Hiệp hội Ngân hàng tăng cường lan toả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngân hàng là một trong những ngành tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do dịch, khôi phục sản xuất kinh doanh. Để các chủ trương hỗ trợ đúng đắn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đi vào cuộc sống, có vai trò không nhỏ của Hiệp hội Ngân hàng cũng như sự phối hợp của toàn hệ thống.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng. Ảnh:VGP.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng đã có cuộc trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ xung quanh vấn đề này.
Hiệp hội Ngân hàng đánh giá như thế nào về mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động kinh doanh của hệ thống các tổ chức tín dụng ( TCTD ) từ đầu năm đến nay, thưa ông?
Ông Nguyễn Toàn Thắng: Đại dịch COVID-19 có tác động mạnh và sâu rộng đến kinh tế toàn cầu, không loại trừ bất cứ quốc gia nào. Nền kinh tế nước ta với độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, nên chịu tác động trực tiếp như nhiều nền kinh tế đang phát triển khác. Đối với hệ thống các TCTD, ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động kinh doanh từ đầu năm đến nay.
Điều này thể hiện trên mấy điểm chính, đó là tăng trưởng tín dụng mất đà và sụt giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2019 do hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN nhìn về tổng thể bị đình trệ hoặc thu hẹp quy mô; mức độ vay tiêu dùng của người dân cũng giảm.
Kết quả kinh doanh của các TCTD đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước cả về doanh thu và lợi nhuận. Dù vậy, các TCTD vẫn hỗ trợ DN và người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh bằng các biện pháp cụ thể như: giảm lãi suất, giảm phí dịch vụ, thực hiện các biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội…
Do tình hình khó khăn nợ xấu có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến mục tiêu đưa tổng nợ xấu của toàn ngành về dưới 2% như kế hoạch đã đề ra.
Video đang HOT
Điểm đáng khích lệ là trong bối cảnh khó khăn đó, các TCTD đã thích ứng khá nhanh, coi đây là áp lực để tập trung đầu tư nâng cấp công nghệ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và cung ứng các dịch vụ trực tuyến mới, thuận tiện hơn cho khác hàng. Nhờ vậy, thanh toán trực tuyến và các dịch vụ ngân hàng trực tuyến khác, nhất là qua internet và qua điện thoại di động tăng trưởng mạnh hơn khi chưa có dịch.
Hiệp hội Ngân hàng đã hướng dẫn các thành viên như thế nào trong thực hiện Thông tư 01/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước vừa bảo đảm hỗ trợ DN đi đôi với duy trì hiệu quả hoạt động kinh doanh, nhất là khi dịch quay lại lần 2?
Ông Nguyễn Toàn Thắng: Ngay khi Thông tư 01/TT-NHNN được ban hành, Hiệp hội Ngân hàng đã đồng hành với các tổ chức hội viên khẩn trương và tích cực triển khai bằng nhiều chương trình, biện pháp hỗ trợ khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi, phí, tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận tín dụng, các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội, hỗ trợ lực lượng y tế, vũ trang và nhân dân ở các vùng bùng phát dịch bệnh…
Chúng tôi đã đề nghị các tổ chức hội viên (các TCTD) nâng cao tính kịp thời, hiệu quả của các gói hỗ trợ cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khẩn trương hoàn thiện quy chế, quy trình nội bộ, làm rõ các tiêu chí và đối tượng khách hàng cần hỗ trợ, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ; phối hợp tốt giữa các TCTD, các cơ quan, ban ngành và các hiệp hội ngành hàng trên địa bàn nắm chắc tình hình, bảo đảm sự thống nhất trong thực thi chính sách hỗ trợ để đạt được hiệu quả cao nhất; xem xét điều chỉnh kế hoạch và phương thức kinh doanh cho phù hợp với sự thay đổi của môi trường, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; đồng thời có biện pháp xử lý phù hợp đối với nợ xấu gia tăng, bảo đảm an toàn hoạt động; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giúp công chúng hiểu rõ, hiểu đúng về hoạt động ngân hàng, kịp thời phản ảnh những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất, góp ý cơ chế, chính sách để Hiệp hội Ngân hàng chuyển tải đến các cơ quan quản lý, các tổ chức liên quan xem xét, giải quyết.
Trong quá trình thực hiện Thông tư 01/TT-NHNN, các TCTD gặp một số khó khăn, vướng mắc, Hiệp hội Ngân hàng đã kịp thời tổng hợp, phản ánh cho NHNN để nghiên cứu tháo gỡ.
Ngoài ra, để đồng hành và chia sẻ khó khăn với các tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với NHNN tổng hợp tình hình, có nhiều văn bản và các cuộc họp đề nghị các DN và tổ chức liên quan trong và ngoài nước giảm bớt mức phí, giảm gánh nặng chi phí tuân thủ, tạo điều kiện cho các TCTD tiếp tục giảm lãi, phí cho khách hàng.
Thủ tướng Chính phủ đang thực hiện mục tiêu kép là chống dịch nhưng cũng phải khôi phục tăng trưởng. Trong đó, để hỗ trợ DN, các TCTD sẽ phải tiếp tục giảm lãi suất, mở rộng đối tượng cho vay . Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào ?
Ông Nguyễn Toàn Thắng: Trên thực tế, từ đầu năm 2020 đến nay, thực hiện giải pháp điều hành của ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã thực hiện 3 đợt giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng với mức giảm tổng cộng lên đến 3-4%/năm. Điều này đương nhiên làm giảm chênh lệch lãi suất “đầu ra – đầu vào”, từ đó tác động đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại đều tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, điều hành của Ngân hàng Nhà nước vì lợi ích chung của nền kinh tế, lấy đó làm cơ sở để tạo thuận lợi cho DN và người dân dễ dàng hơn trong tiếp cận tín dụng, thúc đẩy phục hồi kinh tế, thực hiện mục tiêu kép Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
Lãnh đạo các ngân hàng cũng đứng trước thách thức thực hiện mục tiêu “kép” của ngân hàng (thực chất cũng là một DN), tìm cách tăng cường cung ứng tín dụng, triển khai dịch vụ ngân hàng mới, tăng cường hiệu quả quản trị nhằm cải thiện tình hình hoạt động kinh doanh của chính các ngân hàng.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có chất lượng ở mức khoảng 8-10%, Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục đồng hành với các tổ chức hội viên, phối hợp chặt chẽ với NHNN hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, tạo thuận lợi cho các TCTD tăng cho vay, nhất là đối với các đối tượng, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục đề nghị Nhà nước sớm tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối, theo tôi, đây là yêu cầu rất cấp thiết.
Chúng tôi cũng phối hợp với cơ quan quản lý tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm giảm chi phí tuân thủ cho DN nói chung và cho các ngân hàng thương mại nói riêng.
Đặc biệt, để bảo đảm ổn định hệ thống, chúng tôi đang tích cực sát cánh cùng các tổ chức hội viên thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, tháo gỡ khó trong việc xử lý tài sản để thu hồi nợ.
Hiệp hội cũng đồng hành với các tổ chức hội viên trong quá trình phát triển và ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại để cung ứng cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ mới, tiện lợi hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thay đổi của khách hàng.
Tôi tin tưởng và kỳ vọng, nhờ khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, tận dụng tốt những điều kiện thuận lợi do Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU đem lại, nền kinh tế phục hồi nhanh từ nay đến cuối năm để các TCTD có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN đề ra góp phần vào mục tiêu phục hồi kinh tế của Chính phủ.
Đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 80% thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, từ năm 2010 khi triển khai Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) đến nay, hơn 80% TTHC trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng đã được cắt giảm.
Cải cách thủ tục hành chính cũng là giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Ảnh: Internet
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, mọi cải cách thủ tục hành chính thực chất là các giải pháp nhằm tăng thêm khả năng tiếp cận tín dụng và các dịch vụ tiền tệ ngân hàng đối với doanh nghiệp và người dân trong toàn bộ quy trình, điều kiện và thủ tục vay vốn và cung ứng dịch vụ tiền tệ ngân hàng.
Quan điểm và trọng tâm trong điều hành của NHNN là điều hành chính sách tiền tệ và đẩy mạnh cải cách hành chính để bảo đảm mục tiêu kép vừa thúc đẩy sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp, phục vụ người dân, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh tích cực bền vững.
Về định hướng cải cách hành chính, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: "Hiện nay, NHNN đang tổng kết 10 năm thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời đang xây dựng kế hoạch cải cách hành chính của ngành trong 10 năm tới".
Quan điểm về cải cách trong 10 năm tới của NHNN sẽ tập trung triển khai liên tục và có hiêu quả các lĩnh vực nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường thúc đẩy đầu tư sản xuất phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh triển khai toàn diện 6 lĩnh vực cải cách hành chính, trọng tâm vào 3 trụ cột là cải cách hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa phương thức điều hành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ hai, tiếp cận, ứng dụng nhanh công nghệ hiện đại đi đôi với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đưa các sản phẩm tiện lợi, an toàn nhất cho doanh nghiệp và người dân trong các lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán.
Thứ ba, tiếp tục cải cách trong toàn ngành để tăng cường minh bạch, công khai các hoạt động tài chính, quản lý tài chính công, trong đó có lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán.
Cuối cùng, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế nói chung và hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng bằng kết quả của Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các chương trình cải cách hành chính hiện nay.
Hạ chuẩn cho vay sẽ dẫn đến nguy cơ kép, nợ xấu mới chồng nợ xấu cũ Chuẩn cho vay là điều kiện tối thiểu để bảo đảm sự an toàn và hiệu quả của hoạt động ngân hàng. Do đó, giới chuyên môn cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế xã hội, nếu hạ chuẩn vay sẽ dẫn đến nguy cơ kép cho ngành Ngân hàng: mất an toàn...