Hiến pháp mới của Tunisia có hiệu lực
Ngày 16/8, Cơ quan bầu cử độc lập Tunisia (ISIE) đã công bố kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý hôm 25/7 về Hiến pháp mới của nước này.
Cử tri bỏ phiếu về dự thảo Hiến pháp tại một địa điểm bầu cử ở Kasserine, Tunisia, ngày 25/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đó, hiến pháp mới đã đủ điều kiện để có hiệu lực sau khi được nhận được đa số phiếu ủng hộ dù tỷ lệ người đi bầu thấp, với chỉ 30,5%. Dự kiến Tổng thống Tunisia sẽ công bố kết quả cuối cùng, ban hành và công bố Hiến pháp mới trên Công báo.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Bắc Phi, Chủ tịch ISIE Farouk Bouasker cho biết 94,6% người đi bầu bỏ phiếu “Có” so với 5,4% nói “Không” với bản Hiến pháp mới. Hơn 2,8 triệu cử tri Tunisia có đủ tư cách tham gia bỏ phiếu. Ông Bouasker cũng khẳng định việc tòa án hành chính bác bỏ mọi cáo buộc nhằm quy trình trưng cầu dân ý “đã xác nhận tính liêm chính và minh bạch của ISIE”.
Tunisia đang chìm trong khủng hoảng nghiêm trọng, với tăng trưởng thấp, dưới 3%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp cao, lên tới gần 40% thanh niên, và nạn nghèo đói gia tăng, lên tới 4 triệu người. Từ nhiều tuần qua, Tunisia đã đàm phán một khoản vay mới trị giá 4 tỷ USD với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như mong muốn nhận được các khoản viện trợ nước ngoài khác, đặc biệt từ châu Âu.
Tổng thống Tunisia ra sắc lệnh tổ chức trưng cầu ý dân về hiến pháp mới
Tunisia sẽ tiến hành trưng cầu ý dân về hiến pháp mới vào ngày 25/7 tới. Đây là nội dung trong sắc lệnh được Tổng thống Tunisia Kais Saied ban hành ngày 25/5.
Tổng thống Tunisia Kais Saied. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang tin chính thức của Phủ Tổng thống Tunisia, câu hỏi duy nhất được đưa ra trong cuộc trưng cầu ý dân sẽ là: "Bạn có đồng ý với hiến pháp mới không?". Cuộc trưng cầu ý dân sẽ bắt đầu vào lúc 6h00 và kết thúc vào 22h00 ngày 25/7.
Tuần trước, Tổng thống Saied đã bổ nhiệm Giáo sư Sadok Belaid chuyên ngành luật đứng đầu một ủy ban tư vấn có trách nhiệm soạn thảo hiến pháp mới cho một "nước cộng hòa mới", qua đó loại bỏ các đảng phái chính trị khỏi quy trình tái cơ cấu hệ thống chính trị. Các đảng chủ chốt của Tunisia đã tuyên bố sẽ tẩy chay việc đơn phương điều chỉnh nền chính trị tại nước này.
Trong tuyên bố ngày 25/5, Giáo sư Belaid khẳng định vẫn sẽ triển hoạt động của ủy ban soạn thảo hiến pháp mới, bất chấp việc nhiều học giả tên tuổi đã từ chối tham gia, làm dấy lên lo ngại về việc quá trình tái cơ cấu hệ thống chính trị tại Tunisia sẽ không nhận được sự đồng thuận rộng rãi.
Tổng thống Saied đã nắm quyền hành pháp theo quy định của hiến pháp vào ngày 25/7/2021 khi sa thải Thủ tướng, đình chỉ Quốc hội Tunisia và bắt đầu cầm quyền bằng việc ban hành các sắc lệnh. Ông đã tuyên bố sẽ thay thế bản Hiến pháp năm 2014 bằng một hiến pháp mới và tổ chức bầu cử quốc hội mới vào tháng 12 tới. Những người chỉ trích cáo buộc Tổng thống Saied đã thực hiện "đảo chính hiến pháp" và gây tổn hại cho lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này khẳng định rằng những hành động của ông là hợp pháp và cần thiết nhằm đưa Tunisia thoát khỏi khủng hoảng chính trị kéo dài. Tuy nhiên, các động thái gần đây cho thấy ông nhận được sự ủng hộ lớn của người dân, trong bối cảnh người dân Tunisia thất vọng vì tham nhũng và quản lý yếu kém trong một tầng lớp chính trị do đảng Hồi giáo Ennahda cầm quyền.
Bộ Nội vụ Tunisia xác nhận âm mưu đe dọa Tổng thống K.Saied Ngày 24/6, Bộ Nội vụ Tunisia xác nhận thông tin rằng Tổng thống Kais Saied vừa đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và sự an toàn. Tổng thống Tunisia Kais Saied phát biểu trong cuộc họp nội các ở thủ đô Tunis, ngày 13/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN Phát biểu họp báo, người phát ngôn Bộ Nội vụ Tunisia...