Hình ảnh vụ ẩu đả trong sân bóng ở Indonesia khiến 127 người thiệt mạng
Bạo lực đã bùng phát ngay sau khi đội chủ nhà Arema bị thua đối thủ Persebaya Surabaya, buộc cảnh sát phải bắn đạn hơi cay về phía khán đài.
Tờ Guardian đưa tin ít nhất 120 người đã thiệt mạng vào tối 1/10 sau khi một trận thi đấu bóng đá ở giải Vô địch Quốc gia Indonesia hóa thành vụ bạo lực đẫm máu. Trong khi đó, báo DW dẫn nguồn cảnh sát địa phương cho biết số nạn nhân thiệt mạng đã lên đến 127 người.
Những người ủng hộ câu lạc bộ Java Arema và Persebaya Surabaya đã lao vào ẩu đả khi Arema bị đánh bại với kết quả thua 3-2 ngay trên sân nhà ở Malang Regency, Đông Java.
Người đứng đầu cơ quan y tế Malang Regency, Wiyanto Wijoyo cho biết hơn 120 người đã chết. Các quan chức vẫn đang đối chiếu số người bị thương.
“Hơn 120 người đã chết. Họ chết vì hỗn loạn, đông đúc, giẫm đạp và ngạt thở”, ông Wiyanto xác nhận. Ông nói thêm rằng tổng số nạn nhân bị thương phải trên 100 người và đã được chuyển đến các bệnh viện địa phương khác nhau.
Các vụ ẩu đả nổ ra khi hàng nghìn người hâm mộ Arema lao vào sân sau khi đội của họ thua cuộc. Các cầu thủ Persebaya ngay lập tức rời sân, nhưng một số cầu thủ Arema vẫn còn trên sân cũng bị tấn công.
Các báo cáo cho biết sau khi cảnh sát bắn hơi cay về phía khán đài đông đúc, các khán giả tại sân vận động Kanjuruhan đã hoảng loạn bỏ chạy và giẫm đạp lên nhau.
Giải đấu của Indonesia đã bị đình chỉ trong một tuần vì sự cố chết người. Các quan chức tuyên bố vụ bạo lực đã khiến một số người thiệt mạng, nhưng số nạn nhân chưa thể xác định rõ.
Ông Akhmad Hadian Lukita, chủ tịch giải bóng đá Liga Indonesia Baru, cho biết: “Chúng tôi lo ngại và vô cùng lấy làm tiếc về sự cố này. Chúng tôi xin chia buồn và hy vọng đây sẽ là một bài học quý giá cho tất cả mọi người”.
Hiệp hội bóng đá Indonesia (PSSI) sẽ mở một cuộc điều tra về những gì đã xảy ra sau trận đấu. Cả Liên đoàn Bóng đá (FA) và phía ban tổ chức đều không chính thức xác nhận con số thương vong.
Lạm phát len lỏi vào cuộc sống của những người nghèo nhất ở Indonesia
Lạm phát sau đợt tăng giá nhiên liệu gần đây đã đẩy một số hộ gia đình nghèo ở Indonsesia rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn bao giờ hết.
Họ phải lựa chọn giữa việc dành tiền mua thực phẩm cho gia đình hay chi trả học phí cho con cái.
Ông I Made Nuka (giữa) và hai con trai. Ảnh: SCMP
Mua thực phẩm hay cho con đến trường
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, I Made Nuka đã phải giằng xé lựa chọn giữa việc dùng số tiền ít ỏi mà ông kiếm được cho con trai đi học hay mua thức ăn nuôi sống gia đình. Cuối cùng, ông đã buộc phải lựa chọn phương án thứ hai.
Ông Made là công nhân xây dựng sống tại một ngôi làng ở hòn đảo du lịch Bali nổi tiếng của Indonesia. Con trai cả của ông, I Putu Agus Buda Astrawan, đã tốt nghiệp trung học phổ thông 2 năm trước, nhưng chàng trai 21 tuổi không thể tìm việc làm vì gia đình còn nợ khoản nợ học phí 10 triệu rupiah. Do đó, Putu vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận tốt nghiệp.
Khi công việc thuận lợi, ông Made có thể kiếm được 2,1 triệu rupiah/tháng - đủ để nuôi gia đình ăn ba bữa một ngày. Các bữa ăn thường có cơm với tempeh (món ăn truyền thống làm từ đậu nành lên men), đậu và rau. Ông nói: "Thịt vẫn là một thứ xa xỉ đối với gia đình tôi".
Gia đình ông Made sống trong một ngôi nhà nhỏ tồi tàn, chỉ một nửa ở được vì mái nhà đã sập một phần. Made chưa tốt nghiệp trung học phổ thông. Người đàn ông chia sẻ ông rất buồn khi người con út 12 tuổi của mình - I Kadek Ardita Yana Wiradana - cũng có thể phải đối mặt với số phận tương tự.
"Tôi cảm thấy mình là một người bố thất bại. Nếu có đủ khả năng, tôi sẽ cho cháu đi học đến lớp 12, nhưng tôi có thể làm gì khác? Tôi chỉ có thể đủ khả năng chi trả cho con học tiểu học", ông nói.
I Made Nuka và gia đình ông sống trong một ngôi nhà xiêu vẹo, một phần mái nhà đã bị sập. Ảnh: Resty Woro Yuniar
Để Ardita học hết cấp 3, ông Made sẽ cần khoảng 1,1 triệu rupiah để mua đồng phục và sách vở cho con trai. Nhưng kể từ khi giá nhiên liệu tăng vọt trong tháng này, ông thậm chí còn không còn đủ khả năng đổ xăng cho chiếc xe máy cũ của mình. Không có nhiên liệu cho phương tiện duy nhất trong gia đình, ông cũng không thể đi tìm việc làm.
Gia đình Made buộc phải "thắt lưng buộc bụng" vì lạm phát đã tác động đến giá thực phẩm thiết yếu - đặc biệt là dầu ăn. Thậm chí, Made cho biết hiện ông chỉ có thể mua được một lượng hạn chế. Lạm phát ở Indonesia đang ở mức 4,69% vào tháng trước, giảm nhẹ so với mức 4,94% trong tháng 7 - mức cao nhất trong bảy năm qua.
"Nếu không xin được việc làm, tôi phải vay bạn bè hoặc hợp tác xã. Nhưng 2 tháng trước, tôi đã vay 600.000 rupiah từ hợp tác xã, và tôi vẫn còn nợ bạn bè 3 triệu rupiah", ông nói.
Putu, con trai cả của ông Made, người được giao nhiệm vụ nấu ăn cho gia đình, cho biết giá dầu ăn tại cửa hàng địa phương hiện khoảng 12.000 rupiah/lít, giảm so với 20.000 rupiah /lít vài tháng trước. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn 8.000 rupiah/lít vào năm ngoái.
Cách nhà ông Made khoảng 10 phút lái xe, cô Ni Luh Sudiasih, cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Người mẹ ba con làm nghề bán Canang sari, lễ vật gồm hoa, bánh kẹo, thường được người Bali dùng để dâng cúng ở quanh các ngôi đền nhỏ trên đảo. Cô Ni Luh đã phải vật lộn để mua thức ăn trong bối cảnh giá cả tăng cao. Người phụ nữ cho biết cô đã bắt đầu hái rau trong vườn nhà hàng xóm. Chồng Ni Luh đã mất việc làm kể từ khi anh bị mất thị lực cách đây 6 năm, khiến cô trở thành trụ cột duy nhất trong gia đình.
Ni Luh Sudiasih (thứ ba từ trái sang) buộc phải đi mót rau trong vườn nhà hàng xóm để có thức ăn cho 3 con. Ảnh: Resty Woro Yuniar
"Tôi thực sự cảm nhận rõ tác động của lạm phát. Trước đây gạo chỉ có giá 10.000 rupiah/kg, nhưng bây giờ là 12.000 rupiah/ kg. Bữa cơm trưa của gia đình tôi chỉ có cơm với tempeh, đậu phụ và rau. Nếu tôi không có tiền để mua các món phụ, tôi chỉ rang cơm thôi", cô Ni Luh, người kiếm được khoảng 35.000 rupiah/ngày từ việc bán hoa Canang, cho biết.
Vòng luẩn quẩn đói nghèo
Jakarta đã phân bổ 24,17 nghìn tỷ rupiah trong các đợt hỗ trợ hơn 20 triệu gia đình nghèo nhất của đất nước vượt qua làn sóng lạm phát cùng giá nhiên liệu gia tăng.
Các gia đình đủ điều kiện sẽ nhận được hỗ trợ thông qua Chương trình Family Hope của Chính phủ và mỗi gia đình sẽ được cấp thêm 600.000 rupiah tiền mặt. Gia đình của ông Made cũng nằm trong số đó. Ông đã nhận hỗ trợ trong gói chăm sóc xã hội - bao gồm gạo, dầu ăn và các thực phẩm cơ bản khác - trong đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Made cho biết gia đình ông vẫn chưa nhận được trợ cấp tiền mặt. Đây là minh chứng cho thấy những bất cập còn tồn tại trong việc quản lý các dự án trợ giúp xã hội của nước này. Ni Luh nói rằng cô không còn nhận được các gói viện trợ vào năm ngoái. Con cái của họ cũng không nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ Chương trình Smart Indonesia - chương trình trợ giúp xã hội và hỗ trợ học phí được tung ra vào năm 2008, nhằm giải quyết tỷ lệ nhập học thấp và giảm học sinh nghèo bỏ học.
Dầu ăn bày bán tại một khu chợ ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AP
Ông Retno Listyarti, uỷ viên Ủy ban Quốc gia về Bảo vệ Trẻ em, cho rằng Chính phủ nên cải tiến cơ sở dữ liệu cho Chương trình Smart Indonesia. Trong năm nay, chương trình đã phân bổ 9,6 nghìn tỷ rupiah để giúp đỡ khoảng 17,9 triệu học sinh đủ điều kiện.
"Tôi dự đoán rằng số học sinh có nguy cơ bỏ học đang tăng lên sau khi giá nhiên liệu tăng. Tiền trợ cấp từ Chương trình Smart Indonesia có thể được sử dụng để chi trả cho phương tiện đi lại. Trong một số hoàn cảnh, nhà trường đã miễn học phí cho học sinh nhưng địa điểm trường học lại quá xa nhà các em", ông Retno nói. Ông cho rằng nếu nhiều trẻ em bỏ học hơn, điều đó sẽ cản trở mục tiêu xoá bỏ đói nghèo của Chính phủ và khiến tảo hôn gia tăng.
Ông giải thích khi tình trạng này tiếp tục xảy ra, nó sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn đói nghèo, vì các bậc cha mẹ chỉ tốt nghiệp tiểu học sẽ khó nuôi con học cao hơn.
Nhưng không phải tất cả hy vọng đều tan biến đối với gia đình cô Ni Luh và ông Made, nhờ hỗ trợ của Bali Children's Project - tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ trẻ em Bali thoát nghèo thông qua giáo dục. Tổ chức đang chi trả học phí cho 584 trẻ - bao gồm cả con của Ni Luh và Made, tăng từ 474 em hồi năm 2020. Theo giám đốc tài trợ chương trình Anastasia Restu Rahayu, dự án cũng đã chứng kiến số lượng trẻ em trong danh sách chờ tăng kể từ khi giá nhiên liệu tăng.
Song Rahayu cho biết nhiều học sinh, sinh viên, đặc biệt là các em muốn học tập tại trường nghề, đang phải vất vả mua xăng để đến các trung tâm giáo dục, đặc biệt là những em xa nhà.
"Một trong những học sinh của chúng tôi đã phải từ bỏ ước mơ đi học nghề vì cha mẹ các em không còn đủ khả năng mua nhiên liệu. Họ không thể đến trung tâm", Rahayu nói.
Nông dân châu Á nỗ lực tăng sản lượng dầu cọ trong khi thiếu hụt hạt giống Trong bối cảnh nông dân trên khắp châu Á đang bận rộn trồng cây cọ dầu để thúc đẩy sản xuất dầu cọ, các vườn ươm lại đang chật vật để đáp ứng nhu cầu về hạt giống. Công nhân thu hoạch dầu cọ tại Pelalawan, tỉnh Riau, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN Theo giới chức nông nghiệp, tình trạng thiếu hụt hạt giống có...