩm quyền của mình tiến hành các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ưu tiên tập trung thu nợ gốc trước và nợ lãi sau, thực hiện cơ chế hỗ trợ để chuyển đổi chủ tàu.
Tuy nhiên, trước những diễn biến tình hình nợ xấu còn tiếp tục phát sinh, cuối tháng 10/2019, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo các bộ, ngành, trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tới đây sẽ phải tham mưu cho Chính phủ để phối hợp với các địa phương rà soát lại quy hoạch phát triển tàu cá gắn với nguồn lợi thủy sản, các nhóm nghề và ngư trường khai thác, hướng dẫn ngư dân và các địa phương để tổ chức lại sản xuất, hoạt động khai thác một cách hiệu quả và bền vững hơn.
Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng đã có từ cuối năm 2018. Trong đó, tập trung phối hợp với ngành ngân hàng để rà soát các trường hợp. Những trường hợp bất khả kháng thì tiếp tục hỗ trợ để cùng với ngành ngân hàng cơ cấu lại nợ. Những trường hợp khác có biểu hiện ỷ lại, chây ỳ thì cũng phối hợp với ngành ngân hàng để tiến hành thu hồi nợ.
"Đối với ngành ngân hàng, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu. Đặc biệt, có các giải pháp để xử lý chênh lệch giữa giá trị thực tế của tàu được định giá lại và dư nợ của chủ tàu cũ ở thời điểm bàn giao. Hướng dẫn bổ sung các giải pháp để hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu mới khi nhận lại toàn bộ khoản nợ vay, bao gồm cả nợ quá hạn và nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Các giải pháp này đòi hỏi các bộ, ngành, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố và ngành ngân hàng sẽ phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới để triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng phát biểu./.
Nguyễn Hoàng
Theo Baochinhphu.vn
Công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 Nhằm cung cấp những thông tin về dự toán ngân sách Nhà nước cho người dân một cách dễ hiểu và đơn giản nhất, Bộ Tài chính vừa công bố "Báo cáo ngân sách dành cho công dân về Dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020 trình Quốc hội". Trong báo cáo, Bộ Tài chính đề ra mục tiêu NSNN năm...